Phát triển đô thị

trước thách thức thiên tai

Cần nhiều phương án phát triển bền vững đô thị TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Ngọc

Cần nhiều phương án phát triển bền vững đô thị TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quang Ngọc

Việt Nam có 862 đô thị các loại và được xác định nằm trong nhóm 10 quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Tuy nhiên, hệ thống các chính sách phát triển vẫn chưa chú trọng đúng mức đến việc nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của đô thị. Thực trạng này đòi hỏi phải có sự đổi mới sâu sắc và quyết liệt trong công tác quy hoạch, cải tạo, điều chỉnh quy hoạch và quản trị đô thị.

Mặt trái của mở rộng đô thị

Tại Hội thảo về kết quả xây dựng Bộ Chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu (VN-CRI) ở Việt Nam cách đây ít năm, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) công bố kết quả thí điểm bộ chỉ số tại năm đô thị và nhân rộng tại 28 đô thị khác. Trong đó Hà Nội có chỉ số chống chịu tổng hợp thấp nhất, đạt 5,6 trên thang điểm 10. Ngoài ra, chỉ có 10 đô thị đạt mức điểm trung bình khá (từ 7 trở lên).

Thay vì thuần túy đưa ra số liệu liên quan hạ tầng kỹ thuật, giao thông, các đơn vị đã thu thập số liệu và trả lời các câu hỏi liên quan khả năng chống chịu toàn diện trên bốn khía cạnh: sức khỏe - phúc lợi, kinh tế - xã hội, hạ tầng - môi trường, lãnh đạo - chính sách. Các chuyên gia đánh giá, thiên tai khó dự đoán và gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, gia tăng khoảng cách giàu – nghèo khiến cho mỗi đô thị đều có mức độ bị tổn thương khác nhau.

Cần Thơ được quy hoạch, xây dựng đô thị mang đặc trưng vùng sông nước. Ảnh: Quốc Dũng

Cần Thơ được quy hoạch, xây dựng đô thị mang đặc trưng vùng sông nước. Ảnh: Quốc Dũng

Đơn cử như, bão, lũ lụt và nước biển dâng đang tác động xấu đến phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long với 138 đô thị có nguy cơ ngập cao, trong đó có 24 đô thị thuộc 15 tỉnh, thành phố có nguy cơ ngập nặng đến rất nặng. Khu vực miền núi và Tây Nguyên có nhiều nguy cơ, trong đó có 17 đô thị có khả năng chịu ảnh hưởng rất lớn.

Trong quy hoạch phát triển đô thị, các cơ quan chức năng cần phải tính đến bài toán phát triển bền vững. Theo đó, cần tập trung cho phòng chống rủi ro từ động đất, thiên tai, cải tạo chung cư cũ, đồng thời xây dựng các giải pháp về công nghệ, để quản lý trật tự xây dựng và dự báo rủi ro thiên tai cho đô thị.

Khả năng chống chịu, thích ứng của đô thị là việc giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai, đồng thời liên quan khả năng nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định. Theo nhiều đánh giá, khả năng chống chịu của đô thị không chỉ liên quan biến đổi khí hậu, mà còn liên quan nỗ lực giảm nghèo, tăng cường hiệu quả năng lượng, phát triển tốt hệ thống hạ tầng và giao thông, quản lý chất thải hợp lý, nâng cao sức khỏe cộng đồng… Nhiều năm qua, các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu chưa được các tỉnh, thành phố quan tâm thích đáng. Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới sâu sắc và quyết liệt trong công tác quy hoạch, cải tạo, điều chỉnh quy hoạch và quản trị đô thị.

Động đất ngày càng phức tạp

Nói về nguy cơ tác động từ động đất đối với đời sống, Viện trưởng Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh đánh giá các dạng thiên tai động đất, sóng thần, bão lũ... đang có xu hướng ngày càng nguy hiểm, điều này trước đây chúng ta chưa biết và lường hết được.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), trong 10 năm qua, ghi nhận hơn 400 trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam, hoặc có ảnh hưởng tới Việt Nam. Thực tế này đặt ra vấn đề cấp bách trong việc xây dựng và quản lý nhà cao tầng ở các đô thị phải tính toán đến khả năng chống chịu trước động đất.

Quả vậy, nhìn lại những trận động đất và rung chấn từng được ghi nhận có thể thấy khuyến nghị này cần phải được nhìn nhận đúng mức. Động đất được ghi nhận năm 1968 từng xảy ra ở Bắc Giang, năm 1989 ở Hòa Bình, năm 1996 ở Điện Biên, rồi năm 2005 ở Hà Giang và Nghệ An. Gần đây hơn, vào tháng 11/2019 tại  khu vực huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) xảy ra động đất với cường độ 5,4 độ richter, độ sâu chấn tiêu 17 km, khiến nhiều thành phố, địa phương như: Hà Nội, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương xảy ra hiện tượng rung lắc. Hay trận động đất ngày 16/6/2020 tại Mường Tè (Lai Châu) với cường độ 4,9 độ richter cũng gây ra những thiệt hại. Trong hai ngày 27 và 28/7/2020, tại huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã xảy ra liên tiếp bảy vụ động đất và dư chấn động đất, với cường độ dao động từ 2,6 - 5,3 độ richter. Ngày 23/2/2022 một trận động đất nhẹ cũng xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam…

Ở góc độ chuyên môn của mình, PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo, một khi diễn biến của động đất ngày càng khó lường như vậy, các quy định trong xây dựng nhà cao tầng càng cần phải được thực hiện, giám sát thực hiện một cách chặt chẽ.

Qua tìm hiểu, từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã xây dựng Quy định tiêu chuẩn xây dựng (TCXDVN 375:2006). Tiếp đó năm 2012, Bộ Xây dựng chuyển đổi thành Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế công trình chịu động đất (TCVN 9386:2012) do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng biên soạn). Theo đó, mọi công trình xây dựng đều phải tuân thủ quy định này. Nếu chủ đầu tư không tuân thủ, để xảy ra sự cố khi có động đất, sẽ phải chịu trách nhiệm.

Hạ tầng đô thị đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: Khiếu Minh

Hạ tầng giao thông cũng không ngừng được cải thiện để phục vụ người dân. Ảnh: Khiếu Minh

Hạ tầng đô thị đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: Khiếu Minh

Hạ tầng giao thông cũng không ngừng được cải thiện để phục vụ người dân. Ảnh: Khiếu Minh

Trước câu hỏi, công trình xây dựng của Hà Nội có thể chịu được động đất mức độ nào, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, từng cho biết, các công trình xây dựng gần đây đều đã tính tới động đất khi thiết kế, thi công, được tính toán kháng chấn tương đương cấp độ 7, 8. Trên thực tế, dựa vào bản đồ phân vùng động đất, từng công trình được tính toán và thiết kế chịu tác động của động đất với xác suất lớn hơn, để bảo đảm an toàn và hạn chế thiệt hại.

Tuy nhiên, trong thanh, kiểm tra quá trình xây dựng tại các nhà cao tầng thời gian qua mới chỉ phát hiện những sai phạm trong xây dựng như hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa bảo đảm, vượt quá số tầng, thiếu tầng hầm… Đó đều là những vi phạm có thể nhìn thấy được. Một câu hỏi khác đặt ra cho các cơ quan chức năng là, trong quá trình xây dựng việc kiểm tra áp dụng tiêu chuẩn chịu động đất trong các hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án nhà cao tầng có được làm tốt? Hay việc đánh giá bảo đảm an toàn chịu lực của công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có bảo đảm? Những câu hỏi này thật sự là vấn đề đối với cơ quan chức năng và người mua nhà. Trên thực tế, người mua nhà hoàn toàn không có cách gì kiểm định lại được chất lượng công trình có bảo đảm sự an toàn cho họ và gia đình trước những rung chấn của động đất hay không?

Bài toán cải tạo chung cư cũ

Một vấn đề nổi cộm nữa tại các đô thị cũng được TS Nguyễn Đại Minh, nguyên Viện trưởng Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng), chỉ rõ, đó là độ an toàn của các công trình xây dựng cũ, chung cư cũ được xây lắp ghép từ năm 1990 trở về trước khi xảy ra động đất, rung chấn. Hầu hết các công trình này đều đã xuống cấp, thậm chí nhiều công trình thuộc cấp độ nguy hiểm (D) vẫn đang tồn tại. Chỉ cần xảy ra động đất với cường độ 4 đến 5 độ richter, cũng đủ khiến các công trình này có nguy cơ sụp đổ. 

Khu nhà G6 Thành Công (quận Đống Đa) nhếch nhác nhưng nhiều năm qua chưa được cải tạo. Ảnh: Duy Linh

Suốt nhiều năm, Hà Nội chỉ cải tạo được 2% số chung cư cũ. Ảnh: Duy Linh

Sau nhiều năm, chính sách cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm của Hà Nội vẫn rất khó khăn trong thực thi. Ảnh: Văn Học

Khu nhà G6 Thành Công (quận Đống Đa) nhếch nhác nhưng nhiều năm qua chưa được cải tạo. Ảnh: Duy Linh

Suốt nhiều năm, Hà Nội chỉ cải tạo được 2% số chung cư cũ. Ảnh: Duy Linh

Sau nhiều năm, chính sách cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm của Hà Nội vẫn rất khó khăn trong thực thi. Ảnh: Văn Học

Theo tính toán, hiện Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ, TP Hồ Chí Minh có 474 chung cư xây trước năm 1975. Phần lớn các chung cư này đang có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Không ít chuyên gia cảnh báo, chưa kể đến động đất, khi trời mưa, nước ngấm vào tường dẫn đến mủn tường và các mối ghép cũng dễ khiến các chung cư cũ đổ sập.

Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), nhà cao tầng, chung cư cũ là đối tượng nhạy cảm nhất đối với động đất. Do đó, trong quá trình xây dựng công trình mới, cải tạo chung cư cũ, điều quan trọng là phải chọn được các nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính. Các chuyên gia khuyến nghị, để tránh dàn trải, các cơ quan chức năng TP Hà Nội nên có biện pháp đánh giá để sàng lọc ra những chung cư cấp độ nguy hiểm và tập trung vào cải tạo, xây mới. Nên tính toán đến phương án là thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào để tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy.

Đồng quan điểm ấy, PGS, TS Trần Chủng cho biết thêm, kết cấu của các công trình cao tầng rất phức tạp, nên ngoài việc tính toán kháng chấn trên lý thuyết, còn phải thử nghiệm ở phòng thí nghiệm động đất, nghiên cứu phản ứng để chọn giải pháp kết cấu hợp lý. Đối với các tòa nhà cao tầng, các kết cấu của cọc, móng, cột, dầm phải được tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn chất lượng, vì đó là phần gánh lực cho tòa nhà.

Nâng cao năng lực ứng phó của địa phương

Những kinh nghiệm trong xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó thiên tai, thảm họa ở các nước phát triển có thể là bài học kinh nghiệm để chúng ta tham khảo trong quản trị rủi ro, thiên tai.

Mỹ là một quốc gia phải gánh chịu nhiều thảm họa thiên tai. Trong vòng 5 năm qua, nước Mỹ đã thiệt hại gần 750 tỷ USD vì thiên tai và theo cảnh báo, tình hình có thể tiếp tục tồi tệ hơn nữa.

Tại mỗi vùng miền của Mỹ đều có những loại thiên tai đặc thù. Như ở New York thường có bão tuyết; tại California thường xảy ra động đất; tại Florida hay xảy ra lốc xoáy… Theo chúng tôi được biết, tại New York, cứ 5 năm cơ quan chức năng lại ban hành bản điều chỉnh cập nhật chiến lược và kế hoạch ứng phó thảm họa thiên tai. Các kế hoạch này được thể hiện chi tiết từng bước, quy định rõ trách nhiệm của từng đầu mối. Chẳng hạn như, các cơ quan cảnh sát, quân đội, y tế, môi trường,… được phân công chi tiết theo từng mục việc.

Bản đồ ứng cứu cũng được lập hết sức chi tiết và người dân dễ dàng tiếp cận được sự giúp đỡ. Đặc biệt, việc cảnh báo sớm được tổ chức rất tốt trên các kênh thông tin. Về phía người dân, họ được cung cấp các hướng dẫn xử lý sự cố, có phương án tích trữ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, … và biết những nơi có thể trợ giúp họ, những đầu mối liên lạc khi gặp khó khăn trong trường hợp xấu xảy ra.

Bão Laura tàn phá bang Louisiana (Mỹ) hồi tháng 8/2020. Ảnh: Reuters

Cảnh hoang tàn tại bang Kentucky (Mỹ) sau thảm họa lốc xoáy tháng 12/2021. Ảnh: Reuters

Bão Laura tàn phá bang Louisiana (Mỹ) hồi tháng 8/2020. Ảnh: Reuters

Cảnh hoang tàn tại bang Kentucky (Mỹ) sau thảm họa lốc xoáy tháng 12/2021. Ảnh: Reuters

Trên toàn nước Mỹ, nhất là những khu vực dễ xảy ra tổn thương, thảm họa thiên tai, người dân hằng năm đều được diễn tập để tăng khả năng xử lý và ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, giảm nhẹ thiệt hại. Điều đáng nói, ý thức của người dân rất cao, họ luôn hợp tác với chính quyền, vì hiểu đây là điều quan trọng để bảo vệ mạng sống và tài sản của bản thân và cộng đồng.

Từ năm 1988, nước Mỹ đã thông qua Đạo luật Stanford, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền hạt, quận, bang, liên bang và việc phối hợp lực lượng trong cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai. Năm 2000, nước này tiếp tục sửa đổi Đạo luật Stanford năm 1988 thành Đạo luật Giảm nhẹ thiên tai, quy định thêm trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với việc bảo vệ môi trường tự nhiên trong nỗ lực giảm nhẹ những rủi ro do thiên nhiên gây ra.

Hằng năm, Chính phủ Mỹ cũng dành khoảng hơn 10 tỷ USD để đầu tư bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai cho cộng đồng.

Việc thực hiện công tác quy hoạch và chấp hành các quy hoạch đó cũng rất quan trọng. Nhiều nước đã phải tính đến quy hoạch ngay tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thí dụ nước Anh đang có Tài liệu hướng dẫn chính sách quy hoạch, nhằm đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để hạn chế cấp giấy phép xây dựng. Trong khi đó, Australia đã xây dựng Sổ tay về quản lý thảm họa lũ quét và lở đất nhằm đưa ra quy định về quy hoạch, quản lý đất đai tại những khu vực có nguy cơ cao.

Nhìn sang Nhật Bản, gần như tất cả các thành phố nước này đều có “bản đồ nguy hiểm” thể hiện chi tiết những vùng có nguy cơ lở đất cao. Hầu hết những bản đồ này đều được đăng trên mạng. Các quy định trong luật của Nhật Bản cũng nghiêm khắc và người dân ý thức cao trong việc tuân thủ các quy định phòng, chống thiên tai.

Nhật Bản thường xuyên phải hứng chịu hậu quả của động đất, nên đã tích cực có các giải pháp thích ứng. Ảnh: Tư liệu

Nhật Bản thường xuyên phải hứng chịu hậu quả của động đất, nên đã tích cực có các giải pháp thích ứng. Ảnh: Tư liệu

Ở mỗi gia đình, cũng đều phải tự tích trữ trong nhà những vật dụng cứu hộ cơ bản gọi là “túi phòng chống thiên tai” với thuốc, khẩu trang, dây thừng, đèn pin và thực phẩm. Ngoài ra, mỗi địa phương cũng thành lập những trung tâm cứu nạn riêng được trang bị: mũ bảo hiểm, lều trại, chăn chiếu, máy phát điện, đèn pin, thực phẩm... để kịp thời phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người dân trong lúc cấp bách.

Đối với Việt Nam, còn tồn tại thực trạng, các quy trình ứng phó với thiên tai, thảm họa, thậm chí dịch bệnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế, các tỉnh, thành phố, địa phương thiếu cơ sở pháp lý để xây dựng được cơ chế chính sách và phê chuẩn ngân sách cần thiết cho việc lập ra chiến lược, kế hoạch, và hướng dẫn trong việc chuẩn bị giải pháp ứng phó, ứng cứu một cách bài bản.

Tuy định hướng chiến lược và phương pháp lập kế hoạch, hướng dẫn ứng phó với thiên tai thảm họa mang tính chung, nhưng việc áp dụng rất cần được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp cho từng địa phương của Việt Nam. Chính quyền mỗi tỉnh, thành phố cần xác định những nguy cơ đặc thù mang tính địa phương, bởi mỗi địa phương có điều kiện hiện trạng và quy hoạch đô thị và nông thôn khác nhau, cho nên yếu tố nguy cơ thiên tai và thảm họa cũng sẽ khác nhau tùy theo khu vực.

Ô nhiễm bụi mịn cũng là thách thức đối với các đô thị. Ảnh: Khiếu Minh

Ô nhiễm bụi mịn cũng là thách thức đối với các đô thị. Ảnh: Khiếu Minh

Ở các khu vực dễ tổn thương, như khu vực có nguy cơ bị ngập do xả lũ hồ chứa thủy điện, khu vực dân cư mật độ đông đúc có nguy cơ cao về phòng cháy chữa cháy, khu vực dân cư ở chân đồi núi dễ bị sạt lở, khu vực dân cư dễ ảnh hưởng cháy rừng, … rất cần có giải pháp đi kèm với các chính sách cụ thể, để bảo đảm an toàn cho người dân và ứng cứu kịp thời khi có sự cố.

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội cứ mưa to là ngập. Ảnh: Trần Thường

Nhiều tuyến đường ở Hà Nội cứ mưa to là ngập. Ảnh: Trần Thường

Cần quyết liệt đổi mới trong quy hoạch đô thị

Nhiều ý kiến chuyên gia đã chỉ ra rằng, cấu trúc đô thị bất hợp lý là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường, sự bất thường của thiên tai. Với cấu trúc hạ tầng thiếu thốn, chật hẹp, lại tập trung đông dân cư với mật độ cư trú rất cao, phần lớn là những người nghèo, tầng lớp yếu thế trong xã hội, khả năng chống chịu trước thiên tai kém…

12 tòa tổ hợp HH Linh Đàm (Hà Nội) được xác định là khu đông dân, quá tải về cơ sở, hạ tầng. Ảnh: Bình Minh

12 tòa tổ hợp HH Linh Đàm (Hà Nội) được xác định là khu đông dân, quá tải về cơ sở, hạ tầng. Ảnh: Bình Minh

 Bởi thế những bất cập trong quy hoạch và phát triển đô thị hiện nay cần phải giải quyết. Đồng thời các công cụ pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hệ thống dữ liệu, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu cũng phải được tăng cường.

Thành phố thông minh sử dụng kết hợp Internet vạn vật (IoT). Ảnh: Luci

Hệ thống màn cập nhật thông tin từ camera giám sát giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: Gia Minh

Thành phố thông minh sử dụng kết hợp Internet vạn vật (IoT). Ảnh: Luci

Hệ thống màn cập nhật thông tin từ camera giám sát giao thông đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Ảnh: Gia Minh

Nước ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, truyền thông… Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị, Chính phủ đã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình đô thị thông minh (Smart City) từ năm 2015 trên nền tảng của công nghệ số, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số (Digital Transformation), thông qua các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, như: Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm và đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam và miền trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Cùng với việc triển khai từng bước đưa công nghệ số và chuyển đổi số vào quản lý, vận hành đô thị hiện hữu theo mô hình phát triển đô thị thông minh, thì ngay từ bây giờ, cũng cần xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lại các quy hoạch đô thị trước đây một cách thận trọng và nghiêm túc bằng tư duy đổi mới và khoa học, áp dụng có chọn lọc các mô hình quy hoạch đô thị tiên tiến trên thế giới, phù hợp điều kiện địa chính trị - kinh tế của Việt Nam, để đô thị phát triển bền vững, có khả năng thích ứng với thiên tai, đại dịch. Như mô hình “Thành phố 15 phút” của Giáo sư Carlos Moreno-Giáo sư Trường đại học Pantheon Sorbonne (Paris, Pháp) được Quỹ Henrik Frode Obel trao Giải thưởng Obel-2021, một giải thưởng quốc tế danh giá nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc về quy hoạch đô thị cho sự phát triển của con người trên toàn thế giới.

Bên trong "Thành phố 15 phút", nơi làm việc của mọi người, trường học của con cái họ, trung tâm thể thao nơi cư dân luyện tập, quán cà phê và nhà hàng nơi cư dân gặp gỡ bạn bè, các cửa hàng nơi họ mua sắm… đều cách nhà ở chỉ 15 phút đi bộ hoặc đạp xe.

Giáo sư Carlos Moreno nói: "Với tình trạng biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, chúng ta cần phải thực hiện một lối sống đô thị khác để sống gần nhau. Chúng ta nên sử dụng các nguồn tài nguyên tốt hơn, giảm lượng khí thải CO2, và tiếp tục phát triển các hoạt động kinh tế và xã hội ở các khu khác nhau của thành phố".

“Thành phố 15 phút” là một chiến lược phát triển đô thị đầy tham vọng, nhưng cũng là một cách tiếp cận thực dụng mới mẻ, chúng ta có thể áp dụng dựa trên việc điều chỉnh cho phù hợp văn hóa, điều kiện và nhu cầu của từng địa phương, để chuyển thành các chương trình và chính sách giúp chuyển đổi cấu trúc các thành phố. Đây cũng là mô hình đô thị nhỏ lý tưởng thích ứng biến đổi khí hậu.

Người dân luôn mong được sống trong môi trường đô thị an toàn, trong lành. Ảnh: Khiếu Minh

Người dân luôn mong được sống trong môi trường đô thị an toàn, trong lành. Ảnh: Khiếu Minh

Ngày xuất bản: 21/3/2022
Tổ chức sản xuất: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: LƯU LAN HƯƠNG, VĂN HỌC, QUỐC DŨNG, PHẠM THANH TÙNG, NGÔ VIẾT NAM SƠN, THÀNH VŨ, KHIẾU MINH…
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG