Trong 20 năm qua, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trên tuyến biên giới rộng lớn, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án về ma túy, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới.
Để có cái nhìn toàn cảnh về những nỗ lực cống hiến, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ biên phòng trên tuyến đầu phòng chống ma túy, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về hành trình 20 năm xây dựng và phát triển lực lượng. Trong câu chuyện, có những lúc ông lặng đi vì thương tiếc cho những hy sinh, mất mát của đồng đội mình.
NHIỀU CHUYÊN ÁN MA TÚY LỚN ĐƯỢC PHÁ THÀNH CÔNG
Phóng viên: Có vai trò quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án về ma túy, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới. Xin ông cho biết, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm đã chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện tốt các nhiệm vụ như thế nào?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Theo quy định của pháp luật, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được quy định cụ thể tại Điều 14 Luật Biên phòng Việt Nam, theo đó BĐBP được giao 12 nhóm nhiệm vụ, trong đó Khoản 4 Điều 14 quy định về nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Trong những năm qua, BĐBP đã đấu tranh thành công rất nhiều chuyên án, vụ án về ma túy, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới. Tính từ năm 2020 trở lại đây, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm, bộ đội biên phòng đã đấu tranh thành công 4.558 vụ án, bắt giữ 6.703 đối tượng, thu giữ 8,994 tấn ma túy các loại, cùng nhiều vật chứng tài liệu liên quan, trong đó đấu tranh thành công 379 chuyên án, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.
Để đạt được kết quả trên, Cục phòng chống ma túy và tội phạm đã chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo 138/CP, 389/QG, 1389/BQP, 1389/BĐBP, các chỉ lệnh, chương trình, kế hoạch công tác của BĐBP trong phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Hai là, triển khai thực hiện đồng bộ, có chiều sâu các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới và trên biển; phân tích dự báo sát đúng tình hình tội phạm trên tuyến biên giới, vùng biển; kịp thời phát hiện thủ đoạn mới của tội phạm để chủ động có đối sách ngăn chặn.
Ba là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chức năng trong và ngoài nước; thực hiện có hiệu quả các nội dung phối hợp đã ký kết, tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới và địa bàn liên quan.
Bốn là, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới, thúc đẩy phong trào toàn dân tố giác tội phạm. Kịp thời khen thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc phối hợp với BĐBP đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Năm là, tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ để đảm bảo sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, để làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các tuyến biên giới, vùng biển, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu và gian lận thương mại, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, vũ khí, trang bị. Xin ông chia sẻ một vài điểm sáng trong công tác phòng, chống ma túy, tội phạm trên biên giới?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới, vùng biển, các loại tội phạm như: ma túy, mua bán người, buôn lậu-gian lận thương mại là những loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Chúng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí nóng để chống trả bằng bất cứ thủ đoạn nào có thể gây thương vong cho lực lượng chức năng, thậm chí nhiều cán bộ, chiến sĩ đã phải đổ máu, thương tích, thậm chí hy sinh như: liệt sĩ Lù Công Thắng của BĐBP tỉnh Sơn La, liệt sĩ Vi Văn Nhất của BĐBP tỉnh Thanh Hóa, liệt sĩ Lù Văn Hinh của BĐBP tỉnh Điện Biên...
Nhận thức được tính chất nguy hiểm của các loại tội phạm này, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP trong quá trình đấu tranh phải chấp hành nghiêm quy định về công tác nghiệp vụ của ngành như: Làm tốt công tác đào tạo cán bộ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, đặc biệt là nắm chắc phương thức, thủ đoạn của chúng như: điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng chủ mưu cầm đầu, đối tượng trực tiếp thực hiện, các hung khí, vũ khí để chống trả, các cung tuyến đường hoạt động, thời gian, địa điểm hoạt động, phương tiện gây án.... Trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp, chiến thuật, phòng ngừa, đấu tranh sát thực tế, đạt hiệu quả. Qua đó, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm/BĐBP đã đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật thu được kết quả cao, lực lượng đấu tranh bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt.
Đặc biệt, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nhất là sử dụng lực lượng mật ngoại biên và kết quả khai thác các đối tượng bị bắt, kết hợp phân tích hệ thống quản lý dữ liệu nghiệp vụ của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm và khai thác thông tin cửa khẩu, chúng tôi đã phát hiện một số đường dây có nhiều đối tượng nghi vấn vận chuyển ma túy với số lượng lớn qua các cửa khẩu đường bộ tuyến Việt Nam-Lào.
Trên cơ sở tài liệu thu thập được, ngày 16/4/2024, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm đã báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP xác lập Chuyên án A424p đấu tranh với đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua cửa khẩu trên tuyến Việt Nam-Lào.
Đây là chuyên án tổng thể, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh do Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm chủ trì, phối hợp với Cục Cửa khẩu và các đơn vị trên tuyến biên giới Việt Nam- Lào chủ động xác minh, thu thập củng cố tài liệu về các đường dây tội phạm ma túy hoạt động qua các địa bàn và xác lập các chuyên án bộ phận để đấu tranh trên toàn tuyến.
Đến nay, Ban Chuyên án đã phối hợp với BĐBP tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam đấu tranh thắng lợi 5 giai đoạn của chuyên án, bắt giữ 26 đối tượng, thu 493,5 kg ma túy các loại và nhiều tang vật liên quan khác; bảo đảm tuyệt đối an toàn. Hiện chung tôi đang tiếp tục rà soát, giám sát đối với 115 đối tượng và 25 phương tiện nghi vấn để tổ chức đấu tranh triệt xóa.
Phóng viên: Trong hành trình 20 năm qua, lực lượng biên phòng đã thực hiện nhiều chuyên án thành công, trong ký ức của đồng chí, chuyên án nào đánh dấu bước ngoặt lớn nhất về sự trưởng thành của lực lượng?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Trong 20 năm qua, chúng tôi đã triển khai thành công nhiều chuyên án, thu giữ được số lượng ma túy lớn. Có thể nhìn thấy sự trưởng thành của lực lượng chúng tôi qua 4 giai đoạn.
Trong giai đoạn đầu năm 2005-2009, chúng tôi tập trung xây dựng lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh mang tính quy mô nhỏ.
Từ năm 2009, khi bước vào giai đoạn 2 xây dựng lực lượng, chúng tôi đã tăng thêm một số nghiệp vụ, tăng thêm đoàn đặc nhiệm. Lúc này, tình hình vận chuyển ma túy ở Mộc Châu, Sơn La phức tạp, nhóm tội phạm có vũ khí và vận chuyển ma túy qua biên giới thành từng tốp.
Bộ Tư lệnh Biên phòng báo cáo Bộ Quốc phòng để triển khai chuyên án mang bí số 470 vào khoảng tháng 12/2009. Trong kế hoạch này, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã sử dụng chó nghiệp vụ, đội đặc nhiệm, tổ chức mật phục và khi đối tượng có tín hiệu kỹ thuật phát hiện vận chuyển từ Lào vào Việt Nam qua biên giới đã triển khai công tác đấu tranh. Do tội phạm vận chuyển trong đêm tối, rất khó phát hiện, nhưng chúng ta đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ và chiến thuật phát hiện tội phạm từ sớm, từ xa cả km. Tôi là người trực tiếp chỉ huy chuyên án này, đã bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 50 bánh heronin và nhiều vũ khí mang theo. Sau đó, chúng tôi tiếp tục rà soát và tìm được 50 bánh heroin nữa ở trong rừng.
Kế hoạch này mở ra cách đánh mới, đấu tranh phục kích tội phạm ma túy. Từ đó, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã rút ra được được một số bài học quan trọng gồm cần phải xây dựng phong trào quần chúng nhân dân ở biên giới để ngăn chặn từ đầu, giải quyết tệ nạn ma túy; tham mưu xây dựng chính quyền địa phương ngày càng vững mạnh; trong việc hợp tác quốc tế, cần phối hợp với các nước bạn đấu tranh từ sớm, từ xa; huấn luyện lực lượng đánh tội phạm ma túy trong mọi điều kiện.
Trong giai đoạn 2 của lực lượng, chúng tôi xác định vươn ra biển lớn, xây dựng kế hoạch đánh án trọng điểm. Khi đó, chúng tôi xác định Lào là địa bàn trọng điểm nên đã cử lực lượng phương tiện sang bên bạn Lào giúp các bạn đào tạo huấn luyện cách đánh, biện pháp nghiệp vụ để bạn tự bảo vệ mình, hướng dẫn bạn đánh chuyên án lớn.
Trong giai đoạn 3, chúng tôi đã tổ chức trinh sát linh hoàn với kế điệu hổ ly sơn. Khi đó, các hoạt động tội phạm ma túy bắt đầu đi vào hoạt động theo đường dây tinh vi, khép kín. Nếu thông qua biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi biết để thâm nhập vào đường dây rất khó khăn vì các đường dây này chỉ có người trong dòng họ. Vì thế, chúng tôi dùng kế "điệu hổ ly sơn". Ở những địa bàn nhạy cảm, chúng tôi đã triển khai đánh tội phạm khi đang vận chuyển nên đối tượng bất ngờ và bị tóm gọn.
Trong giai đoạn 4, chúng tôi triển khai biện pháp trinh sát linh hoạt, số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số phối hợp với biện pháp nghiệp vụ mang tính truyền thống để phát hiện đối tượng từ sớm, từ xa ngoài biên giới. Năm 2024, chúng tôi đã thực hiện gần 150 chuyên án thành công với số lượng trên 2 tấn ma túy, tăng 600 kg so với năm 2023. Gần đây, chúng tôi phát động đợt cao điểm và chỉ chưa đầy 1 tháng, chúng tôi phá được 3 chuyên án, bắt 9 đối tượng, thu giữ trên 200kg ma túy, 4 khẩu súng.
LỰC LƯỢNG BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG LUÔN Ở TUYẾN ĐẦU PHÒNG CHỐNG MA TÚY VÀ TỘI PHẠM
Phóng viên: Thưa đồng chí, bộ đội Biên phòng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức thế nào trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới, BĐBP đã gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi lên một số khó khăn chủ yếu như sau:
Nước ta có đường biên giới dài; đa số địa bàn khu vực biên giới tuyến đất liền là núi cao, rừng sâu, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, rất thuận lợi cho việc tập kết và mua bán, vận chuyển ma túy vào nước ta; đồng thời cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy; trong khi lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm vẫn còn mỏng, trang bị, phương tiện còn hạn chế.
Các đối tượng thường xuyên thay đổi các phương thức, thủ đoạn hoạt động, đặc biệt triệt để lợi dụng khai thác các tiện ích của nền tảng mạng xã hội số để thực hiện thương mại trực tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia gây rất nhiều khó khăn trong đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy.
Thời gian gần đây, nổi lên là hoạt động gia cố, độ chế phương tiện để cất giấu ma túy với hình thức thăm thân, du lịch, học tập để vận chuyển trái phép ma túy vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ; các đối tượng hoạt động khép kín, tổ chức chặt chẽ dựa trên lợi ích vật chất nên rất khó khăn trong công tác điều tra phát hiện.
Do có lợi nhuận cao, nên các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế sử dụng công nghệ cao, phương tiện hiện đại trong quá trình giao dịch mua bán, vận chuyển ma túy. Trong khi đó, kinh tế của chúng ta còn khó khăn nên trang, thiết bị kỹ thuật của lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy nói chung, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của BĐBP nói riêng vừa thiếu, vừa lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm ma túy trong tình hình hiện nay.
Tội phạm ma túy lợi dụng chính sách đầu tư của nhà nước, chính sách quản lý hải quan thông thoáng đối với hàng hóa để cất giấu, vận chuyển ma túy; hoặc lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu (nhất là lợi dụng chính sách thông quan điện tử) để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, kiểm soát xuất nhập khẩu ở biên giới, cửa khẩu, cảng biển chưa chặt chẽ nên còn có hạn chế trong trong phát hiện, đấu tranh với tội phạm ma túy. Giải quyết hài hòa giữa việc giữ môi trường thông thoáng, tạo động lực cho kinh tế, xã hội phát triển với kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện hoạt động của tội phạm luôn luôn là bài toán khó đối với công tác đấu tranh.
Mặc dù các nước trong khu vực luôn quyết tâm đấu tranh với tội phạm ma túy nhưng trong quá trình thực thi, không phải lúc nào, không phải lực lượng chức năng nào cũng vào cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy một cách có trách nhiệm, chưa kể năng lực kiểm soát ma túy của lực lượng chức năng một số nước láng giềng còn nhiều hạn chế, điều đó đã tác động rất lớn đến tình hình ma túy và hoạt động của tội phạm ma túy ở nước ta. Chúng ta quyết liệt đấu tranh ngăn chặn nhưng bạn chưa quyết liệt - đó cũng là khó khăn…
Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, xuyên biên giới có chiều hướng gia tăng, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó nhận diện, cùng với đó là những thách thức an ninh phi truyền thống như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Xin đồng chí cho biết, trong tình hình mới, tội phạm ma túy trên tuyến biên giới sẽ diễn biến ra sao?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Thời gian tới, khu vực “Tam giác vàng” vẫn là trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới; các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế sử dụng công nghệ mới để sản xuất trái phép chất ma túy, tăng khối lượng, hạ giá thành, hình thành nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” qua các nước láng giềng vào Việt Nam và tiếp tục trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.
Trên tuyến biên giới đất liền, hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên cả 3 tuyến biên giới, cụ thể:
Tuyến Việt Nam-Trung Quốc, tội phạm ma túy ở nước ngoài móc nối với các đối tượng ở Việt Nam vận chuyển ma túy với số lượng lớn (có nguồn gốc từ Tam giác vàng) qua khu vực biên giới các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng/Việt Nam để đưa sang Trung Quốc.
Tuyến Việt Nam-Lào, hoạt động của tội phạm ma túy ở ngoại biên đối diện các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; xuất hiện nhiều điểm tập kết, mua bán ma túy, có sự liên kết chặt chẽ trong và ngoài biên giới, tính chất ngày càng manh động nguy hiểm, đã xảy ra tranh giành địa bàn, thanh toán lẫn nhau giữa các toán nhóm tội phạm ma túy ở địa bàn ngoại biên. Nổi lên các đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam qua biên giới các tỉnh: Tây Bắc, bắc miền trung, Tây Nguyên đi các tỉnh phía bắc để đưa sang Trung Quốc và đi các tỉnh tuyến biển, phía nam rồi vận chuyển đi nước hoặc vùng lãnh thổ thứ ba như Đài Loan (Trung Quốc).
Tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, ma túy được tập kết tại các tỉnh tiếp giáp với các tỉnh biên giới của Việt Nam như: Tây Ninh, Long An, An Giang, Đồng Tháp và móc nối với đối tượng người Việt Nam để vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam đưa về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh nội địa, sau đó trà trộn trong hàng hóa để xuất đi nước thứ ba như Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…
Đáng chú ý là hoạt động của các đường dây vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp qua một số cửa khẩu đường bộ tuyến biên giới Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ có số lượng ma túy rất lớn.
Tuyến biển, tội phạm ma túy lựa chọn các cảng biển lớn (Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng…) làm địa bàn trung chuyển để đưa các loại ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước hoặc đến các tỉnh trong nội địa. Tại các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, khu neo đậu tàu thuyền, bến cảng… trên địa bàn ven biển diễn ra tình trạng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh và Cà Mau.
Đáng chú ý, BĐBP và các lực lượng chức năng phát hiện ma túy trôi dạt tại khu vực biên giới biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang và Bến Tre, thu giữ số lượng ma túy lớn (BĐBP và lực lượng chức năng phát hiện 31 vụ, thu 542,74 kg ma túy (539,74 kg cocaine, 3 kg ketamine).
Phóng viên: Tội phạm ngày càng tinh vi, hiện đại, lực lượng chúng ta cũng càn phải phát triển tinh nhuệ và bản lĩnh, vừa phải bảo đảm tinh gọn lực lượng. Chúng ta cần làm gì khi triển khai nhiệm vụ này?
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh có nhắn nhủ chúng tôi, mỗi gia đình có 2 người con, nên đồng chí phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho mỗi người khi thực hiện nhiệm vụ. Với lực lượng phòng chống tội phạm ma túy, nhiệm vụ thì nặng nề nhưng trách nhiệm rất lớn, do đó, chúng tôi thường xuyên nâng cao khả năng chiến đấu, tự vệ và khả năng phát hiện từ sớm, từ xa; đầu tư trang bị, bảo đảm công cụ hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp chiến đấu nhằm mục đích giảm thiểu những tổn thất mất mát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để đấu tranh đạt được hiệu quả trong phòng, chống ma túy, thời gian tới, ngoài được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội và các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư trang bị cho lực lượng, chúng tôi cũng tập trung xây dựng lực lượng ngày càng phải tinh, gọn, mạnh từ cấp trung ương đến đoàn đặc nhiệm. Chúng tôi xây dựng mỗi miền có một đoàn đặc nhiệm và lực lượng đó trở thành "cú đấm thép". Đội đặc nhiệm đều được huấn luyện đáp ứng cả 3 nhiệm vụ, thực hiện cơ chế luân phiên theo chế độ 3-5 năm một lần và dù có thực hiện nhiệm vụ chuyên đề về tội phạm ma túy, con người hay tội phạm khác, cũng đều hoàn thành được nhiệm vụ. Khi chúng tôi tập hợp cả 3 lực lượng chiến đấu, sẽ tạo nên một tập thể rất tinh gọn nhưng rất mạnh.
Thứ hai, chúng tôi phải luôn nâng cao năng lực về con người, trang bị phương tiện ngày càng hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ. Đặc biệt, phải đẩy mạnh chuyển đổi số để phát hiện tội phạm, ngăn chặn không để cho tội phạm lọt vào trong các hoạt động kinh doanh như kinh doanh vận chuyển, kinh doanh lao động xuất khẩu.
Thứ ba, tăng cường phối hợp và hợp tác với các nước bạn. Tội phạm ma túy là tội phạm quốc tế, do vậy, việc phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong nước và các nước bạn, đánh triệt để tận gốc tội phạm.
Thứ tư, luôn nâng cao ý chí chiến đấu với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ để ngăn chặn các hoạt động tội phạm ma túy từ sớm, từ ngoài biên giới, không để ma túy xâm nhập vào Việt Nam và cũng không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.
Xin cảm ơn Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh!
Ngày xuất bản:21/12/2024
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: TRUNG HIẾU, NHÂN DÂN, TTXVN, QDND
Clip: TRUNG HIẾU
Trình bày: DIỆP LINH