PHÁT TRIỂN HOÀN KIẾM THÀNH TRUNG TÂM CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA HÀNG ĐẦU CỦA THỦ ĐÔ
Địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có Khu phố cổ, vừa là nơi tập trung những tuyến phố cũ, với nhiều kiến trúc Pháp, kiến trúc Đông Dương. Đây cũng là nơi hội tụ những nét văn hóa của đất Thăng Long-Kẻ Chợ. Từ nền tảng di sản, nhất là di sản kiến trúc sẵn có tại phố cổ, phố cũ và những không gian văn hóa sẵn có, Hoàn Kiếm đang đưa những hoạt động văn hóa-nghệ thuật vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, để phát triển thành trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của Thủ đô.
DI SẢN NẰM TRONG DI SẢN
Giếng trời - một thiết kế độc đáo tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Giếng trời - một thiết kế độc đáo tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Thưởng thức nghệ thuật truyền thống trong không gian di sản tại Phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Thưởng thức nghệ thuật truyền thống trong không gian di sản tại Phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Nét cổ kính của Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Nét cổ kính của Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong không gian Phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong không gian Phố cổ Hà Nội. (Ảnh: Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội)
Những khu phố cũ, những công trình thời Pháp thuộc để lại cho Hà Nội nói chung, Hoàn Kiếm nói riêng một di sản kiến trúc độc đáo. Rất nhiều công trình trong số đó hiện được khai thác cho hoạt động du lịch, hay biến thành những không gian văn hóa.
Nếu như Hà Nội được ví như “trái tim” của cả nước, thì quận Hoàn Kiếm chính là hình ảnh thu nhỏ của Thủ đô. Cấu trúc của thành thị các nước Đông Á xưa thường gồm “thành” và “thị” thì khu vực 36 phố phường nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chính là khu vực “thị” của thành Thăng Long.
Trải qua lịch sử lâu đời, quận Hoàn Kiếm là nơi lưu đậm những lớp dấu tích không gian, thời gian với sự hiện diện của nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, kháng chiến cùng những tinh hoa văn hóa của vùng đất Thăng Long cổ kính.
Trong đó, nổi bật nhất là Khu phố cổ với những tuyến phố hình thành lâu đời, gắn với lịch sử phát triển của mảnh đất Thăng Long-Kẻ Chợ. Người Hà Nội vẫn gọi đây là khu “phố Hàng” - mỗi phố sản xuất, kinh doanh một mặt hàng nhất định.
Cách đặt tên phố theo nghề, theo mặt hàng đã tạo nên đặc trưng của phố cổ. Những tuyến phố như: Hàng Muối, Hàng Mắm, Hàng Bồ, Hàng Buồm, Hàng Khoai…
Đến nay vẫn còn một số hộ dân trên tuyến phố như Hàng Bạc làm đồ kim hoàn, phố Lãn Ông chuyên nghề Đông y… Nhiều tuyến phố như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Gai, Mã Mây… trở thành những tuyến du lịch hấp dẫn.
Toàn bộ Khu phố cổ trở thành di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia từ năm 2004. Trong Khu phố cổ lại có hàng chục di tích. Do đó, phố cổ Hà Nội được mệnh danh là nơi “di sản nằm trong di sản”.
Một địa điểm được ví như trái tim của Thủ đô là hồ Hoàn Kiếm. Nơi đây có những công trình kiến trúc đã thành biểu tượng của Thủ đô như: Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… Hồ Hoàn Kiếm-đền Ngọc Sơn cũng đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Toàn địa bàn quận chỉ rộng 5,1km2, nhưng có tới 190 di tích lịch sử, văn hóa các loại.
Sau khi thành Hà Nội thất thủ cuối thế kỷ 19, người Pháp tiếp quản và tiếp tục xây dựng Hà Nội thành một đô thị kiểu Pháp ở phương Đông. Những con phố kiểu Pháp, những công trình kiến trúc Pháp, kiến trúc Pháp pha trộn kiến trúc phương Đông tạo ra kiến trúc Đông Dương… mọc lên.
Phần lớn những công trình ấy nằm ở quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình ngày nay, tiêu biểu như Nhà hát Lớn, Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ), Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)… và hàng trăm biệt thự rải rác ở khu phố cũ: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Bà Triệu…
Những khu phố cũ, những công trình thời Pháp thuộc để lại cho Hà Nội nói chung, Hoàn Kiếm nói riêng một di sản kiến trúc độc đáo. Rất nhiều công trình trong số đó hiện được khai thác cho hoạt động du lịch, hay biến thành những không gian văn hóa.
KHO TÀNG ẨM THỰC
Trải qua quá trình phát triển lâu dài, quận Hoàn Kiếm hội tụ và kết tinh những tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Trong những di sản của Hoàn Kiếm, độc đáo nhất chính là ẩm thực. Ẩm thực phố cổ thể hiện nét tinh tế của người Tràng An.
Không chỉ những món ẩm thực truyền thống của người Hà Nội, những món ăn du nhập từ các địa phương khi về đến Khu phố cổ, qua bàn tay của những đầu bếp nơi đây cũng trở nên đặc sắc hơn, mang phong vị Hà thành. Ẩm thực Hoàn Kiếm hôm nay hấp dẫn với nhiều món ăn mang phong vị Hà thành với hàng nghìn cơ sở kinh doanh ẩm thực.
Liên tục trong hai năm qua, thương hiệu ẩm thực lừng danh thế giới Michelin vinh danh những nhà hàng, quán ăn nổi tiếng của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung. Ẩm thực Hà Nội luôn chiếm đa số trong những nhà hàng, quán ăn được vinh danh ở nhiều hạng mục khác nhau. Có một điều khá đặc biệt là những nhà hàng, quán ăn của Hà Nội được vinh danh chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Riêng về phở, Hà Nội có sáu quán phở được đưa vào danh sách quán ăn ngon do Michelin đề cử, thì có tới năm quán nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, gồm: Phở Bát Đàn, phở Ấu Triệu, phở số 10 Lý Quốc Sư, phở gà Nguyệt, phở Khôi Hói.
Ngoài năm quán ăn này, Hoàn Kiếm còn nhiều quán phở khác được chính cư dân phố cổ ưa chuộng như: Phở Mặn (phố Hàng Giấy), Phở Thìn bờ hồ (phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm), phở Sướng (ngõ Trung Yên, quận Hoàn Kiếm)…
Những nhà hàng, quán ăn đặc trưng khác còn phải kể đến như: Chả cá Lã Vọng, bún chả Đắc Kim... Có cả những con phố chuyên ẩm thực, hoặc nổi tiếng vì những món ăn độc đáo, điển hình như: phố ẩm thực Tống Duy Tân, ngõ ẩm thực Đồng Xuân… Tại đây, khách du lịch có thể khám phá nhiều món ăn đặc trưng của Hà Nội, nhất là những món quà, mà ngày nay thường được gọi là “ẩm thực đường phố”.
Đối với đồ uống, không thể không kể đến những thương hiệu như: cà-phê Giảng, cà-phê Lâm… Đây là những thương hiệu cà-phê lâu năm của Hà Nội, trở thành những địa chỉ du lịch hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Gà tần cây si trên phố Tống Duy Tân.
Gà tần cây si trên phố Tống Duy Tân.
Cơm đảo tôm rim nổi tiếng trên phố Tống Duy Tân.
Cơm đảo tôm rim nổi tiếng trên phố Tống Duy Tân.
SÁNG TẠO ĐỂ PHÁT TRIỂN
Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật nay trở thành một không gian văn hóa-sáng tạo. (Ảnh: Giang Nam)
Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật nay trở thành một không gian văn hóa-sáng tạo. (Ảnh: Giang Nam)
Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật trở thành không gian văn hoá – sáng tạo. (Ảnh: Giang Nam)
Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật trở thành không gian văn hoá – sáng tạo. (Ảnh: Giang Nam)
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025;” Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa.
Ngoài những di tích, danh thắng đã trở thành những địa chỉ du lịch nổi tiếng như: Hồ Hoàn Kiếm, đền Bà Kiệu, Ô Quan Chưởng, đình Kim Ngân, đình Nam Hương… Quận Hoàn Kiếm đầu tư, tu bổ hàng loạt di tích như: Đình Trung Yên, đình Hà Vĩ, đình Thanh Hà, đình Phả Trúc Lâm… Sau khi tu bổ, nhiều di tích biến thành những không gian sáng tạo qua dự án “Chuyện đình trong phố”.
Đình Tú Thị (phố Yên Thái) giới thiệu những hiện vật, hình ảnh về sự ra đời, phát triển của nghề thêu; kỹ thuật thêu cổ truyền, những tác phẩm nghệ thuật ứng dụng kỹ thuật thêu.... Đình Phả Trúc Lâm (phố Hàng Hành) tạo cảm hứng để các nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm liên quan đến nghề da giày và những đôi hài cổ. Đình Nam Hương nằm trên phố Hàng Trống trở thành địa chỉ giới thiệu tranh dân gian Hàng Trống, những sáng tác của các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống bằng nhiều chất liệu khác nhau: Sơn mài, lụa, họa kim sa và cả thêu tay…
Cùng với đó, Hoàn Kiếm biến đổi nhiều không gian công cộng thành các không gian sáng tạo. Sau Không gian bích hoạ phố Phùng Hưng, Không gian nghệ thuật phố Phúc Tân (Con đường nghệ thuật ven sông Hồng), cây cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật trở thành không gian văn hoá. Đi qua cây cầu, công chúng được thưởng thức bức tranh Hàng Trống với chủ đề “Cá chép vượt vũ môn” - bức họa tượng trưng cho việc vượt khó để đạt được thành tựu, nhất là đỗ đạt khoa cử; hay được đi trong một “đường hầm” thủy cung mà phía trên là các loài cá “bơi lội” với tác phẩm “Thủy cung”.
Những hoạt động này kết hợp với các không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ trong Khu phố cổ, hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại nhiều không gian văn hóa… đã giúp Hoàn Kiếm “giữ chân” khách du lịch. Mới đây, quận Hoàn Kiếm còn triển khai ứng dụng Ẩm thực Hoàn Kiếm để giúp khách du lịch tìm hiểu, đặt hàng các nhà hàng, quán ăn một cách thuận tiện nhất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định quận đang thực hiện các giải pháp để quản lý, phát huy giá trị các không gian sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp hóa trên địa bàn. Bên cạnh việc quản lý, tổ chức các không gian đi bộ, không gian nghệ thuật công cộng, quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp các nghệ sĩ, nghệ nhân tổ chức các hoạt động tại các không gian văn hóa như: Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây), đình Đồng Lạc (số 38 phố Hàng Đào), đền Quan Đế (số 28 phố Hàng Buồm), Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ)… phục vụ người dân và du khách. Quá trình “nghệ thuật hóa”, “sáng tạo hóa” các không gian công cộng của Hoàn Kiếm vẫn đang tiếp tục và điều đó góp phần giúp Hoàn Kiếm trở thành một trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của Thủ đô.
Tổ chức thực hiện: Kiều Hương - Trường Sơn
Nội dung: Giang Nam
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Giang Nam; Thành Đạt; Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội