Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền bắc hoàn toàn giải phóng, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc này, yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền dải bờ biển miền Bắc dài trên 800km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, kinh tế và quốc phòng.
Chấp hành nghị quyết của Tổng Quân ủy về xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển, ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ, với nhiệm vụ “giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu”[1]. Và ngày trọng đại này đã đã trở thành mốc lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam.
Sau khi thành lập, Cục Phòng thủ bờ bể đã khẩn trương kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, bổ sung lực lượng, nâng cao khả năng bảo vệ, quản lý chủ quyền vùng biển được giao. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xây dựng Quân đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng, ngày 24/1/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể.
Nhiệm vụ của Cục là “giúp Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh nghiên cứu, thực hiện kế hoạch xây dựng, chỉ huy lực lượng hải quân, quản lý các quân cảng, bảo vệ hải phận miền bắc trong thời bình, phối hợp với các binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu trong thời chiến”[2]. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của Cục, chuyển từ nhiệm vụ nghiên cứu sang chỉ huy, chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng hải quân.
Đến cuối năm 1963, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã có các lực lượng tàu tuần tiễu ven biển được trang bị vũ khí và thông tin, rađa hiện đại, tàu phóng ngư lôi, tàu săn ngầm, vận tải, trinh sát và một số tàu phục vụ khác, có khả năng tác chiến độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu trên biển; hệ thống cầu cảng, các đơn vị công binh công trình, lực lượng bảo đảm, phục vụ cùng với các cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng đã nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển miền bắc xã hội chủ nghĩa.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền nam và âm mưu leo thang tiến hành chiến tranh đánh phá miền bắc. Trước tình hình đó, để bảo đảm cho Hải quân phát huy được sức mạnh hiện có và phát triển trong tương lai, ngày 3/1/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP-QĐ thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân trên cơ sở Cục Hải quân.
Bộ Tư lệnh Hải quân được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy xây dựng Quân chủng Hải quân, tự đảm nhận nhiệm vụ hoạt động chiến đấu trên không phận, hải phận, bờ biển miền Bắc. Từ đây, Hải quân đã trở thành một quân chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu bước phát triển quan trọng về quy mô tổ chức, sức mạnh chiến đấu và là lực lượng nòng cốt trên chiến trường sông, biển và hải đảo của Tổ quốc.
Ngay từ trận đầu đánh đầu tiên, Quân chủng Hải quân đã ra quân giành thắng lợi, mưu trí, anh dũng đánh đuổi tàu Mađốc của Mỹ xâm phạm vùng biển miền bắc và hiệp đồng chiến đấu bắn rơi và bắn bị thương nhiều máy bay địch, lập nên chiến công ngày 2 và ngày 5/8/1964; trực tiếp mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển chi viện cho cách mạng miền Nam; làm nòng cốt đánh bại chiến dịch phong tỏa miền bắc bằng thủy lôi và bom từ trường của không quân và hải quân Mỹ; đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện cán bộ, chiến sĩ đặc công nước chi viện cho các chiến trường và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà;
Kịp thời huy động lực lượng tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, nhanh chóng tổ chức tiếp quản và làm chủ các căn cứ hải quân ngụy sau khi giải phóng, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hải quân ta anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta”[3].
Sau ngày thống nhất đất nước, Hải quân nhân dân Việt Nam thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Quân chủng Hải quân tiến hành điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, góp phần cùng toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế đối với Campuchia và Lào, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Hải quân nhân dân Việt Nam được tăng cường trang bị vũ khí hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu để có đủ khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chặt chẽ các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; giữ gìn an ninh, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; bảo vệ các hoạt động bình thường của Việt Nam trên các vùng biển đảo, theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; bảo đảm an toàn hàng hải và tham gia tìm kiếm cứu nạn theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên hướng biển.
Bắt đầu từ năm 2010, được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng, Quân chủng Hải quân đã phát triển nhanh về tổ chức biên chế, mạnh về vũ khí trang bị, tàu thuyền. Về lực lượng, từ 4 Vùng Hải quân phát triển thành 5 Vùng, đóng quân trên các địa bàn trọng điểm, cửa ngõ của đất nước. Từ 3 lực lượng chủ yếu phát triển thành 5 lực lượng (tàu mặt nước, tàu ngầm; Pháo binh - tên lửa trên bờ; không quân hải quân; hải quân đánh bộ; đặc công hải quân và lực lượng phòng thủ đảo). Nhiều đơn vị mới được thành lập.
Cùng với phát triển lực lượng, Quân chủng đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại như: Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, máy bay EC-225, máy bay DHC-6, tàu ngầm kilô 636 thế hệ mới; tên lửa bờ thế hệ mới, tàu pháo được thiết kế chế tạo mới, vận hành thao tác tự động…
Bám sát các nghị quyết lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân chủ động tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xử lý, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tình hình trên biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Hải quân tiến lên hiện đại; thường xuyên duy trì tốt các hoạt động quản lý, nâng cao khả năng bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa; tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trên các vùng biển, đảo;
Tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, huy động nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và xây dựng hải quân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Mở rộng quan hệ với hải quân các nước trong khu vực và quốc tế nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hội nhập, đoàn kết hữu nghị, hợp tác vì mục tiêu chung là giữ vững hòa bình, ổn định trên biển để cùng xây dựng, phát triển.
Trải qua gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân chủng Hải quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 2 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác, xứng đáng với truyền thống: “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”. Phát huy truyền thống vẻ vang, Quân chủng nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đủ sức làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: PHAN ÁNH TUYẾT
Trình bày: NGỌC DIỆP