Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư
Hoàng Đạo Kính:


"Cần phải giữ được chất Hà Nội
trong quy hoạch phát triển thủ đô"


Là người đã có quá trình nghiên cứu sâu, rộng và lâu dài về di sản kiến trúc Hà Nội cũng như có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc bảo tồn, trùng tu nhiều công trình, Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư (GS, TS, KTS) Hoàng Đạo Kính cho rằng nét văn hóa tinh thần nổi trội ở Hà Nội là văn hóa phố phường, chứa đựng rất nhiều đặc sắc, điển hình của Hà Nội và hiện đang tàn phai nhiều. Điều trăn trở là làm sao để nhận ra, duy trì được những nét văn hóa đó trong thế tương quan phát triển đối nghịch như hiện nay.

Phóng viên: Thưa GS Hoàng Đạo Kính, bằng năm tháng đã trải qua với chiều sâu vốn sống của một người Hà Nội, với tri thức và kinh nghiệm dày dặn trong công việc bảo vệ, trùng tu nhiều công trình kiến trúc cho/của Hà Nội, GS có thể cho biết khái quát về tính chất đô thị của Hà Nội?

GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: Hà Nội cổ về lịch sử, và chưa hẳn đã cổ về kiến trúc đô thị. Các di chỉ kiến trúc, khảo cổ học có niên đại cả nghìn năm. Song quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu, tính cả các di tích, có độ tuổi hầu hết không quá 200 năm. Hầu hết công trình kiến trúc phố xá xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX. Nói gọn lại, Hà Nội là một đô thị cổ, có kiến trúc cũ. Ngay cả khu phố thường quen gọi là Cổ, thì trên những gì còn lại, cũng nên gọi là Cũ.

Trong tình trạng đó, Hà Nội gồm nội thành và phụ cận, vẫn là một thành phố có quy mô không lớn, quỹ kiến trúc đô thị cũ kỹ, hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu. Hiện hữu nhiều tồn dư kiến trúc thời gian, thí dụ là hàng chục làng cổ và cũ, chật chội, chỉ còn cơ may phát triển “lên trời”, các khu tập thể xây dựng cấp tập cách nay ba bốn chục năm đã lỗi thời, khu bờ sông Hồng phát triển nảy sinh hoàn toàn tự phát…

Khu phố Pháp ở khu Ba Đình nằm ở phía tây khu thành cổ, được xây dựng từ năm 1888 đến năm 1920 có diện tích khoảng 230ha. Khu phía đông hồ Trúc Bạch có diện tích khoảng 80ha. Khu phía nam khu phố cổ - phía đông và tây nam Hồ Gươm, có diện tích khoảng 470ha.

Những năm qua đã có những nỗ lực để cải thiện và hiện đại hóa Thủ đô. Từng nơi từng mảng, thành phố tiện nghi và khang trang hơn. Công cuộc hiện đại hóa đang vào guồng, với vô số mâu thuẫn của một đô thị phát triển quá độ. Đô thị thời công nghiệp hóa, bước đi dài và nhanh, ít ngoái lại dĩ vãng và nhìn vào mình.

Hà Nội hôm nay, về kiến trúc đô thị và toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa thỏa mãn các đòi hỏi cũng như tầm cỡ của thủ đô một quốc gia lớn, đang phát triển tăng tốc. Hà Nội có ưu thế đương nhiên về chính trị, về tài nguyên văn hóa, song còn nhiều hạn chế về sức hút và lực tỏa…

Item 1 of 3

Đại học Tổng hợp Hà Nội, một công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng đầu thế kỉ 20. (Ảnh: Lê Việt)

Đại học Tổng hợp Hà Nội, một công trình kiến trúc Pháp cổ được xây dựng đầu thế kỉ 20. (Ảnh: Lê Việt)

Phố Hàng Đào ngày nay. (Ảnh: Thành Đạt)

Phố Hàng Đào ngày nay. (Ảnh: Thành Đạt)

Một góc thành phố bên sông Hồng nhìn từ trên cao. (Ảnh: LÊ VIỆT)

Một góc thành phố bên sông Hồng nhìn từ trên cao. (Ảnh: LÊ VIỆT)

Phóng viên: Xin GS cho biết thêm những đặc trưng kiến trúc và cư dân đô thị của Hà Nội là gì? Và sau dấu mốc mở rộng năm 2008 đã có những tác động như thế nào với Hà Nội, thưa GS?

GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: Về quỹ kiến trúc đô thị, Hà Nội đang sở hữu năm thành phần lớn: Khu phố Việt truyền thống; Khu phố thời thuộc địa; Các làng cổ và cũ; Quỹ kiến trúc xây dựng sau năm 1954 và Các khu vực cảnh quan thiên nhiên nhân văn hóa. Sau ngày 1/8/2008, Hà Nội mở rộng tới 3.340km, có nghĩa là sự phát triển theo bề rộng là chính yếu rồi. Song, Hà Nội cũ, để thành nhân tố trung tâm, phải được chủ trương phát triển “thâm canh”, kết hợp cải tạo và hiện đại hóa. Sự lan tỏa từ hạt nhân đô thị, được củng cố và nâng cao, sẽ quyết định tương lai của cả Thủ đô.

Trong công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa, thành thị hóa, có hai cục diện rất bản chất, diễn ra xuyên suốt và song song, nhưng cũng hàm chứa mâu thuẫn và thách thức, đó là: Đô thị hóa đất đai và thành thị hóa dân cư.

Các nhà quy hoạch của ta và nước ngoài đã tính toán và đưa ra số liệu: Đến năm 2030, đất đô thị Hà Nội sẽ là 880km, trên tổng diện tích là 3.340km. Cho đến 1/8/2008, Hà Nội cũ chỉ có trên dưới 100km2 đô thị hóa, bằng 1/9 lãnh thổ. Sau mở rộng địa giới hành chính năm 2008, tỷ lệ ấy là 1/33. Ấy thế mà đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa Hà Nội đất đai sẽ là 1/4.

Trước những số liệu tính toán đó, ai đó đã phân vân: Ngàn năm vun đắp và hơn 100 năm đô thị hóa theo khái niệm hiện đại, Hà Nội mới chỉ đô thị hóa 100km, nay chỉ cần 20 năm đã là 880km, tăng lên tám lần. Ai đó cũng e ngại, sự chiếm dụng đất đai nhanh và gấp như vậy sẽ dẫn đến những lãng phí tài nguyên đất đai, hủy hoại môi trường tự nhiên, nạn xây dựng đô thị nham nhở, khó bề tạo dựng một đô thị phát triển bền vững và thực sự hiện đại.

Hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu từ trên cao. (Ảnh: LÊ VIỆT)

Hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu từ trên cao. (Ảnh: LÊ VIỆT)

Về thành thị hóa dân cư, xin dẫn vài dữ liệu: Năm 1954, người nội thành 400.000 người, người ngoại thành 130.000. Năm 2002, người nội thành 2.875.000, người ngoại thành 1.339.000. Năm 2008, sau mở rộng địa giới hành chính, người nội thành 2.474.000, người ngoại thành 3.684.600. Dễ dàng nhận ra, tỷ lệ dân cư ngoại thành so với dân cư nội thành ngày càng lớn, trước ngày 1/8/2008 là 46%, sau khi mở rộng là 149%. Thành thị hóa dân cư đặt ra những vấn đề nan giải gấp bội, so với việc mở rộng địa giới và đô thị hóa đất đai. Mọi cấu trúc quần cư chỉ trở thành thành phố đích thực, có sức hút và sức tỏa, tính tiêu biểu, sức cạnh tranh và có thương hiệu, khi dân cư đã thành thị hóa và tạo lập cho thành phố mình những giá trị và đặc trưng văn hóa.

Trong phát triển Thủ đô hơn nửa thế kỷ qua dân cư đã có những biến động lớn. Năm 1954, hàng vạn bộ đội - nông dân và cán bộ - nông dân chuyển về Hà Nội, hàng chục nghìn người Hà Nội gốc di cư vào nam hoặc đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Một mặt, dân cư Hà Thành “đổi máu” và tiếp thu đời sống mới đem vào từ ngoại thị. Mặt khác, yếu tố thành thị và văn hóa thành thị gốc đặc trưng lại bị vơi hụt đi. Thêm vào đó hàng chục thôn làng hòa nhập vào cơ thể nội thị, xóa mờ những giới hạn mỏng manh giữa thành thị và thôn quê. Với việc mở rộng Hà Nội từ năm 2008, vấn đề văn hóa thành thị và thành thị hóa dân cư đặt ra gay gắt bội phần.

Về phương diện thành thị hóa dân cư, hình thành bốn nhóm dân cư Hà Nội: Dân nội thành; dân ngoại thành; dân nông thôn và dân nhập cư. Trong đó, dân cư nội thành chưa đạt độ thành thị hóa cao, dân cư ngoại thành trong quá độ thành thị hóa và dân cư nông thôn là ba nhóm “gốc” Hà Nội.

Một góc trung tâm quận Hà Đông sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. (Ảnh: TTXVN)

Một góc trung tâm quận Hà Đông sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính. (Ảnh: TTXVN)

Sau ngày 1/8/2008, Hà Nội làm chủ một cơ ngơi thiên nhiên và đất đai đồ sộ, đủ để cho một thành phố lớn và một thủ đô thỏa sức mở mang. Tất cả những gì cần cho Hà Nội về phương diện tài nguyên thiên nhiên đã hội tụ đủ, thậm chí dư, chỉ thiếu biển. Song, sông ngòi và ao hồ hầu hết đã lâm bệnh; núi rừng nhiều phần đã nhân tạo hóa; quỹ đất bị chiếm dụng nham nhở. Thiên nhiên suy suyển nhiều, ngay bây giờ đã phải tính chuyện chữa trị.

Những phác thảo quy hoạch sử dụng đất hôm nay và mai sau, nên xuất phát từ bài tính chiến lược: trời - đất - ta (người), một cách hết sức tằn tiện, dụng chỗ nào và dụng vào việc gì phải so đo cho kỹ. Chí ít cũng phải như anh thợ đồ da trước tấm da bò. Ta quen lối nghĩ cái gì cũng phục dựng được, làm giả được. Song, thiên nhiên, hỏng hoặc mất, thì không tài nào phục sinh được. Đất ruộng đô thị hóa thì dễ, đã đô thị hóa thì không trở lại trồng trọt được nữa. Tôi mong, ngay từ đầu, các nhà quy hoạch Dự án mở rộng Hà Nội ghi khắc dòng: Nương nhẹ thiên nhiên, tiết kiệm trời đất.

Ta quen lối nghĩ cái gì cũng phục dựng được, làm giả được. Song, thiên nhiên, hỏng hoặc mất, thì không tài nào phục sinh được. Đất ruộng đô thị hóa thì dễ, đã đô thị hóa thì không trở lại trồng trọt được nữa. Tôi mong, ngay từ đầu, các nhà quy hoạch Dự án mở rộng Hà Nội ghi khắc dòng: Nương nhẹ thiên nhiên, tiết kiệm trời đất.
GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính

Phóng viên: Chúng ta thường nhắc đến hai mặt của một vấn đề khi nói tới việc phát triển Hà Nội trong tương lai: Bảo tồn tồn các di sản kiến trúc đô thị và duy trì các đặc trưng đô thị. Theo GS, cần chú trọng những gì ở hai khía cạnh này?

GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: Quỹ kiến trúc đô thị của Hà Nội, như đã nhắc đến ở phần trước, đang sở hữu năm thành phần lớn: Khu phố Việt truyền thống; Khu phố thời thuộc địa; Các làng cổ và cũ; Quỹ kiến trúc xây dựng sau năm 1954 và Các khu vực cảnh quan thiên nhiên, văn hóa.

Khu phố cổ, là một di sản đô thị có giá trị không hẳn bởi niên đại và cũng không hẳn bởi kiến trúc. Giá trị ở chỗ nó là một cấu trúc phố thị tương đối thuần Việt với một cộng đồng thị dân vẫn lưu giữ phần nào nếp sống và cách làm ăn xưa cũ. Cách ứng xử đúng và khả thi hơn là kết hợp bảo tồn, cải tạo và hiện đại hóa. Chính sự kết hợp ấy bảo đảm dòng chảy tự nhiên và sự hòa nhập với cơ thể đô thị hiện đại.

Khu phố và các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, rõ ràng là di sản đô thị của Hà Nội, đa dạng về thể loại, phong phú về phong cách, bền dai về thẩm mỹ, có vai trò đặc biệt trong diện mạo đô thị Hà Nội. Cơ hội duy trì vốn liếng kiến trúc này chính là chính sách, các chế độ trong ứng xử. Đặc biệt cần giảm thiểu sự thách thức từ quy mô và mật độ của các công trình xây xen kẽ.

Phố Hàng Bạc với những ngôi nhà cổ tường vàng, bên trái là đình Kim Ngân, hai bên dãy phố vẫn là những cửa hàng lớn nhỏ làm nghề chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Phố Hàng Bạc với những ngôi nhà cổ tường vàng, bên trái là đình Kim Ngân, hai bên dãy phố vẫn là những cửa hàng lớn nhỏ làm nghề chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Các làng cổ và làng cũ trong cơ thể Hà Nội đặt ra những bài toán cải tạo khó gấp bội so với các thành phần đô thị khác. Người dân hẳn sẽ tiếp tục xây cất nhà nhiều tầng, lèn nén không gian vốn đã chật hẹp. Chúng tôi e ngại rằng đây sẽ là những dị thể của thành phố hiện đại, là những ứ tồn lịch sử.

Quỹ kiến trúc hình thành sau 1954, khá lớn và rất đa dạng. Trong đó các khu xây dựng thời chiến tranh và bao cấp đang trở thành những tồn đọng kiến trúc - lịch sử khó bề giải quyết, cần giữ lại những công trình có giá trị, không nên có thái độ bài xích kiến trúc của các giai đoạn lịch sử đặc biệt này.

Các khung cảnh thiên nhiên nhân văn hóa (đô thị hóa), trước tiên là hồ ao và sông ngòi, có vai trò đặc biệt trong cấu trúc hình thái không gian. Song chúng đang đòi hỏi chữa trị, phục sức và tô điểm.

Căn biệt thự có hai mặt tiền tại 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) có tuổi đời hơn 100 năm sau khi được trùng tu. (Ảnh: HÀ NAM)

Căn biệt thự có hai mặt tiền tại 49 phố Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) có tuổi đời hơn 100 năm sau khi được trùng tu. (Ảnh: HÀ NAM)

Hà Nội về tổng thể vẫn còn là một cơ thể đô thị chưa hẳn đã tan vỡ, vẫn duy trì được sự chuyển hóa không gian đô thị mềm mại, một khung cảnh đô thị gắn kết, về phương diện hình thái học. Hà Nội có khuôn mặt của sự chuyển hóa và hòa đồng giữa làng và phố, làm cho Thủ đô ta giàu chất Á Đông. Tuy nhiên, Hà Nội đang thiếu một quy hoạch cải tạo khu trung tâm ít nhiều đã định hình, trong khi đó việc xây xen cấy hàng trăm công trình cao tầng và chọc trời sẽ phá nát cơ thể cũ, làm tổn hại đến hình ảnh đô thị chung của thành phố, một khung cảnh hiếm hoi trong dòng chảy trôi cuốn của công cuộc hiện đại hóa ở Đông Nam Á.

Hà Nội có khuôn mặt của sự chuyển hóa và hòa đồng giữa làng và phố, làm cho Thủ đô ta giàu chất Á Đông. Tuy nhiên, Hà Nội đang thiếu một quy hoạch cải tạo khu trung tâm ít nhiều đã định hình, trong khi đó việc xây xen cấy hàng trăm công trình cao tầng và chọc trời sẽ phá nát cơ thể cũ, làm tổn hại đến hình ảnh đô thị chung của thành phố, một khung cảnh hiếm hoi trong dòng chảy trôi cuốn của công cuộc hiện đại hóa ở Đông Nam Á.
GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính

 Hà Nội đã mở rộng ra 3.340km theo bề rộng. Song, Hà Nội cũ, để thành nhân tố trung tâm, phải được chủ trương phát triển kết hợp cải tạo với hiện đại hóa. Nếu ngược lại, nhân tố trung tâm có thể trở thành thực thể kiến trúc và lịch sử “thiểu năng”. Sự lan tỏa từ cái nhân đô thị ấy (nếu) được củng cố và nâng cao, sẽ quyết định tương lai kiến trúc đô thị của Thủ đô. Không một cấu trúc đô thị nào khác có thể thay thế nó. Hà Nội hôm nay, từ cách nhìn nào đó, đang là một “bảo tàng” kiến trúc đô thị và văn hóa đô thị. Đặc trưng cho thời kỳ cận đại, đặc trưng cho sự quá độ kéo dài trong phát triển xã hội, với những khác biệt có xuất xứ Á Đông và từ những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.

Nói một cách tổng quát, con đường tự nhiên cho phát triển Hà Nội có lẽ phải là sự kết hợp bảo tồn và duy trì, cải tạo và hiện đại hóa. Chỉ như vậy, Hà Nội mới có thể vừa hội nhập quốc tế trong phát triển, vừa lưu giữ và tô đậm nên sự đặc sắc vốn có của mình. Trong cuộc cạnh tranh giữa các đô thị, di sản và bản sắc cũng là những nhân tố đắc lực.

Phóng viên: Nhìn đến tương lai, Hà Nội cần làm những công việc gì với di sản kiến trúc của mình, thưa GS?

GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: Trước đây chúng tôi đã gợi ý thành phố tiến hành một cuộc tổng điều tra và kiểm kê toàn bộ gia sản tích lũy qua hơn 1.000 năm - cả tài nguyên thiên nhiên, quỹ di tích, quỹ kiến trúc đô thị, cơ sở kỹ thuật hạ tầng... Ta làm việc ấy hệt như người quản kho để từ đó hoạch định các chương trình và các quy hoạch phát triển, cũng là để bàn giao cho hậu thế. Không có những dữ liệu điều tra và kiểm kê cơ bản như thế, ta đành làm cái việc kiểm kê mình quen hơn, tức là nhắc lại những điều đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần (!). Hiện nay Hà Nội cũng đã đang triển khai công việc kiểm kê này. Khi cuộc đại kiểm kê ấy được thực hiện, những người làm quy hoạch Hà Nội sẽ dễ biết bao, vạch ra cái gì là cái nấy có sức thuyết phục.

Hơn 1.000 năm trước, đức vua Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, đứng trước nhiều tham vọng và những trăn trở. Hơn 1.000 năm sau, thế hệ chúng ta quyết chí xây dựng Thủ đô rộng lớn và đồ sộ gấp trăm, gấp nghìn lần. Tham vọng và trăn trở cũng vì thế tăng lên bội phần. Hà Nội, đi vào thiên niên kỷ thứ hai, cần tầm nhìn và tư duy thực tế.

Cho đến thời điểm này, công tác bảo tồn di tích, di sản văn hóa lịch sử ở Hà Nội đã được nhận thức và bảo tồn và phát huy giá trị đã mang tính khả thi. Tuy nhiên, việc bảo tồn, duy trì, tiếp nối trong sự cộng sinh phát triển đô thị vẫn là câu chuyện hết sức thách thức. 

Hơn 1.000 năm trước, đức vua Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, đứng trước nhiều tham vọng và những trăn trở. Hơn 1.000 năm sau, thế hệ chúng ta quyết chí xây dựng Thủ đô rộng lớn và đồ sộ gấp trăm, gấp nghìn lần. Tham vọng và trăn trở cũng vì thế tăng lên bội phần. Hà Nội, đi vào thiên niên kỷ thứ hai, cần tầm nhìn và tư duy thực tế.

Di sản kiến trúc Cũ của Hà Nội rất đặc sắc, rất tinh tế. (Ảnh: HẢI BÌNH)

Di sản kiến trúc Cũ của Hà Nội rất đặc sắc, rất tinh tế. (Ảnh: HẢI BÌNH)

Trong bối cảnh phát triển ồ ạt và hội nhập quốc tế, lo lắng nhất của tôi lúc này là làm sao kế thừa được tài nguyên di sản văn hóa đô thị của Hà Nội? Di sản đó bao gồm hai thành phần: Thành phần di sản kiến trúc đô thị mang tính tinh hoa, cốt lõi “chân dung” của Hà Nội, và thành phần văn hóa tinh thần thị thành (phố phường) cổ truyền có được bảo tồn và phát triển tiếp nối hay không?

Di sản kiến trúc Cũ của Hà Nội rất đặc sắc, rất tinh tế, nhưng rất mỏng manh, và lại rất khó để bảo tồn và phát triển tiếp nối trong sự phát triển ồ ạt như hôm nay. Đây thực sự là thách thức của các đô thị, không chỉ của Hà Nội mà của chung các đô thị, trong đó có các đô thị có cơ ngơi di sản đồ sộ hơn ta rất nhiều…

Làm sao giữ gìn được di sản hình ảnh như là “chân dung” của Hà Nội qua “vùng lõi” tinh hoa như những quận Hoàn Kiếm, Ba Đình chẳng hạn... Khu “lõi” này quá nhỏ bé so với tương quan phát triển hàng trăm lần và vẫn còn đang phát triển về quy mô đô thị cũng như về tài sản kiến trúc đô thị của Hà Nội như hiện nay.

Di sản kiến trúc Cũ của Hà Nội rất đặc sắc, rất tinh tế, nhưng rất mỏng manh, và lại rất khó để bảo tồn và phát triển tiếp nối trong sự phát triển ồ ạt như hôm nay. Đây thực sự là thách thức của các đô thị, không chỉ của Hà Nội mà của chung các đô thị, trong đó có các đô thị có cơ ngơi di sản đồ sộ hơn ta rất nhiều…
GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính

Nét văn hóa tinh thần nổi trội ở Hà Nội là văn hóa phố phường - không phải văn hóa kinh đô như Huế. Đó chính là tinh thần đô thị của Hà Nội - có thể nêu như văn hóa ứng xử với nhau, văn hóa làng nghề, văn hóa buôn bán, cả văn hóa cạnh tranh nữa… Những nét văn hóa đó chứa đựng rất nhiều đặc sắc, điển hình của Hà Nội.

Văn hóa đó vô cùng mong manh và cũng đã tàn phai rất nhiều. Điều trăn trở là làm sao để nhận ra, duy trì được những nét văn hóa đó trong thế tương quan phát triển đối nghịch như hiện nay. Đó là những điều mà những người nào nghĩ sâu, nghĩ rộng về phát triển Hà Nội phải nghĩ tới - đặc biệt là những người có trách nhiệm ra quyết định.

Nhìn tổng thể, ở Hà Nội, với các di tích, chúng ta đã bảo tồn tạm ổn. Nhưng với những di sản kiến trúc đô thị và di sản văn hóa phố phường của Hà Nội thì câu chuyện vẫn còn tiếp tục…

Phóng viên: Xin cảm ơn GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính. Nhân dịp Giáo sư vừa nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/20124), xin được chúc mừng ông - một người Hà Nội vô cùng yêu quý Hà Nội và đã có nhiều đóng góp cho Hà Nội. Chúc ông tiếp tục có nhiều cống hiến với những đam mê của mình. Một lần nữa xin cảm ơn GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính về cuộc trò chuyện thú vị này. 

Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941 tại Hà Nội. Học trung học và đại học, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Moskva.
Gần 50 năm qua, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính đã ghi dấu trí tuệ của mình ở nhiều công trình văn hóa kiến trúc trên cả nước, bạn bè và đồng nghiệp gọi ông là “hiệp sĩ của những di tích kiến trúc”.
Ông gắn bó sâu nặng với nơi “chôn nhau cắt rốn” Hà Nội bằng một tình yêu đặc biệt dành cho những di tích lịch sử, di sản văn hóa là biểu tượng của thành phố ngàn năm. Có thể kể đến những đóng góp của ông với vai trò chủ trì tu bổ đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đặc biệt còn có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội… Đây đều là những di tích tiêu biểu định danh cho những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của Hà Nội qua thời gian.
Những đóng góp của Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính trong các công trình trùng tu di tích, di sản đã trở thành những bước đi có tính chất khai mở, vạch lối để ngành bảo tồn di tích ở Việt Nam có thể vận dụng vào các trường hợp tương tự một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.

GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính (đứng bên phải) người đã có nhiều đóng góp cho những công trình kiến trúc ở Hà Nội, được trao tặng Giải thưởng Lớn, giải quan trọng nhất của lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2024. (Ảnh: HÀ NAM)

GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính (đứng bên phải) người đã có nhiều đóng góp cho những công trình kiến trúc ở Hà Nội, được trao tặng Giải thưởng Lớn, giải quan trọng nhất của lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2024. (Ảnh: HÀ NAM)

Tổ chức nội dung: HỒNG MINH
Nội dung: VƯƠNG ANH, TUYẾT LOAN
Ảnh: THÀNH ĐẠT, LÊ VIỆT, HÀ NAM, HẢI BÌNH. Trong bài có sử dụng một số ảnh trên nền tảng Canva.
Trình bày: HẢI BÌNH