Quá khứ là kẻ thù,
bây giờ là bè bạn

Bob Connor, Spencer Matteson, Bob March, Richard W Magner, Steve Edmunds là những cựu chiến binh Mỹ được không ít cựu chiến binh Việt Nam thuộc tên. Phóng viên Báo Nhân Dân trò chuyện với các cựu chiến binh Mỹ đã quay lại giúp Việt Nam tìm mộ liệt sĩ. 

Phóng viên: Ông đến Việt Nam tham chiến khi nào và làm gì ở Việt Nam? 

Bob March

Bob March

Bob March: Chuyến đi đầu tiên của tôi đến Việt Nam khi tôi còn trong quân đội Hoa Kỳ là vào tháng 11/1965 và tôi ở lại một năm cho đến tháng 11/1966. Trong thời gian đó tôi ở trong Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 1 Kỵ binh.

Tôi hầu như dành toàn bộ thời gian trong rừng khu vực Tây Nguyên. Công việc của tôi là điện thoại vô tuyến (RTO) cho trung đội trưởng.

Hàng ngày, chúng tôi đi thành nhóm nhỏ tầm 6 người để tìm các đơn vị Việt Cộng hoặc Bắc Việt trong các khu vực hẻo lánh. Đôi khi chúng tôi tìm thấy hoặc đôi khi kẻ thù tìm thấy chúng tôi, và khi đấy có bắn nhau rất nhiều.

Nhiều người trong trung đội của tôi đã thiệt mạng và bị thương trong thời gian đó. Tôi nhìn thấy rất nhiều thi thể lính Mỹ và bộ đội Việt Nam. Tôi không bị thương, chỉ bị sốt rét hai lần và phải nhập viện. 

Tôi rời Việt Nam vào tháng 11/1966 nhưng sau đó quay lại vào cuối tháng 1/1968 vì cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Công việc của tôi lúc đó là trưởng nhóm vô tuyến điện cho Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 82 nhảy dù. Căn cứ địa của chúng tôi là Phú Bài. Tôi ở Việt Nam bốn tháng và sau đó giải ngũ. Dù họ cố gắng thuyết phục tôi ở lại, nhưng tôi đã về nhà và trở thành thường dân.

Steve Edmunds

Steve Edmunds

Steve Edmunds: Tôi tham chiến tại Việt Nam từ tháng 5/1967 đến tháng 5/1968, thuộc đơn vị Đại đội C, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 8, Sư đoàn 4 Bộ binh.

Bob Connor

Bob Connor

Bob Connor:

Tôi đến Căn cứ Không quân Biên Hòa vào ngày 5/4/1967. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ an ninh căn cứ quân sự. Tôi làm việc theo ca, từ 11 giờ tối đến 7 giờ sáng, 6-7 ngày/tuần. Khoảng đầu tháng 11/1967, tôi làm nhiệm vụ đứng gác trên đỉnh tháp nước bằng bê tông gần trung tâm của căn cứ. Trách nhiệm của tôi là phát hiện đạn cối và tên lửa được bắn về phía căn cứ. Khi tôi báo về, trung tâm kiểm soát sẽ bật còi báo động để mọi người trong căn cứ bật dậy và xuống hào trước khi phát pháo đầu tiên rơi vào căn cứ. Đây là nơi tôi đã ở trong đêm xảy ra trận chiến Tết Mậu Thân 1968. 

Spencer Matteson

Spencer Matteson

Spencer Matteson:

Tôi nhập ngũ ngay sau khi học trung học. Đó là mùa thu năm 1965 và tôi 18 tuổi. Tôi phục vụ trong quân đội ba năm và ở Việt Nam một năm, từ tháng 5/1966 đến tháng 5/1967, thuộc Sư đoàn kỵ binh 1, đóng quân ở An Khê. Tôi còn rất trẻ và ngây thơ về chính trị.Tôi thực sự không biết gì về lịch sử Việt Nam và Đông Dương vào thời điểm đó và cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam từ người Pháp. Chúng tôi được thông báo rằng chúng tôi đến đây để chống lại chủ nghĩa cộng sản, bởi vì chủ nghĩa cộng sản là xấu và dân chủ là tốt. Chúng tôi thực sự không có động lực để chiến đấu ngoài việc cố gắng sống sót.

Richchard W Magner

Richchard W Magner

Richard W Magner:

Tôi đến Dầu Tiếng ngày 2/12/1968 (thuộc Đại đội D, Biệt đội Hổ mang, Phi đoàn 229 Tiểu đoàn Trực thăng, Sư đoàn 1) sau một tuần huấn luyện tại An Khê. Trước đó, tôi có gần một năm đào tạo phi công trực thăng. Nhiệm vụ của chúng tôi là ngăn chặn các tuyến đường xâm nhập của quân Bắc Việt và các vùng căn cứ xung quanh Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc tấn công nổi dậy của Quân đội Việt Nam.

Cựu binh Mỹ Bob Connor, đại tá Martin cùng đại tá Mai Xuân Chiến xác định vị trí mộ tập thể trên bản đồ vệ tinh sân bay Biên Hòa.

Cựu binh Mỹ Bob Connor, đại tá Martin cùng đại tá Mai Xuân Chiến xác định vị trí mộ tập thể trên bản đồ vệ tinh sân bay Biên Hòa.

Phóng viên: Điều gì ám ảnh ông nhất về cuộc chiến trong suốt 50 năm qua?

Bob Connor:

Ngày 12/5/1967, tôi được bố trí tại một chốt ở phía đông căn cứ, cách rìa làng khoảng 28 mét. Đêm đó, trời quang nhưng không có trăng. Lúc đó, khoảng 2 giờ sáng, tôi nghe thấy tiếng nói của người Việt ở phía xa nhưng không thể xác định chính xác vị trí của họ. Đột nhiên, họ bắn súng cối vào căn cứ của chúng tôi. Khi lao vào một con mương bên đường, tôi nhìn thấy rõ ba người lính Việt Cộng nhờ ánh chớp của súng cối. Tôi bò xuống đường dưới mương. Khi tôi đi lên bãi cỏ phía trên, lắng nghe và quan sát xem họ có còn tiến về phía căn cứ hay không. Tôi không nghe thấy tiếng động nào trong đám cỏ khô nhưng tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng nói. Họ đã ngừng bắn súng cối và đang di chuyển vào làng. Tôi quyết định không bắn họ vì nếu tôi bắn thì sẽ trúng nhà của dân làng. Tôi đã rất khó chịu, nhưng sau này tôi chấp nhận việc đó. Cho đến bây giờ tôi vẫn có thể mường tượng hình bóng của họ một cách sống động. 

Bob March

Điều ám ảnh tôi nhất là nhìn thấy những người đồng đội của mình bị giết hoặc bị thương. Những người lính chúng tôi trở nên rất thân thiết với nhau. Khi một người bị giết, nó như thể một thành viên trong gia đình đã bị giết. Những người bị thương dù không chết nhưng cũng bị mất một phần cơ thể. Họ đã được gửi trở lại Mỹ và chúng tôi không gặp lại họ. Điều đó khiến tôi cảm thấy mất mát sâu sắc. Một điều ám ảnh nữa là tôi cảm thấy những người bị giết đã chết thật vô nghĩa, nhất là ở giai đoạn sau của cuộc chiến. Tôi cũng nhận ra gia đình của họ phải đau khổ biết nhường nào và tôi ước gì bây giờ còn trẻ, tôi có đủ trí tuệ để đến nói chuyện với cha mẹ của những người bạn đã thiệt mạng của tôi. Tuy nhiên, ở tuổi đó, tôi không muốn nói về cuộc chiến với bất kỳ ai. Đối với tôi, đó là một trải nghiệm mà tôi phải bỏ lại sau lưng và nhìn về tương lai. Hầu hết những người lính đều cảm thấy như vậy.

Spencer Matteson:

Điều ám ảnh tôi nhất là ký ức về những người đã khuất, cả người Mỹ và người Việt Nam. Mỗi lần tôi nhìn thấy cái chết trong chiến tranh, tôi luôn nghĩ - đó có thể là tôi nằm đó trên mặt đất. Sự bạo lực tột độ mà vũ khí của chúng tôi có thể gây ra cho cơ thể con người - tôi rất khó để loại bỏ những hình ảnh đó ra khỏi tâm trí. Bây giờ khi nghĩ lại, tôi thấy rất buồn khi biết bao chàng trai đẹp đã phải chết trẻ như vậy.

Steve Edmunds:

Đó là trận Đăk Tô, Kon Tum, diễn ra khốc liệt từ ngày 3 đến 22/11/1967.

Tất cả gia đình đều phải chịu nỗi đau mất mát như nhau, dù là người Việt Nam hay người Mỹ. Đối với họ, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Những người cha, mẹ, vợ, con luôn thương nhớ về con, chồng, cha mình trong nỗi đau chia lìa.

(Bob Connor, cựu binh Mỹ tại Việt Nam)

Các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam cùng trở lại chiến trường xưa Chư Tan Kra (Kon Tum) tìm hài cốt đồng đội. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam cùng trở lại chiến trường xưa Chư Tan Kra (Kon Tum) tìm hài cốt đồng đội. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Phóng viên: Điều gì khiến ông quay trở lại Việt Nam để giúp đỡ những người từng là đối thủ của mình, những người ở “bên kia chiến tuyến”?

Steve Edmunds:

Trước hết, khi tôi rời Việt Nam vào năm 1968, nơi cuối cùng trên trái đất mà tôi muốn trở lại là Việt Nam. Tôi mang theo rất nhiều giận dữ và cay đắng đối với kẻ thù của mình. Sau đó, vào năm 1996, tôi tham gia với Bộ phận Quốc tế Point Man có chương trình đưa các cựu chiến binh trở lại Việt Nam và đối phó với những nỗi lòng cá nhân của họ. Khi họ chuẩn bị cho chuyến đi năm 1996, họ hỏi tôi có đi không và tôi nhanh chóng từ chối. Sau đó họ nói tôi có 9 tháng để suy nghĩ về điều đó. Và tôi đã suy nghĩ, cầu nguyện và bàn với vợ. Cuối cùng tôi quyết định đi. Đó là quyết định tốt nhất của tôi. Nhìn chung, chuyến đi đấy là một trải nghiệm chữa lành trong tâm trí và trái tim tôi. Phần lớn sự bình yên đến từ việc giúp đỡ những người nghèo. Trải nghiệm đó tốt đến mức tôi trở thành giám đốc dự án và điều phối các nỗ lực nhân đạo của chúng tôi tại Việt Nam.

Spencer Matteson:

Sau thời gian tham gia chiến tranh và trong quân đội, tôi đã có một thời gian rất khó khăn để thích nghi với cuộc sống thường dân. Tôi đã uống rất nhiều rượu và thuốc để giúp tôi quên đi. Tôi nói rất ít về cuộc chiến trong khoảng 25 năm. Cuối cùng, vào năm 1991, tôi bỏ rượu và sử dụng ma túy. Tôi bắt đầu cởi mở hơn về cuộc chiến với gia đình và bạn bè. Tôi cũng bắt đầu kết nối lại với một số cựu chiến binh cùng đơn vị của tôi ở Việt Nam. Thời gian trôi qua, tôi nảy sinh mong muốn được quay trở lại Việt Nam và xem liệu tôi có thể làm được gì để giúp đỡ người dân Việt Nam hay không. Vào năm 2014, cuối cùng tôi đã quay trở lại và dành 2 tháng rưỡi để đi du lịch khắp đất nước. Tôi đã gặp những cựu chiến binh Mỹ khác đang sống ở đó và được giới thiệu đến Quảng Trị, tham gia Project Renew và quyên góp tiền cho họ để giúp họ vô hiệu hóa bom mìn chưa nổ.

Bob Connor:

Có lần tôi giúp cháu gái làm một dự án về Việt Nam ở trường học, tôi đã vào Google Earth và tình cờ nhìn thấy bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa năm 1968. Tôi đã đánh dấu vào một vị trí trên bức ảnh và để lại bình luận cùng địa chỉ email với hy vọng có ai đó ở Việt Nam đọc được: “Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay, rồi rẽ phải - nơi có lô cốt, hay còn gọi là đồi 10, có một trận chiến quan trọng đã diễn ra nơi đây vào Tết Mậu Thân 1968. Tại vị trí ở cuối đường băng có một ngôi mộ tập thể của khoảng 150 bộ đội Việt Nam được chôn cất vào ngày 2/2/1968 do hậu quả của trận đánh”.

Khoảng 10 ngày sau, tôi nhận được email của một người tôi chưa từng quen biết nhưng sau này trở thành bạn bè - ông Chế Trung Hiếu. Ông ấy nói rằng, Việt Nam không biết có mộ trong căn cứ và họ đã tìm kiếm bên ngoài hàng rào nhiều lần mà không thấy. Ông ấy đề nghị tôi giúp đỡ tìm kiếm thêm thông tin về ngôi mộ này.  

Chỉ vài ngày sau, đại tá Mai Xuân Chiến cũng viết thư cho tôi cảm ơn về thông tin này. Đại tá chiến nói, vào thời điểm này, Việt Nam vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ không có thông tin về nơi được chôn cất. Ông ấy đề nghị tôi tìm thêm nhân chứng để xác định vị trí ngôi mộ, và ông ấy sẽ thu xếp để chúng tôi trở về Việt Nam hỗ trợ việc tìm kiếm.

Tôi đã bị sốc! Tôi có thể cảm nhận được tình cảm chân thành của ông ấy qua bức thư. Tôi liên lạc với sĩ quan chỉ huy của mình, đại tá đã nghỉ hưu Martin E. Strones. Ông ấy là người phải đếm các thi thể bộ đội Việt Nam trước khi chôn cất trong mộ tập thể.  

Tại sao chúng tôi trở lại giúp Việt Nam? Bởi vì chúng tôi biết tất cả gia đình đều phải chịu nỗi đau mất mát như nhau, dù là người Việt Nam hay người Mỹ. Đối với họ, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Những người cha, mẹ, vợ, con luôn thương nhớ về con, chồng, cha mình trong nỗi đau chia lìa. Tất cả những người lính mất tích cần được tìm thấy và trao trả càng sớm càng tốt. Cả hai quốc gia cần hàn gắn bằng cách tiếp tục nỗ lực hòa giải.

Bob March:

Tôi vẫn chưa trở lại Việt Nam, dù dự định tháng 7 này. Tại sao tôi lại cố gắng giúp đỡ kẻ thù cũ của mình? Điều đó thật đơn giản. Họ không còn là kẻ thù của tôi nữa. Và về nhiều mặt, họ là bạn của tôi. Bởi vì họ đã trải qua những khó khăn và thử thách to lớn giống như những người lính chúng tôi. Họ đau khổ khi mất đi những người đồng đội của họ. Họ thường xuyên phải đối mặt với cái chết trong rừng rậm. Chỉ những cựu chiến binh mới hiểu hết điều này. Ngoài ra, khi tôi còn là một người lính, tôi có sự tôn trọng đối với bộ đội Việt Nam. Họ là những người chiến đấu tốt và rất dũng cảm. Họ là những đối thủ xứng tầm. Tôi và những cựu chiến binh khác mà tôi biết đều cảm thấy như vậy. Vì vậy, bây giờ chúng tôi không còn là kẻ thù, chúng tôi thích nói chuyện với nhau và giúp đỡ nếu có thể.

Một khía cạnh khác của câu hỏi này là trong tâm trí chúng tôi, chiến tranh tạo ra nhiều cảm giác tiêu cực. Làm việc với những kẻ thù cũ của chúng tôi là một điều gì đó rất tích cực. 

Tôi bắt đầu tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ khi thiếu tá Đặng Hà Thuỵ, một cựu sĩ quan quân đội Việt Nam, gửi cho tôi email đề nghị giúp đỡ. Đề nghị của ông ấy là một bất ngờ lớn đối với tôi. Nhưng nó ngay lập tức có vẻ là một điều tuyệt vời. Bây giờ tôi đang dành nhiều thời gian hơn cho việc này.

Bức không ảnh chụp sân bay Biên Hoà năm 1968 có lời bình của Bob Connor.

Bức không ảnh chụp sân bay Biên Hoà năm 1968 có lời bình của Bob Connor.

Chiếc ví của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi được John Cimino cất giữ trong gần 50 năm. 

Chiếc ví của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi được John Cimino cất giữ trong gần 50 năm. 

Đại tá Martin xác định vị trí ngôi mộ trên không ảnh và thực địa.

Đại tá Martin xác định vị trí ngôi mộ trên không ảnh và thực địa.

Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) bàn giao một bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ. (Ảnh: DUY LINH)

Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) bàn giao một bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ. (Ảnh: DUY LINH)

Cựu binh Mỹ Bob Connor và đại tá Martin đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.

Cựu binh Mỹ Bob Connor và đại tá Martin đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.

Item 1 of 4

Chiếc ví của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi được John Cimino cất giữ trong gần 50 năm. 

Chiếc ví của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi được John Cimino cất giữ trong gần 50 năm. 

Đại tá Martin xác định vị trí ngôi mộ trên không ảnh và thực địa.

Đại tá Martin xác định vị trí ngôi mộ trên không ảnh và thực địa.

Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) bàn giao một bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ. (Ảnh: DUY LINH)

Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) bàn giao một bộ hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam cho phía Hoa Kỳ. (Ảnh: DUY LINH)

Cựu binh Mỹ Bob Connor và đại tá Martin đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.

Cựu binh Mỹ Bob Connor và đại tá Martin đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.

Phóng viên: Ông cảm thấy thế nào khi trở lại Việt Nam, trở lại chiến trường xưa? Ông có thể kể câu chuyện của mình trở lại Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ không?

Spencer Matteson: 

Trong chuyến thăm Việt Nam của tôi vào năm 2014, tôi đã thuê một hướng dẫn viên tên Song, sống ở Đà Nẵng. Anh ấy đưa tôi trở lại một số nơi tôi đã chiến đấu dọc theo duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tôi gặp và nói chuyện với một số người dân địa phương về cuộc chiến. Khi tôi đến thăm nơi mà người Mỹ chúng tôi gọi là bãi đáp Chim (tên thật là Đồi Xuân Sơn), tâm trí tôi tràn ngập ký ức về cuộc chiến và những người tôi biết đã chết ở đó. Tôi gặp một người nông dân lớn tuổi dọc đường và khi chúng tôi hỏi anh ấy có nhớ trận chiến không, anh ấy nói: “Vâng, tôi đã ở đó vào đêm ấy”. Ông ấy là thành viên quân giải phóng hỗ trợ cho bộ đội chính quy đêm đó. Chúng tôi bắt tay nhau. 

Đỉnh đồi ở bãi đáp Chim, nơi chúng tôi chiến đấu đêm đó và chôn cất những người chết vào ngày hôm sau đã thay đổi rất nhiều kể từ sau chiến tranh. Nó gần như không thể nhận ra, nhưng tôi có thể hình dung được vị trí của tôi và trận chiến diễn ra như thế nào. Hàng ngàn ký ức quay trở lại với tôi về cái đêm kinh hoàng đó.

Steve Edmunds:

Năm 2009, tôi nhận được email của Phạm Văn Chúc, người có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Anh ấy nhờ tôi giúp tìm mộ của các đồng đội đã thiệt mạng tại FSB 14 hay còn gọi là Chư Tan Kra vào ngày 26/3/1968. Tôi nhận lời giúp ông ấy mặc dù không tham gia trận đánh đó. Tôi đã được đưa đến bệnh viện vài ngày trước đó vì bệnh sốt rét. Tôi gặp những cựu chiến binh đã tham gia trận đánh đó và thu thập thông tin. Tôi đến Hà Nội vào mùa thu năm đó và gặp ông Chúc. Chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi đã từng là kẻ thù của nhau, bây giờ chúng tôi là bạn bè và ăn trưa cùng nhau. Mấy tuần sau khi tôi trở về nhà, ông Chúc báo tin đội của ông ấy đã xác định được địa điểm và tìm thấy khoảng 85 hài cốt liệt sĩ.

Khi chúng tôi được mời tham gia cùng các cựu chiến binh từ Trung đoàn 209, tôi đã nói với những người khác trong tiểu đoàn của mình để xem liệu có quan tâm đến việc tham gia cùng tôi không và tôi đã nhận được hai phản hồi thuận lợi từ John Cimino và Terry Faulkner. Sau khi thu xếp xong, John nói với tôi rằng anh ấy có một chiếc ví mà anh ấy đã lấy từ một người lính Việt Nam đã chết và hỏi tôi anh ấy nên làm gì với nó. Tôi nói với anh ấy rằng có lẽ đã đến lúc phải trả lại và anh ấy đã đồng ý. Cuối cùng, khi chúng tôi đến khách sạn ở Kon Tum, chúng tôi được các cựu chiến binh Trung đoàn 209 đón tiếp.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi được vận chuyển bằng xe tải đến chiến trường năm xưa. Chúng tôi cùng nhau họp mặt để John Cimino trao  trả chiếc ví và các kỷ vật trong đó. Thật bất ngờ với John là bên trong chiếc ví có ghi tên của người lính đã chết nên các cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã nhanh chóng xác định được chủ nhân của chiếc ví và tìm được thân nhân của người lính ấy.

Một trong những điều chúng tôi cảm nhận được là kẻ thù của chúng tôi không khác gì chúng tôi. Tất cả những gì họ muốn là hạnh phúc, chăm sóc gia đình và tận hưởng một sức khỏe tốt. Tôi phải nói rằng, tôi khâm phục họ cũng như nỗ lực mà họ theo đuổi trong việc tìm kiếm hài cốt của đồng đội. Chúng tôi còn một người mất tích, Walter Chicon, người bị thương và theo ông Chúc, anh ấy đã bị bắt làm tù binh và được điều trị tại bệnh viện dã chiến. Anh ấy rất đau đớn và chết vài ngày sau đó và được chôn cất trong khu rừng gần đó. Hy vọng một ngày nào đó hài cốt của anh ấy sẽ được tìm thấy.

Khi biết về kế hoạch tổ chức lễ hội ở Sa Thầy nhân kỷ niệm 50 năm trận chiến, điều quan trọng đối với tôi là phải có đại diện của chúng tôi ở đó. Vì vậy, John Cimino tham gia cùng chúng tôi một lần nữa, nhưng lần này mang theo gia đình của anh ấy. Và Lloyd Bedik tham gia cùng chúng tôi với vợ anh ấy. Chương trình ở nhà tưởng niệm là đáng nhớ nhất. Cơ quan quân sự địa phương đã đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ Trung đoàn 209, và họ đã đặt vòng hoa viếng các cựu chiến binh của Trung đoàn 3/8, Sư đoàn 4 Bộ binh của chúng tôi, cùng với danh sách tên của các đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. Sau đó chúng tôi thắp hương cho tất cả những người đã hy sinh. Chúng tôi đã dành bốn ngày bên nhau. Chúng tôi đã có kế hoạch đi vào năm 2020 nhưng đại dịch Covid-19 đã phá hỏng nó. Hy vọng rằng, trong năm 2022 chúng tôi sẽ trở lại.

Bob Connor:

Khó khăn nhất là thời gian 26 giờ bay trước khi đến Việt Nam. Đó là một khoảng thời gian rất dài để tự hỏi điều gì sẽ xảy đến với tôi? Nhưng ba thanh niên có mặt để đón tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất đã nhanh chóng xoa dịu tâm trí của tôi. Một người trong số họ giơ một tấm biển có tên tôi và ra dấu hiệu cho tôi ngay khi tôi bước qua hàng rào hải quan. Họ quay về phía đám đông vẫy tay ra hiệu và tất cả những người đang chờ đợi ở đó cũng reo hò.

Sáng hôm sau tôi gặp đại tá Chiến. Ông tiến lại gần và chào tôi. Đến lượt tôi, tôi cũng chào ông ấy. Đầu tiên ông ấy hỏi về chuyến bay của tôi, ngay sau đó  ấy hỏi thăm về vợ tôi. Tôi biết ngay đây sẽ là một chuyến đi tốt đẹp.

Trở lại căn cứ trên con đường mà tôi đã đi hơn 49 năm trước đã mang lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Ký ức ùa về trong tôi. Tôi đã tìm đường đến một boongke rất nổi tiếng, nơi mà chúng tôi gọi là đồi 10. Tôi đi đến đó và bước xuống lối dẫn vào đường hầm. Đây là nơi chúng tôi mất sĩ quan chỉ huy - đại úy Maisey, trong những giờ đầu của cuộc tấn công Tết Mậu Thân 68. Đối với tôi, đây là một nơi thiêng liêng. Tôi tỏ lòng thành kính, rồi bước ra ngoài. Trong khi đội quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam tiếp tục tìm kiếm. Họ đã chăm sóc chúng tôi rất tốt. Chúng tôi nghỉ trong các lều trắng nằm dọc theo con đường vành đai, trên ghế đẩu với bình trà ấm. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ uống trà ấm vào một ngày ẩm ướt 95 độ và không có gió.

Tôi đã có một khoảng thời gian ngắn để ngồi một mình và suy nghĩ về những sự kiện trong quá khứ và hiện tại trên con đường này. Tôi đã cố gắng tìm hiểu về văn hóa của Việt Nam trong suốt chuyến bay. Tôi hiểu rằng, các liệt sĩ khi chưa tìm thấy hài cốt thì linh hồn họ không kết nối với cơ thể, cho đến khi hài cốt được tìm thấy và chôn cất đúng cách.

Tôi ngồi một mình trong lều trên chiếc ghế đẩu nhỏ. Tôi nhìn về phía hai đường băng, hoàn toàn không có gió, nhiệt độ ngoài trời khoảng 96 hoặc 97 độ F. Tôi nhìn những ngọn cỏ cao, cứng, uốn cong và xoắn theo những hướng khác nhau. Tôi đứng dậy và đi về phía bên kia con đường, cách những cụm cỏ khoảng 9 mét, chúng vẫn đung đưa dù trời không có gió.

Khi trở lại lều, tôi ngoái lại nhìn, thì những cụm cỏ đứng yên như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tôi bị thuyết phục rằng, đây chính là các linh hồn liệt sĩ. Tôi không điên.

Tối hôm đó tôi đề nghị với Martin di chuyển vị trí tìm kiếm xuống gần lối rẽ vào con đường. Ông ấy đã đồng ý. Ba tuần sau khi chúng tôi rời Việt Nam, đội quy tập đã tìm thấy mộ ở ngay lối rẽ vào con đường như tôi phán đoán.

Khi tôi biết kết quả này, tôi muốn tiếp tục công việc tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam. Tính đến nay đã 5 năm, chúng tôi đã cung cấp cho Việt Nam các địa điểm của khoảng 8.000 bộ đội Việt Nam. Khoảng 1/3 được đánh dấu theo tọa độ. Phần lớn đang cần được khai quật và ở những vùng đất trống. Nhưng một vài điểm thì ở dưới các căn nhà, gần các bùng binh. 

 

Các cựu binh Mỹ và Việt Nam cùng trở lại chiến trường xưa Chư Tan Kra (Kon Tum) tìm hài cốt đồng đội. 

Các cựu binh Mỹ và Việt Nam cùng trở lại chiến trường xưa Chư Tan Kra (Kon Tum) tìm hài cốt đồng đội. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Cựu binh Mỹ thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, Kon Tum. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Lễ trao lại kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Các cựu binh Mỹ và Việt Nam cùng trở lại chiến trường xưa Chư Tan Kra (Kon Tum) tìm hài cốt đồng đội. 

Các cựu binh Mỹ và Việt Nam cùng trở lại chiến trường xưa Chư Tan Kra (Kon Tum) tìm hài cốt đồng đội. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Cựu binh Mỹ thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, Kon Tum. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Lễ trao lại kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi. (Ảnh: ĐỨC BÌNH)

Phóng viên: Cảm xúc của ông như thế nào khi chứng kiến những nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của các cựu chiến binh Việt Nam và người thân?

Bob Connor:

Tôi tự hào về những gì họ đang làm. Các cựu chiến binh Mỹ cũng đang nhiệt tình hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để các gia đình Việt Nam có được sự an ủi. Với những gia đình có người lính chết trận, chiến tranh chưa kết thúc cho đến khi tìm thấy hài cốt người thân và chôn cất đàng hoàng.

Ngắm nhìn và chờ đợi ngôi mộ sắp được tìm thấy, chúng tôi lo lắng và tự hỏi phải chăng chúng tôi đã sai. Chúng tôi rất đau lòng khi phải rời Việt Nam mà không tìm được mộ. Nhưng chúng tôi vô cùng hạnh phúc và vui mừng khi nó được tìm thấy ba tuần sau đó.

Steve Edmunds: 

Tôi tự hào được biết Hồ Đại Đồng, đồng đội của anh ấy và những cống hiến của họ trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và việc chúng tôi hỗ trợ nỗ lực của họ. Việc này mang lại cảm giác kết thúc nỗi đau dai dẳng đối với những thành viên gia đình còn sống. Chúng tôi có một người đồng đội, Walter Cichon, người bị thương vào ngày 30/3/1968 và bị bắt làm tù binh. Anh ấy bị một vết thương nặng ở đầu và rất đau đớn. Anh ấy được điều trị tại bệnh viện dã chiến và qua đời vài ngày sau đó và được chôn cất trong khu rừng gần đó. Thông tin này được ông Phạm Văn Chúc cho tôi biết. 

Bob March:

Sau khi nghe Thiếu tá Thủy kể lại, tôi liên lạc với các anh em cựu chiến binh đang ở bãi đáp Chim (đồi Xuân Sơn). Những người tôi nói chuyện đều rất sẵn sàng giúp đỡ nhiều nhất có thể. Một số người thậm chí còn nói rằng họ sẽ rất vui khi mang theo xẻng và tự đào (họ hơi già để làm việc như thế nhưng bạn có thể thấy điều đó đã xảy ra). Vì vậy, tôi rất vui khi các đồng đội của tôi cũng cảm thấy như tôi về nỗ lực này.

Tôi cũng rất ấn tượng rằng người Việt Nam coi việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ như một nghĩa vụ thiêng liêng. Tôi đã xem một số video về các hài cốt được tìm thấy và phản ứng của các gia đình. Đấy mà một trải nghiệm rất xúc động. Điều đó làm tôi cảm thấy thật tốt khi mình có thể đóng góp một phần nhỏ trong nỗ lực cao cả đó. 

Phóng viên: Ông có dự định làm gì tiếp theo trong việc tìm mộ liệt sĩ?

Bob Connor:

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm như chúng tôi đã làm trước đây. Chúng tôi mong muốn Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ áp dụng các phương tiện khoa học để xác định vị trí các ngôi mộ. Những người lính của cả hai bên đều đã quá già để nhớ những chi tiết mà chúng tôi cần trong việc xác định vị trí các ngôi mộ. Chúng tôi có thể chỉ có khoảng 5 năm để tìm kiếm tất cả những người lính mất tích từ cả hai quốc gia. Nếu chúng ta biết khu vực của ngôi mộ, với sự hỗ trợ của công cụ khoa học đáng tin cậy, ngôi mộ có thể được tìm thấy trong vòng 1-2 ngày. Nếu không có công cụ này, các ngôi mộ có thể vẫn không được tìm thấy.

Bob March:

Tôi đang tiếp tục làm việc trực tiếp với người Việt Nam để phân tích vị trí của một ngôi mộ khác trong cùng khu vực. Tôi cũng đã bắt đầu làm việc với Bob Connor và Richard W Magner, những người đã giúp tìm kiếm các ngôi mộ ở Việt Nam vài năm gần đây. 

Điều quan trọng là các cựu chiến binh Mỹ, những người từng chứng kiến hoặc trực tiếp chôn cất thi thể bộ đội Việt Nam cần được tìm thấy nhanh chóng để hỗ trợ việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bởi vì họ đang ở rất gần cuối cuộc đời. Thật không may, vị trí của các ngôi mộ tập thể không được ghi lại trong chiến tranh, vì vậy công việc tìm kiếm thông tin qua hồ sơ, giấy tờ cũ không thể thay thế cho hồi ức của các nhân chứng. Vì vậy, tôi đang tập trung vào việc tìm kiếm những cựu chiến binh còn nhớ. Một phần của nỗ lực đó là thông báo cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam rằng công việc này được ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam và cần sự giúp đỡ của họ. Mặt khác, tôi viết bài trên tạp chí Cựu chiến binh Hoa Kỳ để mọi người hiểu được công việc này.

Phóng viên: Ông nhắn gửi điều gì đến các cựu chiến binh Việt Nam, thân nhân của các liệt sĩ, Chính phủ Việt Nam?

Bob Connor: Những người lính không bao giờ trở lại xứng đáng được tìm thấy. Họ đã cống hiến cuộc đời của mình để Việt Nam có được như ngày hôm nay.

Spencer Matteson: 

Tôi muốn nói với các cựu chiến binh Việt Nam mà tôi đã chiến đấu chống lại rằng họ là kẻ thù đáng sợ và kính trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi chỉ phải chiến đấu trong một năm và sau đó chúng tôi có thể trở về nhà. Chúng tôi có thiết bị tốt hơn để chiến đấu và máy bay trực thăng để sử dụng để ra vào và thoát khỏi rắc rối một cách nhanh chóng. Nói chung, chúng tôi có pháo binh tốt hơn và hỏa lực mạnh hơn, nhưng các bạn, những kẻ thù cũ của chúng tôi ở Việt Nam không bao giờ từ bỏ cuộc chiến và cuối cùng đã phá vỡ ý chí chiến đấu của Hoa Kỳ. Tôi có thể sẽ không bao giờ nói điều này vào những năm 1960, nhưng hôm nay tôi có thể nói mà không hổ thẹn rằng tôi xin chào các bạn. Bạn là một đối thủ xứng đáng.

Đối với gia đình của các liệt sĩ, tất cả những gì tôi có thể nói là tôi rất tiếc. Tôi xin lỗi tất cả những gia đình (cả Mỹ và Việt Nam) đã mất người thân trong một cuộc chiến mà lẽ ra có thể tránh được.

Đối với Chính phủ Việt Nam, trong thời gian tới, tôi hy vọng hai nước có thể bình thường hóa quan hệ và không bao giờ trở thành kẻ thù của nhau”.

Những người lính không bao giờ trở lại xứng đáng được tìm thấy. Họ đã cống hiến cuộc đời của mình để Việt Nam có được như ngày hôm nay.
(Bob Connor, cựu binh Mỹ tại Việt Nam)