Phi đội Quyết thắng
sau 48 năm
lập chiến công lừng lẫy
Tôi may mắn được cùng thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam vào sân bay Thành Sơn-Phan Rang để tham dự sự kiện Phi đội Quyết thắng về thăm lại chiến trường xưa, giao lưu, tiếp lửa truyền thống cho các phi công trẻ. Chính sân bay này, 48 năm trước các ông đã cất cánh bay lên, đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cả phi đội trở về hạ cánh an toàn.
Đòn đánh chí mạng, bất ngờ, ngoạn mục vào trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn ở thời điểm cuối của chiến dịch Hồ Chí Minh, đã phá hủy 24 máy bay và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khiến chúng suy sụp ý chí, từ hoang mang trở thành hoảng loạn; góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Có thể nói đây là một trong những chiến công lịch sử của không quân Việt Nam trong chiến thắng lịch sử 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Chỉ có hơn 3 ngày
để học bay A-37
Ngày 28/4/2023, trời Phan Rang nắng đẹp. Khi mặt trời vừa lên, các phi công Phi đội Quyết thắng cùng các nhân chứng lịch sử và cán bộ chiến sĩ trung đoàn không quân 937 thuộc sư đoàn 370 đã có mặt tại Nhà truyền thống trung đoàn để tổ chức lễ dâng hương.
Trung đoàn không quân 937 đang quản lý sân bay Thành Sơn là trung đoàn giàu truyền thống, thành lập chưa đầy một tháng sau ngày đất nước thống nhất (21/5/1975), đã giành nhiều thành tích xuất sắc, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1981. Tính đến thời điểm này, đã có sáu tướng lĩnh quân đội ta trưởng thành từ trung đoàn như Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Trung tướng Nguyễn Kim Cách, Trung tướng Lâm Quang Đại…
Phi đội Quyết thắng gồm 6 phi công, nhưng cuộc hội ngộ sau 48 năm tại “chiến trường xưa” chỉ có 3 người tham dự: Phi đội trưởng, đại tá Nguyễn Văn Lục, đại tá Hán Văn Quảng (hai ông đều là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) và ông Trần Văn On (phi công lưu dung của chế độ cũ). Sau chiến tranh chống Mỹ, ông Hoàng Mai Vượng đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ, ông Nguyễn Thành Trung vì lý do sức khỏe và ông Từ Đễ bận việc nên không dự được.
Đứng trước các bức ảnh tư liệu trong nhà truyền thống, các cựu phi công Phi đội Quyết thắng không nén được bồi hồi. Đại tá Nguyễn Văn Lục xúc động: “Trận đánh này có biết bao công sức của tập thể, từ tầm nhìn chiến lược và chỉ đạo kiên quyết của Bộ tổng tư lệnh, đến những anh em dẫn đường, thợ máy, kỹ thuật chuẩn bị máy bay, lắp bom…, để chúng tôi có thể trực tiếp dội bom xuống đầu quân địch và chiến thắng trở về”.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng và những người phục vụ cho phi đội trong trận đánh Tân Sơn Nhất.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng và những người phục vụ cho phi đội trong trận đánh Tân Sơn Nhất.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng thăm động viên các phi công trẻ trực chiến.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng thăm động viên các phi công trẻ trực chiến.
Thăm các phi công đang trực nhiệm vụ tại sân bay Thành Sơn-Phan Rang.
Thăm các phi công đang trực nhiệm vụ tại sân bay Thành Sơn-Phan Rang.
Sân bay Thành Sơn, nơi Phi đội xuất kích là sân bay quân sự được coi là lớn nhất của ta hiện nay với chu vi lên đến 24km. Từ cổng doanh trại vào tới trung đoàn bộ quãng hơn 5km. Bây giờ thì cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, chứ trước kia cây cối mọc như rừng, là nơi cư trú của thỏ, hoẵng, beo…
Sau khi tham quan chiếc máy bay A-37, loại năm xưa đã cùng các ông lập chiến công, các cựu phi công di chuyển ra khu vực sân bay. Nhiều phi công trẻ của Trung đoàn xếp hàng bên cạnh những chiến máy bay SU-22, háo hức đón các “tiền bối”. Đại tá Hán Văn Quảng cười, nói: “Đúng giờ này, tức là quãng 10 giờ ngày hôm ấy (28/4/1975) chúng tôi cơ động từ sân bay Phù Cát (Quy Nhơn) vào Phan Rang. Phi đội gồm 5 chiếc A-37, nhưng chỉ có 4 chiếc vào trước (tôi đi tốp này); máy bay của anh On và anh Vượng gặp trục trặc kỹ thuật phải khắc phục, nên vào sau”.
Đại tá Nguyễn Văn Lục kể lại: “Thời gian học lái máy bay của chúng tôi vỏn vẹn có 3 ngày rưỡi (từ chiều 22 đến hết ngày 24/4/1975). Người dạy chúng tôi là anh Trần Văn On và một phi công lưu dung khác. Trước đây, anh em chúng tôi học lái máy bay Nga, đây là lần đầu tiên bay máy bay Mỹ. Khó khăn chồng chất. Thời gian chuyển loại máy bay mới trung bình mất từ 3 đến 6 tháng (tùy loại và yêu cầu), vậy mà chúng tôi chỉ có hơn 3 ngày! Ở Đà Nẵng lúc ấy, chỉ có duy nhất một chiếc A-37 để học, anh em thay phiên nhau lái, mỗi người được bay từ 2-3 chuyến thôi. Tổng số giờ bay mỗi người chưa đầy một tiếng rưỡi, nên có thể nói đây là thời gian bay chuyển loại ngắn nhất trong lịch sử quân sự!”
Ông Quảng nói chen vào: “Sau này phi công Mỹ sang thăm Việt Nam, giao lưu với chúng tôi, vẫn không tin là chỉ với chừng ấy thời gian học mà chúng tôi bay được và đánh được! Họ bảo chúng tôi bốc phét!”
Trong số 3 phi công Phi đội Quyết thắng, ông Trần Văn On là người kiệm lời nhất. Sau ngày đất nước thống nhất, ông phục vụ trong Không quân thêm hai năm nữa rồi giải ngũ. Cuộc sống của ông khá vất vả, nhưng bù lại, ông nhận được sự sẻ chia và giúp đỡ chí tình của các thành viên Phi đội. Ông khen: “Tham gia đào tạo chỉ trong một thời gian ngắn, tôi thấy anh em bay ngoài bắc tiếp thu rất nhanh. Quan trọng nhất vẫn là nhận biết đồng hồ, cất cánh và hạ cánh, chứ khi đã bay được lên trời rồi thì không khó!”
Đánh nhưng phải
để đường cho địch chạy
Ông Lục kể tiếp: “Hai giờ chiều, tại sân bay Thành Sơn, tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri mới họp với toàn phi đội và giao nhiệm vụ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó cấp trên đưa ra 6 mục tiêu ở Sài Gòn cho phi đội lựa chọn: Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tổng tham mưu, Kho xăng Nhà Bè và sân bay Tân Sơn Nhất.
Chúng tôi nhận thấy thời gian học bay ngắn, đường bay chưa thông thạo, không được liên lạc bằng vô tuyến, không có dẫn đường, phải thực hiện nhiệm vụ theo bốn chữ “tự”: tự đi, tự tìm, tự đánh, tự về. Vì vậy chúng tôi đề nghị chọn Tân Sơn Nhất vì mục tiêu này rộng, dễ phát hiện từ xa, oanh kích dễ trúng hơn, ta sẽ trà trộn vào đường máy bay địch vẫn bay, khiến chúng khó phát hiện”.
Đề nghị của Phi đội được cấp trên chấp thuận.Tư lệnh quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri trực tiếp giao nhiệm vụ: Thứ nhất, chỉ được đánh vào đường lăn và khu vực có máy bay địch, không đánh vào đường băng. Thứ hai, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phái đoàn quân dự của ta ở trại Davis, nằm phía tây nam Tân Sơn Nhất.
Ông Trần Văn On tấm tắc: “Tôi rất tâm đắc lời tư lệnh Lê Văn Tri không cho ném bom đường băng Tân Sơn Nhất. Ổng nói: Chúng ta đánh cho quân Mỹ chấn động, hoảng sợ mà rút. Vì thế, phải dành đường băng nguyên lành cho nó rút, chứ nếu ùn ứ lại thì chiến tranh sẽ kéo dài, thương vong sẽ lớn”.
Chúng tôi hỏi, khi nhận nhiệm vụ, các ông có lo lắng, băn khoăn gì không? Ông Lục cười: “Ý anh hỏi có sợ chết không chứ gì? Chết ai chẳng sợ. Nhưng nếu xác định chết vào thời điểm nào, chết vì cái gì thì mình sẽ bình tĩnh đối mặt. Bây giờ tôi vẫn còn giữ tấm ảnh tư lệnh Lê Văn Tri sau khi giao nhiệm vụ cho Phi đội xong, đã ngồi đánh cờ tướng với tôi cho đến khi có lệnh xuất kích. Chúng tôi thư giãn thế cơ mà!”
Ông Quảng bổ sung: “Chiến trường thúc giục. Cấp trên động viên chúng tôi bằng cách nói vui: Các đồng chí cố gắng nhé, không đánh được thì mấy hôm nữa chỉ ngồi mà vỗ tay hoan hô các đơn vị bạn vào giải phóng Sài Gòn thôi! Chính vì những lời nói ấy chúng tôi càng cố gắng phấn đấu”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thăm và khen ngợi Phi đội Quyết thắng. Từ phải qua trái: Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng.
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyễn Giáp thăm và khen ngợi Phi đội Quyết thắng. Từ phải qua trái: Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng.
Đứng ở phía cuối sân bay, ông Hán Văn Quảng chỉ tay: “Đây là bãi tập kết máy bay A-37 đã đeo bom. Chúng tôi ngồi quay mặt về đài chỉ huy K4 bây giờ. Không được liên lạc bằng vô tuyến nên quy ước: bắn phát pháo hiệu thứ nhất nổ máy, phát thứ hai lăn ra đường băng và phát thứ ba là cất cánh. 16 giờ 17 phút ngày 28/4, phi đội xuất kích. Lên không, chúng tôi tập hợp đội hình, vòng theo hướng biển, tiến về Sài Gòn”.
Số 1 đi đầu dẫn đường là Nguyễn Thành Trung (trước khi chuyển ngành là đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân); cách đó không lâu, ngày 8/4/1975, ông đã lái máy bay F-5E ném bom vào Dinh Độc Lập. Bay số 2 là Từ Đễ (đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), số 3 là Nguyễn Văn Lục (phi đội trưởng), máy bay số 4 có hai phi công Hoàng Mai Vượng (hy sinh năm 1979) và Trần Văn On, Hán Văn Quảng bay số 5 bay khóa đuôi. A-37 là loại máy bay ném bom hạng nhẹ, mang được 5 quả bom. Nhưng lần này, mỗi máy bay chỉ đeo 4 quả, mỗi quả nặng khoảng trên 100 kg, để dành đem thêm thùng dầu phụ.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng thăm động viên các phi công trẻ trực chiến.
Các thành viên Phi đội Quyết Thắng thăm động viên các phi công trẻ trực chiến.
Thời tiết rất xấu, nên cả biên đội phải bay dưới mây, ở độ cao khoảng 450 đến 500 mét, tránh bị ra đa địch phát hiện. Đấy cũng là một trong những lý do máy bay bị hao dầu nhanh hơn. Ông Lục kể: “Việc chọn thời gian cất cánh là quyết định sáng suốt của Ban chỉ huy. Theo tính toán, khi chúng tôi bay đến Sài Gòn vào khoảng 5 giờ chiều, trời bắt đầu nhá nhem, đây cũng là lúc địch rút ban để bàn giao, sẽ chủ quan”.
Ông Quảng tiếp lời: “Đến mục tiêu khoảng hơn 17 giờ, như vậy thời gian bay mất khoảng 45-50 phút. May mà lúc ấy ở Sài Gòn thời tiết lại rất đẹp, chúng tôi phát hiện sân bay Tân Sơn Nhất từ xa. Thực hiện lệnh cấp trên, chúng tôi ném bom vào khu vực đường lăn và máy bay địch, tức là khu vực song song với đường băng. Quy ước với nhau, chỉ được tấn công hai lần, nếu vòng đi vòng lại nhiều lần sẽ không đủ dầu bay về. Anh Lục bổ nhào đầu tiên, nhưng chỉ cắt được hai quả bom. Hai quả còn lại anh thử cắt lần nữa nhưng vẫn không được, chắc do kỹ thuật siết chặt quá. Tôi, Từ Đễ, On-Vượng cắt một lần được cả bốn quả. Riêng Nguyễn Thành Trung ném ba lần, cả 4 quả bom vẫn không ra, nên xin ném lần thứ tư…”.
Bên dưới, từ phía kho xăng Nhà Bè, hải quân địch đã kịp phản ứng, bắn lên dữ dội. “Tôi nghĩ bụng, nếu đợi anh Trung đánh thêm thì anh em không còn đủ dầu, nên mạnh dạn hô: số 2, số 3, số 4, hướng 150 thoát ly! Tôi vượt lên dẫn đầu đội. Sau này mới biết, lần thứ tư anh Nguyễn Thành Trung đã cắt được bom theo chế độ khẩn cấp. Trên đường về anh bị 2 chiếc F-5E đuổi theo. Nhưng có lẽ chúng đang làm nhiệm vụ khác ở trên không, bị điều về nên không còn đủ dầu, chỉ đuổi theo anh Trung đến Phan Thiết rồi vòng lại hạ cánh xuống Biên Hòa”.
Ông Quảng kể tiếp: “Cách sân bay Thành Sơn khoảng 40km, anh Từ Đễ thông báo, máy bay sắp hết dầu. Tôi nhắc anh tắt bớt một máy để tiết kiệm nhiên liệu và hạ cánh trước. Khi máy bay anh Từ Đễ xuống độ cao còn khoảng 1-2 mét thì chết máy, “rơi” bịch xuống đường băng vì không còn một giọt dầu nào. Tôi bảo anh, tranh thủ lúc còn đà, cho máy bay né vào một bên, nếu chết máy nằm giữa đường băng thì anh em khác không xuống được!”.
Giọng ông Quảng chuyển sang khẩn trương hơn: “Sau anh Từ Đễ, đến lượt tôi hạ cánh. Xuống độ cao khoảng 100 mét, bất ngờ nghe anh On hô: "Số 5 cho tôi hạ cánh trước, hết dầu rồi! Nhìn qua kính phản quang tôi thấy máy bay anh On như sắp đè trên lưng mình nên vội thu càng, vòng sang nhường anh hạ cánh trước. Sau này, các đồng chí thợ máy kiểm tra cho biết, mỗi máy bay chỉ còn 2-3 xô dầu thôi, nếu phải bay thêm dăm ba phút nữa thì sẽ không thể về hạ cánh được!”
Các phi công trẻ của Trung đoàn 937 đón các cựu chiến binh Phi đội Quyết Thắng
Các phi công trẻ của Trung đoàn 937 đón các cựu chiến binh Phi đội Quyết Thắng
Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục kể thêm: “Tôi còn dầu nên bay tiếp vài vòng ở trên cao, chờ anh em hạ cánh hết mình mới xuống. Mình là phi đội trưởng mà.”
“Hầu như tất cả chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đã chờ chúng tôi ở sân bay. Tư lệnh Lê Văn Tri chạy ào ra ôm hôn từng thành viên phi đội. Ông nghẹn ngào: “Chúng mày làm tao đỏ mắt chờ!” Nên biết, ở miền bắc, mỗi trận không chiến chỉ kéo dài khoảng 20-30 phút, nếu quá thời gian đó, coi như là có chuyện. Vậy mà lần này chúng tôi bay hơn 2 tiếng đồng hồ mới trở về. Thủ trưởng lo là phải” - Ông Quảng cười khà khà.
“Cảm xúc lúc đó trong tôi thật khó tả. Điều sung sướng nhất là chiến thắng ròn rã nhưng tất cả đều trở về an toàn. Cấp trên đã chỉ đạo trận đánh này rất sâu sát, táo bạo, hiệu quả. Các đồng chí kỹ thuật không quản ngày đêm chuẩn bị cho chúng tôi những chiếc bay tốt nhất, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Chiến công này là của tất cả chúng ta”.
Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất cách đây 48 năm là trận đánh ngoạn mục của Không quân Việt Nam. Dùng máy bay địch để đánh địch khiến chúng bất ngờ còn ta giữ được bí mật tuyệt đối. Thời gian học và di chuyển chỉ có 6 ngày (từ 22/4-27/4) nhưng cả phi đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh trúng mục tiêu, năm máy bay đi, năm máy bay trở về an toàn.
Ngay ngày hôm sau, địch đã phải tổ chức chiến dịch “Người liều mạng” để rút chạy bằng đường không.
Đây là một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn 937 anh hùng đã có những đánh giá rất tâm đắc về Phi đội Quyết thắng: "Đó là một phi đội lịch sử, sinh ra trong một thời điểm lịch sử, thực hiện một nhiệm vụ lịch sử, góp phần cùng các đơn vị khác của quân đội ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phi đội Quyết thắng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cho dù thời gian có trôi qua bao lâu thì phi đội này vẫn mãi mãi là Phi đội Quyết thắng!".
Ngày xuất bản: 30/4/2023
Tổ chức sản xuất: Ngọc Thanh
Nội dung và Ảnh: Hữu Việt
Trình bày: Hạnh Vũ