Phát huy giá trị văn hoá truyền thống qua mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO để bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế-xã hội
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, ngày 7/10/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".
Tại hội thảo, đại diện Văn phòng Tổ chức UNESCO tại Việt Nam đã có bài tham luận với chủ đề "Phát huy giá trị văn hoá truyền thống qua mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO để bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế-xã hội". Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận.
UCCN được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững. Mạng lưới này hiện bao gồm các thành phố trong bảy lĩnh vực sáng tạo: Thủ công và Nghệ thuật dân gian, Thiết kế, Điện ảnh, Ẩm thực, Văn học, Nghệ thuật truyền thông và Âm nhạc. Hiện nay, có 350 thành phố trên toàn thế giới đã tham gia mạng lưới. Thông qua việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, các thành phố trong mạng lưới UCCN đang nỗ lực tích hợp yếu tố sáng tạo vào các chiến lược phát triển đô thị, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
UCCN được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố coi sáng tạo là yếu tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững.
Với các cuộc họp và trao đổi thường xuyên, các thành phố đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết để đạt được mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế. Khung hoạt động của UCCN tập trung mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp văn hóa bằng cách hỗ trợ các thành phố thành viên nuôi dưỡng một hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo toàn diện và mang tính chuyển đổi, từ đó trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế năng động và quá trình tái thiết đô thị.
Thông qua việc tiếp cận các thí dụ thực tiễn tốt nhất trên thế giới, Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO cho phép các thành phố tận dụng di sản văn hóa độc đáo của mình, không phải như một thực thể riêng biệt mà là một phần không thể thiếu trong phát triển bền vững. Bằng cách thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, những thành phố này không chỉ bảo tồn truyền thống mà còn đóng góp vào bức tranh văn hóa toàn cầu, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển. Do đó, mô hình này đã đạt được nhiều thành công, không chỉ ở cấp quốc tế như tại London, Singapore hay Seoul, mà còn ở Việt Nam, nơi chính quyền cấp thành phố đã áp dụng UCCN như một công cụ để phát triển.
Triển lãm sắp đặt hội họa với chủ đề “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu “đánh tan” không gian âm u của phân xưởng 3B1 (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. (Nguồn ảnh: Hanoimoi)
Triển lãm sắp đặt hội họa với chủ đề “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu “đánh tan” không gian âm u của phân xưởng 3B1 (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. (Nguồn ảnh: Hanoimoi)
Hà Nội, Thủ đô của Việt Nam, đã trở thành thành viên đầu tiên của UCCN vào năm 2019 khi được công nhận là Thành phố Sáng tạo về Thiết kế. Nổi tiếng với di sản văn hóa phong phú và những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời, Hà Nội đã tận dụng tư cách thành viên UCCN và mạng lưới kết nối để kết hợp các giá trị truyền thống với thiết kế hiện đại mang tính đổi mới. Thành phố cũng đã thu hút nhiều chú ý khi văn hóa sáng tạo được dùng làm kim chỉ nam cho các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đi cùng với nó là một tầm nhìn dài hạn về cơ sở hạ tầng.
Từ năm 2019, tư cách thành viên UCCN và cam kết mạnh mẽ của thành phố đã đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn các ngành nghề truyền thống địa phương, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Các nghề thủ công truyền thống của Việt Nam như sơn mài, dệt lụa và gốm sứ đang được tái hiện bởi một thế hệ nhà thiết kế mới. Qua việc thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, Hà Nội đã tạo ra cơ hội cho các nghệ nhân địa phương kết hợp kỹ thuật thủ công truyền thống với xu hướng thiết kế đương đại, làm cho sản phẩm của họ hấp dẫn hơn cả trong nước và quốc tế. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ nghề thủ công truyền thống mà còn tạo ra những cơ hội thị trường mới và việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch và xuất khẩu.
Quan sát cách các giá trị văn hóa truyền thống đã được hòa quyện một cách liền mạch vào tiến trình đổi mới và phát triển, nhiều thành phố khác của Việt Nam đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập UCCN theo tầm nhìn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với định hướng chiến lược quốc gia về các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Tầm nhìn đầy tham vọng này sẽ góp phần tạo ra một vành đai sáng tạo của các thành phố năng động, đặt văn hóa vào trung tâm của kế hoạch phát triển trên khắp cả nước, đặc biệt khi Việt Nam đã sở hữu di sản văn hóa phong phú.
Hội An, một di sản được UNESCO công nhận, là một thí dụ điển hình về việc cân bằng hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và sự thịnh vượng kinh tế. Nền kinh tế sáng tạo tại đây phát triển mạnh mẽ thông qua các ngành nghề truyền thống và ẩm thực, thu hút cả cộng đồng địa phương và du khách. Ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam với nền tảng là các giá trị văn hóa truyền thống và di sản, đóng vai trò như một nhân tố năng động trong nền kinh tế. Hội An, với dấu ấn UNESCO, là hình mẫu cho mối quan hệ tương sinh này. Các kho tàng kiến trúc của thành phố cùng với những trải nghiệm văn hóa như nghề thủ công và ẩm thực đã thu hút du khách và tạo ra doanh thu. Sự cộng hưởng này cho thấy rõ tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương mà còn bảo vệ di sản.
Tiếp nối đà phát triển, vào ngày 31/10/2023, Hội An đã chính thức trở thành thành viên mới của UCCN trong lĩnh vực Thủ công Mỹ nghệ và Nghệ thuật Dân gian. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, Hội An học hỏi từ những bài học kinh nghiệm của Hà Nội để phát triển tầm nhìn như một thành phố sáng tạo và đang trên đà tận dụng các khuôn khổ trong mạng lưới UCCN để cân bằng giữa phát triển đô thị và kinh tế-xã hội.
Nhìn xa hơn, những kinh nghiệm của Hà Nội với tư cách là thành viên của UCCN phản ánh thành quả của các Thành phố Sáng tạo khác đã thành công tích hợp bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội. Thí dụ, các thành phố như Jaipur, Ấn Độ, Thành phố Sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Thủ công Mỹ nghệ và Nghệ thuật Dân gian, hay Bologna, Italia, Thành phố Sáng tạo về Âm nhạc, đã tận dụng tài sản văn hóa của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Jaipur, giống như Hà Nội, đã khai thác những ngành nghề thủ công truyền thống lâu đời để tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Thành phố đã thiết lập một ngành công nghiệp thủ công địa phương sôi động, tạo ra lợi nhuận từ cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tương tự, Bologna đã phát triển ngành công nghiệp âm nhạc của mình bằng cách bảo tồn di sản âm nhạc phong phú, đồng thời khuyến khích sản xuất âm nhạc đương đại. Những ví dụ này càng chứng tỏ rằng bằng cách bảo vệ và thúc đẩy các giá trị văn hóa truyền thống, các thành phố UCCN cũng có thể tạo ra những mô hình kinh tế bền vững đóng góp vào sự phát triển tại địa phương. Các ngành công nghiệp văn hóa, dù là trong thiết kế, thủ công hay âm nhạc, đều tạo ra việc làm, thu hút du lịch và thúc đẩy đổi mới, tất cả đều giúp phát triển nền kinh tế địa phương.
"Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua mạng lưới UCCN mở ra cho các thành phố con đường khả thi để vừa bảo tồn văn hóa vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội".
Việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua mạng lưới UCCN mở ra cho các thành phố con đường khả thi để vừa bảo tồn văn hóa vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội. Các ngành công nghiệp sáng tạo được UNESCO khuyến khích cung cấp một nền tảng năng động cho các cộng đồng địa phương để tham gia với di sản của họ theo nhiều cách nhằm tạo ra lợi ích kinh tế. Bằng cách thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực như thủ công, thiết kế, âm nhạc và các ngành văn hóa khác, các thành phố như Hà Nội có thể tạo ra cơ hội việc làm mới, thu hút du khách và đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.
Tuy nhiên, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cũng đối mặt với một thách thức đó là tìm ra được điểm cân bằng. Như Hà Nội đã minh chứng, thành công nằm ở việc cho phép các nghệ nhân truyền thống được đổi mới trong khi vẫn gắn bó với gốc rễ văn hóa của họ. Bằng cách cung cấp các nền tảng như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội và tăng cường cơ hội hợp tác giữa các nhà thiết kế và nghệ nhân, các thành phố có thể bảo vệ truyền thống của mình trong khi vẫn tận dụng tiềm năng kinh tế của các ngành công nghiệp sáng tạo.
Việc thúc đẩy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO cung cấp một mô hình mạnh mẽ để đạt được cả bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội. Mạng lưới không chỉ thúc đẩy sự đa dạng văn hóa mà còn chứng minh rằng sáng tạo là một động lực quan trọng cho phát triển đô thị bền vững.
Nhìn lại những tiến bộ đã đạt được và lên kế hoạch chiến lược dài hạn cho tương lai, Hà Nội có khả năng tiếp tục củng cố vai trò dẫn đầu của mình trong phong trào phát triển văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Để đảm bảo rằng văn hóa và di sản truyền thống vẫn là một yếu tố then chốt trong bức tranh phát triển đô thị, Thủ đô cần tiếp tục phát triển một khuôn khổ hoạt động chủ đề đặt văn hóa vào trung tâm của các chính sách và sáng kiến.
Nhìn lại những tiến bộ đã đạt được và lên kế hoạch chiến lược dài hạn cho tương lai, Hà Nội có khả năng tiếp tục củng cố vai trò dẫn đầu của mình trong phong trào phát triển văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.
Những điểm cơ bản bao gồm: Rà soát và liên tục áp dụng các chính sách và quy định cấp thành phố để trao quyền cho các cá nhân, tổ chức văn hóa và sáng tạo đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa độc đáo của Hà Nội; Chương trình giáo dục toàn diện hơn, trong đó giáo dục về di sản văn hóa được tích hợp vào các chương trình học phổ thông đến đại học để kích thích sự hiểu biết và tham gia của thanh niên vào bảo tồn di sản văn hóa; Các ưu đãi để khuyến khích sự tham gia của người dân và quan hệ đối tác công-tư nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân và các cộng đồng địa phương trong quá trình ra quyết định liên quan đến các dự án văn hóa và di sản cũng như các hình thức đóng góp khác nhau như tài trợ, các khoản trợ cấp và sáng kiến trách nhiệm cộng đồng; Tăng cường quảng bá du lịch văn hóa và khám phá các cơ chế mới để phân bổ doanh thu cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Những khuyến nghị trên có thể đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, thúc đẩy và tích hợp phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Các ngành công nghiệp văn hóa, dù là trong thiết kế, nghề thủ công hay âm nhạc, đều tạo ra việc làm, thu hút du lịch và thúc đẩy đổi mới, đóng góp cho nền kinh tế Do đó, các thành phố thành viên của UCCN hiện tại như Hà Nội và các ứng viên tiềm năng tại Việt Nam đang có lợi thế để trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế-xã hội, phù hợp với bối cảnh địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UN System Task Team on the Post-2015 UN Development Agenda. (2012, May). Culture: a driver and an enabler of sustainable development. Retrieved from chrome-extension://efaidnbmnnnibpcajpcglclefindmkaj/https://www.un.org/millenniumgoals/pdf/ Think%20Pieces/2_culture.pdf.
2. Yang, J., & Černevičiūtė, J. (2017). Cultural and Creative Industries (CCI) and sustainable development: China’s cultural industries clusters. . Entrepreneurship and Sustainability Issues, 231-242.
3. UNESCO. (n.d.). Creative Cities Network. https://en.unesco.org/creative-cities.
4. UNESCO. (n.d.). Convention for the Safeguarding of the Intangible Cultural Heritage. https://ich.unesco.org/en/convention
5. UNESCO. (n.d.). Hanoi - Creative City of Design. https://en.unesco.org/creative- cities/hanoi.
6. UNESCO. (n.d.). Jaipur - Creative City of Crafts and Folk Art. https://en.unesco.org/creative-cities/jaipur.
7. UNESCO. (n.d.). Bologna - Creative City of Music. https://en.unesco.org/creative- cities/bologna. UNESCO. (n.d.). Culture and Development. https://en.unesco.org/themes/culture-and- development.