PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA “BỘ ĐỘI CỤ HỒ” THỜI KỲ MỚI
Sự xuất hiện, phát triển và định hình kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta đã trải qua 80 năm. So với lịch sử dân tộc không dài, song chỉ với thời gian đó, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống đất nước, đi vào lòng dân một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn, trở thành một trong những giá trị văn hóa chính trị tiêu biểu của thời đại mới - Thời đại Hồ Chí Minh. Những đặc trưng của kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trở thành một hệ giá trị văn hóa độc đáo được Nhân dân đúc kết, đồng thuận, ngợi ca. 80 năm qua, biết bao thế hệ người mẹ, người cha đã tin tưởng gửi gắm con em mình vào Quân đội để tuổi trẻ trở thành chiến sĩ được mang danh hiệu đầy khiêm tốn mà kiêu hãnh, tự hào: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tìm trong lịch sử dân tộc ta, giới khoa học đã nhận thấy rằng, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử dựng nước, giữ nước, trong truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Đó là hình ảnh cao đẹp được nhân dân truyền tụng của kiểu mẫu những người cầm vũ khí, của nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ cội nguồn dân tộc, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” có sức sống bền vững, thấm sâu trong tâm thức dân tộc, vì vậy, kiểu mẫu nhân cách đó cần phải được giữ gìn, củng cố và phát triển trong thời kỳ lịch sử mới để nó trở thành chuẩn mực văn hóa cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và góp phần làm phong phú cho các di sản, tài sản văn hóa của dân tộc ta. Mặt khác, trước yêu cầu mới rất cao trong xây dựng Quân đội theo mục tiêu “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, tinh, gọn, mạnh, việc tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục xây dựng, nuôi dưỡng kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trở nên tất yếu, trở thành một nội dung xuyên suốt trong toàn bộ quá trình xây dựng Quân đội. Có nghĩa là nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới nhằm mục tiêu tạo ra những thế hệ kế tiếp nhau trở thành người quân nhân cách mạng có đủ trình độ, phẩm chất, bản lĩnh, năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tìm trong lịch sử dân tộc ta, giới khoa học đã nhận thấy rằng, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử dựng nước, giữ nước, trong truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Đó là hình ảnh cao đẹp được nhân dân truyền tụng của kiểu mẫu những người cầm vũ khí, của nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Từ cội nguồn dân tộc, kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” có sức sống bền vững, thấm sâu trong tâm thức dân tộc, vì vậy, kiểu mẫu nhân cách đó cần phải được giữ gìn, củng cố và phát triển trong thời kỳ lịch sử mới để nó trở thành chuẩn mực văn hóa cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và góp phần làm phong phú cho các di sản, tài sản văn hóa của dân tộc ta. Mặt khác, trước yêu cầu mới rất cao trong xây dựng Quân đội theo mục tiêu “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, tinh, gọn, mạnh, việc tập trung mọi nỗ lực để tiếp tục xây dựng, nuôi dưỡng kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trở nên tất yếu, trở thành một nội dung xuyên suốt trong toàn bộ quá trình xây dựng Quân đội. Có nghĩa là nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới nhằm mục tiêu tạo ra những thế hệ kế tiếp nhau trở thành người quân nhân cách mạng có đủ trình độ, phẩm chất, bản lĩnh, năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trước yêu cầu mới đó, nhiệm vụ tiếp tục phát huy, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” phải đồng thời xử lý hai quan hệ lớn. Một là, quan hệ giữa bảo đảm sự thống nhất hài hòa giữa yêu cầu chung đối với con người Việt Nam thời kỳ mới và yêu cầu riêng mang tính đặc thù của người chiến sĩ trong tổ chức quân sự cách mạng. Xử lý biện chứng quan hệ lớn này sẽ tạo ra hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, đồng thời chuẩn bị cho sự phát triển phẩm chất công dân theo những đòi hỏi hiện đại, khi người cán bộ, chiến sĩ xuất ngũ. Đây là bài toán mới và khó. Hai là, quan hệ đặc thù nằm ngay trong bản thân Quân đội, đó là kiên định và sáng tạo, là xây và chống. Một mặt vừa khẳng định những giá trị cốt lõi, cơ bản, dứt khoát không thể thay đổi, mặt khác sẵn sàng, nhạy bén, chủ động nuôi dưỡng, bổ sung, phát triển các nội dung, chuẩn mực mới cần và phải có trong nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Định hướng, tỉnh táo xử lý đúng quan hệ trên sẽ giúp Quân đội chủ động trong quá trình nuôi dưỡng, phát huy, phát triển nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”, tránh được hai khuynh hướng, hoặc là bảo thủ, cứng nhắc hoặc là lúng túng, bị động trước những tác động ngày càng đa chiều, phức tạp từ bên ngoài đối với tổ chức quân đội chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Đó là quan hệ giữa xây và chống, xử lý đúng quan hệ đó sẽ là “vũ khí” hữu hiệu để bảo vệ, phát huy, phát triển nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Sự đổi mới toàn diện các lĩnh vực cơ bản trong hoạt động của Quân đội, đặc biệt là công tác đảng, công tác chính trị, tư tưởng - văn hóa trong Quân đội sẽ là chìa khóa giải quyết hiệu quả hai quan hệ cơ bản trên.
Tình hình thế giới và trong nước thời kỳ mới, từ nay đến giữa thế kỷ XXI có cả những thuận lợi, thời cơ, yêu cầu mới và cả những thách thức, khó khăn chưa thể và “khó dự báo” đang và tiếp tục “đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chỉ từ góc nhìn tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới này, chúng ta cũng nhận rõ những cơ hội lớn và cả những thách thức chưa từng có so với những năm trước đây. Cần khẳng định dứt khoát, không phải là một công thức quen thuộc mà là những thuận lợi có tính thực tiễn, đó là Đảng tiếp tục lãnh đạo Quân đội tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, đó là sự tin yêu không bao giờ thay đổi của Nhân dân dành cho Quân đội, đó là các truyền thống quý báu của Quân đội được xây đắp trong 80 năm qua… Song, gắn với yêu cầu và đặc điểm của thời kỳ lịch sử mới của dân tộc, cần phải nhấn mạnh một cơ hội lớn sau đây: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Xây dựng Quân đội, phát triển nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” phải được đặt trong khát vọng tinh thần lớn lao đó của toàn dân tộc. Và trong khí thế đó, theo truyền thống 80 năm của mình, Quân đội nói chung và những người mang danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” phải là những người tiên phong, nòng cốt, góp phần xứng đáng nhất của mình vào sự nghiệp vĩ đại chung đó của toàn dân tộc. Tôi nghĩ rằng, “Bộ đội Cụ Hồ” có đủ nội lực để làm được điều đó. Phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” đã được Bác Hồ khen ngợi cách đây 60 năm cần được phát huy cao độ trong thời kỳ mới: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[1].
Trong thời kỳ mới này, thuận lợi, cơ hội và thách thức, khó khăn luôn đan xen nhau. Những người từng trải nghiệm qua các giai đoạn lịch sử đã nghĩ đến một thực tế rằng, có thể từ nay thách thức lớn hơn cơ hội, đồng thời tin rằng với truyền thống luôn luôn vượt qua những thách thức nghiệt ngã, đặc biệt trong 30 năm chiến tranh giải phóng, để trụ vững và chiến thắng, “Bộ đội Cụ Hồ” sẽ làm được điều đó trong tình hình mới, điều kiện mới. Chắc chắn rằng, tóm lược những thách thức mới không thể đầy đủ vì nó đang và sẽ tác động nhiều chiều, phức tạp, trực tiếp và gián tiếp đối với đời sống, tổ chức Quân đội và mọi quân nhân. Ở góc nhìn tiếp tục xây dựng danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, có thể nêu lên một số thách thức mới cần vượt qua.
Trong những năm kháng chiến (1945 - 1975), vì lý tưởng cao cả độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tất cả cho tiền tuyến, nên lực lượng thanh niên ưu tú tự nguyện nhập ngũ đông đảo. Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù không phải là khẩu hiệu hô hào mà là khát vọng, là nhiệt huyết thực sự của những người con ưu tú này. Ngày nay, xã hội đang phát triển rất mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, mở ra cho thanh niên rất nhiều khả năng lựa chọn đa dạng, khác nhau để phát triển nhu cầu, nguyện vọng cá nhân, cả về nghề nghiệp và đời sống vật chất. Hàng chục vạn doanh nghiệp lớn, nhỏ. Hàng chục nghìn các trường đại học, cao đẳng, nghề nghiệp… Hàng nghìn các cơ quan, đơn vị có nhu cầu nhân sự. Trong điều kiện hầu như rất mới đó, con đường lựa chọn “binh nghiệp” không thể hấp dẫn như trước, nếu không muốn nghĩ rằng, so với các lựa chọn khác, con đường này có những thử thách phía trước gay gắt hơn. Ngay các chiến sĩ nghĩa vụ ngày hôm nay đã và đang có những biến động, thay đổi lớn về nhiều mặt. Với thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự hai năm, việc rèn luyện và tự rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là một thách thức lớn, chưa kể đến những đòi hỏi cao về trình độ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội thời kỳ mới. Còn đối với sĩ quan, phần lớn đều cho rằng, đó là một nghề nghiệp xã hội nên cần phải đối xử với nó vừa như các nghề nghiệp khác, vừa quan tâm thỏa đáng với tính đặc thù của nó, mà nổi lên trước hết là sự chịu đựng gian khổ, cống hiến và khi cần phải hy sinh vì sự nghiệp lớn. Phải chăng, đó là một nghề nghiệp đặc biệt. Một ví dụ cụ thể: Khi được hỏi nguyện vọng cấp thiết hiện nay của cá nhân, có 61,8% sĩ quan nêu nguyện vọng là hợp lý hóa gia đình, vì cho đến nay, đa số sĩ quan có gia đình chưa được hợp lý hóa do nhiệm vụ, điều kiện công tác, chiến đấu.
Những thách thức lớn tác động phức tạp đến nhiệm vụ xây dựng Quân đội nói chung và nuôi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” nói riêng như âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa quân đội”, “giải thể hệ tư tưởng”… do kẻ thù gây ra cũng chính là những lực cản nguy hiểm cần tỉnh táo và sự vững vàng của bản lĩnh và niềm tin để vượt qua. Những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội và trong quá trình hội nhập quốc tế đang hằng ngày tác động đến đời sống tinh thần, tâm lý… của cán bộ, chiến sĩ, dẫn tới những biến động, thay đổi trong việc sắp xếp và lựa chọn các giá trị văn hóa - giá trị sống. Sự lúng túng, lệch chuẩn và cả loạn chuẩn đã xuất hiện. Có khuynh hướng coi các giá trị như sự dũng cảm, hy sinh, lòng trung thực là “dại dột” hay lòng tốt, sự thủy chung không tạo ra của cải vật chất, đồng tiền… Những nhân tố mới đang hình thành trong thời kỳ quá độ này phải trải qua một quá trình đấu tranh âm thầm mà quyết liệt như Bác Hồ viết trong Di chúc, đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ”[1] giữa cái cũ, hư hỏng với cái mới mẻ, tốt tươi.
Những cơ hội, thách thức và đặc điểm mới trên đây cho thấy, tiếp tục vận dụng và phát huy những kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” là hết sức cần thiết, quan trọng, đồng thời thực tiễn mới đòi hỏi tư duy mới, những giải pháp, tìm tòi, sáng tạo mới. Kết hợp sinh động cả hai mặt đó, nhiệm vụ to lớn tiếp tục bảo vệ, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” ngày hôm nay và trong tương lai sẽ hoàn thành trọn vẹn.
Có thể thấy rằng, điểm hội tụ sức mạnh chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của Quân đội thời kỳ mới chính là xây dựng thành công vững chắc kiểu mẫu nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”. Đặc trưng của kiểu mẫu nhân cách này, xét từ chiều sâu nhất của nó, là sự thống nhất và chuyển hóa từ yêu cầu, giá trị chính trị trở thành các giá trị văn hóa thấm sâu trong nhân cách người quân nhân cách mạng. Có nghĩa là, trong công tác chính trị, tư tưởng cần tạo được sự chuyển hóa từ nhận thức lý trí (cái đúng của các giá trị chính trị) thành nhu cầu, khát vọng của lẽ sống - các giá trị văn hóa thấm sâu trong thế giới tinh thần, tình cảm. Đó là con đường khó nhất nhưng hiệu quả nhất tạo nên phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Nếu chỉ dừng lại ở những bài giảng “chay” về chính trị hoặc chỉ chú trọng điểm danh, viết thu hoạch trong các đợt học nghị quyết, văn kiện… mà không tạo được hiệu ứng tình cảm, chắc chắn hiệu quả sẽ rất thấp.
Qua tham luận, đề xuất một số nội dung giáo dục gắn chặt giữa chính trị và văn hóa, giữa nhận thức lý trí và nuôi dưỡng tình cảm người chiến sĩ: Tổ quốc, tình yêu và lòng trung thành với Tổ quốc; truyền thống và văn hiến dân tộc, tình yêu dân tộc của người chiến sĩ; Nhân dân và lòng hiếu thảo của “Bộ đội Cụ Hồ” với Nhân dân; lòng tự trọng và danh dự của chiến sĩ, tình thế lựa chọn của người lính và sự sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.
Cùng với chương trình học tập chính trị, các nội dung trên nhằm đáp ứng nhu cầu mới và phù hợp với tình hình thời kỳ mới. Giải đáp thỏa đáng với sức thuyết phục cao các vấn đề trên sẽ giúp cho việc bồi dưỡng nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” giai đoạn mới.
“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là những mục tiêu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. Lâu nay, có khuynh hướng nhìn nhận các tiêu chí đó ở mặt chính trị - quân sự. Điều đó đúng, song có lẽ chưa đủ. Xét từ chiều sâu của các tiêu chí đó, cần nhìn nhận đó chính là các giá trị văn hóa hết sức độc đáo của Quân đội ta. Sự giải đáp và truyền tải các tiêu chí này đồng thời hai giá trị hòa quyện, xuyên thấu vào nhau: Yêu cầu chính trị và giá trị văn hóa để trở thành giá trị văn hóa chính trị của Quân đội ta. Công việc này cần được thực hiện trong công tác đào tạo sĩ quan của các nhà trường quân đội - cái nôi quan trọng để rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ môi trường đó, họ sẽ lan tỏa trong toàn quân và góp phần nòng cốt, chủ yếu tiếp tục giúp cho các thế hệ nối tiếp nhau rèn luyện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Phát huy cao độ sức mạnh, tính ưu việt của văn hóa - văn nghệ trong phát hiện, đúc kết, góp phần xây dựng, khẳng định và truyền bá danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là một truyền thống văn hóa của Quân đội ta trong suốt 80 năm qua. Văn hóa - văn nghệ trong Quân đội luôn là một lực lượng đồng hành tin cậy, giàu sức cổ vũ, kêu gọi đối với chiến sĩ trên các mặt trận ác liệt nhất. Trong thời kỳ mới, truyền thống và thành tựu đó cần được tiếp tục giữ gìn và phát triển. Trong 80 năm qua, đã có hàng nghìn công trình, tác phẩm văn hóa - văn nghệ quân đội trở thành người bạn thân thiết, thành sức vẫy gọi các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vươn lên trở thành anh hùng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Chỉ trong một lĩnh vực sáng tạo âm nhạc, trong 80 năm qua hàng loạt ca khúc đi cùng năm tháng, sống trong tình cảm sâu lắng của bao thế hệ chiến sĩ đều mang âm hưởng “hành quân” của đoàn quân chiến thắng “Bộ đội Cụ Hồ”, như: “Cùng nhau đi hùng binh” của Đinh Nhu; “Cảm tử quân” của Hoàng Quý; “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao; “Vì nhân dân quên mình” của Doãn Quang Khải; “Tiến bước dưới quân kỳ” của Doãn Nho; “Đội cận vệ bất diệt” - Giao hưởng của Đàm Linh; “Anh vẫn hành quân” của Huy Du; “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục; “Hành khúc ngày và đêm” của Phan Huỳnh Điểu; “Bước chân trên dải Trường Sơn” của Vũ Trọng Hối; “Chào anh Giải phóng quân, chào mùa Xuân đại thắng” của Hoàng Vân; “Hát mãi khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền…
Trong thế giới tinh thần, tâm hồn, tình cảm của mỗi chiến sĩ mang danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đều có âm vang của các bài ca đó và chính đó làm nên sự giàu có tinh thần, trong sáng, cao cả của “Bộ đội Cụ Hồ”. Với ý nghĩa đó, trong thời kỳ mới, tiếp tục phát triển mạnh mẽ văn hóa - văn nghệ trong Quân đội không chỉ vì nó là một kênh trong dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng Việt Nam hiện đại mà còn chính là một sức mạnh tạo nên vẻ đẹp của nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Trong suốt 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng. Song, phần thưởng đầu tiên lại chính do Nhân dân trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, đó là danh hiệu “Bộ đội Ông Ké”, “Bộ đội Ông Cụ”, “Bộ đội Cụ Hồ”. Tôi trộm nghĩ, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng và Nhà nước thay mặt Nhân dân tặng Quân đội ta một bức trướng với nội dung “Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” - một danh hiệu trường tồn mãi mãi, như “Bảo vật quốc gia”./.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”.
GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương.
Trình bày: Phi Nguyen
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, QĐND