Pháp:

Bảo vệ nguồn nước cho sự sống

Ảnh: CIEAU.

Ảnh: CIEAU.

Ô nhiễm nguồn nước là một trong những mối đe dọa sinh thái nghiêm trọng nhất mà con người đang phải đối mặt. Chuyên đề Xử lý ô nhiễm nguồn nước - vấn đề cấp bách mang đến góc nhìn đa chiều từ nỗ lực hồi sinh những dòng sông, con suối "chết", cho tới những biện pháp để "tắt chế độ báo động đỏ" về tình trạng ô nhiễm này ở một số quốc gia trên thế giới.

Nước Pháp đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm cải thiện tình hình ô nhiễm nguồn nước, vốn là một vấn đề lớn tại quốc gia này. Liệu tham vọng biến dòng sông Seine thành một "sân đấu" cho các vận động viên bơi lội Olympics 2024 có trở thành hiện thực?

Tiêu chí đánh giá chất lượng nước


Chất lượng môi trường nước được đánh giá qua ba tiêu chí: hóa học, vật lý sinh học. Giới chuyên gia môi trường đã chỉ ra hàng nghìn các chỉ số nhằm phân loại chất lượng của nguồn nước. Hiện tại, khoảng 3.000 chỉ số hóa học, 400 chỉ số vật lý và khoảng 10 chỉ số sinh học được thông qua, theo Báo cáo quốc gia về tình trạng môi trường của Pháp công bố ngày 26/6/2019.

Liên quan đến các chỉ số hóa học, các nhà khoa học dành sự quan tâm rất lớn đến các thành phần nguy hại cho hệ sinh thái và sức khỏe con người, đến từ phân bón nông nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, kim loại thải ra trong quá trình sản xuất, thậm chí là các sản phẩm vệ sinh khử trùng được sử dụng trong gia đình và công nghiệp.

Các loài động thực vật sinh sống trong môi trường nước, như tảo cát, đại thực vật thủy sinh, động vật không xương sống (côn trùng, giáp xác, động vật thân mềm, giun...) và các loại cá, là một trong những chỉ số sinh học.

Nhắc đến các chỉ số vật lý là đề cập tới thể tích, khối lượng, kích thước, tỷ lệ phần trăm của các chất lơ lửng hoặc trầm tích có trong nước, và các điều kiện tác động đối với sự phát triển của động thực vật thủy sinh, chẳng hạn như nhiệt độ và độ đục của nước.

Tình trạng các nguồn nước ở Pháp


Theo EauFrance.fr, một cuộc điều tra liên quan đến 10.706 vùng nước ở các sông tại Pháp vào năm 2015 cho thấy, có 62% các con sông được công nhận trạng thái hóa học tốt, 16,2% không đạt các yêu cầu về chỉ số này và 21,8% còn lại không đủ thông tin để đánh giá chất lượng.

Đồ họa: MINH DUY.

Đồ họa: MINH DUY.

Cũng trong bản báo cáo điều tra, chỉ có 8,5% các con sông ở trong điều kiện sinh thái rất tốt, 36,3% ghi nhận các chỉ số sinh thái tốt, 39,2% đạt mức trung bình, 12,3% ở ngưỡng chấp nhận được, 3,6% đang phải chịu một tình trạng sinh thái kém và 0,1% không đủ thông tin để phân loại.

Đồ họa: MINH DUY.

Đồ họa: MINH DUY.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã công bố danh sách các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, dựa trên các tiêu chí chuyên ngành như số lượng cá thể có khả năng sinh sản, số lượng và mật độ phân bố các thể trong mỗi loài,... Vào năm 2010, theo Văn phòng quốc gia của IUCN tại Pháp, trong số 69 loài cá nước ngọt ở lãnh thổ lục địa của quốc gia châu Âu này được nghiên cứu đánh giá, có tới 15 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đến năm 2012, cơ quan này cũng cho biết, 161 trong số 576 loài giáp xác nước ngọt cũng đang có nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Theo Báo cáo “Nước và môi trường nước- Những con số quan trọng” của Bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp công bố tháng 12 năm 2020, 21% trong tổng số 1.372 loài động thực vật thủy sinh trên khắp lãnh thổ của nước Pháp (kể cả ở hải ngoại) đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Hơn nữa, quốc gia này ghi nhận tới 8.300 vùng đất bị ô nhiễm do các hoạt động sản xuất công nghiệp, tai nạn trong quá trình vận chuyển hàng hóa hoặc quy trình xử lý chất thải không bảo đảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mạch nước ngầm.   

Trong bản đánh giá những vấn đề liên quan đến môi trường nước mà người dân Pháp quan tâm nhất hiện nay, “giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong các con sông và mạch nước ngầm” đứng hàng đầu, tiếp đó là “bảo tồn đa dạng sinh học động thực vật thủy sinh”, “bảo vệ nguồn nước sạch”, “phòng chống thiên tai, bão lũ”, “ứng phó với trình trạng hạn hán” và “hạn chế xói lở bờ biển”.

Đồ họa: MINH DUY.

Đồ họa: MINH DUY.

Ảnh: REUTERS.

Ảnh: REUTERS.

Kế hoạch quốc gia trong quản lý nguồn nước và đa dạng sinh học


Một thí dụ điển hình ở nước Pháp, sông Seine ở phía tây bắc nước Pháp là một trong tuyến đường thủy thương mại nổi tiếng. Đặc biệt, các chuyến du ngoạn bằng tàu trên sông Seine để tham quan các thắng cảnh trong nội thành Paris, thu hút rất nhiều du khách.

Tuy nhiên trong các hoạt động đô thị, sản xuất và dịch vụ trong quá trình phát triển của thành phố, khó có thể tránh được tình trạng các nguồn nước, trong đó có sông Seine, phải ít nhiều gánh chịu sự ô nhiễm. Từ năm 2016 đến 2017, 99% trạm đo của Cơ quan Nước Seine-Normandy (AESN) đã phát hiện ra có ít nhất một loại thành phần hóa học của các sản phẩm thuốc trừ sâu trong nước sông.

Theo báo cáo “Chính sách Khoa học vì Môi trường” của Ủy ban châu Âu công bố ngày 1/7/2016, một loạt các chính sách ở cấp độ quốc gia đã được đề xuất nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước tại các con sông, và nước Pháp cũng không đứng ngoài nỗ lực này. Sự giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do phốt phát và amoni, cũng như sự cải thiện về nồng độ oxy trong nước là điều thấy rõ.

Tuy nhiên, nồng độ nitrat vẫn cao hơn mức khuyến cáo, mặc dù cũng đã có những dấu hiệu thuyên giảm ban đầu. Giới chuyên gia cũng khuyến nghị tăng cường mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp quản lý nông nghiệp nhằm cải thiện hoàn toàn sự trong lành của nguồn nước.

Thuật ngữ “Canh tác nông nghiệp hữu cơ” ra đời, dựa trên những nguyên tắc và thực hành được thiết kế để giảm thiểu tác động của hoạt động này đối với môi trường. Người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp sẽ tiến hành các phương pháp canh tác tự nhiên nhất có thể, giảm thiểu sự xuất hiện của hóa chất tổng hợp.

Ảnh: CIEAU

Ảnh: CIEAU

Một vấn đề cũng đáng lưu tâm sau những trận mưa rào. Nước mưa và nước thải sinh hoạt - sản xuất cùng chảy chung trong đường ống với một khối lượng rất lớn, gây áp lực không nhỏ đến khả năng và hiệu quả của các trạm xử lý nguồn nước.

Để hạn chế việc xả thải này, các nhà máy xử lý của Công đoàn liên ngành vệ sinh khu vực thành phố Paris (SIAAP) đưa vào sử dụng các bể chứa nước thải chưa qua xử lý và hệ thống màng lọc với các lỗ đục nano nhằm giải quyết các vi chất. Nguồn nước đầu ra có thể đạt được chứng nhận “chất lượng nước có thể tắm”, tuy nhiên, chưa thể đủ điều kiện để bảo đảm cho đa dạng sinh học.

"Làm sạch nước sông Seine để người dân Paris có thể tự do bơi lội" là lời hứa của Jacques Chirac khi còn là Thị trưởng thành phố Paris năm 1988. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, người dân của thủ đô nước này vẫn sẽ bị phạt 15 euro nếu bị phát hiện đang ngâm mình tại nơi đây; chi phí sẽ còn cao hơn nữa với những hóa đơn khám sức khỏe và tiền mua thuốc men.

Thành phố Paris của Pháp, nước chủ nhà của Thế vận hội Olympics 2024, đang nỗ lực hết sức để có thể tiến hành những chặng bơi cho các vận động viên ngay tại dòng sông Seine. Đây là ý tưởng của thị trưởng Anne Hidalgo. Nhưng trước tiên, một hoạt động dọn dẹp quy mô lớn phải được triển khai. Khoảng 360 tấn chất thải được nạo vét ra khỏi lòng sông mỗi năm. Tất cả mọi thứ từ xe đạp đến xe tay ga và két sắt cũ đều có thể gây ô nhiễm nguồn nước, và tất cả những vật dụng này phải được thu hồi và tái chế.

Một kế hoạch hành động đã được chính quyền thành phố Paris đưa ra vào năm 2016, tập hợp nhiều cơ quan, công ty và doanh nghiệp khác nhau trong lĩnh vực này. Đầu tiên, các nhà máy xử lý nước thải Valenton (ở Val-de-Marne) và Noisy-le-Grand (ở Seine-Saint-Denis) được trang bị các bộ lọc tia cực tím để loại bỏ vi khuẩn. Tiếp theo đối với hệ thống cống thoát nước, Paris xem xét phương án thiết lập các đường ống chảy cho nước mưa và các bể chứa nước ngầm, tránh tình trạng nước tràn bờ khi có mưa lớn.

Bên cạnh đó, các “nhà nổi” xà lan dọc theo sông, với mục đích kinh doanh buôn bán, giải trí, du lịch hay sinh sống, được yêu cầu phải kết nối với hệ thống thu gom và xử lý chất thải công cộng. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng yêu cầu cần phải xử lý những hệ thống ống xả nước thải ra sông của các khu dân cư hai bên bờ.

Ảnh: LE PARISIEN.

Ảnh: LE PARISIEN.

Cho đến nay, “bơi trên sông Seine” vẫn đang là một câu hỏi lớn. Còn tồn tại một số vấn đề về chất lượng nguồn nước, điều kiện thời tiết không ổn định và thiếu cơ sở hạ tầng, tuy nhiên tại Paris, các cơ quan, tổ chức vẫn đang làm mọi cách để biến điều này thành hiện thực trong Thế vận hội Olympics 2024 sắp tới.

Ảnh: GETTY IMAGES

Ảnh: EAUFRANCE.

Ý tưởng cho một mùa Thế vận hội ấn tượng trong lòng cộng đồng quốc tế chỉ là một mục tiêu, vấn đề bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học - hai yếu tố quan trọng cho sự sống - dù trong thành phố Paris, trên khắp nước Pháp hay với quy mô toàn cầu, mới chính là chặng đường dài và nhiều khó khăn.

Ảnh: EAUFRANCE.

Ảnh: EAUFRANCE.

Ảnh: EAUFRANCE.

Ảnh: EAUFRANCE.

Ảnh: EAUFRANCE.

Ảnh: EAUFRANCE.

Chính phủ Pháp đã có những động thái quyết liệt nhằm bảo vệ đất nước khỏi những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội mang tên đại dịch Covid-19. Mặc dù virus SARS-CoV-2 vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống thường ngày của toàn cầu nói chung và của người Pháp nói riêng, nhưng quốc gia châu Âu này cũng xác định những việc cần làm để hướng tới tương lai phía trước.

Ngày 3 tháng 9 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố kế hoạch tái thiết lại sức sống của nước Pháp - France Relance (tạm dịch Phục hồi nước Pháp), một lộ trình cho cuộc “đại tu” cả về kinh tế, xã hội và sinh thái của quốc gia này, hướng tới mục tiêu xây dựng nước Pháp năm 2030.

Quản lý tài nguyên nước là một vấn đề lớn và mang tính liên ngành, cần xem xét ở nhiều khía cạnh môi trường, sức khỏe và kinh tế. Trong mùa mưa, chất lượng của hệ thống xử lý nước mưa và phân phối nước sạch là rất cần thiết: bất kể sai lầm nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ nước thải chưa qua xử lý tốt tràn ra môi trường tự nhiên.

Kế hoạch France Relance nhằm bảo đảm cơ sở hạ tầng phân phối nước uống, vệ sinh và quản lý nước mưa ở lục địa Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại, có chi phí 300 triệu euro. Trong đó, 250 triệu euro để hiện đại hóa mạng lưới nước uống, nâng cấp các trạm, quản lý bùn thải, cải tạo hệ thống và ngắt nguồn nước mưa khỏi các mạng lưới vệ sinh ở lục địa Pháp, cùng với 50 triệu euro để đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch cấp nước các vùng lãnh thổ hải ngoại của quốc gia này.

Thay đổi từ suy nghĩ tới thói quen


Nước giúp đáp ứng những nhu cầu đa dạng của con người trong sinh hoạt hằng ngày, như tưới tiêu cho nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất công nghiệp, khai thác và sản xuất điện năng, tạo ra nhiều cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo.

Theo tính toán của Liên hợp quốc, đến năm 2050, nhu cầu về nước dự kiến sẽ tăng 55%, không chỉ dưới áp lực của sự gia tăng dân số với dự báo lên tới 9,5 tỷ người, mà còn do lượng tiêu thụ tăng cao. Nhu cầu của ngành này dự kiến sẽ bùng nổ 400% vào thời điểm đó.

Tình hình khan hiếm nước đang đà gia tăng là một vấn đề lớn của toàn cầu. Nếu không có hành động quyết liệt, tình trạng thiếu nước sẽ không còn cách nào để giải quyết.
Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC).

Vấn đề về nước không của riêng quốc gia nào. Mọi kế hoạch, biện pháp và cả nguồn vốn đều được triển khai trên cả ba quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu, với mục tiêu cải thiện tình hình hiện tại. Nhưng trước hết, mỗi người trong chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ đến giải pháp thay đổi thói quen và mục đích sử dụng nước hằng ngày, nhằm góp phần vào nỗ lực chung bảo vệ nguồn nước./.

Ngày xuất bản: 28/9/2021
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: MINH DUY, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Tổng hợp nội dung từ CIEAU, EauFrance, Developpement-Durable.gouv.fr, Vie-publique.fr,...
Ảnh: CIEAU, EauFrance, Reuteurs, Getty Images, LeParisien.