Nơi "hạnh phúc nhân đôi" giữa đại dịch

Cất giấu những vất vả, hy sinh, dịch Covid-19 đã biến họ thành những “người hùng”, lăn xả vào tâm dịch, tận hiến không biết mệt mỏi. Chuyên đề Những nữ y, bác sĩ “anh hùng” trong đại dịch khắc họa chân dung về những người phụ nữ Việt Nam như thế.

Ở ranh giới mỏng manh sự sống của những sản phụ nguy kịch vì suy hô hấp, chị động viên anh em đồng nghiệp: “Phải cố gắng hết sức tối đa vì sự sống của 2 sinh mệnh”. Trong hoàn cảnh thách thức, phải bản lĩnh “chèo lái” con thuyền vượt qua những đợt sóng dữ, PGS, TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã cùng đồng đội mang lại hạnh phúc nhân đôi cho nhiều gia đình.

DỊCH TÀN KHỐC NHƯ TRẬN ĐẠI HỒNG THỦY

Gần 1 năm rưỡi trước, Bệnh viện Hùng Vương chỉ tiếp nhận chưa đầy 10 ca sản phụ nhiễm Covid-19. Nhưng từ tháng 7/2021, số ca sản phụ nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Bệnh viện Hùng Vương nhận nhiệm vụ “chia đôi” cơ sở để thu dung, điều trị cho sản phụ không may nhiễm bệnh. Số giường ban đầu là 120 giường đã liên tục phải bổ sung đáp ứng ngày điều trị, có ngày cao điểm lên 200 ca/ngày. Trung bình mỗi ngày có 40-50 sản phụ nhập viện, ai nấy cũng rất sốc.

Nữ tướng của mặt trận điều trị cho sản phụ Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ: “Trước dịch, nếu bệnh nhân nhiễm virus, chúng tôi sẽ can thiệp phần sản khoa ổn để chuyển sang bên hô hấp điều trị. Nhưng khi dịch ập tới, bệnh nhân chuyển viện là sẽ gặp bất trắc trên đường và cũng rất khó khăn để chuyển viện vì hầu hết các nơi đều không còn giường nhận thêm bệnh nhân. Chúng tôi có 2 con đường, hoặc ngồi chờ bệnh nhân có nơi nhận chuyển đi mà không can thiệp gì có thể từ từ rơi vào tử vong, hai là phải làm gì đó không sẽ nguy kịch cả mẹ lẫn con. Lúc đó, chúng tôi xác định, làm được gì tốt nhất cho bệnh nhân sẽ làm tới cùng, vừa điều trị bệnh lý đường hô hấp do Covid-19, vừa hồi sức, vừa theo dõi sản khoa để sẵn sàng các tình huống”.

Khó khăn, thách thức hơn một người nhiễm Covid-19 bình thường, với các sản phụ, đặc biệt là ở 3 tháng cuối thai kỳ đối mặt với mọi nguy cơ khi phải vào bệnh viện điều trị. Bác sĩ Tuyết cho biết, thai phụ có nhu cầu ô-xy rất cao để nuôi bào thai, và nhu cầu này tăng gấp đôi vào những tháng cuối. Virus tấn công làm tổn thương phổi sẽ làm suy hô hấp ở người bình thường thì với sản phụ, tình trạng này sẽ trở nên nguy hiểm rất cao. Mẹ suy hô hấp, thai nhi sẽ suy hô hấp theo.

Sản phụ đều rơi vào suy hô hấp nặng khi nhiễm Covid-19.

Sản phụ đều rơi vào suy hô hấp nặng khi nhiễm Covid-19.

Tháng 7, tháng 8, TP Hồ Chí Minh quá tải mọi tuyến, các trường hợp nặng bệnh viện chỉ còn cách giữ lại điều trị tới cùng, không nơi nào nhận chuyển tuyến. Đây là thời điểm các sản phụ nhập viện tăng đến ngộp thở, có ngày lên tới 50 ca, riêng thở máy xâm lấn trên 10 ca/ngày. Ở bệnh viện sản, bất kỳ sản phụ nào rơi vào suy hô hấp, phải thở máy, mọi người đều nín thở. Bởi thực tế, những ca phải can thiệp nội khí quản thở máy thường tiên lượng tử vong rất cao.

“Trước đây, chỉ một ca thở máy, chúng tôi đã phải gồng mình lên. Giờ đây 10 ca mỗi ngày thật sự là con số kinh khủng với bệnh viện sản. Nhân viên y tế của chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc tích cực cho nhiều sản phụ trong tình hôn mê thở máy từ điều trị đến chăm sóc điều dưỡng như cho ăn qua ống, tắm rửa, đánh răng, xoay trở để chống loét do tì đè khi hôn mê thở máy. Trước đại dịch, chúng tôi chỉ bơm ô-xy 1 lần khoảng 4-5 bình/ngày thì đến thời điểm khốc liệt nhất, mỗi ngày nhân viên phải đi bơm ô-xy tới 6 lần, mỗi lần 40-50 bình mà còn không đủ. Ngày nào chúng tôi cũng chạy đua với thời gian để có đủ nguồn ô-xy hỗ trợ hô hấp cho sản phụ”, bác sĩ Tuyết nhớ lại.

Mỗi ngày, bệnh viện phải lo đủ 300 bình oxy.

Mỗi ngày, bệnh viện phải lo đủ 300 bình oxy.

Nhân viên y tế đang trong tình cảnh thiếu hụt lại càng trở nên khó hơn khi lần lượt từng người bị nhiễm phải đi cách ly. Có khoa số nhân viên là F0, F1, F2 phải đi cách ly gần hết quân số, tưởng chừng khoa phải ngưng hoạt động, thế nhưng anh em phải gồng mình lên để trám vào vị trí thiếu hụt, cố gắng bám trụ ở lại bệnh viện, làm gấp đôi thời gian một kíp trực để điều trị cho người bệnh. Khi đầu mùa dịch, cứ một nhân viên y tế nhiễm Covid-19, cả bệnh viện xôn xao, lo lắng vì mọi vấn đề liên quan đến Covid-19 đều còn quá mới. Tuy nhiên, cán bộ viên chức người lao động Bệnh viện Hùng Vương đã quán triệt tốt việc tiêm ngừa là điều quan trọng để bảo vệ nhân viên viên y tế xông pha tuyến đầu chống dịch nên tỷ lệ nhân viên y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine toàn bệnh viện đạt trên 93%. Do đó, khi dịch bùng phát, số nhân viên y tế nhiễm đã được tiêm phòng đều nhẹ.

CỐ GẮNG ĐỂ CON LUÔN CÒN MẸ

Mỗi buổi sáng, PGS, TS Hoàng Thị Diễm Tuyết cùng các đồng nghiệp giao ban, phân tích từng trường hợp nặng để có phương án xử trí tốt nhất, để cố gắng tối đa bảo toàn tính mạng cho mẹ con sản phụ. Tuy nhiên, những người tuyến đầu cũng chịu bao tổn thương khi có nhiều ca diễn biến nhanh không thể làm gì để cứu chữa.

Các sản phụ được theo dõi sát sao.

Các sản phụ được theo dõi sát sao.

Trong đại dịch này, có nhiều cái lần đầu tiên chị và đồng đội phải kiên trì ứng phó vì tình thế nguy hiểm luôn đến bất ngờ. Có trường hợp sản phụ sau khi được mổ lấy thai thành công, cả ê-kíp vỗ tay mừng rõ. Nhưng chỉ sau sinh vài tiếng, sản phụ bất ngờ trở nặng, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp nặng. “Chúng tôi gọi bệnh viện tuyến trên nhưng không nơi nào tiếp nhận. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ở Thủ Đức báo nếu trường hợp này chuyển viện, chắc chắn bệnh nhân tử vong trên đường. Không còn cách nào khác, chúng tôi cố gắng sử dụng thuốc vận mạch để duy trì sự sống và chờ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cử một kíp xuống can thiệp ECMO tại chỗ. Sản phụ đó được hồi sinh là một kỳ tích rất lớn của sự phối hợp nhịp nhàng và nỗ lực cho bệnh nhân thêm một cơ hội sống”, bác sĩ Tuyết kể lại.

Bác sĩ Tuyết không thể quên một trường hợp rất thương tâm của bệnh nhân T.T.T.L. Chị nhập viện khi mang thai đôi, thai nhỏ nhưng tình trạng suy hô hấp rất nặng. Đau đớn hơn, trong tình cảnh chị buộc phải chấm dứt thai kỳ sớm, chồng chị cũng không thể qua khỏi vì nhiễm Covid-19. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, các bác sĩ tưởng chị không thể qua khỏi vì bị nhiễm trùng huyết nặng. Giữa cơn đau đó, điều đánh thức duy nhất chị cần phải tiếp tục sống là còn hai đứa con thơ đang gửi ở quê Bạc Liêu.

Các ca mổ bắt con đều trong tình trạng cấp cứu.

Các ca mổ bắt con đều trong tình trạng cấp cứu.

5 tuần dài đằng đẵng, các bác sĩ nén đau thương khi đứng trước một hoàn cảnh không gì thảm khốc hơn của chị L. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi chồng chị, cướp đi hai sinh linh bé bỏng chưa kịp chào đời, bao ước mơ về cuộc đoàn tụ đã tan biến trong chớp mắt. Điều may mắn duy nhất đến với trường hợp này, chính là chị vẫn còn cơ hội để sống, để hai đứa con thơ không bị mồ côi mẹ. Ngày xuất viện chị trải lòng về dự định của chị khi xuất viện, chị sẽ về nhà trọ ở Bình Tân cúng cho chồng, dưỡng sức và chờ gần tết khi có xe sẽ quay về quê để ở cạnh hai con, niềm tin cuộc sống còn lại của chị.

Đại dịch đã cướp đi chồng và hai đứa con chưa kịp chào đời của sản phụ.

Đại dịch đã cướp đi chồng và hai đứa con chưa kịp chào đời của sản phụ.

“Chúng tôi chỉ có thể cố gắng làm những điều sau cùng, đó là dành chút kinh phí để bệnh nhân có thể trở về quê, đoàn tụ với hai con. Nỗi đau quá lớn khiến người phụ nữ này không còn hy vọng để bám trụ lại thành phố. Rồi đây, không biết chị sẽ vượt qua được đau thương lớn nhất cuộc đời này thế nào?”, bác sĩ Tuyết nhòe mắt nói.

Ở nỗi đau ngược lại, khi cứu được những sinh linh bé bỏng nhưng người mẹ không may mắn có cơ hội sống tiếp, bác sĩ Tuyết xót xa tâm sự, người đáng thương nhất trong cuộc chiến này là những đứa trẻ mồ côi mẹ khi cất tiếng khóc chào đời. Mỗi năm, ở bệnh viện sản, 1-2 sản phụ tử vong đã thấy nhiều, nhưng trong mùa dịch vài tháng qua, đã có 8 ca tử vong tại bệnh viện. “Con số này tuy còn nhỏ so với nhiều cơ sở sản khoa khác tại thành phố, nhưng thật sự cũng khiến chúng tôi vô cùng đau xót. Sản phụ suy hô hấp diễn biến quá nhanh và chúng tôi không thể làm gì hơn”. Nỗi xót xa đau đáu trong tim của các nữ bác sĩ khi nhìn các bé không còn được mẹ ôm ấp, vỗ về. "Không biết chặng đường dài tới đây, các bé sẽ sống sao khi trở về chỉ còn chỗ dựa chính là người cha".

NHỮNG CUỘC ĐOÀN TỤ “NHÂN ĐÔI” HẠNH PHÚC

Ở nơi vẫn còn nhiều hy vọng và động lực sống, để đưa các sản phụ từ từ rời khỏi nguy kịch và sớm vượt qua bệnh tật, bác sĩ Tuyết trăn trở làm thế nào để các con chào đời vẫn được chăm sóc khỏe mạnh trong vòng tay ấm áp của các cô bảo mẫu, làm gì để mẹ có thêm nghị lực sống mà sớm bình phục. Trung tâm HOPE ra đời trong một tình thế gấp gáp như vậy.

“Mỗi bé sơ sinh đều cần phải theo dõi 72 giờ sau sinh để xem có bị nhiễm bệnh hay không. 72 giờ sau ổn định, chúng tôi sẽ trả bé về các gia đình. Tuy nhiên, số sản phụ nhập viện và phải can thiệp sinh mổ rất lớn, nhiều trẻ sinh non, chúng tôi cần phải có một cơ sở để chăm sóc các bé. Bên cạnh đó, có rất nhiều bé chào đời nhưng cả nhà đều bị nhiễm bệnh, chúng tôi sẽ có trách nhiệm chăm sóc các bé cho tới khi cả mẹ và bé được trở về nhà”, bác sĩ Tuyết kể. Trung tâm HOPE (Trung tâm thực hiện chăm sóc các bé sơ sinh con của các mẹ bị nhiễm covid-19 trong giai đoạn gia đình chưa có khả năng đón bé về gia đình) được gấp rút triển khai.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương xin ý kiến chỉ đạo của thành phố, trưng dụng trường mầm non cạnh trường và kêu gọi các tình nguyện viên làm bảo mẫu tại Trung tâm HOPE. Một tuần sau, trung tâm đi vào hoạt động, trở thành mái ấm của nhiều em bé. Có những ngày tại đây chăm tới hơn 200 trẻ sơ sinh. “Chúng tôi chỉ nghĩ, các sản phụ đã vượt qua cửa tử, các bé là niềm hy vọng và động lực sống của các mẹ, nếu được chăm sóc chu đáo trong thời gian xa cách mẹ, cả con và mẹ đều thấy ấm áp và biết đâu những người mẹ vẫn nguy kịch, có thêm động lực để vực dậy”.

Để tiếp thêm nghị lực sống mỗi ngày cho sản phụ, bác sĩ Tuyết chỉ đạo phòng Công tác xã hội chụp lại ảnh các em bé, làm những tấm thiệp nhỏ gửi động viên mẹ đang nằm điều trị. Những tấm thiệp này tiếp cho người mẹ thêm sức mạnh bản năng để vượt qua dịch bệnh trở về với con. Cho những bà mẹ không may mắn có cơ hội được nhìn thấy con mình trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Các bà mẹ chưa gặp con một lần, vỡ òa hạnh phúc khi được nhìn con qua những tấm bưu thiếp.

Các bà mẹ chưa gặp con một lần, vỡ òa hạnh phúc khi được nhìn con qua những tấm bưu thiếp.

Những sản phụ sau cuộc hồi sinh kỳ tích, được nhìn thấy con dù chỉ qua ảnh cũng trở nên vỡ òa cảm xúc. Có người bật cười trong nước mắt, có người khư khư ôm lấy tấm thiệp như thôi miên, không thốt nên lời. Có người đang mệt, không bỏ được cọng dây oxy nhưng cũng ráng ngồi dậy nhìn hình con chăm chăm... Trong không gian xúc động ấy, các sản phụ khóc vì hạnh phúc ngỡ như trong mơ. Các y, bác sĩ khóc vì cảm nhận được hạnh phúc mà mình đã mang đến được cho những người mẹ thiếu may mắn. Những tấm thiệp của chương trình nối nhịp yêu thương đã lấy đi nước mắt của tất thảy các bà mẹ. Nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, không chỉ là xoa dịu nỗi nhớ thương mà còn là liều thuốc rất công hiệu để người mẹ thêm mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh.

Khu bàn giao em bé ở Trung tâm HOPE là nơi đong đầy cảm xúc hy vọng. Nhìn những ông bố lóng ngóng lần đầu bế con, những sản phụ trải qua cửa tử nghẹn ngào được ôm ấp sinh linh bé bỏng khiến cho bao vất vả, cực khổ của bác sĩ sản khoa tuyến đầu được tái sinh cảm xúc. Để mỗi ngày bước vào cánh cửa hồi sức, họ lại kiên trì bám trụ, cố gắng tới cùng cho hai sinh mạng cùng bình an vượt qua đại dịch.

Giờ đây, bác sĩ Tuyết bảo, chị đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Số bệnh nhân giảm mạnh. Cuối tháng 10, chị xin dừng hoạt động Trung tâm HOPE, tái kiến thiết lại bệnh viện. Các mục tiêu thành lập Trung tâm điều trị nhi sơ sinh để hướng tới nuôi dưỡng trẻ non tháng, đưa bệnh viện đạt tiêu chí quốc tế tiếp tục được gấp rút triển khai. “Chúng tôi sẽ thay phiên nhau nghỉ ngơi một thời gian để tái tạo sức lao động rồi bắt tay vào những công việc lớn”, bác sĩ Tuyết tâm sự.

Các em bé F1 được các cô bảo mẫu chăm sóc tận tình chờ tới khi được về với gia đình.

Các em bé F1 được các cô bảo mẫu chăm sóc tận tình chờ tới khi được về với gia đình.

Sáu năm làm vị trí lãnh đạo của một cơ sở sản khoa lớn của thành phố, dẫn dắt đồng đội vượt qua đại dịch tàn khốc, bác sĩ Diễm Tuyết tâm sự: “Giờ nhiều khi tôi tự hỏi, không biết làm thế nào để mình vượt qua được. Nghĩ lại, tôi thấy còn rùng mình. Chỉ cầu mong, không bao giờ quay lại những tháng ngày như thế nữa. Cầu mong dịch bệnh mau qua đi để Covid-19 không còn lấy của bất kỳ ai thứ gì, để các gia đình không còn phải gánh chịu nỗi đau chia ly…”.

Với một nữ tướng như chị, trước mọi khó khăn luôn chọn cách đương đầu chứ không chạy trốn: “Trong nguy có cơ, sẽ có cơ hội khác mà chúng ta phải thích nghi. Khi khó khăn người ta càng trưởng thành hơn. Tôi rất tự hào vì đồng đội của mình đã tận hiến, kiên cường ở tuyến đầu. Có những người vừa làm vừa học không ngừng. Có đồng đội nhiễm Covid-19 nhưng vẫn trám vào một vị trí có thể làm việc từ xa. Nhờ sự đồng lòng, chung sức đó, tôi mới có thể lèo lái con thuyền này vượt qua được sóng dữ”.

Tập thể bệnh viện Hùng Vương đã là 1 trong 6 đơn vị trong cả nước và là 1 trong 2 đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh vinh dự trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Tập thể bệnh viện Hùng Vương đã là 1 trong 6 đơn vi trong cả nước và là 1 trong 2 đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh vinh dự trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Đằng sau cánh cửa ngột ngạt, bức bối và đầy rẫy nguy hiểm, tiếng khóc chào đời của các bé sơ sinh như thắp bừng sức sống mới. Với cuộc chiến chống đại dịch, trong tất cả các bệnh viện, vui nhất là bệnh viện sản. Sự kiên trì, bản lĩnh giữ được từng mạng sống sản phụ, đã giúp cho hàng trăm gia đình được đoàn tụ, con được về với mẹ. Với những bác sĩ sản khoa như PGS, TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, hạnh phúc ở nơi đây luôn là hạnh phúc nhân đôi.

Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Thực hiện: THẢO LÊ, THIÊN LAM, PHAN ANH
Trình bày: ĐỨC DUY
Ảnh: HẢI AN, BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG