FO BÙI PHI LONG

"Tôi vẫn luôn ám ảnh với cái chết"

Loạt bài “Tôi đã vượt qua lằn ranh sống chết trong đại dịch” ghi lại tháng ngày nguy hiểm rình rập, sang chấn tâm lý nhưng thấm đẫm tình người của những bệnh nhân Covid-19. Với quyết tâm “không bỏ cuộc” của đội ngũ bác sĩ, cùng nghị lực và may mắn của bản thân, họ đã hồi sinh kỳ tích.

Ám ảnh cùng cực vì nỗi đau thể xác do Covid-19 mang lại, cùng những sang chấn về tâm lý, sức khỏe khiến tôi từ một người đàn ông tự tin, là trụ cột của gia đình, giờ chỉ nghĩ nhiều tới việc giải thoát bằng cái chết. Covid-19 tàn phá cơ thể khủng khiếp hơn những gì tôi đã từng được nghe về nó.

Các bác sỹ, điều trị chia làm 4 ca/ngày để chữa trị, chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: ĐOÀN MINH

Các bác sỹ, điều trị chia làm 4 ca/ngày để chữa trị, chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: ĐOÀN MINH

Những sang chấn do nhiễm Covid-19 rất khủng khiếp

Không như mọi người được bước trên đôi chân khỏe mạnh trở về sau khi đánh bại Covid-19, tôi nằm trên chiếc băng ca, được nhân viên y tế đưa vào hẻm sâu để vào nhà.

Mồm ú ớ chẳng nói được, tôi chỉ khẽ thều thào trong tiếng méo xệch trước cửa nhà khi nhìn thấy vợ: “Anh nè, em không nhận ra anh à”. Thế rồi vợ tôi òa khóc. Bao nhiêu sợ hãi, lo lắng và cả những bất ngờ, hạnh phúc được tuôn trào qua nước mắt đầy tức tưởi. Mẹ vợ tôi cũng khóc, ba đứa con khóc, không ai nghĩ tôi có thêm một cơ hội sống.

Được về nhà, với nhiều người là hạnh phúc, tôi cũng nghĩ vậy vì sẽ bớt đi những ám ảnh và stress vì chung quanh không có người thân, không phải chứng kiến những buổi các nhân viên y tế lặng lẽ đưa người bệnh ra cửa sau.

Nhưng với tôi, những ngày đầu tiên ở nhà thật khổ sở, vật vã. Tôi sợ ở nhà hơn ở bệnh viện. Đó là một cảm giác rất kỳ lạ nhưng có thật. Vì tôi sợ những bất trắc lại xảy ra và lúc đau đớn, tôi chẳng thể cầu cứu được bác sĩ cho tôi những thuốc để cơ thể dịu lại.

Hai ngày đầu tiên, tôi liên tục rơi vào cơn mê sảng. Cơ thể vẫn nhức như có kim đâm vào từng thớ thịt. Thận bị suy khiến cơ thể tôi rất khó chịu. Đặc biệt là cảm giác bí tiểu khiến không đêm nào tôi có thể chợp mắt ngủ sâu.

Những lúc đau không chịu được, vợ tôi phải đi khắp các hiệu thuốc, năn nỉ bán cho vài liều uống thông tiểu thì những ngày sau, tôi mới dễ chịu trở lại. Cả ngày lẫn đêm, vợ gần như thức trắng để xoa bóp cho cơ thể tôi dịu bớt những cơn đau cứ âm ỉ trong cơ thể.

Sang chấn tâm lý quá lớn khiến những ngày về nhà với tôi rất bi quan. Trong đầu tôi lúc nào cũng văng vẳng câu “bác sĩ ơi cứu tôi với” đầy ám ảnh của nhiều bệnh nhân chung quanh, mà trong số đó, có những người hôm sau đã tử vong. Rối loạn lo âu khiến tôi cũng không muốn mở lời nói chuyện với ai. Nhiều khi muốn nói mà nói không được, cổ họng như bị chặn lại, rất mệt, giọng méo xệch đi vì thời gian phải can thiệp nội khí quản lâu làm ảnh hưởng tới thanh quản.

Những lúc lên cơn đau, tôi dày vò bản thân thúc đẩy mãnh liệt ý nghĩ mình tự tử cho nhẹ nhàng. Trước đây mình gánh vác cả gia đình, giờ nằm một chỗ, chân yếu không thể tự đi lại, mình còn gì thiết tha sống. Giá như mà chết được, bản thân cũng sẽ không đau đớn, vợ con cũng đỡ khổ, đỡ mang gánh nặng. Những đứa nhỏ nem nép nhìn tôi từ xa. Chúng thương bố mệt không dám lại gần. Những lúc nổi khùng, tôi biết chúng rất hoảng loạn.

Lúc rơi vào mê sảng đòi chết, cô ấy khóc mà ôm chặt tôi bảo: “Em đã có bao nhiêu đêm thức trắng để chờ tin anh bình an trở về nhà. Tim bao nhiêu lần rớt nhịp vì tiếng điện thoại chỉ sợ anh có gì bất trắc. Tại sao anh lại trả lại cho mẹ con em sự thấp thỏm đó bằng bi quan như vậy. Anh phải sống vì mẹ con em, vì những nỗ lực giành giật sự sống cho anh của các y, bác sĩ”. Lúc ấy, tôi như bừng tỉnh.

Vợ tôi cầu cứu tới các nhóm hỗ trợ, tư vấn từ xa, nhất là tìm người hỗ trợ về tâm lý. May mắn tôi gặp được bác sĩ Ngát, Ngọc, Thùy Trang, Anh Thư tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi ngày bằng sự kiên nhẫn nhất có thể, tôi được bác sĩ giải tỏa bớt tâm lý stress, tinh thần tôi mới dần bình tâm trở lại.

Trân trọng phép màu cuộc sống

Vốn là chỗ dựa chính cho cả gia đình có 6 người, 3 đứa con nhỏ, trước nay tôi tự tin mình là người rất mạnh mẽ và bản lĩnh. Nhưng mọi sự bất ngờ bẻ ngoặt cuộc đời tôi khi dịch Covid-19 ập đến. Cuối tháng 7, tôi nhận tin mình nhiễm SARS-CoV-2. Cũng như nhiều người trong xóm, tôi cách ly riêng và bắt đầu hành trình tự điều trị.

Thế nhưng, trong 2 tuần cách ly tại nhà, đã áp dụng mọi biện pháp về phòng, chữa bệnh, sức khỏe không có dấu hiệu khả quan. Cơn khó thở tăng dần, tôi bắt đầu hoảng hốt, vợ vội vã gọi xe cứu thương. Vào viện, tôi đã phải thở máy và nhanh chóng được đặt ống nội khí quản.

2 tuần nằm tại Bệnh viện dã chiến ở huyện Cần Giờ, tôi nửa tỉnh nửa mê. Dù không thể tỉnh táo, nhưng tôi biết các bác sĩ đang cố gắng cho tôi những cơ hội sau cùng.

Ngày 13/8, tôi được chuyển lên cấp cứu tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Lúc này, tôi đã hôn mê, thở theo máy qua ống nội khí quản.

Bác sĩ Ngọc, người điều trị chính cho tôi trong suốt hành trình ấy kể lại, tôi được chuyển đến trung tâm khi đơn vị hồi sức này mới thành lập được 1 ngày. “Tôi là ca bệnh nặng đầu tiên trong số những bệnh nhân được chuyển tới”.

Anh Long đang được các bác sĩ tư vấn hàng ngày để vượt qua được những sang chấn tâm lý.

Anh Long đang được các bác sĩ tư vấn hàng ngày để vượt qua được những sang chấn tâm lý.

Các bác sĩ nhìn nhau lắc đầu, trường hợp của tôi quá nặng. 2 tuần nằm ở tuyến dưới, do cơ thể có bệnh nền tiểu đường, phát hiện triệu chứng nặng quá muộn nên mọi biện pháp lúc này chỉ hy vọng duy trì sự sống được ngày nào hay ngày đó. Hầu hết các ca nặng như tôi khi chuyển lên đây, chỉ vài ngày là tử vong. Tôi là một trường hợp cực hiếm.

Không chỉ bị virus làm nghẹt đường hô hấp, tôi còn bị căn bệnh về tim, lệch cột sống và rơi vào tình trạng rối loạn chuyển hóa nặng do mắc tiểu đường, toan ceton. Vì thế, bảo đảm hô hấp đã là một thách thức, các bác sĩ còn phải điều chỉnh các vấn đề điện giải, toan kiềm để tôi có được sự đáp ứng thích hợp nhất với thuốc.

Ngày được rút ống nội khí quản, tôi trào nước mắt. “Chỉ cần ngơi ra vài phút, anh có thể tử vong bất kỳ lúc nào”, BS Ngọc nói với tôi khi tôi đã tỉnh táo trở lại sau 8 ngày nằm li bì trong niềm hy vọng mong manh của các bác sĩ.

Cuộc sống của tôi đã được các bác sĩ giành giật được dù đứng ở khe cửa rất hẹp của sự sống. Những tổn thương diễn ra âm thầm trong cơ thể, phục hồi chậm mà giờ có thể trở về nhà là một kỳ tích với tất cả mọi người.

Những nỗ lực của các y, bác sĩ được tôi cảm nhận từng ngày qua sự chăm sóc và ân cần thăm hỏi. Vài ngày, họ lại thông báo tình hình về cho vợ con tôi ở nhà yên tâm. Dù không được kết nối trực tiếp, nhưng qua lời trao đổi và chia sẻ, tôi biết cả gia đình bình an và đã yên tâm về sức khỏe của tôi. Cả đời này tôi mang món nợ với các y, bác sĩ vì họ đã không từ bỏ để mang lại hy vọng dù nhỏ nhất cho tôi và gia đình.


Anh bạn tôi nhà kế bên đã bị Covid-19 quật ngã, không còn cơ hội trở về như tôi. Mỗi sáng được vợ cho ngồi ở cửa tắm nắng, nhìn sang nhà bạn, tôi lại thấy đau xót cho những đứa trẻ. Nhiều gia đình đã ly tán vì đại dịch. Nhiều đứa trẻ bơ vơ vì bố mẹ ra đi không thể trở về. Được sống tiếp đã là phép màu cuộc sống trao tặng. Dù cơ thể gặp nhiều di chứng và còn phải rất lâu để hồi phục, nhưng tôi đã tìm lại niềm tin vào sự sống.

Với tôi, chiến thắng chính mình lúc này là điều quan trọng nhất.

BS Vũ Quang Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực 3, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai:

Bệnh nhân rơi vào vùng xám, được cứu sống là điều đáng được ghi nhận với cả ê kíp. Theo thống kê trên thế giới, 80-90% trường hợp mắc Covid-19 nặng như anh Long sẽ tử vong nhưng đây gần như là trường hợp duy nhất và đầu tiên tại Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai được ra viện. Thành công này giúp cả kíp nhận ra đối với trường hợp nặng không bao giờ được phép từ bỏ để mang lại hy vọng dù nhỏ nhất cho bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân dù diễn biến không nặng nhưng cũng có biểu hiện lo lắng, rối loạn tâm thần. Ám ảnh về mặt bệnh tật khi mắc bệnh Covid-19 rất kinh khủng với người bệnh.Có trường hợp bệnh nhân trẻ stress, liên tục đòi cắn lưỡi tự tử, gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị. Với bệnh nhân Long, anh ấy cần có thêm thời gian và sự động viên của gia đình để vượt qua những sang chấn tâm lý.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đến thăm hỏi và động viên anh Long.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đến thăm hỏi và động viên anh Long.

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: THIÊN LAM, PHAN ANH, ĐỨC DUY
Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP, ĐOÀN MINH, BỆNH VIỆN BẠCH MAI