PHÁT HUY SỨC MẠNH DÂN TỘC, KẾT HỢP SỨC MẠNH DÂN TỘC VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh của yếu tố nội lực là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Nhưng tùy theo hoàn cảnh lịch sử, cha ông ta luôn biết tranh thủ sự ủng hộ, tận dụng các yếu tố nguồn lực bên ngoài. Từ khi có Đảng lãnh đạo, chúng ta còn kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
1. Phát huy sức mạnh dân tộc
Sức mạnh của dân tộc là sự tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh thần, song trước hết là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự lực, tự cường, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của ý chí đấu tranh anh dũng, bất khuất vì nền độc lập, tự do, trường tồn của dân tộc... Đó là những nhân tố tạo ra và nhân lên sức mạnh to lớn, giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, từ tình yêu xóm làng, quê hương, đất nước, dân tộc Việt Nam đã xây dựng nên một hệ giá trị tinh thần cốt lõi mà nét nổi bật là chủ nghĩa yêu nước, gắn liền với tinh thần đoàn kết, thống nhất. Đó là giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc, mỗi thời được bổ sung làm phong phú thêm để hình thành truyền thống mang đậm “cốt cách” văn hóa Việt Nam. Những truyền thống này sở dĩ có giá trị bền vững là bởi nó được hình thành từ hoàn cảnh và nhu cầu đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên và giặc ngoại xâm - được thử thách qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Yêu nước là giá trị phổ quát của toàn nhân loại. Nhưng ở Việt Nam, xét về hình thái vận động phát triển, thì tinh thần yêu nước có những điểm khác so với các nền văn hóa trên thế giới. Đúng như một nhà nghiên cứu đã đúc kết: “Đặc điểm cơ bản quan trọng nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam gắn liền hữu cơ với tính đoàn kết, thống nhất. Nói cách khác, đoàn kết, thống nhất là thuộc tính, là nhu cầu tự thân, truyền thống yêu nước Việt Nam. Không thể có cái gọi yêu nước lại chia rẽ, mất đoàn kết ở Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước của cộng đồng, dân tộc nào cũng bao hàm sức mạnh nội lực, tự thân. Song tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam hàm chứa một sức mạnh đặc biệt mạnh mẽ, “lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước” vì kết luyện, thống nhất trong đó hạt nhân yêu nước - đoàn kết. Chính hạt nhân này cho phép tạo thành, khơi lên, nhân lên, và giải phóng tiềm năng, sức mạnh của toàn thể dân tộc”1.
Hình ảnh chiến sỹ cảm tử quân, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội ngày 23/12/1946 mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Hình ảnh chiến sỹ cảm tử quân, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội ngày 23/12/1946 mãi mãi là biểu tượng bất tử về cuộc chiến tranh nhân dân, mà ở đó mỗi người dân đều là chiến sỹ và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Yêu nước vốn là một trong những tình cảm thiêng liêng đã trở thành đạo lý, lẽ sống, phẩm chất của mỗi người dân Việt Nam được truyền từ đời này sang đời khác. Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam luôn gắn với khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, quyết không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước, không chịu bị áp bức, bóc lột. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho hay, tinh thần yêu nước chỉ có thể biến thành sức mạnh phi thường khi dân tộc ta biết đoàn kết, thống nhất thành một khối vì một mục tiêu chung là bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước; bảo vệ cuộc sống hòa bình, hạnh phúc và ấm no của mọi tầng lớp nhân dân. Từ trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết một chân lý, một quy luật: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”1. Chỉ trên cơ sở yêu nước gắn liền với đoàn kết, dân tộc ta mới có đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mới đánh bại mọi kẻ thù xâm lược lớn mạnh.
Do đó, để khơi dậy và hun đúc, phát huy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của mỗi người dân, đòi hỏi những người đứng đầu đất nước và các lãnh tụ khởi nghĩa, trước hết phải có đường lối cứu nước, cứu dân đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân mới có cơ sở để tập hợp sức mạnh dân tộc, đồng thời phải có phương pháp tổ chức lực lượng cả nước thành một khối đoàn kết, thống nhất thì mới có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Không phải đến khi có chiến tranh mới kêu gọi đoàn kết mà ngay từ trong thời bình phải có chiến lược đoàn kết dân tộc phù hợp với thực tiễn của từng thời kỳ.
Cơ sở để tạo nên sức mạnh đoàn kết bền vững, lâu dài là phải xây dựng đất nước vững mạnh toàn diện, giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai tầng, giữa các tôn giáo khác nhau, giữa những người theo đạo và không theo đạo, giữa các vùng miền và các dân tộc, tạo nên sự đồng thuận của mọi tầng lớp dân cư; chăm lo bồi dưỡng sức dân, tin vào dân, biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy tinh thần làm chủ và yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Xây dựng khối đoàn kết dân tộc phải đi từ xây dựng đoàn kết, thống nhất trong nội bộ triều đình (vua tôi đồng lòng), làm hạt nhân cho sự đoàn kết dân tộc; đoàn kết quân dân, đoàn kết trong nội bộ quân đội (phụ tử chi binh), đoàn kết rộng rãi các thành phần dân tộc, các vùng miền và các giai tầng trong xã hội, không phân biệt trẻ già, trai gái, dân tộc, mỗi người dân yêu nước trên cương vị của mình đều phải đoàn kết, tham gia đóng góp công sức để xây dựng và bảo vệ đất nước... Nhờ thực hiện đoàn kết từ trên xuống, từ dưới lên, đoàn kết cả diện và tầng, đoàn kết cả bên trong lẫn bên ngoài, dân tộc ta đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng nhiều kẻ thù lớn mạnh, giành lại và bảo vệ được nền độc lập dân tộc; làm thất bại mọi mưu đồ thôn tính, đồng hóa của các thế lực xâm lược.
Lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết đánh giặc luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam, biết phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân sẽ tạo nên sức mạnh vô địch không trở lực nào có thể ngăn nổi. Lịch sử ghi nhận, cũng là dân ấy, đất nước ấy mà khi còn, khi mất, khi thắng, khi thua là tùy thuộc vào khả năng tập hợp, động viên sức mạnh và sử dụng sức mạnh toàn dân vào cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc của những người đứng đầu đất nước. Lịch sử cũng ghi nhận, trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, mặc dù nhiều lãnh tụ phong trào đã nhận thức sâu sắc muốn đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc, nhất thiết phải dựa vào sức mình là chính, phải phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, xây dựng được khối đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, đường lối cứu nước dựa vào hệ tư tưởng phong kiến hay ý thức hệ tư sản của các lãnh tụ phong trào đã không còn phù hợp với thời đại nên không định hướng, quy tụ và tập hợp được sức mạnh của toàn dân. Phan Bội Châu, người tiêu biểu cho chủ trương đoàn kết dân tộc, tuy đã nhìn thấy sức mạnh yêu nước của quảng đại quần chúng nhân dân, nhưng chưa có đường lối cách mạng đúng đắn và phương pháp tuyên truyền, tổ chức phù hợp nên không thể tập hợp và phát huy được sức mạnh của toàn thể dân tộc.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ. Trong ảnh: Bộ đội, tự vệ cùng nhân dân thành phố đắp lũy, dựng vật cản chặn quân Pháp trên phố Mai Hắc Đế.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ. Trong ảnh: Bộ đội, tự vệ cùng nhân dân thành phố đắp lũy, dựng vật cản chặn quân Pháp trên phố Mai Hắc Đế.
Cùng với xây dựng, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, trên cơ sở ý thức mạnh mẽ về quyền làm chủ đất nước, quyền làm chủ vận mệnh của mình, dân tộc ta đã xây dựng nên một truyền thống quý báu, đó là ý thức độc lập, tự lực, tự cường, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm. Trải qua nhiều thế kỷ đấu tranh đã làm cho tổ tiên ta nhận thức sâu sắc rằng, để tồn tại và phát triển, dân tộc ta không được trông chờ, ỷ lại mà phải nêu cao ý thức độc lập, tự lực, tự cường dân tộc, kiên quyết đứng lên cầm vũ khí đấu tranh, một mất một còn với kẻ thù xâm lược. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng tổng kết: “Nhân dân ta vốn có tinh thần tự lập tự cường rất cao. Tinh thần ấy được giữ gìn và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Nó đã trở thành một truyền thống sâu sắc, một sức mạnh vật chất kỳ diệu của dân tộc ta”. Ý thức độc lập, tự lực, tự cường, quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta có cơ sở vững chắc từ chiều sâu của sức mạnh văn hóa, truyền thống dân tộc, sức mạnh của lòng yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của các yếu tố nội lực, của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.
Không có niềm tin hoặc không phát huy được tất cả nguồn sức mạnh nội lực đó đều dẫn đến mất nước. Từ khi có Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhờ biết kế thừa truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc, lại được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, ý thức độc lập, tự lực, tự cường, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc được nâng lên một tầm cao mới, tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất non sông.
Nhờ biết đặt lợi ích “dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”, nêu cao tư tưởng cách mạng, chân lý thời đại “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đồng thời từng bước giải quyết đúng đắn, hài hòa lợi ích của các bộ phận, biết phát huy những yếu tố tương đồng, thu hẹp các yếu tố khác biệt giữa các giai tầng trong xã hội, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ, hun đúc và phát huy được cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường của toàn thể dân tộc Việt Nam vào cuộc đấu tranh giành, giữ nền độc lập dân tộc.
Đảng luôn coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng và tuyên truyền tinh thần yêu nước và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng cho toàn dân, làm cho nhân dân hiểu được chỉ có trên cơ sở đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, dân tộc ta mới có đủ sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thử thách, mới giành, giữ được nền độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”1. Với chủ trương đúng đắn, hình thức tổ chức phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, chúng ta đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện thành công đường lối khởi nghĩa vũ trang toàn dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cách sinh, dựa vào sức mình là chính. Trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Mặt trận dân tộc thống nhất, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là những hình thức tổ chức rất sáng tạo, mang lại hiệu quả to lớn trong việc động viên, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc.
2. Thực hiện đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Từ thế kỷ VIII, để giải phóng đất nước, cùng với tập hợp và phát huy sức mạnh dân tộc, các sử liệu cũ còn ghi rõ, Mai Hắc Đế còn cử người đi giao thiệp, liên kết với các nước Chămpa ở phía nam, Chân Lạp ở phía tây và nước Kim Lân (Malaixia ngày nay) để có thêm lực lượng chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Nhờ đó, cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi nhanh chóng. Các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Tây Sơn trong khi coi trọng việc tập hợp và phát huy sức mạnh các yếu tố nội lực, đều chăm lo xây dựng mối quan hệ bang giao hữu hảo với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là thiết lập quan hệ bền chặt với nhân dân Lào. Đối với các triều đại phong kiến phương Bắc, ông cha ta, một mặt thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhún nhường nhằm giữ hòa hiếu, hòa bình có lợi cho cả hai dân tộc, mặt khác rất kiên quyết về nguyên tắc nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc. Trong quan hệ với các nước nhỏ, ông cha ta thực hiện khoan hòa, ân uy, thông hiếu, nhưng rất cứng rắn, nghiêm khắc mỗi khi chủ quyền, lãnh thổ đất nước bị xâm phạm.
Cùng với xây dựng mối quan hệ hữu nghị, thân thiện với các quốc gia láng giềng, ông cha ta còn đoàn kết với nhân dân các dân tộc khác, đoàn kết cả với nhân dân nước đối phương. Lý Thường Kiệt khi đem quân sang đất Tống đã cho công bố Phạt Tống lộ bố văn, nêu rõ mục đích chính nghĩa của việc “Bắc tiến”, vạch trần tính chất tàn bạo, thối nát của triều đình nhà Tống đối với nhân dân. Bản Phạt Tống lộ bố văn tác động mạnh mẽ vào tư tưởng chán ghét của dân Tống đối với nhà nước từ bấy lâu nên đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của họ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hành quân và tác chiến của quân đội nhà Lý trên đất Tống.
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ôtô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng.
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ôtô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng.
Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Vấn đề dân tộc đã trở thành vấn đề có liên quan đến nhiều quốc gia, thành vấn đề đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc. Trong thời đại mới, không xây dựng được thực lực bên trong mà chỉ trông chờ, ỷ vào sức mạnh bên ngoài, hoặc chỉ coi trọng yếu tố nội lực mà cách biệt với thế giới bên ngoài, xem nhẹ yếu tố ngoại lực đều không đi đến thành công. Đó là những hạn chế của các lãnh tụ phong trào yêu nước trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Xuất phát từ quan điểm cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, đặt cách mạng Việt Nam trong cục diện chung của thế giới, cùng với chủ trương phát huy cao độ sức mạnh nội lực, tinh thần độc lập, tự chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức coi trọng và không ngừng tăng cường, củng cố đoàn kết quốc tế, thêm bạn, bớt thù; tranh thủ mọi sự ủng hộ và giúp đỡ từ bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Lực lượng pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, mà còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Lực lượng pháo cao xạ của ta đã anh dũng chiến đấu và lập công xuất sắc, không chỉ bảo vệ bầu trời, yểm hộ bộ binh chiến đấu, mà còn góp phần chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ.
Đối tượng đoàn kết quốc tế của cách mạng Việt Nam rất rộng lớn. Đó là đoàn kết với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc và các nước tư bản chủ nghĩa nói chung; đoàn kết và hợp tác toàn diện, chặt chẽ với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; đoàn kết với phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới; đoàn kết chiến đấu với các phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Á - Phi, Mỹ Latinh; đoàn kết với nhân dân các nước đối phương yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh phi nghĩa hao người tốn của các chính phủ; đặc biệt là đoàn kết, liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho mỗi dân tộc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Những nội dung, nguyên tắc chủ đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đường lối đối ngoại, đường lối đoàn kết quốc tế là sự kế thừa, phát triển sáng tạo các nguyên tắc tự lực, tự cường, tranh thủ đến mức cao nhất sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới; là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thêm bạn bớt thù”, “cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị “quyết tử” của Hà Nội đầu năm 1947.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị “quyết tử” của Hà Nội đầu năm 1947.
Để tranh thủ sức mạnh bên ngoài, phải có nội lực tốt. Nội lực là nhân tố quyết định, còn ngoại lực chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua nguồn nội lực. Chính vì vậy, trong đấu tranh cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tư tưởng “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”, “muốn người ta giúp cho, thì trước mìnhphải tự giúp lấy mình đã”1. Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, vấn đề mấu chốt là Đảng phải có đường lối độc lập, tự chủ và đúng đắn. Kinh nghiệm cho thấy, khi nào chúng ta độc lập suy nghĩ, xuất phát từ thực tiễn của đất nước và tôn trọng quy luật khách quan trong việc xác định các chủ trương hành động thì lúc đó cách mạng giành được thắng lợi; ngược lại, lúc nào chủ quan duy ý chí hoặc giáo điều, máy móc sao chép cách làm của nước ngoài thì lúc đó cách mạng gặp khó khăn.
Cuối năm 1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1953, tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa Việt Nam và những cường quốc thực dân, đế quốc, mặc dù Việt Nam luôn chịu sự tác động rất lớn của nhân tố quốc tế trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực, nhưng nêu cao tư tưởng đoàn kết quốc tế với đường lối độc lập tự chủ, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, Đảng đã xử lý rất thành công những phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế. Nhờ đó, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rất lớn về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa, của tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành một mặt trận quốc tế rộng lớn ủng hộ Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của đường lối đúng đắn, độc lập, tự chủ và rất sáng tạo, linh hoạt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
SÁCH LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM - TẬP 14
Trình bày: Phi Nguyen
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân