PHÁT HUY TINH THẦN ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐỘT PHÁ, NHANH, BỀN VỮNG

70 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tỉnh Điện Biên đang từng ngày thay đổi diện mạo. Trên chiến trường xưa, những trường học, những bệnh viện, những công trình khang trang được dựng lên. Tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh luôn ở mức cao so với khu vực Trung du, miền núi phía bắc và ở mức khá trong cả nước.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.

Thành phố Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao.

Phóng viên: Tính tới thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên đã được thực hiện thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Thực hiện Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn 3 năm 2023-2025 phê duyệt, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung của Đề án, bao gồm:

Thứ nhất, sửa chữa, chỉnh trang các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ; sửa chữa, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, hoàn thành Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, những nơi tưởng nhớ các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong và cả người dân đã hy sinh; chỉnh trang các tuyến đường phục vụ cho lễ diễu binh, diễu hành và các hoạt động kỷ niệm.

Thứ hai, xây dựng và phối hợp huấn luyện, chuẩn bị các lễ: lễ dâng hương Đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ, lễ dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. Tập luyện, hợp luyện để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng quyết định Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có tổ chức bắn pháo lễ và có tốp máy bay trực thăng tham gia diễu hành, diễu binh qua Quảng trường, với ý nghĩa khẳng định: 70 năm trước bầu trời do quân Pháp chiếm giữ, nhưng bây giờ bầu trời Điện Biên Phủ là của chúng ta.

Phóng viên: Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Điện Biên chỉ còn khoảng 140 chiến sĩ Điện Biên Phủ còn sống. Tỉnh Điện Biên đã có những chính sách tri ân cụ thể như thế nào đối với nhóm đặc biệt này, thưa đồng chí?

Đồng chí Trần Quốc Cường: 70 năm trôi qua, các chiến sĩ Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến cứ ngày một ít đi. Cho đến ngày hôm nay, tại tỉnh Điện Biên chỉ còn 140 chiến sĩ Điện Biên Phủ và 9 thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch còn đang sinh sống đều đã trên dưới 90 tuổi. Rất may mắn, vẫn còn nhiều chiến sĩ Điện Biên Phủ còn mạnh khỏe, tham dự được một số sự kiện.

Cần khẳng định, việc tri ân các chiến sĩ Điện Biên Phủ không phải việc làm của một ngày, một đợt mà cần diễn ra thường xuyên, cả giai đoạn. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện đầy đủ chính sách đối với người có công, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, tổ chức thăm hỏi thường xuyên. Nhất là trong những dịp lễ, Tết, lãnh đạo tỉnh, cấp cao nhất, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành của Tỉnh ủy, và lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đều tổ chức đến thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tình hình sức khỏe, điều kiện sống của các cụ, cũng như công ăn việc làm của con, cháu các cụ.

Những chiến sĩ Điện Biên Phủ nơi ở chưa ổn định, tỉnh có chính sách bảo đảm nơi ở ổn định. Có những trường hợp do thay đổi nơi ở, con cháu các cụ chưa có công ăn việc làm, tỉnh yêu cầu địa phương phải bố trí ngay. Con cháu các cụ có công ăn việc làm thì mới có điều kiện để chăm sóc các cụ. Ngoài ra, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đợt khám sức khỏe đối với các chiến sĩ Điện Biên Phủ, cựu thanh niên xung phong hiện đang sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ và các địa phương.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Phóng viên: Thưa đồng chí, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ở lại theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xây dựng cho Điện Biên phát triển như ngày hôm nay. Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của các cựu chiến binh trong việc phát triển kinh tế Điện Biên từ 70 năm trước đến hiện nay?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Không chỉ lập chiến công tại chiến trường để góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, sau khi chiến dịch kết thúc, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rất nhiều chiến sĩ Điện Biên Phủ đã chuyển sang tham gia làm lãnh đạo, chỉ đạo, làm công nhân của các nông trường, các hợp tác xã; góp phần quan trọng trong việc xây dựng nên tỉnh Điện Biên như hôm nay.

Có thể kể đến nhiều di sản của các chiến sĩ Điện Biên Phủ trên mặt trận sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội như thương hiệu cà-phê Mường Ảng, gạo Sén Cù. Hiện tại, tỉnh đã có trên 3.000ha cà-phê nổi tiếng. Đấy là công sức của nhiều chiến sĩ Điện Biên Phủ từ những năm 1960 để lại. Rồi các hợp tác xã, các tổ sản xuất trồng lúa, cánh đồng Mường Thanh cũng là thành quả lao động của các chiến sĩ Điện Biên Phủ từ bộ đội chuyển sang làm công nhân công trường, nông dân tại các hợp tác xã, tổ sản xuất. Đặc biệt, ngày nay, các cụ vẫn luôn động viên con, cháu hăng hái lao động để đóng góp xây dựng Điện Biên ngày một giàu đẹp hơn.

Item 1 of 2

Điện Biên đang từng ngày bứt phá từ tinh thần của chiến thắng lịch sử năm xưa....

Điện Biên đang từng ngày bứt phá từ tinh thần của chiến thắng lịch sử năm xưa....

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay

Năm 2023, các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc, đặc biệt lượng khách du lịch đã tăng hơn 23%; tổng doanh thu đạt hơn 26%.

Đáng mừng nhất, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tỷ lệ giảm nghèo năm 2023 đạt 4,32%; đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,03%. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết thêm hướng đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2024?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Trong năm 2024, tình hình thế giới vẫn tiếp tục phức tạp, khó lường. Tình hình kinh tế của cả nước còn khó khăn. Mặc dù vậy, với tinh thần và quyết tâm cao, tỉnh Điện Biên đã tập trung xây dựng và thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế gắn với Chương trình chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và dự toán ngân sách năm 2024.

Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, thúc đẩy 4 cực phát triển của tỉnh là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Mường Nhé; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất, đúng quy định để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển đô thị, năng lượng tái tạo.

Tiếp tục nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đào tạo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội…

Đặc biệt, căn cứ theo Quy hoạch tỉnh Điện Biên mới được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Điện Biên xác định một số điểm đột phá; trong đó đặt trọng tâm phát triển, phát huy thế mạnh nông, lâm nghiệp. Tỉnh tập trung phát triển các giống cây có giá trị kinh tế cao như cà-phê, mắc-ca; các giống dược liệu quý dưới tán rừng như sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh; nuôi trồng các loại thủy sản giá trị như cá tầm, cá hồi nước lạnh; khai thác rau củ quả cao cấp phục vụ cho nhu cầu của nhân dân và khách du lịch. Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/4/2023, tỉnh Điện Biên đang khẩn trương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án thành lập trường Đại học Điện Biên Phủ trong năm 2024, 2025.

Bên cạnh đó, năm 2024, được sự phê duyệt, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Quốc hội và Chính phủ, tỉnh Điện Biên sẽ tập trung thực hiện lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ theo nghi lễ cấp Quốc gia. Trên cơ sở nội dung đề án được phê duyệt, hiện tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tiểu ban giúp việc để giao nhiệm vụ cụ thể.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Điện Biên được biết đến là mảnh đất giàu giá trị lịch sử và văn hóa. Tỉnh đã có những chính sách cụ thể gì để phát huy hết thế mạnh về lịch sử, thực sự biến Điện Biên trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của vùng Tây Bắc?

Đồng chí Trần Quốc Cường: Điện Biên có vinh dự lưu giữ Di tích quốc gia đặc biệt: Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, với 45 điểm di tích văn hóa-lịch sử đặc biệt quan trọng, gồm các khu đề kháng của địch, nơi ta tấn công để đánh giặc, và các di tích liên quan đến quá trình hành quân đưa vũ khí, pháo, đạn dược vào chiến trường.

Xác định di tích chỉ có giá trị khi có giá trị tuyên truyền để bồi dưỡng truyền thống yêu nước, truyền thống đánh giặc của dân tộc ta, tỉnh Điện Biên đã xác định 5 nội dung công việc cần phải làm để bảo tồn, phát huy, bao gồm:

Thứ nhất, tích cực tuyên truyền cho nhân dân hiểu được ý nghĩa của di tích; đồng thời thấy được trách nhiệm, vinh dự để cùng nhau giữ gìn, bảo tồn di tích lâu dài cho các thế hệ mai sau, không để vì mưu cầu cuộc sống đời thường xâm lấn dần làm mất di tích, làm mai một các dấu tích, tư liệu có liên quan.

Thứ hai, có kế hoạch và thực hiện kịp thời việc tu bổ, tôn tạo, duy tu các công trình trước sức ép của thời gian, thiên nhiên và cả cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Bởi, nếu không kịp thời có kế hoạch để bảo tồn thì không thể giữ được nguyên vẹn các di tích.

Thứ ba, có kế hoạch phối hợp nhiều ngành, nhiều địa phương để thường xuyên tổ chức cho các tầng lớp nhân dân, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, đặc biệt các thế hệ thanh thiếu niên đến thăm di tích, để hiểu thêm về những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trước đây, và thấy được ý chí kiên cường, gan dạ, “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” của ông cha, bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tiếp đó, cần khẩn trương xây dựng Đề án số hóa toàn bộ tư liệu chiến trường; tiến tới xây dựng một cuốn sách lịch sử bằng hình ảnh để ghi lại toàn bộ dấu tích lịch sử của chiến trường Điện Biên Phủ để bảo vệ lâu dài.  

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 27/3/2024
Thực hiện: LÊ LAN - SƠN BÁCH - VĂN TOẢN
Trình bày: BÌNH NAM