
Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có gần một triệu doanh nghiệp, trong đó, chiếm phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ lệ khoảng 98%.
Để phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế, thì cần phải tạo lực đẩy cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên, “có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế” (Theo Tổng Bí thư Tô Lâm).
Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn về vấn đề này với Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ)
Trao cơ hội cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phóng viên: Chúng ta đặt ra bài toán phát triển kinh tế tư nhân, trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98% và trong nhóm này thì có tới 94% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Với cơ cấu doanh nghiệp như vậy, đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển kinh tế tư nhân “phù hợp” với đặc thù của Việt Nam.
Chiến lược “đo ni đóng giày” cho Việt Nam, theo Bà Ngọc Thủy, cần được cụ thể hóa như thế nào?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam là một cấu trúc đặc thù nên không thể áp dụng “khuôn mẫu” từ các quốc gia phát triển. Vì vậy, chiến lược phát triển khu vực kinh tế tư nhân bắt buộc phải được cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng để phù hợp với bối cảnh và năng lực thực tiễn của Việt Nam.
Có ba điểm mấu chốt mà theo tôi cần phải chú ý:
Thứ nhất, cần xác lập vị trí trung tâm của khu vực tư nhân. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Kinh tế tư nhân đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng quốc gia”. Tinh thần này cần được thể chế hóa, lan tỏa thành nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và nhanh chóng đưa vào thực thi.
Trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, đặc biệt là với những chuyển động trong chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và các quốc gia khác, phát huy nội lực của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết. Do đó, cần kiên định lập trường kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế để giúp Việt Nam đạt hai mục tiêu: trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và phát triển bền vững với các cam kết tới 2050. Sự khẳng định này giúp xóa bỏ tâm lý bị phân biệt đối xử đã tồn tại nhiều năm, từ đó củng cố niềm tin và tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp. Việc khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cũng là tôn trọng tiếng nói của thực tiễn, tiếng nói của kinh tế thị trường nhưng vẫn đảm bảo đặt trong định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, bên cạnh giải quyết các vấn đề đang là điểm nghẽn thì cần xây dựng các hệ chính sách phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp
Chính sách phát triển không thể theo mô hình “một cỡ cho tất cả”. Do đó, cần có sự cụ thể hóa, phân tầng theo quy mô (siêu nhỏ – nhỏ – vừa – lớn) và theo ngành nghề để tạo ra các chương trình hỗ trợ phù hợp. Mỗi nhóm doanh nghiệp có đặc trưng và nhu cầu khác nhau nên chính sách cũng cần được thiết kế có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo tính linh hoạt.
Một nền kinh tế độc lập, tự chủ phải có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu nhưng cũng cần một hệ sinh thái doanh nghiệp gắn kết với nhiều quy mô.
Với các doanh nghiệp lớn, rất cần có các chính sách để họ tham gia vào các bài toán quốc gia. Đó sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển, làm chủ các công nghệ mới, công nghệ khó, tích lũy kinh nghiệm để có thể cạnh tranh toàn cầu và quan trọng hơn nữa, là phát huy vai trò trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ, vừa, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị “Made by Vietnam”.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là nhóm có tính chất linh hoạt trong vận hành, có khả năng tiên phong trong tiếp cận các xu hướng mới, cần có các không gian chính sách để giúp họ tiệm cận nhiều cơ hội, giúp họ tiếp cận hiệu quả tín dụng, đất đai, lao động…để từ đó lớn lên. Đặc biệt, cần quan tâm đến nhóm doanh nghiệp vừa, vốn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp (3.8%). Việc thiếu vắng các doanh nghiệp vừa được ví như nút cổ chai, làm giảm hiệu quả và tính năng động của nền kinh tế. Với những doanh nghiệp này, có thể xây dựng các chương trình mục tiêu gắn với hỗ trợ về quản trị, chuyển đổi số, M&A hay xuất khẩu. Bên cạnh đó còn là 5.2 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động rất năng động, đóng góp vào tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, cũng cần các chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Nói một cách hình ảnh, chính sách cần tạo ra không gian để chim đại bàng có thể sải cánh vươn ra toàn cầu; đồng thời cũng cần tạo ra những rừng hoa để nuôi dưỡng “bầy ong” hay tạo điều kiện cho những “bầy kiến” cần cù tha mồi làm đầy tổ.


Phóng viên: Những năm qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng những chính sách này chưa thực sự phát huy hiệu quả bởi số lượng doanh nghiệp biết hoặc được hưởng chính sách hỗ trợ không nhiều.
Trong thời gian tới, sẽ phải thiết kế lại những chính sách này theo hướng nào để trở thành đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự lớn mạnh, thưa bà Ngọc Thủy?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Có một nghịch lý đang tồn tại ở Việt Nam, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đa số doanh nghiệp lại không biết, không tiếp cận được, hoặc không sử dụng hiệu quả. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp từ chối hoặc lo sợ khi sử dụng vốn đầu tư công. Căn nguyên của vấn đề không nằm ở số lượng chính sách, mà nằm ở cách thiết kế, cách truyền thông, và quan trọng nhất là cách quản trị thực thi.
Tôi cho rằng, đã đến lúc phải chuyển từ tư duy “ban phát chính sách” sang tư duy “kích hoạt năng lực nội tại doanh nghiệp”. Thay vì ban hành thêm chính sách, việc quan trọng là thiết kế lại toàn bộ khung pháp lý hỗ trợ để gia tăng hiệu quả, phù hợp với hành vi, năng lực và thói quen vận hành của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một số định hướng tái thiết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tập trung trong thời gian tới:
Số hóa và đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có phòng pháp chế hay cán bộ chuyên trách, nên chính sách muốn đến được họ phải “thân thiện như mạng xã hội” – dễ hiểu, dễ dùng, dễ đăng ký. Việc đăng ký nhận hỗ trợ, xin tư vấn, tiếp cận thông tin cần được tích hợp trên một nền tảng số duy nhất, có trợ lý ảo hướng dẫn, tra cứu bằng mã số thuế.
Thay vì thiết kế quy trình cứng để các đơn vị nhà nước (hoặc do nhà nước chỉ định) tổ chức cấp phát hay trực tiếp thực hiện các chính sách hỗ trợ, hãy quản trị theo mục tiêu và để doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp trên thị trường: Mô hình này đã rất thành công tại Đài Loan và Malaysia, doanh nghiệp được cấp một khoản hỗ trợ dưới dạng phiếu sử dụng dịch vụ để thúc đẩy các mục tiêu phát triển (chuyển đổi số, tư vấn công nghệ, đào tạo nhân lực…) và tự lựa chọn nhà cung cấp phù hợp trên thị trường. Điều này tạo tính thị trường, tăng hiệu quả và giảm tiêu cực. Và trong trường hợp đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp đó là đánh giá hiệu quả và quản trị mục tiêu. Đồng thời, cần có sự tham gia của hiệp hội, các tổ chức trung gian để lan tỏa và gia tăng hiệu quả hỗ trợ.
Các mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân không thể chỉ “ghi nhận trên giấy”: Mọi chính sách cần gắn với các chỉ tiêu pháp lý cụ thể, được giám sát độc lập, công khai minh bạch. Tinh thần này hoàn toàn nhất quán với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, rằng cần "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại và hội nhập, tạo môi trường bình đẳng để tư nhân phát triển".
Chỉ khi chúng ta nhìn nhận doanh nghiệp nhỏ và vừa như những chủ thể đồng kiến tạo giá trị – có năng lực, khát vọng và được phân vai rõ ràng trong cấu trúc phát triển – chứ không đơn thuần là những “đối tượng” cần trợ giúp, thì khu vực này mới thực sự có cơ hội lớn mạnh, trưởng thành và trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế quốc dân.


Cần thúc đẩy từ thực tiễn
Phóng viên: Xuất phát từ “nỗi đau của doanh nghiệp” là nguồn lực yếu, trong khi đó, khả năng vay vốn của các doanh nghiệp lại thấp, chỉ đạt 2,7 triệu tỷ đồng/ 7 triệu tỷ đồng (số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Các quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho vay thấp.
Cần giải quyết bài toán trên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào, thưa Bà?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Điểm qua các con số thống kê: Năm 2022, 46,9% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, trong đó tỷ lệ ở doanh nghiệp siêu nhỏ là 53,4%, doanh nghiệp nhỏ là 35,8%, doanh nghiệp vừa là 28%, doanh nghiệp lớn là 23,3%, khu vực ngoài nhà nước có tỷ lệ thua lỗ cao nhất với 47,1%. Như vậy, vấn đề vốn là nỗi đau của cả nền kinh tế, trong đó nỗi đau của doanh nghiệp vừa và nhỏ nặng nề hơn. Nguyên nhân đến từ sự chưa trưởng thành của thị trường vốn Việt Nam khi vẫn dựa nhiều vào tín dụng. Vòng đời của sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp các ngành khác nhau là rất khác nhau, vì thế phải có các loại hình tiếp cận vốn đa dạng, từ các nhà đầu tư thiên thần, quỹ mạo hiểm, trái phiếu, cổ phiếu, tín dụng. Khi dựa trên tín dụng thì sẽ hạn chế do ngân hàng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vốn. Muốn giải quyết vấn đề này một cách thực chất, không thể yêu cầu ngân hàng hạ chuẩn hay giảm lãi, mà cần tái cấu trúc lại toàn bộ cơ chế tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước hết, các quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tăng quy mô và trao quyền vận hành linh hoạt hơn, theo mô hình hợp tác công – tư, nơi nhà nước đóng vai trò cấp vốn mồi và kiểm soát rủi ro, còn quá trình vận hành có thể do các tổ chức chuyên nghiệp đảm nhiệm.
Bên cạnh đó, chúng ta cần ứng dụng công nghệ để đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp dựa trên dữ liệu hoạt động thực tế như dòng tiền, hợp đồng, thuế, thay vì chỉ dựa vào hồ sơ tài chính truyền thống. Đây là cách tiếp cận đã được nhiều nền kinh tế áp dụng để đưa doanh nghiệp nhỏ ra khỏi “vùng tối” của tín dụng.
Một hướng tiếp cận đầy triển vọng nữa là cơ chế “đầu tư chung tay” giữa địa phương, ngân hàng, nhà đầu tư nhân để tài trợ cho các cụm ngành có tiềm năng. Mô hình này không chỉ giúp phân tán rủi ro mà còn tạo thêm cơ chế giám sát và cùng chịu trách nhiệm, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng.
Về tổng thể, đã đến lúc Việt Nam cần thiết kế lại toàn diện hệ sinh thái tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ dừng lại ở tín dụng, mà phải mở rộng sang vốn mồi, vốn đầu tư, vốn đổi mới sáng tạo. Khi hệ sinh thái vốn được cấu trúc lại một cách chiến lược và đồng bộ, bài toán vốn sẽ không còn là điểm nghẽn, mà có thể trở thành đòn bẩy cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận thuận lợi các nguồn lực. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được tiếp cận thuận lợi các nguồn lực. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Phóng viên: Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đầu tư vào công nghệ mới, hiện đại còn thấp; tốc độ chuyển đổi số chậm, dẫn đến năng suất chưa cao.
Qua thực tiễn nghiên cứu, những kinh nghiệm có thể áp dụng từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao trình độ công nghệ và chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thưa Bà Ngọc Thủy?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn để doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất và bắt kịp xu thế cạnh tranh mới. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm yếu phổ biến nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, không chỉ thiếu vốn, mà còn thiếu nhận thức, thiếu nhân lực và thiếu mô hình triển khai phù hợp với thực tiễn.
Kinh nghiệm từ các quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc hay Singapore cho thấy một điểm chung: muốn doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số thành công, Nhà nước không thể chỉ ban hành chính sách mà cần chủ động thiết kế các chương trình “cầm tay chỉ việc”, có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư. Ở Đài Loan, các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số do nhà nước lập ra nhưng được vận hành bởi doanh nghiệp tư nhân, theo cơ chế hợp tác công-tư. Malaysia cũng có Chương trình “Tài trợ Số hóa cho SME” (SME Digitalisation Grant) cấp 50% chi phí (tối đa 5.000 RM) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chọn dịch vụ số hoá theo nhu cầu thực tế, vừa linh hoạt, vừa dễ kiểm soát hiệu quả.
Việt Nam cần xây dựng các bộ công cụ chuyển đổi số tối giản, được “may đo” cho từng nhóm doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ – những đối tượng thường bị “bỏ quên” trong các chương trình số hóa lớn. Song song với đó, cần hình thành các mạng lưới “bác sĩ công nghệ” ở cấp cơ sở – những người có đủ chuyên môn để đến tận nơi, khảo sát, chẩn đoán và hướng dẫn từng bước cho doanh nghiệp.
Điểm mấu chốt là chuyển đổi số không nên được tách ra như một chương trình riêng lẻ, mà phải được tích hợp vào các chính sách tài chính, ưu đãi và chương trình nâng hạng doanh nghiệp. Một doanh nghiệp được xếp hạng cao hơn, tiếp cận vốn dễ hơn nếu đạt chuẩn về công nghệ và quản trị số, đó mới là cơ chế khuyến khích thực chất.
Nếu chúng ta coi công nghệ là nền tảng chứ không phải “đặc quyền”, và tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đổi mới theo cách dễ tiếp cận, dễ triển khai, thì chuyển đổi số sẽ không còn là rào cản, mà trở thành cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá, nâng tầm năng lực cạnh tranh.
Phóng viên: Tạo cơ hội việc làm, bắc cầu để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào sân chơi lớn, ví dụ như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 14%.
Làm thế nào để tận dụng hiệu quả cơ hội này để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, thưa Bà?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp (0,5%) thực sự được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn quá khiêm tốn, không chỉ vì hạn chế về quy mô hay công nghệ, mà sâu xa là do thiếu sự chuẩn bị toàn diện về năng lực, tiêu chuẩn và cơ chế kết nối. Phần lớn doanh nghiệp trong nước hiện mới chỉ dừng ở các khâu gia công giá trị thấp, dễ bị thay thế, và khó tạo ra vị thế bền vững trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Nếu muốn thay đổi thực chất, chúng ta không thể chỉ khuyến khích chung chung, mà phải tiếp cận theo hướng nâng cấp năng lực nền tảng. Doanh nghiệp không thể tự mình vươn ra thị trường toàn cầu nếu thiếu hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, tiêu chuẩn và chứng chỉ quốc tế. Đây là điểm mà nhiều quốc gia trong khu vực đã làm rất tốt. Thái Lan có các chương trình phát triển nhà cung ứng do các tập đoàn lớn dẫn dắt, với sự đồng tài trợ từ Chính phủ, nhằm nâng chuẩn kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa để đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của những “người khổng lồ”. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi mô hình này, xây dựng những chương trình “nâng chuẩn” có mục tiêu cụ thể, thay vì chỉ dừng lại ở hoạt động xúc tiến thương mại hay đào tạo phổ biến chung chung.
Cùng với đó, việc phát triển các cụm liên kết ngành, theo chuyên đề (cluster), nơi các doanh nghiệp nhỏ cùng chuyên môn hóa theo chuỗi, sẽ giúp nâng cao hiệu quả, chia sẻ hạ tầng, và đặc biệt là tạo ra tiếng nói tập thể đủ sức thương lượng với các đối tác lớn. Mô hình này đã giúp Hàn Quốc và Đài Loan hình thành nên các hệ sinh thái vệ tinh xung quanh những tập đoàn như Samsung hay TSMC, tạo ra sức cạnh tranh mang tính hệ thống chứ không chỉ đơn lẻ.
Tuy nhiên, kết nối chuỗi không thể chỉ để doanh nghiệp tự lo. Vai trò của Nhà nước cần được phát huy theo hướng “kết nối có dẫn dắt” – thiết lập từ chiến lược, tới mục tiêu cụ thể dựa trên phân tích năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, cho tới hình thành các nền tảng thông tin cung cầu chuyên ngành, tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, đồng thời có cơ chế bảo lãnh hoặc chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp nhỏ tham gia ký kết hợp đồng quốc tế.
Cơ hội đã mở ra khi Việt Nam hội nhập sâu rộng và có vị thế địa – kinh tế thuận lợi. Nhưng để doanh nghiệp nhỏ và vừa bước qua được “ngưỡng tích hợp” vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta cần một hệ thống hỗ trợ chủ động, có trọng tâm và được triển khai một cách bài bản, nhất quán. Không ai có thể ra biển lớn nếu mãi chỉ được trang bị như người đi chợ làng.


Trao quyền tự quyết, tạo dư địa đột phá
Phóng viên: Với đặc điểm địa lý trải dài từ Bắc vào Nam, nên chúng ta cũng có những khu vực kinh tế đặc thù theo địa hình.
Có ý kiến cho rằng, nên trao một phần quyền tự quyết về chính sách đối với từng vùng/ khu vực đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan điểm của bà như thế nào?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Mỗi vùng mỗi địa phương đều có đặc thù riêng về ngành nghề, năng lực doanh nghiệp, hệ sinh thái hạ tầng và cả điều kiện xã hội – văn hóa – môi trường. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng một chính sách chung cứng nhắc trên phạm vi toàn quốc sẽ khó phù hợp với nhu cầu và thực tiễn vận hành ở từng địa phương, từng vùng.
Trên thực tế, nhiều tỉnh, thành đang có động lực cải cách rất mạnh mẽ và mong muốn thử nghiệm những mô hình hỗ trợ mới, nhưng lại vướng bởi khuôn khổ pháp lý chung chưa đủ linh hoạt, hoặc chưa có cơ chế cho phép “thử - sai” một cách hợp pháp. Để tháo gỡ điểm nghẽn này, tôi cho rằng cần thiết kế một cơ chế “khung linh hoạt”, trong đó Trung ương xác định các mục tiêu, nguyên tắc và chỉ số giám sát chung, còn địa phương được chủ động điều chỉnh công cụ chính sách, chương trình triển khai theo đặc thù vùng miền. Tất nhiên, sự linh hoạt này phải đi kèm với cơ chế đánh giá kết quả định lượng độc lập, trách nhiệm giải trình rõ ràng và cơ sở dữ liệu minh bạch.
Trao quyền tự quyết cho địa phương không chỉ là vấn đề kỹ thuật thể chế, mà còn là sự khẳng định niềm tin của Trung ương đối với các cấp chính quyền cơ sở. Chính quyền địa phương là nơi gần doanh nghiệp nhất, hiểu rõ khó khăn thực tiễn nhất, và vì thế cũng có khả năng thiết kế chính sách sát nhu cầu nhất. Khi được trao quyền một cách đúng mực, họ sẽ có thêm động lực để chủ động sáng tạo, chịu trách nhiệm và đồng hành hiệu quả hơn cùng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện tại, chúng ta đã giao nhiệm vụ tăng trưởng cho cấp tỉnh, do đó, cần trao quyền thực sự cho lãnh đạo địa phương gắn với trách nhiệm giải trình đầy đủ để tạo không gian chủ động quyết định ở cấp địa phương.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân
Phóng viên: Chính phủ đang xây dựng Đề án phát triển Kinh tế tư nhân.
Bà kỳ vọng gì vào những đột phá về chính sách dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thưa Bà?
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy
Đề án lần này không chỉ dừng lại ở chính sách, hoạt động mà sự thay đổi lớn nhất nằm ở tư duy. Chúng ta không còn con đường nào khác để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình ngoài phát triển kinh tế tư nhân. Cuộc chiến thuế quan phức tạp hiện nay càng cho thấy những chuyển động tư duy của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ là hết sức đúng đắn khi nhấn mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường.
Tôi kỳ vọng Đề án lần này không chỉ dừng lại ở việc “gỡ khó” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn thể hiện một tầm nhìn mới, coi khu vực này không chỉ là đối tượng cần hỗ trợ mà là chủ thể quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và cần được tạo điều kiện tối đa để khu vực tư nhân phát huy vai trò.
Đã đến lúc chúng ta chuyển từ tư duy ứng phó sang tư duy kiến tạo. Chính sách không chỉ tập trung vào khâu chữa bệnh, tức là giải quyết bài toán khó khăn về vốn, công nghệ hay môi trường kinh doanh, mà còn đặt mục tiêu làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa trưởng thành, đủ sức vươn lên dẫn dắt ngành nghề, định hình chuỗi giá trị.
Muốn vậy, bên cạnh một khung chính sách chung cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân, Đề án có thể xây dựng hai nhánh chính sách song hành: một là nâng cấp năng lực nội tại cho khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thông qua đào tạo, chuyển đổi số, tiếp cận thị trường, tiêu chuẩn quốc tế một cách rõ định hướng, có mục tiêu; hai là lựa chọn và “ươm tạo” các doanh nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp lớn trong tương lai, có khả năng dẫn dắt ngành hoặc vùng kinh tế. Đây chính là cách mà Hàn Quốc đã làm với các chaebol, hay Đài Loan với chuỗi doanh nghiệp lõi trong ngành bán dẫn.
Tôi cho rằng Đề án có thể xây dựng những mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được như phát triển 1.000 doanh nghiệp tiên phong về công nghệ, thúc đẩy cụm ngành trọng điểm, hay nâng tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ tham gia chuỗi cung ứng quốc tế. Tôi kỳ vọng, tất cả được vận hành bởi một hệ thống thực thi đủ năng lực, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và được giám sát độc lập.
Một khu vực kinh tế tư nhân trưởng thành, tự tin và dấn thân sẽ là nền tảng không thể thiếu cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn những chia sẻ của Bà!
Ngày xuất bản: 22/4/2025
Tổ chức: Kim Phương Bình
Thực hiện: Quỳnh Trang -Thành Đạt - Giang Bách - Nhị Thu - Bảo Khanh

