Vào thời điểm thành lập, Quân chủng có 3 lực lượng đang trong quá trình xây dựng là Pháo cao xạ, Ra đa và Không quân: Lực lượng Pháo cao xạ có 11 trung đoàn, tất cả gồm 72 đại đội pháo cao xạ các loại; lực lượng Ra đa có 3 trung đoàn, gồm 18 đại đội ra đa (26 máy) và 3 đại đội quan sát mắt được điều chỉnh thế bố trí, hình thành trường ra đa bảo vệ từng khu vực yếu địa; lực lượng Không quân có 3 trung đoàn và hệ thống căn cứ gồm 10 sân bay mới được khôi phục và một số sân bay đang trong quá trình xây dựng...
Sự ra đời của Quân chủng đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Từ một Quân đội đơn thuần bộ binh, tổ chức phân tán, trang bị hạn chế và chỉ có Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (thành lập ngày 1/4/1953) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) trong kháng chiến chống Pháp, đến năm 1960 hình thành lực lượng lục quân và những cơ sở đầu tiên của Phòng không - Không quân, Hải quân.
Quân đội ta đã có cả lục quân, Phòng không - Không quân, Hải quân với trình độ chính quy, hiện đại có những bước tiến bộ rõ rệt. Từ các đơn vị nhỏ lẻ trong và sau kháng chiến chống Pháp, đến thời điểm này đã phát triển thành một Quân chủng gồm 3 lực lượng: Pháo cao xạ, Ra đa, Không quân và các đơn vị bảo đảm như: Thông tin, Vận tải, Kỹ thuật… Thế trận và lực lượng phòng thủ miền bắc được tăng cường lên một bước mới, tạo điều kiện cho quân và dân ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Sau thời gian chuẩn bị công phu, ngày 3/4/1965, Biên đội MiG-17 của Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (tức Trung đoàn Không quân Sao Đỏ) xuất kích đã bắn rơi 2 máy bay F-8U của Hải quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc có chiến công trên không, Bộ đội Không quân trẻ tuổi của ta đã “mở mặt trận trên không” thắng lợi, đánh thắng lực lượng không quân sừng sỏ của đế quốc Mỹ. Chiến công đó đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước, cổ vũ ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của quân và dân ta. Ngày 3/4/1965 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc có chiến công trên không, Bộ đội Không quân trẻ tuổi của ta đã “mở mặt trận trên không” thắng lợi, đánh thắng lực lượng không quân sừng sỏ của đế quốc Mỹ.
Ngày 24/7/1965, Bộ đội Tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu ở khu vực Trung Hà, Sơn Tây, bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến đấu F-4. Ngày 24/7/1965 trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam.
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và thứ hai của đế quốc Mỹ, các lực lượng không quân, pháo phòng không, tên lửa phòng không và rađa đã làm chủ các khí tài trang bị kỹ thuật hiện đại, anh dũng, mưu trí sáng tạo, tìm ra những cách đánh mới, phát huy thế mạnh của vũ khí trang bị.
Thế trận phòng không nhân dân được phát triển rộng khắp, trận địa phòng không được bố trí nhiều tầng, nhiều lớp. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội (cuối tháng 12/1972), các lực lượng Phòng không - Không quân đã sáng tạo trong cách đánh, giành thế chủ động ngay từ đầu, đập tan cuộc hành binh Linebacker II của không quân Mỹ, làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, 5 máy bay chiến đấu F-111, bắt sống hàng chục phi công Mỹ, đánh sập ý tưởng “thương lượng trên thế mạnh” của Níchxơn.
Chiến thắng 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội, cùng với thắng lợi của quân và dân ta ở miền Nam đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, đẩy nhanh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các lực lượng thuộc Quân chủng cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đội hình binh chủng hợp thành để bảo vệ các lực lượng tác chiến trên chiến trường miền Nam trong các chiến dịch: Trị - Thiên (1972), Tây Nguyên, Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng và đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tính chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức 49.924 trận chiến đấu, bắn rơi 2.635 máy bay Mỹ, bao gồm 36 kiểu loại, trong đó có 64 máy bay B-52, có 1.002 chiếc rơi tại chỗ; bắn cháy, bắn chìm 9 tàu chiến Mỹ, tiêu diệt một phần quan trong sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng[1]. Vừa chiến đấu vừa xây dựng, Quân chủng Phòng không - Không quân đã trưởng thành vững mạnh và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Ngày 16/5/1977, trước yêu cầu nhiệm vụ, Quân chủng Phòng không - Không quân được tách thành hai Quân chủng: Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Cả hai Quân chủng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, phát triển nhanh chóng, trưởng thành vượt bậc, luôn đoàn kết, thống nhất, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm là sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, quản lý điều hành bay…, cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc, giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.
Đồng thời, tích cực tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Phòng không nhân dân Trung ương về công tác phòng không lục quân, phòng không nhân dân và không quân toàn quân, không để Tổ quốc bị bất ngờ bởi các tình huống trên không.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã chủ trương sắp xếp, củng cố một số quân chủng, binh chủng theo hướng tinh, gọn, mạnh. Theo đó, ngày 3/3/1999, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 03/L-CTN về việc hợp nhất Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân thành Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là chủ trương nhất quán, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Ngày 1/7/1999, Quân chủng Phòng không - Không quân chính thức đi vào hoạt động. Quân chủng đẩy mạnh huấn luyện nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; tăng cường xây dựng thế trận tác chiến phòng không - không quân nhân dân trên phạm vi cả nước trong tình hình mới; từng bước được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc.
Những năm gần đây và thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Quân chủng Phòng không - Không quân là một trong các lực lượng được ưu tiên hiện đại hóa. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng xác định, để tiến lên hiện đại phải thực hiện đồng bộ hai yếu tố: Con người và vũ khí, trang bị; trong đó, con người đóng vai trò quyết định.
Trên cơ sở đó, Quân chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng. Chú trọng xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, thế trận phòng không nhân dân; đổi mới công tác giáo dục chính trị, huấn luyện, đào tạo, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật..., tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước cải tiến, mua sắm vũ khí, khí tài, trang bị mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong mọi tình huống.
Với những thành tích đạt được trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân chủng Phòng không - Không quân được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: 147 lượt tập thể; 148 lượt cá nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; cùng hàng nghìn huân, huy chương các loại tặng các tập thể, cá nhân. Trong đó, có 2 Huân chương Sao vàng (Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân); 1 Huân chương Hồ Chí Minh (Quân chủng Phòng không); 5 lần tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Binh chủng Tên lửa: ngày 11/1/1973; Binh chủng Không quân: ngày 3/6/1976; Binh chủng Rađa: ngày 20/10/1976; Binh chủng Cao xạ: ngày 20/10/1976; Quân chủng Phòng không: ngày 31/12/1982)...
Phát huy truyền thống vẻ vang hơn 60 năm qua, cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng đã và đang phấn đấu, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
------------------
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Báo QĐND, Viện Lịch sử quân sự