TỔNG QUÂN ỦY

KẾ HOẠCH CÔNG TÁC CỦA TỔNG QUÂN ỦY VỀ QUÂN SỰ, CHÍNH TRỊ, CUNG CẤP ĐỂ CỦNG CỐ VÀ KHUẾCH TRƯƠNG THẮNG LỢI, GIÀNH TOÀN THẮNG CHO CHIẾN DỊCH

 Trong đợt tác chiến vừa qua, chúng ta đã giành được thắng lợi lớn. Tình hình căn bản hiện có lợi cho ta. Để củng cố và phát triển thắng lợi, giành toàn thắng cho chiến dịch, nhiệm vụ chủ yếu hiện nay là: Nhanh chóng hoàn thành xây dựng trận địa bao vây và tấn công để tất cả các hỏa lực cầu vồng của ta có thể khống chế sân bay, uy hiếp tung thâm địch, không cho địch thả dù tăng viện và tiếp tế, tạo điều kiện cần thiết để tiêu diệt toàn bộ quân địch, đồng thời xây dựng trận địa cắt đứt sự liên lạc của địch giữa Mường Thanh và Hồng Cúm. Chủ trương tác chiến này cần phải quán triệt trong toàn quân từ cán bộ đến chiến sĩ. Để thực hiện chủ trương đó, kế hoạch công tác về các mặt quân sự, chính trị, cung cấp như sau:

I. CÔNG TÁC QUÂN SỰ

 1. Để bảo đảm cho việc điều động bộ đội ở trận địa được nhanh chóng và an toàn, để bảo đảm cho bộ đội có chỗ dựa vững chắc, đồng thời bảo đảm cho tác chiến được linh hoạt, trước hết cần hoàn thành xây dựng những trục xung-quanh Điện Biên Phủ và xây dựng những đường giao thông hào nối liền phía trước và phía sau của các đơn vị.

2. Hiện nay, quân địch tuy bị cô lập nhưng chúng vẫn có thể tăng viện và tiếp tế được. Vấn đề cắt đứt sự tăng viện và tiếp tế bằng đường không của địch là một vấn đề rất quan trọng, có tác dụng quyết định đối với việc tiêu diệt toàn bộ quân địch. Nếu chúng ta cắt đứt được sự tăng viện và tiếp tế bằng đường không của địch thì nhất định có điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch một cách thuận lợi, nếu không thì khó khăn sẽ tăng thêm.

3. Để khắc phục chỗ mạnh và khoét sâu chỗ yếu của địch, để khắc phục chỗ yếu và phát huy chỗ mạnh của ta, trong suốt chiến dịch cần nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc” nhưng trong mỗi cuộc chiến đấu thì phải tranh thủ bất ngờ tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực để “đánh nhanh giải quyết nhanh, tiêu diệt địch thật gọn”. Để giảm bớt thương vong vì máy bay và pháo binh của địch, đơn vị cần chọn những vị trí thích đáng trước trận địa để làm những trận địa nghi binh.

 4. Phải tranh thủ thời gian sửa chữa những công sự đã làm đúng tiêu chuẩn. Các cấp chỉ huy và các cơ quan quân sự cần phái cán bộ xuống dưới kiểm tra đôn đốc thật ráo riết.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh; TTXVN)

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh; TTXVN)

5. Phải lợi dụng thời gian giữa hai cuộc chiến đấu tổ chức cuộc hội nghị sơ kết và giới thiệu kinh nghiệm để nâng cao trình độ cho cán bộ và bộ đội, thực hiện “vừa đánh vừa học tập”.

6. Phải nắm vững tình hình địch, ta, cấp trên phải đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ, cấp dưới phải luôn luôn báo cáo về tình hình bộ đội và những thay đổi về địch tình để kịp thời chỉ đạo.

7. Phải giữ vững lực lượng để chiến đấu liên tục. Cần phải có kế hoạch rút một số cán bộ và cựu binh ra làm dự trữ, tích cực chăm sóc thương binh để nhanh chóng đưa một số thương binh nhẹ về đơn vị, chú trọng việc giáo dục tân binh, đặc biệt là về kỹ thuật xạ kích và ném lựu đạn. Bộ Tổng tham mưu cần chuẩn bị thêm tân binh bổ sung. Nhưng các đơn vị phải hết sức chú trọng vấn đề chấn chỉnh bộ đội, chăm sóc thương binh, giữ vững sức khỏe của bộ đội, tránh mọi sự thương vong không cần thiết để giữ vững lực lượng chiến đấu, không được ỷ lại vào Bộ.

8. Thời gian chiến dịch tương đối dài, việc vận chuyển lương thực, đạn dược đều khó khăn. Vì vậy, phải tiết kiệm lương thực, vũ khí, đạn dược, giữ gìn chu đáo để không bị ẩm ướt, đồng thời phải tích cực thu dọn chiến lợi phẩm để lấy vũ khí của giặc giết giặc, giảm bớt nhu cầu vận chuyển của ta.

 9. Phải cải tiến sinh hoạt vật chất để giữ vững sức khỏe cho bộ đội. Phải chú trọng tổ chức cấp dưỡng cho bộ đội có cơm nóng, nước nóng, tổ chức chỗ ngủ cho chu đáo, tránh ẩm ướt và bom đạn của địch, đồng thời cần quy định cụ thể giờ làm việc và giờ nghỉ để bảo đảm cho bộ đội được nghỉ ngơi. Hiện nay, mỗi ngày bộ đội chỉ được ngủ 2 hay 3 giờ, đó là một hiện tượng rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội.

Ảnh: TTXVN.

Ảnh: TTXVN.

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)

II. CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ

1. Ngay sau trận đánh, phải ra sức phát huy hiệu lực của công tác chính trị. Cần kịp thời nhận định ý nghĩa trận đánh để lãnh đạo tư tưởng bộ đội, khắc phục tư tưởng chủ quan khinh địch và chủ quan tự mãn, đồng thời giải quyết những hiện tượng uể oải, ngại địch trong các đơn vị thương vong nhiều. Đi đôi với công tác tuyên truyền giải thích, cần nhanh chóng chấn chỉnh tổ chức chăm sóc thương binh, chôn cất tử sĩ, tiến hành bình công và khen thưởng các đồng chí gương mẫu, nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội, động viên bộ đội nhận nhiệm vụ mới, bảo đảm chiến đấu liên tục.

 2. Trong việc xây dựng trận địa bao vây và tấn công, cán bộ các cấp phải đi xuống dưới để động viên và kiểm tra đôn đốc một cách thiết thực, bảo đảm cho đúng tiêu chuẩn và đúng thời gian, đồng thời phải xung phong gương mẫu cùng làm với bộ đội, nhất là cán bộ trung đội và đại đội.

3. Phải kết hợp việc biểu dương và phê bình, khen thưởng và trừng phạt. Kỷ luật có nghiêm minh mới bảo đảm được sự chấp hành mệnh lệnh và chỉ thị của cấp trên, bảo đảm được sự chỉ huy tập trung và thống nhất. Trong tất cả mọi công tác đều có những phần tử tích cực tiến bộ và một số ít tiêu cực, lạc hậu. Vì vậy, phải luôn luôn chú ý biểu dương phần tử tốt và phê bình giáo dục những phần tử xấu, đó là một phương pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác.

 4. Phải tăng cường công tác chi bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của chi ủy và đảng viên, làm cho cán bộ và đảng viên nhiệt liệt hưởng ứng những hiệu triệu của Đảng, cương quyết thi hành mệnh lệnh và chỉ thị cấp trên, thật sự trở nên những người gương mẫu trong quần chúng. Nếu mỗi người cán bộ và đảng viên làm nổi bật được vai trò cốt cán của mình và lãnh đạo được quần chúng thì nhất định bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

5. Cơ quan chính trị cấp trên phải cử cán bộ đi sâu xuống dưới kiểm tra vai trò gương mẫu và cách làm việc của cán bộ, kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề.

 6. Công tác chính trị phải bảo đảm sinh hoạt vật chất và sinh hoạt chính trị ở trận địa để giữ vững sức khỏe, bảo vệ vũ khí và nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội. Yêu cầu cán bộ các cấp phải tăng cường chăm sóc chiến sĩ, yêu thương chiến sĩ, thắt chặt mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ, tăng cường đoàn kết nội bộ, đồng tâm hiệp lực cùng hoàn thành nhiệm vụ.

7. Về công tác địch vận, phải nhân lúc tinh thần địch sút kém mà tăng cường những cuộc tấn công chính trị, làm cho tinh thần chúng càng sút kém thêm. Đồng thời cần chú trọng việc giáo dục tù binh ngụy để tranh thủ dùng một bộ phận bổ sung quân.

III. CÔNG TÁC CUNG CẤP

 1. Căn cứ tình hình hiện nay, sự phát triển của chiến dịch vẫn có hai khả năng:

a) Nếu ta nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc”, cắt đứt được sự tăng viện và tiếp tế đường không của địch, về mặt áp dụng chiến thuật thì không phạm sai lầm hay ít phạm sai lầm, mỗi công tác đều hoàn thành đúng kế hoạch và thời gian đã định, thì nhất định ta có thể tranh thủ được điều kiện thuận lợi để tiêu diệt toàn bộ quân địch trước mùa mưa.

b) Nhưng nếu sự cố gắng của ta không đủ, trong khi thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc” phạm một số sai lầm về chiến thuật, không thực hiện được ý định của Tổng Quân ủy thì chiến dịch có thể kéo dài đến mùa mưa. Chúng ta hết sức tranh thủ khả năng thứ nhất nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để nếu trường hợp thứ hai xảy ra thì vẫn tiếp tục được chiến dịch.

2. Về công tác cung cấp, ngoài việc chuẩn bị để hoàn thành kế hoạch trước mùa mưa, cần tăng cường chuẩn bị để bảo đảm kế hoạch cung cấp trong trường hợp chiến dịch kéo dài đến mùa mưa. Cần có một kế hoạch cung cấp tỉ mỉ chu đáo, để bảo đảm cho bộ đội trong mùa mưa vẫn có thể vây hãm và tiêu diệt quân địch giành toàn thắng cho chiến dịch.

3. Về phần các đơn vị cần phải cải tiến tổ chức và tăng cường ý thức tiết kiệm và giữ gìn cẩn thận lương thực, vũ khí, đạn dược bảo đảm chuyển tới tay bộ đội tất cả mọi thứ của Tổng cục cấp phát. Đồng thời với lực lượng của bản thân đơn vị, cần tìm đủ mọi cách để tự lực giải quyết các nhu cầu như tăng gia sản xuất, đánh cá, cho người về hậu phương mua thực phẩm, v.v...

Trên đây là những nét chính trong kế hoạch của Tổng Quân ủy để củng cố và khuếch trương thắng lợi. Các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Cung cấp và các đơn vị cần nghiên cứu kỹ để thấu triệt chủ trương và tích cực thi hành, giành toàn thắng cho chiến dịch.y 25 tháng 3 năm 1954
T/M TỔNG QUÂN ỦY
Ngày 25 tháng 3 năm 195
T/M TỔNG QUÂN ỦY

Ngày 25 tháng 3 năm 1954
T/M TỔNG QUÂN ỦY

Ngày 25 tháng 3 năm 1954
T/M TỔNG QUÂN ỦY

BÍ THƯ
VĂN

Nguông

Nguồn: Đảng ủy quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 457 - 465.
Trình bày: Phi Nguyễn
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân
Trở về nhandan.vn
Trở về Chuyên trang 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ