Từ cú hích
trường lớp
đến ổn định
cơ cấu

Việc tổ chức, sắp xếp lại trường, lớp không chỉ giúp tận dụng tốt nhất cơ sở vật chất, tạo thuận lợi cho học sinh đến trường, mà còn là một trong những giải pháp thiết thực cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Từ năm 2016, tỉnh Yên Bái đã triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn, góp phần bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Thanh Bình, trước là hiệu trưởng Trường tiểu học Trúc Lâu, nay được điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Động Quan, huyện Lục Yên. Mặc dù đang làm hiệu trưởng nhưng sau đó trong quá trình dồn dịch, sắp xếp, chuyển làm phó hiệu trưởng, cô Bình vui vẻ nhận và thực hiện tốt nhiệm vụ mới. Cô chia sẻ, ở trường mới, có 27 lớp, với 787 học sinh. Học sinh của trường là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, cho nên việc huy động ra lớp gặp khó khăn. Trước thực tế này, Ban Giám hiệu thường xuyên phân công nhau xuống các khu lẻ để duy trì sĩ số ra lớp, xây dựng trường học hạnh phúc. Các hoạt động dạy học của trường luôn được bảo đảm với sự nỗ lực không ngừng của mỗi thầy, cô giáo cho nên tỷ lệ ra lớp của học sinh đạt hơn 99%.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, những thầy, cô giáo như cô Nguyễn Thị Thanh Bình không phải là hiếm. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, từ năm 2016, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành nghị quyết sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Việc thực hiện sắp xếp lại, trong đó có việc xóa điểm trường lẻ vốn gắn với mỗi bản làng, hay sáp nhập một số trường học vào với nhau cũng gây nên những ý kiến, những tâm tư với đội ngũ nhà giáo cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, ngành giáo dục tỉnh tổ chức nhiều buổi làm việc và các hội nghị để hướng dẫn xây dựng, rà soát việc thực hiện sắp xếp trường, lớp từ cấp xã đến cấp tỉnh, bảo đảm về kế hoạch thời gian của từng địa phương và yêu cầu của việc sắp xếp quy mô, mạng lưới. Hằng năm, các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh đều phối hợp rà soát các trường, các điểm trường phải thực hiện sáp nhập trong lộ trình, bàn các giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả và đúng thời gian.
Đáng chú ý, trong sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, việc cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên là vấn đề không dễ dàng. Vì vậy, các quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động đội ngũ được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ các quy trình sáp nhập trường, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công tác bố trí, sắp xếp lại đội ngũ được cấp ủy, chính quyền các địa phương và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc, tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ; quan tâm làm tốt công tác tư tưởng cho số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc diện phải sắp xếp lại.

Thầy giáo Bùi Đức Trọng, Trường tiểu học và THCS Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) hướng dẫn học sinh trong giờ lịch sử. Ảnh: TS
Thầy giáo Bùi Đức Trọng, Trường tiểu học và THCS Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) hướng dẫn học sinh trong giờ lịch sử. Ảnh: TS
Sau khi sắp xếp lại các trường, hằng năm các đơn vị tiếp tục sắp xếp lại đội ngũ khi xóa các điểm lẻ, sắp xếp lại các lớp theo lộ trình. Trước khi thực hiện đề án, toàn tỉnh có 530 trường, 765 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn, bản, khu dân cư. Đến nay, đã sắp xếp giảm 130 trường và 478 điểm trường, giảm nhu cầu 1.985 người làm việc, số học sinh ra lớp tăng 20.482 học sinh. Đặc biệt có hơn 10.000 học sinh ở bán trú được hưởng chính sách theo Nghị định 116 của Chính phủ, qua đó giảm bớt khó khăn cho hàng chục nghìn gia đình dân tộc thiểu số. Về đội ngũ nhà giáo, Yên Bái đã sắp xếp lại 970 người, trong số 270 cán bộ quản lý, thì 122 hiệu trưởng miễn nhiệm làm phó hiệu trưởng; 124 người miễn nhiệm làm giáo viên (gồm 9 hiệu trưởng, 115 phó hiệu trưởng); 12 hiệu trưởng, 12 phó hiệu trưởng chờ nghỉ hưu. Với giáo viên đã điều động 212 người, chờ nghỉ hưu hai người; 176 giáo viên cử đi đào tạo, bồi dưỡng phân công giảng dạy mầm non, bồi dưỡng kiêm nhiệm nhân viên thiết bị, thư viện và bố trí kiêm nhiệm nhân viên khác. Hiện nay, ngành giáo dục Yên Bái đang tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên cơ sở kế thừa những kết quả của Đề án giai đoạn 2016 - 2020, gắn với kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, cũng không phải quá trình dồn dịch, sắp xếp đều trơn tru mà vẫn cần có những vấn đề cần điều chỉnh, để quá trình sắp xếp hiệu quả hơn, nguồn lực đội ngũ giáo viên được sử dụng tốt hơn. Thầy giáo Bùi Đức Trọng, từ Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Phong Dụ được chuyển đến làm Phó hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Đông Cuông, huyện Văn Yên từ giữa tháng 9/2021, chia sẻ: Trường được dồn dịch, sáp nhập với tổng số có 33 lớp, hơn 1.200 học sinh, phân tán tại ba khu lẻ, việc quản lý có phần khập khiễng. Bởi khi thực hiện đề án của tỉnh, thì ba cấp: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được sáp nhập làm một, trong khi địa điểm phân tán, cách quản lý học sinh tiểu học, THCS và trẻ mầm non khác nhau. Vì vậy, thầy Trọng kiến nghị cần tách giáo dục mầm non ra khỏi khối tiểu học và THCS để thành trường riêng do bậc học này có nhiều đặc thù. Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên, Lưu Quang Lợi cho hay, theo quy mô thực hiện năm học 2021-2022, còn thiếu 103 giáo viên. Vì vậy, để giáo dục vùng cao vươn xa, rất cần một chính sách cụ thể, phù hợp thực tế vùng dân tộc thiểu số, không vì thành tích mà ảnh hưởng đến chất lượng phổ cập giáo dục.
Có thể nói, việc sáp nhập, dồn dịch, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học của Yên Bái dù vẫn cần có một vài điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả của quá trình sắp xếp mang lại nhiều kết quả thiết thực về quy mô, nguồn lực và tạo một “cú hích” trong cơ cấu đội ngũ giáo viên. Việc dồn dịch, sáp nhập đáp ứng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về đổi mới sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả và Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Đào Anh Tuấn cho hay, quan điểm của ngành là tiếp tục rà soát, đề xuất chỉ tiêu, cơ cấu tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục năm 2021. Ngành giáo dục Yên Bái tiếp tục đề xuất với HĐND tỉnh, sớm ban hành các nghị quyết phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho việc dạy và học ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, hướng tới các học sinh đều được đến trường, xây dựng trường học hạnh phúc.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Mạnh Xuân - Thúy Quỳnh - Giang Sơn -
Thanh Sơn - Xuân Kỳ - Tùng Duy
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Thúy Quỳnh, Trần Hoàn, TH, TS, Xuân Kỳ