PHÁO BINH TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
Sau ngày Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với các đại đoàn bộ binh, Đại đoàn công pháo 351 đã nhanh chóng hành quân lên Tây Bắc và náo nức làm công tác chuẩn bị cho chiến dịch.
Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng pháo binh của ta được huy động với mức cao nhất, gồm Trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly, Trung đoàn 675 sơn pháo 75 ly (thuộc Đại đoàn công pháo 351) và các tiểu đoàn pháo trong biên chế của các đại đoàn, trung đoàn chủ lực tham gia chiến dịch.
Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng pháo binh của ta được huy động với mức cao nhất, gồm Trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly, Trung đoàn 675 sơn pháo 75 ly (thuộc Đại đoàn công pháo 351) và các tiểu đoàn pháo trong biên chế của các đại đoàn, trung đoàn chủ lực tham gia chiến dịch.
Đêm 22-12-1953, các đơn vị pháo binh hành quân lên Điện Biên với tinh thần: "Tới đích đúng thời gian, bảo đảm an toàn người, xe, pháo và khí tài, bí mật tuyệt đối".
Đường hành quân ra trận dài trên 500km, phần lớn là đường quân sự làm gấp, lại phải vượt qua nhiều trọng điểm thường xuyên bị máy bay địch đánh phá (Lũng Lô, Bản Chẹn, Cò Nòi...).
Nhưng, với quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ và sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng bảo đảm, sau 18 ngày đêm, các đơn vị pháo binh đã đến vị trí tập kết ở Tuần Giáo an toàn, bí mật, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ hành quân.
Lúc đầu, để thực hiện phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", lực lượng pháo binh được lệnh nhanh chóng hành quân chiếm lĩnh trận địa. Nhằm giữ yếu tố bí mật, bất ngờ và bảo đảm an toàn, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thành lập Bộ Chỉ huy kéo pháo do Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 chỉ huy và dùng sức người kéo pháo vào trận địa.
Để kéo một khẩu pháo 105 ly nặng gần hai tấn, vượt qua núi cao, vực sâu (có những đoạn đường có độ dốc 40° - 50°) phải dùng cả trăm người kết hợp với tời quay mới có thể đưa pháo nhích lên từng mét.
Khó khăn là vậy, nhưng khi một số đơn vị đã vào tới trận địa thì được lệnh kéo pháo ra, bố trí sắp xếp lại trận địa, thực hiện theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc".
Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra lại càng khó hơn gấp bội. Thế nhưng, nhờ kịp thời làm tốt tư tưởng cho bộ đội và coi đây là nhiệm vụ chiến đấu, nên toàn bộ số pháo được kéo ra đúng quy định, bảo đảm an toàn.
Trên đường kéo pháo vào, kéo pháo ra, đã có nhiều tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ pháo binh, dân công hỏa tuyến. Đồng chí Nguyễn Văn Chức, Tô Vĩnh Diện... đã hy sinh thân mình cứu pháo. Bài ca Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân đã ra đời trong cuộc chiến đấu đầy sự tích anh hùng này.
Ngày 5-2-1954, nhiệm vụ kéo pháo ra của bộ đội pháo binh và các lực lượng bảo đảm đã hoàn thành thắng lợi, được Chỉ huy trưởng mặt trận gửi thư khen.
Ngày 25/2/1954, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đại đoàn 351 họp thông qua kế hoạch sử dụng pháo binh. Theo đó, lực lượng pháo binh tham gia đợt một gồm 234 khẩu pháo, cối các loại. Trung đoàn 45 gồm sáu đại đội pháo, tổ chức thành cụm pháo chiến dịch, được bố trí từ đông-bắc Hồng Cúm đến tây-bắc Bản Kéo, tạo thành vòng cung hơn 30km; cự ly bắn của từng trận địa tới từng mục tiêu từ 5km đến 7km, tập trung hỏa lực vào những mục tiêu chủ yếu trong trung tâm như sân bay, sở chỉ huy, trận địa pháo.
Trung đoàn 675 sơn pháo gồm hai đại đội cùng với bốn đại đội cối (82 ly và 120 ly), phối hợp với các đại đội pháo của các Đại đoàn 308 và 312, tổ chức thành các cụm pháo đại đoàn, bố trí ở hướng đông và đông-bắc Điện Biên Phủ (cự ly bắn từ 600 đến 800m, đối với các trận địa sơn pháo 75 ly từ 300m đến 500m), trực tiếp chi viện cho bộ binh tiến công đột phá khu trung tâm.
Tại cuộc họp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: Các đồng chí phải làm sao cho trận này quân địch phải khiếp sợ pháo binh như chúng đã từng khiếp sợ bộ binh Việt Nam.
Các đồng chí phải làm sao cho trận này quân địch phải khiếp sợ pháo binh như chúng đã từng khiếp sợ bộ binh Việt Nam.
Trong quá trình kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi lại kéo pháo vào, các đơn vị pháo binh đã quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vượt qua bom đạn địch, khẩn trương hành quân chiếm lĩnh bố trí thế trận, cấu trúc công sự trận địa bắn và làm mọi công tác chuẩn bị bắn với tinh thần cao nhất.
Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, được lệnh của Chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 45 vinh dự bắn phát đạn đầu tiên mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đợt bắn chuẩn bị mang tên "Sấm rền" nhằm vào Him Lam, phân khu trung tâm, các sân bay, trận địa pháo, kho tàng của địch...
Đến sáng 13-3-1954, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của lực lượng pháo binh đã hoàn thành.
Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, được lệnh của Chỉ huy chiến dịch, Trung đoàn 45 vinh dự bắn phát đạn đầu tiên mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đợt bắn chuẩn bị mang tên "Sấm rền" nhằm vào Him Lam, phân khu trung tâm, các sân bay, trận địa pháo, kho tàng của địch... Sau đó, pháo binh ta chuyển sang bắn chế áp các trận địa pháo binh, súng cối địch và chi viện cho bộ binh ta xung phong.
Dưới sự chi viện đắc lực, có hiệu quả, sau năm ngày đêm, quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng quân địch ở Bản Kéo, đập vỡ tuyến phòng thủ phía bắc, đặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong thế bị vây hãm cả bốn mặt.
Trận mở đầu chiến dịch thắng lợi giòn giã. Thắng lợi đó có vai trò quan trọng của hỏa lực pháo binh. Bằng nghệ thuật sử dụng pháo binh độc đáo, phù hợp với chiến dịch và với từng trận đánh, hỏa lực pháo binh ta đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề và khiến chúng hoang mang cao độ. Đại đoàn công pháo 351 là đại đoàn đầu tiên được trao cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ.
Bước vào đợt hai, theo yêu cầu của chiến dịch, pháo binh nhanh chóng điều chỉnh đội hình chiến đấu và xây dựng thêm một tiểu đoàn ĐKZ 75 ly và một tiểu đoàn hoả tiễn H6. Trong đợt này, pháo binh có nhiệm vụ chi viện cho bộ binh đánh các cứ điểm thuộc phân khu trung tâm (A1, C1, C2, D1, D2, E), thực hiện chia cắt từng khu vực, thắt chặt vòng vây, khống chế sân bay; đồng thời tập kích hỏa lực vào Sở Chỉ huy, trận địa pháo của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm và sẵn sàng chi viện cho bộ binh đánh địch phản kích.
17 giờ ngày 30-3-1954, quân ta nổ súng, mở đầu đợt hai chiến dịch.
Các đơn vị pháo binh đã thực hiện nghiêm chỉnh kế hoạch hỏa lực, chi viện đắc lực cho bộ binh tiến công tiêu diệt các mục tiêu, các cứ điểm đã quy định. Ngoài ra, pháo binh còn kiềm chế sân bay, chế áp pháo binh địch có hiệu quả. Điển hình là trận đánh ở đồi E ngày 23-4-1954 do đồng chí Phùng Văn Khầu chỉ huy, đã diệt cả bốn khẩu 105 ly của địch trong 10 phút chỉ với 15 phát bắn.
Đến ngày 28-4-1954, phạm vi kiểm soát của địch, nhất là phân khu trung tâm đã bị thu hẹp tới mức tất cả các mục tiêu đều nằm dưới tầm hỏa lực pháo binh ta.
Một thế trận chung, trong đó có thế trận pháo binh, được hình thành vững chắc, áp đảo quân địch.
Đêm 1-5-1954, quân ta bước vào đợt ba, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Về lực lượng pháo binh, ta đã tập trung tới 261 khẩu pháo, cối các loại, mỗi đại đoàn bộ binh đã có tới 70-80 khẩu. Ngoài cụm pháo chiến dịch có nhiệm vụ chi viện chung và kiềm chế pháo binh địch, lực lượng còn lại đều tăng cường cho các đại đoàn bộ binh. Những trung đoàn bộ binh tiến công trên hướng chủ yếu được tăng cường các đại đội ĐKZ.
Nhiệm vụ của pháo binh trong đợt này là chi viện cho bộ binh tiêu diệt các cứ điểm C1, C2, A1, A2, 505, 506 phía đông và các cứ điểm 311A, 311B phía tây sân bay.
Đúng thời gian quy định, pháo binh thực hiện pháo bắn chuẩn bị (từ đêm 1-5) vào toàn bộ đội hình quân địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm.
Lần đầu tiên hoả tiễn H6 của ta xuất hiện đã gây cho địch bất ngờ lớn, khiến chúng kinh hoàng. Trong các ngày 6 và 7-5, pháo binh ta liên tục tập kích hỏa lực vào Sở Chỉ huy của tướng Đờ Cátxtơri và các điểm cao, hỗ trợ bộ binh tiến công tiêu diệt những mục tiêu còn lại. Ngày 7-5, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.
Trong chiến dịch lịch sử này, với lực lượng đông đảo cả pháo xe kéo và pháo mang vác, thực hiện tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng, bộ đội pháo binh đã chiến đấu dũng mãnh, đầy sáng tạo, đạt hiệu quả cao, góp phần xứng đáng làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Pháo binh càng đánh càng trưởng thành, càng về cuối chiến dịch, hiệu quả hỏa lực pháo binh ta càng cao, càng mạnh.
Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là cột mốc đã đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật sử dụng pháo binh, để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá, trong đó nổi lên một số vấn đề sau đây:
Một là, sử dụng pháo binh tập trung tạo ưu thế về hỏa lực, chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm địch từ vòng ngoài vào trong, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.
Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên ta sử dụng pháo xe kéo tập trung lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đồng thời cũng là nơi ta đã sử dụng loại pháo mới có tầm xa, uy lực lớn như pháo phản lực H6, ĐKZ 75 ly, lựu pháo 105 ly.
Trong cả chiến dịch và trong từng trận chiến đấu, ta đã tập trung pháo binh một cách hợp lý để tạo ưu thế về hỏa lực: trong trận Him Lam ta 3 địch 1; trận đồi Độc Lập ta 4,5 địch 1. Cả chiến dịch, nếu tính riêng pháo, cối chi viện trực tiếp, ta gấp 10 lần địch. Nếu tính cả các nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta cũng gấp 2,6 lần. Trận Mường Thanh ta đã tập trung 20 khẩu để thực hành hỏa lực chuẩn bị.
Về đạn, tuy có nhiều khó khăn nhưng cũng có trận ta đã tập trung tới 4.000 viên.
Vì thế, trong đợt một, hỏa lực pháo binh ta đã làm tê liệt pháo binh địch ngay từ đầu, chi viện đắc lực cho bộ binh đánh nhanh diệt gọn, giảm đáng kể thương vong do pháo binh địch gây ra.
Hai là, xậy dựng thế trận pháo binh hiểm hóc, vững chắc, chuyển hoá thế trận kịp thời.
Để thực hiện được cách đánh của chiến dịch là vây hãm tiến công, đột phá lần lượt, vấn đề mấu chốt phải giải quyết là xây dựng trận địa tiến công. Ta đã kéo pháo lên các sườn núi, xây dựng các trận địa pháo vững chắc và bí mật, bất ngờ, bảo đảm cho việc phát huy sức mạnh hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh tiêu diệt gọn từng trung tâm đề kháng của địch.
Trận địa pháo binh ta đặt kín đáo trên các sườn núi vây quanh Điện Biên Phủ và trong tầm bắn có lợi nhất vào trung tâm khu vực mục tiêu. Thực hiện "lên cao, vào gần, bắn thẳng" là một bảo đảm để hỏa lực pháo binh được sử dụng rất cơ động và tập trung trên địa bàn chiến dịch trong thời điểm quyết định.
Trận địa pháo binh ta đặt kín đáo trên các sườn núi vây quanh Điện Biên Phủ và trong tầm bắn có lợi nhất vào trung tâm khu vực mục tiêu. Thực hiện "lên cao, vào gần, bắn thẳng" là một bảo đảm để hỏa lực pháo binh được sử dụng rất cơ động và tập trung trên địa bàn chiến dịch trong thời điểm quyết định.
Đây là vấn đề mà các chuyên gia pháo binh Pháp hồi đó đã tính toán sai lầm rằng, ta không thể đưa pháo vào đủ gần để có thể bắn sâu vào tập đoàn cứ điểm. Họ tính toán nếu ta đưa pháo vào thì các trận địa hỏa lực của ta phải bố trí ở các sườn đối diện, do đó sẽ bị pháo binh Pháp tiêu diệt ngay.
Nhưng ngược với tính toán chủ quan của địch, quân ta đã làm đường và kéo vào trận địa bắn ở các sườn núi, hầm pháo được xây dựng vững chắc, nguỵ trang chu đáo, phát huy được hiệu quả của hỏa lực trong tác chiến hiệp đồng. Đó là một sự bất ngờ lớn, gây cú sốc mạnh tới tinh thần quân địch.
Ba là, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phát huy được sức mạnh hỏa lực của các loại pháo.
Thế trận hiểm hóc, vững chắc, bí mật, bất ngờ là cơ sở thuận lợi để vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo. Quán triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc", bộ đội pháo binh đã vận dụng linh hoạt và tổng hợp các cách đánh gần, đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, đánh dồn dập, đánh kéo dài, đánh bồi, đánh nhồi.
Mặc dù mỗi trận, mật độ hỏa lực mà pháo binh ta sử dụng không cao nhưng với cách đánh sáng tạo đó, đã gây cho địch nhiều tổn thất về lực lượng, tinh thần hoang mang dao động kéo dài.
Pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn vận dụng linh hoạt các phương pháp bắn: phá hoại, tiêu diệt, kiềm chế, chế áp..., đặc biệt là đã vận dụng rất thành công phương pháp bắn ngắm trực tiếp, tiêu diệt mục tiêu nhanh, tốn ít đạn.
Bốn là, cơ động hợp lý, kiên quyết đúng thời cơ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc cơ động chiếm lĩnh trận địa và cơ động trong quá trình thực hành chiến đấu rất phức tạp bởi phải thực hiện trên các con đường nhiều đèo dốc cao, đường nhỏ hẹp, mùa mưa đường lầy lội. Vả lại, kéo pháo chủ yếu là sức người, trong tầm khống chế của hỏa lực địch, trong đó yêu cầu bí mật, bất ngờ và an toàn được đặt lên hàng đầu... nên càng khó khăn phức tạp hơn.
Khi chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc", pháo binh đã kết hợp với các lực lượng của chiến dịch mở thêm năm trục đường cơ động có chiều dài tổng cộng 63km để kéo pháo vào chiếm lĩnh và di chuyển trong chiến đấu.
Trong quá trình thực hành chiến đấu, pháo binh ta đã tổ chức tốt cơ động chiếm lĩnh trận địa mới, kịp thời chi viện cho bộ binh. Điển hình là Phân đội sơn pháo 675 đi cùng bộ binh trong trận Him Lam đã khiêng vác từng bộ phận pháo, cơ động di chuyển cùng bộ binh dưới làn đạn của địch vào chiếm lĩnh trận địa để bắn ngắm trực tiếp, chi viện cho bộ binh tiến công.
Năm là, thực hiện tốt nhiệm vụ kiềm chế, chế áp các trận địa pháo và những mục tiêu quan trọng của địch.
Ngay khi mở màn chiến dịch, ta đã dùng lựu pháo 105 ly đặt từ xa hoặc dùng các khẩu đội sơn pháo 75 ly thọc sâu, vào gần, đặt trên đồi cao, dội đạn liên tục kiềm chế các trận địa hỏa lực của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại và không có khả năng phản pháo. Khẩu đội sơn pháo 75 ly do đồng chí Phùng Văn Khầu chỉ huy đã bắn ngắm trực tiếp ở cự ly gần trong 10 phút, tiêu diệt bốn khẩu pháo 105 ly của địch.
Việc tiếp tế lương thực, đạn dược và vận chuyển thương, bệnh binh của địch ở Điện Biên Phủ, chỉ có duy nhất đường hàng không. Ta xác định nếu khống chế được sân bay thì địch sẽ khốn đốn và nhanh chóng bị tiêu diệt. Ngay khi chiến dịch còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, ta đã sử dụng Đại đội sơn pháo 75 ly kiềm chế sân bay Mường Thanh, bắn cháy, bắn hỏng 10 máy bay các loại.
Suốt quá trình chiến dịch, pháo binh ta đã phối hợp chặt chẽ với hỏa lực cao xạ khống chế sân bay một cách hiệu quả. Đây là đòn đánh hiểm, khiến kẻ thù không có cách nào gỡ nổi.
Chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu bước trưởng thành to lớn của bộ đội pháo binh. Từ chỗ chúng ta chỉ sử dụng các khẩu đội, trung đội pháo mang vác, đánh độc lập chi viện cho các trận chiến đấu nhỏ, lẻ; tiến lên sử dụng tập trung nhiều trung đoàn, tiểu đoàn pháo xe kéo cỡ lớn đánh hiệp đồng với quy mô đại đoàn bộ binh tiêu diệt lớn quân địch, là cả một chặng đường phấn đấu đầy gian khổ, hy sinh của bộ đội pháo binh. Những thành tích, những kinh nghiệm quý giá tích luỹ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là những cơ sở quan trọng để bộ đội pháo binh tiếp tục xây dựng binh chủng ngày càng hùng mạnh, xứng đáng là binh chủng hỏa lực chủ yếu của quân đội ta trong thời kỳ lịch sử mới, đồng thời mãi mãi xứng đáng với danh hiệu: "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng" mà Bác Hồ đã khen tặng.
--------------------
Thiếu tướng ĐỖ QUỐC ÂN
Tư lệnh Binh chủng Pháo binh
Trích trong sách “50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - Hợp tuyển công trình khoa học”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. Trước đó, bài đã đăng tại sách Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.