Kết nối tấm lòng hảo tâm
với người gặp khó khăn trong mùa dịch


Ông Phạm Văn Hoàng
Sinh năm 1965
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai
Đến 15 giờ ngày 13/8, TP Long Khánh nhỏ bé thuộc tỉnh Đồng Nai có 269 người mắc Covid-19, 75 người đã ra viện, 3 người tử vong. Cả thành phố đang trong ngày thứ 34 thực hiện giãn cách. Công việc của một cán bộ Mặt trận Tổ quốc là kết nối những tấm lòng hảo tâm với những người gặp khó khăn để cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
4:00
Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, tôi thường thức dậy lúc 4 giờ sáng, sớm hơn một tiếng so với trước đây. Có nằm thêm cũng không thể chợp mắt, bởi còn bao công việc đang đợi phải sắp xếp, giải quyết xong trong ngày.
Việc đầu tiên hôm nay là tôi phải hoàn thành báo cáo kết quả vận động, phân phối hỗ trợ nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 của cơ quan trong tuần, rồi chuyển cho anh chị em góp ý, bổ sung để kịp ban hành vào đầu giờ làm việc buổi sáng.
Đồng thời, rà soát những khâu cuối cùng để tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” trong khu vực phong tỏa và chương trình “San sẻ yêu thương cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” vào ngày mai.
Cùng lúc nấu nhanh đồ ăn sáng, tôi bật tivi theo dõi thông tin diễn biến dịch bệnh.
6:30
Có mặt tại cơ quan, tôi bắt tay vào rà soát lại những hàng hóa đã tiếp nhận, phân phối tuần qua và viết Thư cảm ơn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Long Khánh gửi đến các nhà hảo tâm.
Trân trọng nghĩa cử của họ, bản thân tôi sẽ trực tiếp trao tận tay những lá thư này.
9:00
Như mọi ngày, tôi cùng anh em cơ quan chạy xe máy một vòng đến một số chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, xem có khó khăn gì không để kịp thời hỗ trợ. Lực lượng làm nhiệm vụ đã căng mình túc trực ngày đêm, mưa nắng, có những lúc giông gió cuốn hết các vật dụng, nhìn đồng chí mình mà thương vô cùng.
Tiếp tục hành trình, tôi ghé phường Xuân Lập, cùng cán bộ địa phương xuống nắm bắt tình hình cơ sở, quan tâm lập danh sách những hộ đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tế lương thực, thực phẩm.
10:00
Nhận điện thoại từ người dân muốn hỗ trợ rau xanh và chuối nhưng không có người cắt và mang đến, tôi lập tức huy động một số thanh niên xung kích đang trực ở Thành đoàn Long Khánh đến xã Suối Nho, huyện Định Quán và xã Bình Lộc, TP Long Khánh thu hái, vận chuyển về.
Tôi tính toán trong đầu, 16 tấn hàng sẽ được mang đến tặng cho bệnh viện dã chiến, khu cách ly và bà con có hoàn cảnh khó khăn ở những địa bàn đang bị phong tỏa.
Phần còn lại sẽ chia sẻ cho huyện ủy Thống Nhất và tỉnh đoàn Đồng Nai để cung cấp cho người dân.

Tặng hàng hóa cho bệnh viện dã chiến, khu cách ly và bà con có hoàn cảnh khó khăn
Tặng hàng hóa cho bệnh viện dã chiến, khu cách ly và bà con có hoàn cảnh khó khăn
12:00
Tôi về đến cổng nhà thì đã quá trưa. Kể từ lúc dịch bệnh, hầu như rất ít khi các thành viên trong nhà có dịp ăn trưa cùng nhau, vì vợ tôi công tác ở Hội Chữ thập đỏ thành phố những ngày này cũng vô cùng bận rộn.
Khi dịch bệnh tràn về, càng thấy tình làng nghĩa xóm đáng quý biết bao, có hôm thấy tôi về muộn, bác hàng xóm mang sang cho tô canh, ít cá khô để có cái ăn liền.
13:00
Nghỉ ngơi một lát, tôi mở laptop ghi chép lại những người đã đồng hành với mình trong buổi sáng. Đây là công việc không thể thiếu suốt hơn một tháng qua.
Lưu giữ những ký ức đẹp, tôi ấp ủ sau này sẽ biên tập, in thành một cuốn sách kể về những ngày ý nghĩa không thể nào quên.
14:00
Buổi chiều chính là thời gian mà tôi tất bật nhất trong ngày. Khi có mặt tại điểm tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm ở Nhà thiếu nhi thành phố, nhiều mạnh thường quân đến gửi hiện vật ủng hộ: 100 ký gạo, 100 thùng mì, 500 lít nước sát khuẩn, khẩu trang...
Hàng hóa được bốc xếp lên xe, tôi điều phối xuống từng địa điểm, phù hợp với nhu cầu thực tế đang cần, nhất là rau xanh và thực phẩm phải phân bổ ngay trong ngày, không thể để qua đêm. Có hôm, tôi chia lực lượng ra làm 5 đoàn và cùng tham gia trao quà cho người dân vùng phong tỏa.
19:00
Đang ngồi xem thời sự, bỗng cậu Đức chuyên cung cấp thiết bị điện ở trung tâm thành phố gọi điện báo: “Anh ơi, em thấy nhiều chốt kiểm soát tối thui nên muốn tặng dây, bóng đèn nhưng ngặt nỗi, đi lắp bây giờ đang trong khung giờ hạn chế nên em không thể ra đường”.
Tôi trả lời: “Được, ghé nhà đón anh rồi cùng đi”.
30 phút sau, tôi và Đức đã cùng ngồi trên xe máy, quan sát một vòng thấy mấy chốt thiếu ánh sáng vào ban đêm. Chúng tôi ưu tiên lắp thêm bóng đèn ở các chốt xa trung tâm thành phố trước, sau đó mới đến những chốt nội đô.

Tặng dây, bóng đèn cho các chốt kiểm soát đêm
Tặng dây, bóng đèn cho các chốt kiểm soát đêm
21:00
Đang đứng trên đường, cứ nghĩ đã có thể tạm gác công việc, trở về nhà nghỉ một lát thì nhận được cuộc điện thoại từ cô Nguyễn Thị Tuyết.
Mặc dù tuổi cao, đang bị bệnh nan y nhưng giờ này cô còn tìm đến văn phòng cơ quan tôi với mục đích trao tận tay 100 USD để ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Không chần chừ, tôi quay về cơ quan tiếp nhận tấm lòng của cô, một người dân phường Xuân Thanh.
22:00
Đích đến tiếp theo của tôi là cùng một số nhà hảo tâm đến gửi tặng những suất ăn khuya cho lực lượng trực chốt.
Cảm thấy trong người cũng thấm mệt nhưng tôi thấy mình còn sướng hơn đội ngũ công an, quân đội, dân quân và bảo vệ dân phố đang cắm chốt tuyến đầu.
23:00
Tôi vẫn chưa về đến nhà khi đường phố không một bóng người. Chỉ một giờ đồng hồ nữa thôi, TP Long Khánh sẽ bước sang ngày thứ 35 giãn cách xã hội. Bao nhiêu công việc đang chờ đợi tôi những ngày tiếp theo. Chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để cuộc sống trở lại bình thường...

Tổ chức sản xuất: Ngọc Thanh
Thực hiện: Hữu Việt, Hồng Minh, Lê Vân, Bông Mai, Dương Minh Anh, Phương Mai, Thiên Vương, Mạnh Hảo