Phát huy truyền thống quý báu “cả nước chung sức, toàn dân đánh giặc” của ông, cha qua lịch sử dựng nước và giữ nước, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia tích cực của toàn dân vào công tác hậu cần, tạo nên mạng lưới dự trữ hậu cần rộng khắp. Hậu cần nhân dân đã phát huy vai trò to lớn trong huy động, kết hợp với hậu cần lực lượng vũ trang tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho tác chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Trong điều kiện hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; các nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định và phát triển đất nước chưa được đẩy lùi; toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tiến hành công tác hậu cần Quân đội vừa có thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải có chủ trương, đường lối, quan điểm, chính sách về quốc phòng, quân sự phù hợp. Trong đó, quan điểm, chính sách, pháp luật về xây dựng hậu cần nhân dân nhằm chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng huy động kịp thời, hiệu quả cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng càng trở nên cấp thiết. Muốn vậy, cần tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng làm cơ sở vận dụng sáng tạo trong xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức hậu cần nhân dân các cấp, gắn với xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc để sẵn sàng chi viện hậu cần cho lực lượng vũ trang trong mọi tình huống

Quán triệt đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là sự kế thừa tư tưởng, nghệ thuật quân sự, truyền thống của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, bảo đảm hậu cần cho quân đội không phải chỉ có hậu cần quân đội, mà còn có sự chi viện đắc lực của hậu cần địa phương, sự tham gia trực tiếp và rất to lớn của hậu cần nhân dân. Hậu cần quân đội luôn kết hợp chặt chẽ với hậu cần địa phương và sử dụng lực lượng của hậu cần nhân dân để bảo đảm cho quân đội xây dựng và tác chiến. Đó là quan điểm chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân Việt Nam; đó là đường lối chiến tranh nhân dân - toàn dân đánh giặc, toàn dân làm hậu cần.

Các chiến sĩ quân y, quân dược dùng xe đạp thồ đưa thuốc men ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Các chiến sĩ quân y, quân dược dùng xe đạp thồ đưa thuốc men ra mặt trận. Ảnh tư liệu

Trong kháng chiến chống Mỹ, qua các giai đoạn chiến tranh, trên mọi địa bàn hoạt động, nhân dân ta đã tích cực tham gia công tác hậu cần, ủng hộ, giúp đỡ lực lượng vũ trang về mọi mặt, từ việc đóng góp sức người, sức của dưới mọi hình thức: Tự nguyện quyên góp “quỹ nuôi quân”; tự may sắm trang bị cho con em mình khi đưa vào lực lượng vũ trang; đóng góp theo nghĩa vụ “đảm phụ giải phóng” đến trực tiếp tham gia vào tiếp tế bảo đảm ăn, ở, sinh hoạt cho các lực lượng vũ trang; tải thương, che giấu, nuôi dưỡng, cứu chữa thương binh… có thể nói, ngay trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt, nhân dân ta vẫn hướng về cách mạng, tham gia mọi mặt công tác hậu cần, từ hình thức thấp đến hình thức cao, từ phân tán nhỏ lẻ đến tập trung quy mô lớn có tổ chức của các đoàn thể quần chúng, các địa phương ở vùng giải phóng cũng như trong vùng địch kìm kẹp khống chế.

Như vậy, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, hậu cần nhân dân được xây dựng từ cơ sở xã, phường đến huyện, tỉnh và Trung ương, với các hình thức tổ chức linh hoạt, như: Ban hậu cần nhân dân, Hội đồng cung cấp mặt trận, Hội đồng chi viện tiền tuyến… Điển hình trong kháng chiến chống thực dân Pháp: Ngày 27 tháng 7 năm 1953, Chính phủ ra Nghị quyết thành lập ở Trung ương và các khu, tỉnh, các Hội đồng cung cấp mặt trận để đảm nhiệm việc huy động, quyên góp, cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực cho tiền tuyến. Thành phần Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương, có: Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, một số ủy viên là các bộ trưởng, thứ trưởng, Ủy viên Ban kháng chiến hành chính khu và cán bộ các cơ quan Trung ương có liên quan đến việc cung cấp cho mặt trận. Chính sức mạnh to lớn của phong trào toàn dân tham gia công tác hậu cần đã giúp cho công tác hậu cần vượt qua mọi khó khăn. Không có sức mạnh đó thì chắc chắn không có một tổ chức hậu cần quân đội nào làm nổi, dù có xây dựng với quy mô lớn gấp nhiều lần[1].

Thời gian qua, thực hiện quy định pháp luật về khu vực phòng thủ, các tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã trên cả nước đã thành lập hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ, ngày càng duy trì hoạt động, phát huy tốt chức năng tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực bảo đảm quốc phòng; ở xã, phường, thị trấn, đã từng bước xây dựng, củng cố tổ chức Ban chỉ đạo cấp xã trong khu vực phòng thủ, giúp Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện xây dựng và hoạt động trong khu vực phòng thủ trên địa bàn xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả. Các tổ chức trên đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn, tạo tiềm lực, thế trận từ thời bình, sẵn sàng bảo đảm khi có tình huống.

Trong điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hậu cần nhân dân với chức năng bảo đảm cho lực lượng của các cơ quan, tổ chức kinh tế - xã hội, dân quân tự vệ và Nhân dân thực hiện công tác quốc phòng, an ninh, tham gia xử lý các tình huống trên địa bàn địa phương; tổ chức huy động mọi nguồn lực chi viện và bảo đảm cho lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ “Về khu vực phòng thủ”, các bộ, ngành liên quan tiếp tục có thông tư hướng dẫn… nhằm xây dựng, củng cố và phát huy chức năng của Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ trong bảo đảm quốc phòng…

Thực hiện quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức, gắn với phạm vi chức năng của từng cơ quan, tổ chức địa phương, đơn vị, trong đó: Ở bộ, ngành Trung ương: theo lĩnh vực, ngành, tổ chức các đơn vị dự bị động viên tương ứng với tổ chức và chuyên môn hậu cần quân sự (bệnh viện, đội điều trị, đội vệ sinh phòng dịch; trung, tiểu đoàn, đại đội vận tải, xăng dầu; kho vật tư, hàng hóa; trạm, xưởng sản xuất, chế biến, sửa chữa…), tổ chức tốt huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ quân sự, sẵn sàng động viên mở rộng, phát triển lực lượng cho hậu cần chiến lược, chiến dịch, hoặc thực hành các mặt bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ tác chiến.

Ở cấp tỉnh, thành phố: theo lĩnh vực, ngành, quy mô, cơ cấu tổ chức, các sở, ngành tổ chức các phân đội dự bị động viên tương ứng với hậu cần quân sự, sẵn sàng động viên bổ sung cho hậu cần quân sự địa phương và các lực lượng tác chiến trên địa bàn; tham gia bảo đảm hậu cần cho tác chiến theo kế hoạch, hiệp đồng.

Đoàn ngựa thồ hàng hóa trên đường ra chiến dịch. Ảnh tư liệu

Đoàn ngựa thồ hàng hóa trên đường ra chiến dịch. Ảnh tư liệu

Xã, phường, thị trấn: tổ chức các tổ, đội, theo các mặt bảo đảm hậu cần (nấu ăn, tiếp tế cơm nước; vận tải bộ, thô sơ, chuyển thương binh; chăm sóc thương, bệnh binh…), bảo đảm cho dân quân tự vệ chiến đấu và tham gia bảo đảm cho các lực lượng tác chiến trên địa bàn.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế… theo quy mô, lĩnh vực hoạt động, tổ chức lực lượng tự vệ chuyên ngành tương ứng, tham gia chiến đấu, phục vụ, bảo đảm chiến đấu theo chức năng và chuyên môn, nghiệp vụ ngành, lĩnh vực.

Khi có tình huống, hoặc xảy ra chiến tranh, thành lập Hội đồng Cung cấp Trung ương, chiến trường (mặt trận). Củng cố, duy trì tốt hoạt động của Hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, Ban hậu cần nhân dân cơ sở xã, phường, thị trấn, trong tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương, thực hiện chức năng huy động, khai thác mọi nguồn lực của đất nước, địa phương, các tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần tác chiến; phối hợp với hậu cần quân đội bảo đảm, phục vụ tác chiến theo quy định.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của hậu cần quân đội trong xây dựng hậu cần nhân dân

Trong kháng chiến chống Pháp, Hậu cần quân đội được tổ chức ban đầu là các ngành, từng bước phát triển thành hệ thống thống nhất trong toàn quân. Hậu cần địa phương cũng hình thành tổ chức đến cấp tỉnh, phát huy tác dụng trong việc chi viện nhân lực, vật lực cho hậu cần quân đội, là chỗ dựa của hậu cần quân đội. Hậu cần nhân dân là lực lượng to lớn, luôn có vai trò rất quan trọng phục vụ hậu cần quân đội, phục vụ kháng chiến. Ba thành phần của hậu cần có mối quan hệ khăng khít, trong đó hậu cần quân đội là nòng cốt: xây dựng kế hoạch, xác định nhu cầu, tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo hậu cần địa phương, hậu cần nhân dân và sử dụng lực lượng của hậu cần nhân dân để bảo đảm cho quân đội xây dựng và tác chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, từ hậu phương đến tiền tuyến, trên khắp các mặt trận, nhân dân vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, vừa là lực lượng hậu cần tại chỗ, đông đảo nhất, bảo đảm và phục vụ bộ đội chiến đấu, nhất là trên các mặt trận bảo đảm giao thông, tiếp đạn, tiếp gạo, cứu chữa thương binh...

Cán bộ, chiến sĩ quân y khám chữa bệnh cho đồng bào. Nguồn: qdnd.vn

Cán bộ, chiến sĩ quân y khám chữa bệnh cho đồng bào. Nguồn: qdnd.vn

Ở miền Nam, từ phong trào “Đồng khởi” đến các cuộc đấu tranh chính trị, nổi dậy phá “ấp chiến lược”, phát triển chiến tranh du kích chống địch càn quét trên cả ba vùng chiến lược, ở đâu nhân dân cũng là chỗ dựa, là nơi đứng chân, là lực lượng tiếp vận và bảo đảm nguồn cung cấp tại chỗ cho các đơn vị chủ lực tác chiến. Nhiều cơ sở mật nuôi giấu cán bộ, ém sẵn vũ khí được xây dựng ngay trong nội thành bảo đảm cho bộ đội đặc công và biệt động đánh sâu vào các căn cứ trong hậu phương địch...

Tiếp nối kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp, hậu cần nhân dân ở các chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã phát triển rất cao, sáng tạo nhiều phương thức tạo nguồn và bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tế chiến trường và nhiệm vụ tác chiến. Hướng ra tiền tuyến lớn miền Nam, nhân dân ta trên hậu phương lớn miền Bắc đã “làm việc bằng hai”, vừa chiến đấu, vừa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, không ngừng tăng cường lực lượng, vật chất ra chiến trường với tinh thần “thóc thừa cân, quân thừa người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”...

Vừa chi viện tiền tuyến, vừa tiếp tục đẩy mạnh sản xuất; xây dựng tiềm lực và giữ vững sự ổn định của hậu phương, chăm lo, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, hậu cần nhân dân trên miền Bắc thực sự là chỗ dựa, là nguồn cung cấp vật chất; đồng thời, là lực lượng trực tiếp đảm bảo và phục vụ trên tất cả các mặt hoạt động của ngành Hậu cần. Dựa vào sự chăm lo, giúp đỡ và tham gia đông đảo, trực tiếp của nhân dân các địa phương cả nước, sự giúp đỡ và hiệp đồng bảo đảm, thực hiện của các cơ quan, đơn vị bạn trong và ngoài quân đội, các lực lượng của ngành Hậu cần đã được xây dựng, phát triển nhanh chóng; trưởng thành vững chắc.

Dựa vào hậu phương quốc gia, hậu phương tại chỗ, kết hợp với hậu cần địa phương và hậu cần nhân dân, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó ngành Hậu cần quân đội là nòng cốt được phát huy mạnh mẽ. Trong thế trận rộng khắp của chiến tranh nhân dân, một thế trận liên hoàn của hậu cần nhân dân kết hợp với hậu cần địa phương và hậu cần quân đội đã hình thành, phát triển nhanh, quy mô ngày càng rộng lớn, có thể chi viện và hỗ trợ lẫn nhau, làm cho quân địch dù đã huy động đến mức cao nhất sức mạnh quân sự, khoa học kỹ thuật cũng không thể nào ngăn chặn và chia cắt được. Trong thế trận đó, các lực lượng hậu cần quân đội được tổ chức đồng bộ, ngày càng hiện đại, cơ giới hóa; các chế độ, quy định... về hậu cần tiếp tục được xây dựng, bổ sung phù hợp với sự phát triển của ngành và yêu cầu phục vụ, bảo đảm chiến đấu.

Để phát huy vai trò nòng cốt của hậu cần quân đội trong xây dựng hậu cần nhân dân, trước hết, làm tốt công tác tham mưu, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách để xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần. Theo phạm vi chức năng, cơ quan hậu cần các cấp kiến nghị, đề xuất xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ, thống nhất pháp luật, cơ chế, chính sách về xây dựng và huy động mọi tiềm lực của đất nước, bảo đảm cho quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế, thực hiện xây dựng tiềm lực hậu cần ở tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, ở các địa bàn, tạo tiềm lực, sức mạnh vật chất đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến.

Hoàn thiện cơ chế, phương thức, đẩy mạnh xây dựng và hoạt động hậu cần phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ địa phương, huy động tiềm lực đất nước cho quân sự, quốc phòng, chiến tranh; chỉ đạo, thực hiện tốt chủ trương Quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Quy hoạch, tổ chức bố trí các thành phần hậu cần phù hợp với thế trận quân sự theo quyết tâm, kế hoạch tác chiến ở các cấp, đảm bảo kết hợp chặt chẽ kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế, xây dựng toàn diện, có trọng tâm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành phần lực lượng; đảm bảo liên hoàn, cơ động, vững chắc, gắn kết với các thành phần kinh tế trên từng vùng, miền, địa bàn, địa phương và cả nước, sẵn sàng chuyển hóa linh hoạt theo tình huống nếu xảy ra.

Cơ quan hậu cần quân đội các cấp cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện các kế hoạch, phương án xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần, trọng tâm là dự trữ vật chất, phương tiện, phương án huy động hậu cần nhân dân trong các tình huống. Hiện nay, hệ thống này từng bước đã được xây dựng, nhưng chưa ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi, cần định kỳ rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho sát thực tế, đảm bảo cân đối giữa nhu cầu của quốc phòng và dân sinh, phát triển kinh tế, đặc biệt là kế hoạch và phương án động viên hậu cần thời chiến; đồng thời nâng cao khả năng hậu cần tại chỗ, đáp ứng kịp thời nhu cầu hậu cần cho thực hiện các nhiệm vụ và các tình huống. Chú trọng kết hợp chặt chẽ dự trữ trong dân, trong các ngành kinh tế xã hội với dự trữ quốc gia trên các địa bàn chiến lược, từng bước nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần tại chỗ, vừa sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu và hạn chế việc cơ động từ xa đến, tiết kiệm, tránh được tổn thất trong quá trình vận chuyển.

Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, cần kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện, diễn tập với kiểm tra để đánh giá khả năng, thực lực và phương thức hoạt động, huy động hậu cần nhân dân các cấp, sự phối hợp hậu cần nhân dân với các lực lượng hậu cần trong khu vực phòng thủ và hậu cần đơn vị chủ lực trong chiến đấu. Đây là vấn đề đã và đang được các quân khu và các địa phương quan tâm đưa vào kế hoạch diễn tập trong những năm tới.

Với chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện của Đảng. Chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò hậu cần nhân dân và tập trung nguồn lực xây dựng hậu cần nhân dân phát triển vững mạnh toàn diện, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, chuẩn bị hậu cần nhân dân tạo tiềm lực hậu cần vững mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Để huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện vật chất nhanh nhất, kịp thời nhất, giảm bớt được nhiều công sức vận chuyển từ nơi khác đến và hạn chế được thiệt hại do địch đánh phá, ngăn chặn bảo đảm cho tác chiến, trước hết cần quan tâm xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp. Lực lượng, phương tiện, vật chất hậu cần nhân dân nằm trong nền kinh tế - xã hội và dân cư trên cả nước; trong chiến tranh, nằm ở vùng tự do, vùng giải phóng và cả trong vùng tranh chấp, vùng địch chiếm. Trong chiến tranh giải phóng, do đánh giá đúng tình hình mọi mặt, ta đã có các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện:

Trong kháng chiến chống Pháp ta tổ chức chiến trường và phân chia các khu vực, địa bàn phù hợp với điều kiện đất nước để xây dựng hậu phương, hậu cần tại chỗ (chủ yếu là hậu cần nhân dân) của cấp chiến lược, chiến dịch. Đề ra chủ trương về kinh tế: Phải xây dựng một nền sản xuất hợp lý để thực hiện tự cấp, tự túc, cải thiện đời sống cho nhân dân lao động, phá kinh tế địch; tịch thu tài sản ruộng đất của bọn phản quốc cấp cho dân nghèo và gia đình bộ đội, triệt để thực hiện giảm tô, chia lại công điền một cách hợp lý và công bằng[1].

Với chính sách kinh tế kháng chiến, nguồn vật chất bảo đảm cho lực lượng vũ trang ngày càng dồi dào để tổ chức các chiến dịch theo các quy mô khác nhau. Đông Xuân 1953 - 1954 ta liên tiếp mở các chiến dịch, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc bảo đảm lương thực cho chiến dịch phải tổ chức tạo nguồn khai thác trên 11 tỉnh thuộc 4 liên khu (Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 4 và một phần Liên khu 3) được 12.950 tấn. Huy động ở hậu phương được 25.056 tấn lương thực, 1.783 tấn xăng dầu...

Bộ đội Lữ đoàn 249 thực hiện lai dắt, thả neo, khớp nối các phà nhịp với nhau. Ảnh: qdnd

Bộ đội Lữ đoàn 249 thực hiện lai dắt, thả neo, khớp nối các phà nhịp với nhau. Ảnh: qdnd

Trong kháng chiến chống Mỹ, kế thừa kinh nghiệm của cuộc kháng chiến chống Pháp, việc xây dựng, chuẩn bị hậu cần nhân dân được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng đồng bộ, đáp ứng tối đa nhiệm vụ chính trị, quân sự trong từng giai đoạn:

Trên miền Bắc, sau 1954, Đảng, Nhà nước chủ trương: Phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Cao trào hành động cách mạng và chiến tranh cách mạng với khẩu hiệu: “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Vì miền Nam ruột thịt” diễn ra rộng khắp, nhờ đó chi viện sức người, sức của cho miền Nam ngày một lớn. Ngay sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, quân và dân ta đã khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh phát triển kinh tế và văn hoá, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết hợp kinh tế với quốc phòng và tăng cường tiềm lực quân sự, ổn định đời sống nhân dân, chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam có điều kiện được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Tại miền Nam, chính quyền cách mạng chỉ đạo các địa phương vùng giải phóng chủ động bí mật chôn giấu vũ khí, tiền bạc và các phương tiện kỹ thuật, duy trì các căn cứ kháng chiến, mở rộng hậu cần nhân dân, tạo nguồn vật chất tại chỗ để chuẩn bị mọi mặt hậu cần cho đấu tranh vũ trang lâu dài với địch. Vận dụng phương thức bảo đảm hậu cần theo khu vực, qua đó giảm bớt được vận chuyển, huy động được khả năng nhân vật lực tại chỗ của địa phương, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia tạo nguồn vật chất bảo đảm cho bộ đội chiến đấu.

Ở Tây Nguyên đã triển khai kế hoạch dự trữ gạo, muối, phát động phong trào trồng rẫy sắn cách mạng trong nhân dân; tổ chức tăng gia sản xuất theo hướng “nhích dần” rẫy của mình về hướng Đông gần tuyến phòng ngự cơ bản của địch. Quân, dân Quân khu 5 đã xây dựng các khu định canh, tạo cơ sở sản xuất tập trung lớn tương đối hoàn chỉnh để tạo nguồn vật chất tại chỗ bảo đảm kịp thời, đầy đủ cho các lực lượng vũ trang miền Nam liên tiếp mở các chiến dịch tiến công quy mô lớn.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sự kết hợp chặt chẽ các nguồn vật chất hậu cần Trung ương với hậu cần các chiến trường, giữa hậu cần lực lượng vũ trang với hậu cần nhân dân địa phương trên từng địa bàn cũng như toàn Miền góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp về hậu cần bảo đảm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Những kinh nghiệm đó là cơ sở để vận dụng vào việc xây dựng, chuẩn bị hậu cần nhân dân đáp ứng yêu cầu huy động bảo đảm trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra).

Đối với hậu cần nhân dân Trung ương, tổ chức với quy mô phù hợp với quy hoạch xây dựng lực lượng chung của Quân đội, nhu cầu bảo đảm cho tác chiến và phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế - xã hội, trình độ phát triển khoa học - công nghệ - quân sự.

Cơ quan hậu cần chiến lược tham mưu đề xuất với Bộ Quốc phòng và Nhà nước về nhu cầu sử dụng lực lượng hậu cần nhân dân trong tác chiến; phối hợp chặt chẽ các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành Trung ương và địa phương để xây dựng nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh và huấn luyện chuyên môn quân sự cho nguồn nhân lực hậu cần nhân dân; tổ chức khảo sát, lựa chọn lực lượng trong các thành phần kinh tế - xã hội đủ điều kiện sẵn sàng huy động phục vụ tác chiến; đăng ký quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật; tổ chức huấn luyện chu đáo; tổ chức diễn tập, kiểm tra, rút kinh nghiệm chặt chẽ, hiệu quả. Chú trọng kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục với xây dựng pháp luật động viên quốc phòng. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia xây dựng nguồn nhân lực hậu cần nhân dân; hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng và huy động nguồn nhân lực cho tác chiến.

Đối với lực lượng hậu cần nhân dân địa phương tỉnh, huyện: Căn cứ kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ địa phương, xây dựng các bệnh viện, đội điều trị, đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản, vừa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, vừa thu dung điều trị thương binh bệnh binh trong khu vực tác chiến. Xây dựng các phân đội vận tải thủy, ô tô ở doanh nghiệp vận tải để sẵn sàng huy động tham gia vận chuyển vật chất, thương binh, bệnh binh cho tác chiến. Ngoài ra, tùy từng tỉnh, thành phố để có thể xây dựng các phân đội hậu cần không chuyên trách khác như: lực lượng sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm…

Đối với lực lượng hậu cần nhân dân cơ sở: Xây dựng các trạm y tế xã, phường, thị trấn có đội ngũ y bác sĩ, trang bị y tế vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa tham gia cứu chữa thương binh bệnh binh cho dân quân tự vệ, bộ đội địa phương tác chiến bám trụ tại địa bàn. Xây dựng các phân đội vận tải bộ, ô tô, tàu, thuyền từ các hợp tác xã, đội đánh bắt hải sản để sẵn sàng tham gia vận chuyển bổ sung vật chất, vận chuyển thương binh, bệnh binh cho lực lượng tác chiến tại địa bàn. Hình thành các tổ tiếp tế cơm nước, chuyển thương binh từ các tổ chức đoàn thể.

Hậu cần nhân dân trong chiến tranh giải phóng đã thể hiện vị trí vai trò vô cùng quan trọng, là nền tảng để hậu cần quân đội, hậu cần địa phương xây dựng và phát triển. Kinh nghiệm xây dựng, huy động hậu cần nhân dân của dân tộc ta để lại những bài học quý báu, đòi hỏi các cấp, các ngành cần nghiên cứu nắm chắc nguyên tắc, phương pháp tiến hành để vận dụng có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Nội dung: Trung tướng TRẦN DUY GIANG
Trình bày: Anh Ngọc
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân, qdnd.vn, Tư liệu
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”