70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dương cầm tờ quyết định chuyển công tác sang Cục Xúc tiến của tỉnh với một tâm trạng khó tả. Ngược với tâm lý chung của nhiều người, Dương không thấy vui. Suốt hai năm tiếp theo, chị tìm mọi cách để được chuyển về làm hướng dẫn viên tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là một khoảng thời gian đằng đẵng với Dương

“Hai năm đó với em là quá dài”

Chị Nguyễn Thùy Dương (SN 1986) bắt đầu làm hướng dẫn viên tại Bảo tàng từ năm 2017. Chị là cháu ngoại của chiến sĩ Điện Biên Phủ Nguyễn Minh Xuân (SN 1929), thuộc Đại đoàn 316, đánh trong trận đồi A1.

“Ông tôi là chiến sĩ Điện Biên” là câu chuyện kể về thế hệ thứ ba - những người sinh ra và lớn lên cùng các nhân chứng sống của lịch sử. Chính trải nghiệm này đã ảnh hưởng lên cách họ trưởng thành và gắn bó với gia đình, dân tộc, đất nước.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Dương đã nhiều lần từ chối các cơ hội tốt hơn để được làm một hướng dẫn viên trong Bảo tàng, được “thao thao, bất tuyệt” về những điều đã diễn ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng là những điều ông ngoại chị đã từng trải qua. Chị muốn được gắn bó với đất nước bằng lịch sử.

Cuộc gặp gỡ của hai thế hệ

7 giờ sáng, chị Dương mở cửa Bảo tàng. Cuối tháng 4, Điện Biên vào mùa nắng gắt, hơi nóng bắt đầu ngột ngạt. Nhưng hơn 100 người đã xếp hàng chờ đợi trong sân Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Màu áo lính phủ xanh màu gạch đá. Họ là những cựu chiến binh đến từ Bắc Ninh.

Mở cửa vào 5/5/2014, Bảo tàng đã trưng bày gần 1000 tài liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954 – 7/5/1954). Hơn cả một không gian trưng bày, Bảo tàng còn là nơi trở về của hàng nghìn cựu chiến binh bước ra từ nhiều cuộc chiến lớn.

Sáng nay, Bảo tàng cũng có một cựu chiến Điện Biên Phủ. Ông tên Trần Đình Đường (SN 1933), là 1 trong 140 chiến Điện Biên Phủ còn sống tại địa phương. Tai ông Đường đã lãng, ai hỏi gì, chị Dương cũng phải “dịch lại” với âm lượng to hơn và câu ngắn gọn hơn. “A cháu ông Xuân đây rồi. Đến bảo tàng là tìm nó” – Dương mừng rỡ tả lại giọng điệu của ông Đường.

Lần nào tới Bảo tàng, ông Đường cũng tìm “cháu ông Xuân”. Lần nào nhìn thấy “đồng đội của ông ngoại”, chị Dương cũng sắp xếp để đi cùng. Hai ông cùng chiến đấu tại đồi A1, ông Đường là chiến thông tin, còn ông ngoại chị Dương là lính bộ binh. Một người 21 tuổi, quê Nam Định. Một người 25 tuổi, quê Nghệ An. Hai người cùng lên Điện Biên đánh giặc. 60 năm sau, ngay tại căn nhà nhỏ của mình dưới chân đồi A1, ông Đường mới gặp chị Dương: “Ôi dồi ôi, ông mày thì tao biết chứ? Nhà mày ngày xưa ở ngoài kia ý gì”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện chỉ còn 140 chiến sĩ Điện Biên Phủ sống tại địa phương.
Phần lớn họ đều là những người đến từ địa phương khác. Họ ở lại Điện Biên sau khi chiến dịch giành thắng lợi để xây dựng, kiến thiết đất nước.
Dương là người cháu đầu tiên của chiến sĩ Điện Biên Phủ Nguyễn Minh Xuân.

Ông tôi là chiến Điện Biên

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chiến Nguyễn Minh Xuân, Đại đoàn 316 không quay trở về quê hương mà ở lại chiến trường, xây dựng cuộc sống mới. Anh nhận việc tại một cửa hàng lương thực.

Sau khi miền Bắc giành độc lập, anh lập gia đình và có thế hệ thứ hai. Khi đất nước thống nhất hai miền, gia đình ông đón thế hệ thứ ba. Chị Dương, sinh năm 1986, là đứa cháu đầu tiên trong nhà.

Do phải công tác xa ở huyện, bố mẹ gửi Dương về ở với ông bà trong thành phố. Lúc đó Dương mới 5 tuổi. Như mọi đứa trẻ háu chuyện khác, Dương thích rúc vào lòng ông ngủ: “Hồi bé, hay được ông kể cho nhiều chuyện về chiến tranh lắm”.

“Ông Khốt”

Cả nhà hay gọi trêu ông Xuân bằng cái tên “ông Khốt”.

Khốt-tơ-bít (Khottabych) là một nhân vật trong truyện cổ tích hiện đại viết cho thiếu nhi của nhà văn Liên Xô Lazar Lagin. Tên nhân vật này đã đi vào vốn từ tiếng Việt với từ lóng "cụ Khốt" hay "lão Khốt", ám chỉ những người khó tính. 

Còn gia đình chị Dương có một ông “Khốt” không bao giờ mang gạo nước về cho vợ con. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông Xuân được giao làm cửa hàng trưởng, trực tiếp phân phối lương lực. “Nhất lương, nhì giống. Dù ở nhà vợ con hết gạo, ông cũng nhất định “không” – Dương kể: “Ai cũng bảo ông Khốt lắm. Không có chuyện tơ hào của Nhà nước đâu. Ông rất khó tính, chẳng nói nhiều nhưng rất thương con cháu”.

Hai năm sau, bố mẹ chị Dương chuyển công tác về thành phố. Cả nhà mua được một mảnh đất nhỏ. Dương về nhà ở với bố mẹ và thỉnh thoảng mới sang thăm ông. Thấy chị đứng huýt sáo, ông “Khốt” lại nguýt: “Mày là con gái mà cứ huýt sáo thì ma nó lấy mày”. 

Năm chị 28 tuổi, ông “Khốt” qua đời. Lúc ấy Dương đã lập gia đình và có đứa con đầu lòng.

Thế hệ thứ ba

“Ông là người yêu thương chị nhất quan tâm đến nhiều nhất trong gia đình” – Hơn hai mươi năm sau khi ông mất, Chị Dương bật khóc nức nở trong buổi dẫn khách tham quan bức Panorama – Chiến thắng Điện Biên Phủ.

-    Tại sao chị lại chọn nghề này?

-    Yêu nghề đấy.

Năm 2017, chị Dương đang làm tại thư viện thì Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tuyển thêm hướng dẫn viên. Chị kiên quyết chuyển việc: “Vì mình rất yêu lịch sử và mình có ông là chiến sĩ Điện Biên”.

Thi tuyển thành công, chị chính thức được làm hướng dẫn viên. Công việc chính của Dương hàng ngày là đón tiếp các đoàn khách, giới thiệu về Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, thiết kế các chương trình ngoại khóa lưu động,… “Có những ngày nói khản cả giọng, phải ngậm mật ong với chanh suốt, nhưng mình vui lắm” – chị Dương nói.

Nghĩ về công việc mình làm, về gia đình mình có,… tất cả đều được buộc với nhau bằng một sợi dây lịch sử. Chị Dương rất hạnh phúc.

Tuy nhiên niềm vui này chỉ kéo dài được 1 năm rồi bị đứt quãng. Vì thể hiện năng lực tốt, Dương được điều chuyển sang làm việc tại bộ phận xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh. Với rất nhiều người, đây là một tin mừng. Công việc, thu nhập và các mối quan hệ đều có thêm nhiều cơ hội phát triển nhưng Dương không thấy vui. Hai năm với công việc mới, chị không tìm thấy mình. Dương tìm mọi cách và tha thiết xin được về lại về Bảo tàng. Nhiều người khuyên cản: Tuổi nghề ngắn ngủi sẽ là thách thức rất lớn với phụ nữ. Dương chỉ trả lời: “Em muốn làm hướng dẫn viên cho đến bao giờ em không làm được nữa thì thôi”.

Cuối cùng, trước sự tha thiết và kiên quyết của chị, lãnh đạo đồng ý để Dương trở lại làm việc tại Bảo tàng. Tới nay, Dương đã làm hướng dẫn viên được 7 năm.

Trong suốt những năm tháng đó, cựu chiến binh là những vị khách Dương đặc biệt yêu thích: “Các bác biết nhiều nên sẽ hỏi nhiều. Nên mấy bạn dẫn mới trẻ thì hay lo nhưng mà mình thì đặc biệt thích” – Dương vui vẻ nói.

Đi với những nhân chứng sống, chị được nói những điều họ có thể chưa biết hoặc gợi lại một khoảng ký ức mà họ đã quên. Ở chiều ngược lại, Dương được học lại những chuyện mình chưa được kể. Các cựu chiến binh là những đối tượng rất khác so với người bình thường. Họ mang trong mình tâm lý của những người đã từng một lần tham chiến. Do đó, trong mắt Dương, tình yêu nước của họ rất rõ và rất khác. Trải nghiệm này đem đến hiểu biết và cảm xúc cho chị. “Nếu không làm ở đây, có lẽ mình đã không được biết những điều này, cũng không được gặp những con người như thế” – Dương vừa nói vừa hướng dẫn một đoàn cựu chiến binh vào hàng.

Trong những buổi đi dẫn đoàn, không ít lần cả khách và người dẫn đều lặng người vì xúc động. Cũng có đôi lần khách phải dỗ lại…. hướng dẫn viên.  Tuy làm hướng dẫn viên đã rất nhiều năm, những câu chuyện về lịch sử vẫn khiến Dương không cầm được nước mắt. “Cảm xúc đó giống như là tình cảm của mỗi người con Việt Nam khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao hoặc nghe thấy giai điệu của những bài hát về tổ quốc” – giọng Dương không còn tròn trịa khi nghe nhắc về câu chuyện của bác sỹ Vũ Đình Tụng.

Mùa đông năm 1946, trong tiết trời rất lạnh, bác sỹ Vũ Đình Tụng tiếp nhận ca mổ cuối ngày. Một chàng vệ quốc quân rơi vào tình trạng rất nguy kịch: Một đường đạn từ sau lưng, phá ra phía trước, bụng bể ruột gan rối bời lòi ra, khuôn mặt biến dạng. Trong khi thực hiện ca phẫu thuật, chàng thanh niên đã nở một nụ cười, lộ ra một chiếc răng khểnh. Nụ cười đó khiến bác sỹ Vũ Đình Tụng nhận ra người con thứ hai của mình – anh Vũ Vǎn Thành. Dù cố gắng cứu chữa nhưng anh Thành đã hy sinh ngay trong tối ngày hôm đó.

Đứng trước bức tranh Panorama dài 132m với 4500 nhân vật lịch sử, Dương nghĩ, có lẽ ông cũng chỉ là một chi tiết rất nhỏ bé trong bức tranh này thôi. Công việc của chị cũng thế, nhưng được sống với lịch sử, truyền đạt lịch sử của đất nước và chính ông ngoại mình tới nhiều thế khác, chị cảm thấy xúc động. Tình yêu đất nước cũng được xây dựng từ đó, không xa vời mà gần gũi, chân thành như chính tình yêu dành cho gia đình. Vậy nên, dù thế nào, chị chỉ muốn được làm một hướng dẫn viên về lịch sử “đến khi nào không làm được nữa thì thôi”.

- Nếu như ông chị còn sống thì ông sẽ nghĩ gì?
- Chị nghĩ là ông sẽ tự hào.

Nếu ông Xuân không tham gia trận Điện Biên Phủ, gia đình chị Dương có lẽ sẽ không rời Nghệ An. Mùng 7/5 hàng năm mẹ chị sẽ không làm thêm một ngày giỗ cho tất cả những người đồng đội của ông. Và có lẽ Dương sẽ trở thành giáo viên hoặc thủ thư chứ không phải hướng dẫn viên tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên.

Hơn 250.000 chiến Điện Biên Phủ đã cống hiến máu thịt, thanh xuân và cả cuộc đời họ cho tự do của dân tộc. Bước vào chiến tranh, có người mãi mãi ở lại tuổi 20, có người được trở về và già đi theo năm tháng. Ngay cả những người trở về, mỗi năm lại một ít đi. Lịch sử mất dần những nhân chứng sống.

Nhưng những trải nghiệm sống mà họ để lại vẫn còn chảy trong ký ức của con cháu, tạo ra một tinh thần Điện Biên Phủ truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, thế hệ thứ 3 là một thế hệ đặc biệt. Họ không trực tiếp trải qua nhưng biết tới chiến tranh bằng cách lớn lên cùng những nhân chứng sống. Họ được nghe về chuyện trước, trong và chứng kiến những chuyện sau một cuộc chiến. Họ chính là những gạch nối giữa lịch sử, hiện tại và tương lai...

Item 1 of 1

Bình yên Điện Biên. (ẢNH: NHẬT QUANG)

Bình yên Điện Biên. (ẢNH: NHẬT QUANG)

Ngày xuất bản: 3/5/2024
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH, VIỆT ANH
Nội dung: THI UYÊN
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: UYỂN HƯƠNG