Phát triển
năng lượng tái tạo
Hiệu quả & bền vững
Thế giới đang chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đã đến giới hạn, điện hạt nhân đứng trước những cảnh báo về thảm họa, vì thế phát triển năng lượng tái tạo trở thành xu thế tất yếu. Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Theo nhận định của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững.
Trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã đề ra mục tiêu cụ thể, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% vào năm 2045. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, không còn con đường nào khác là phải thay thế điện than bằng các nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời...). Dẫu vậy, từ thực tế triển khai cho thấy, các nguồn điện từ năng lượng tái tạo tương lai vẫn đang có những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ... Phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả và bền vững là chủ đề tiêu điểm tháng 4 của Nhân Dân hằng tháng.
Từ tăng trưởng nóng
đến “ngủ đông”
Với tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) và những cơ chế chính sách ưu đãi của Chính phủ, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã chứng kiến làn sóng đầu tư vào điện gió, điện mặt trời đến mức tăng trưởng “nóng” hàng đầu trên thế giới. Nhưng cơn sốt đầu tư vào NLTT đang “tăng tốc” bỗng dưng khựng lại vì gặp chướng ngại bởi bất cập về cơ chế, chính sách...
Cuộc chạy đua đầu tư vào điện mặt trời, điện gió
Từ nhiều năm qua, tốc độ phát triển nguồn điện của Việt Nam được đánh giá chậm hơn so với tốc độ phát triển của nền kinh tế, dẫn đến nguy cơ thiếu điện luôn thường trực. Dựa trên các thống kê, nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng gấp 1,8-2,0 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo Nhiệm vụ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW năm 2030 so với 47.000 MW hiện nay. Như vậy, khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành từ nay đến 2030. Nhưng để phát triển nguồn điện đáp ứng đủ nhu cầu lại trở thành một thách thức lớn khi mà trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đến đã đến giới hạn, điện hạt nhân đứng trước những cảnh báo về thảm họa. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển nguồn NLTT từ nắng, từ gió khi có vị trí địa lý thuận lợi ở các vùng miền trung và miền nam với tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.400-3.000 giờ, cường độ bức xạ mặt trời trung bình khoảng 4-5 kWh/m2/ngày, số ngày nắng trung bình khoảng 300 ngày/năm. Năng lượng mặt trời ở Việt Nam có sẵn quanh năm, khá ổn định và phân bố rộng rãi trên các vùng miền khác nhau của đất nước.
Với đường bờ biển dài 3000 km, 39% lãnh thổ nước ta có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương tiềm năng sản lượng điện gió 513 GW. Khoảng 10% trong số đó, được coi là có tiềm năng năng lượng điện gió rất lớn nằm tại các tỉnh miền trung - Tây Nguyên và Nam Bộ.
Vậy sự phát triển của NLTT ở nước ta thời gian qua đã diễn ra như thế nào?
Sau “khúc dạo đầu” dè dặt mang tính thử nghiệm, trong khoảng ba năm gần đây, NLTT đã có sự phát triển rầm rộ nhờ những “cú hích” từ cơ chế, chính sách. Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII nhấn mạnh: phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đồng thời, đặt ra nhiệm vụ xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Nghị quyết 140 Chính phủ ban hành mới đây về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đầy tham vọng với tỷ lệ các nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045. Đồng thời Chính phủ đã có nhiều quyết định về cơ chế hỗ trợ giá FIT (là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn NLTT, giá bán điện được tính toán để nhà đầu tư thanh toán đủ chi phí đầu tư, có lãi vừa phải và giá này được giữ cố định trong 20 năm).
Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng loạt dự án đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời trong cả nước với nhiều doanh nghiệp vào cuộc. Năm 2019 - năm bùng nổ của NLTT- trong đó top 10 doanh nghiệp dẫn đầu đầu tư vào điện gió, điện mặt trời gồm nhiều “ông lớn” đã được các chuyên gia, nhà khoa học Hội đồng Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam bình chọn gồm các Tập đoàn: TTC, Bim Group, Điện lực Việt Nam, Sunseap (Thái Lan); Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng và các công ty: CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, CP Năng lượng Dầu Tiếng; Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam, TNHH Xây dựng Thương mại Du lịch Công Lý, Tập đoàn Sao Mai.
Tổng công suất nguồn điện của Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch với danh mục 29 nhà máy điện mặt trời và điện gió là hơn 2.300 MW. Trong đó, 2.164,52 MW điện mặt trời và 139,15 MW điện gió, chiếm 49% tổng công suất điện mặt trời, điện gió toàn quốc và chiếm 27,6% tổng nguồn NLTT (không kể thủy điện vừa và lớn).
Miền trung và Tây Nguyên – nơi dồi dào nắng gió trở thành điểm đến của hàng loạt dự án đầu tư, nhiều địa phương trở thành đại công trường của những dự án điện gió, điện mặt trời, hối hả suốt ngày đêm.
Năm 2020, tỉnh Gia Lai đã cấp chủ trương đầu tư cho hàng loạt dự án điện gió có quy mô vốn lớn như dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết - Đak Đoa 2 của Công ty CP Phong điện Đak Đoa số 2 với vốn đầu tư dự kiến 3.687 tỷ đồng, dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 có quy mô vốn 4.021 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 đầu tư; dự án Nhà máy Điện gió Chơ Long có tổng mức đầu tư 4.619 tỷ đồng của Công ty CP Phong điện Chơ Long...
Làn sóng đầu tư vào điện mặt trời, điện gió cũng “đổ bộ” xuống hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tại Ninh Thuận, tính đến tháng 6/2020 đã có 34 dự án điện mặt trời (2.376,85 MW) và 13 dự án điện gió (678,95 MW) được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn hơn 88.782 tỷ đồng, đã hòa điện lưới quốc gia 25 dự án với tổng công suất 1.556,55 MW. Tại Diễn đàn cấp cao về phát triển năng lượng quốc gia 2020, Copenhagen Infrastructure Partners (Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận đã ký Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3,5 GW, vốn đầu tư 10 tỷ USD.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ trong vài ba năm, công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời đã vượt 20.000MW, chiếm đáng kể trong tổng công suất lắp đặt là hơn 70.000MW, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng “nóng” nhất về NLTT trên thế giới.
Nguồn lực khổng lồ với hàng tỷ USD của khu vực tư nhân trong và ngoài nước đã đổ vào điện gió, điện mặt trời. Ông Nguyễn Anh Tuấn – nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo đánh giá sự bùng nổ của điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam cho thấy Chính phủ đã thúc đẩy phát triển NLTT.
Cánh đồng điện mặt trời Phù Mỹ ở Bình Định.
Cánh đồng điện mặt trời Phù Mỹ ở Bình Định.
Khi cơ chế giá FIT “sập cầu dao”,
nhiều dự án “tắt điện”
Thực tế cho thấy cơ chế giá FIT của Chính phủ như một “bầu sữa” đối với các dự án NLTT. Theo Quyết định 13, với điện mặt trời, dự án vận hành trước 31/12/2020 sẽ được hưởng giá FIT 7,09 cent/kWh (tương đương 1.644 đồng/kWh) đối với dự án điện mặt trời mặt đất và 7,69 cent/kWh (khoảng 1.783 đồng/kWh) với điện mặt trời nổi; 8,38 cent /kWh, tức 1.943 đồng/kWh cho điện mặt trời mái nhà.
Dự án điện gió vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021, theo Quyết định 39/2018 là 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) cho dự án trên biển, dự án trên bờ là 8,5 cent (1.927 đồng/kWh). Nhưng khi thời hạn giá FIT cho điện mặt trời hết hiệu lực đã có một cuộc chạy đua mới vào điện gió để kịp thời điểm 1/11/2021.
Hàng loạt công trường của các dự án điện gió làm ngày làm đêm, tranh chấp từng giờ từng phút thần tốc vận chuyển thiết bị và lắp đặt để bảo đảm đúng tiến độ. Tình hình càng khó khăn hơn khi thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, giao thông bị ngăn trở, các chuyên gia nước ngoài mất nhiều thời gian đi lại và cách ly. Cuộc đua càng trở nên kịch tính khi đến tối 29/10/2021đã có 42 nhà máy được công nhận vận hành thương mại, còn 64 nhà máy tiếp tục chạy đua trong 48 giờ (Giá FIT theo quyết định 39 sẽ hết hạn vào ngày 31/10). Nhưng dù đã cố gắng tăng tốc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện gió đã không thể về đích và lỡ hẹn mốc 31/10, đồng nghĩa với việc sẽ rơi vào khoảng “trống” về chính sách, chờ Chính phủ ban hành cách áp dụng giá mới.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, không xem xét gia hạn hay kiến nghị Chính phủ gia hạn giá FIT với các dự án điện gió vận hành sau ngày 31/10. Đối với các dự án đang xây dựng nhưng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bộ có cơ chế xử lý chuyển tiếp song không áp dụng giá FIT và các dự án xây dựng sau ngày 31/10 sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.
Có thể nói, cơ chế giá FIT cung cấp nguồn “năng lượng” lớn cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, khi cơ chế này “sập cầu dao” lập tức nhiều dự án “tắt điện” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Nhiều dự án điện gió nghìn tỷ đã hoàn thành nhưng không thể vận hành thương mại mà phải “đắp chiếu” chờ cơ chế mới.
Có một thực tế, giá của điện gió, điện mặt trời nhìn chung cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn...). EVN đang được Nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện NLTT với mức giá do Nhà nước quy định. Như vậy, EVN đang thực hiện chức năng thay Nhà nước, chi phí bù giá cho NLTT đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng NLTT tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện.
Tăng tốc nhanh, phát triển bùng nổ, nhưng sau đó lại gặp không ít “chướng ngại vật”, bức tranh NLTT ở Việt Nam đang xen lẫn những màu sắc sáng tối mà muốn về đích cần phải tháo gỡ rất nhiều “điểm nghẽn”.
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Thanh Văn-Bảo Thanh-Việt Hưng-Bích Lan-Minh Quân
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trọng Duy, nguồn internet