Quân dân Hà Đông phối hợp với Chiến trường Điện Biên Phủ kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng thị xã (6/10/1954)

Thị xã Hà Đông cửa ngõ phía Tây Nam của Hà Nội, có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa-xã hội.

Về chính trị, thị xã ở gần trung tâm Thủ đô có điều kiện để tiếp nhận mau lẹ mọi diễn biến chính trị, xã hội của đất nước từ trung tâm Hà Nội.

Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Trong ảnh: Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Trong ảnh: Ngôi nhà ở làng Vạn Phúc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: TTXVN)

Về quân sự, Hà Đông là vành đai trực tiếp bảo vệ Hà Nội; đồng thời là địa bàn trung gian cung cấp một phần hàng hóa, lương thực, thực phẩm và các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho Hà Nội... Là đầu mối của nhiều đường giao thông chiến lược như: Quốc lộ 6 nối liền Hà Nội với Hòa Bình và vùng Tây Bắc; đường 70 nối thị xã với đường số 1 ở phía Nam, đường 32 ở phía bắc đi Sơn Tây; đường 22 từ thị xã đi phía nam của tỉnh... Sông Nhuệ chạy qua thị xã vừa là một công trình thủy lợi quan trọng vừa là mạch máu giao thông. Hệ thống giao thông thủy, bộ là cầu nối Hà Đông với Hà Nội và các tỉnh của miền Bắc. Do địa bàn có vị trí quan trọng, Hà Đông sớm nằm trong vùng địch kiểm soát nhằm thiết lập vành đai bảo vệ Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Đình Tính (1920-1999), Bí thư Thị ủy đầu tiên, năm 1946. Nguồn: Ảnh Tư liệu của Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông

Đồng chí Nguyễn Đình Tính (1920-1999), Bí thư Thị ủy đầu tiên, năm 1946. Nguồn: Ảnh Tư liệu của Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông

Tháng 2/1946, Thị ủy Hà Đông được thành lập. Tiếp đó, Ủy ban hành chính thị xã Hà Đông đã ra đời tháng 4/1946 để lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Đồng thời, địa giới hành chính của Hà Đông được mở rộng bao gồm các làng Phùng Khoang, Mỗ Lao, Văn La, Đơ Đồng (Triều Khúc), Văn Quán, Hà Trì, Văn Phú, Vạn Phúc, La Khê.

Ngay đêm 19/12/1946, sau khi nghe “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thị ủy Hà Đông đã kịp thời vạch kế hoạch chuẩn bị kháng chiến: phát động toàn dân tiêu thổ kháng chiến, xây dựng và củng cố phòng tuyến chiến đấu, tiếp đón giúp đỡ đồng bào Hà Nội tản cư, huy động lực lượng phục vụ vận chuyển kho tàng, máy móc từ Hà Nội lên chiến khu.

Từng đoàn dân công thị xã lên đường cùng với nhân dân các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì và lực lượng vệ quốc quân tham gia đắp ụ ở Cầu Mới, Thanh Xuân, xây dựng phòng tuyến đường 70 và phòng tuyến dọc sông Nhuệ. Những đội quân tình nguyện của thị xã sát cánh cùng với quân dân Hà Nội đánh địch ở Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, chặn đánh quyết liệt những mũi tấn công của địch ra ngoại vi Hà Nội.

Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ. (Ảnh: TTXVN)

Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội và tự vệ Thủ đô lập chiến lũy ngăn chặn bước tiến của địch trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội và tự vệ Thủ đô lập chiến lũy ngăn chặn bước tiến của địch trong những ngày Toàn quốc kháng chiến. (Ảnh: TTXVN)

Quân và dân Thủ đô lập chướng ngại vật trên đường phố, sẵn sàng chiến đấu cản bước tiến của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) 

Quân và dân Thủ đô lập chướng ngại vật trên đường phố, sẵn sàng chiến đấu cản bước tiến của địch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) 

Học tập kinh nghiệm tiêu thổ kháng chiến của Hà Nội, nhân dân thị xã ra sức phá đường giao thông, cầu cống. Nhiều nhà cao tầng, nhà gạch của các hộ dân ở dọc các phố Hà Văn, phố Chợ... đều được phá nhằm chặn bước tiến công của quân địch. Chỉ trong vài ngày, tất cả các đoạn đường lớn chạy qua thị xã đều được triệt phá tạo ra hàng nghìn hố chữ chi. Tự vệ thị xã và bộ đội công tỉnh đã phá sập cầu Am. Nhân dân ngày đêm khẩn trương đắp hàng nghìn ụ đất dọc hai bờ sông Nhuệ làm ụ súng chiến đấu. Nhiều bàn ghế, giường tủ, được mang ra đường để làm chướng ngại vật cản giặc. Ở thôn xóm tiến hành xây dựng làng kháng chiến: rào làng, đào hầm hố, tổ chức canh gác.

Phong trào sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự được đẩy mạnh. Lực lượng thanh niên, tự vệ Vạn Phúc, Văn Quán khẩn trương xây dựng phòng tuyến ở đầu cầu Am, khu tiểu công nghệ. Công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Sau khi chiếm được nội thành ngày (17/2/1947), ngày 2/3/1947, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng tấn công đánh chiếm thị xã Hà Đông và một phần của huyện Thanh Trì, Hoài Đức.

Sau khi chiếm đóng, chúng dùng mọi thủ đoạn để thiết lập và xây dựng một trung tâm quân sự ở cửa ngõ phía tây nam thành phố Hà Nội, với ý đồ dùng nơi đây làm vị trí tập kết lực lượng cơ động để tiến đánh và bình định các vùng trong tỉnh Hà Đông.

Thị xã lúc này đã trở thành nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.

Ngoài việc xây dựng, thiết lập hệ thống đồn bốt dày đặc với quân số đông bao gồm: quân ứng chiến cơ động, địa phương quân, hương tổng dũng, địch còn xây dựng bộ máy tề, chỉ điểm, đảng phái phản động... nhằm đánh phá quyết liệt phong trào kháng chiến của thị xã trên tất cả các mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa với những thủ đoạn hết sức tàn bạo và xảo quyệt.

Cuộc chiến đấu của quân dân Hà Đông diễn ra hết sức quyết liệt, tại các điểm Đại Mỗ-Ngọc Trục, Vạn Phúc. Ở khu vực Mai Lĩnh, ngã ba Ba La-Bông Đỏ, địch cũng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của trung đội cảm tử quân. Tiêu biểu cho tinh thần quyết tử, quên mình vì Tổ quốc là gương hy sinh anh dũng của trung đội phó Vũ Văn Quý, đồng chí đã ôm bom ba càng lao thẳng vào chiếc thiết giáp chở đầy lính Pháp.

Với mục tiêu thu hẹp vùng chiếm đóng của địch, quân và dân thị xã phối hợp với tiểu đoàn 56 và bộ đội chủ lực của tỉnh chủ trương tập kích lớn vào thị xã. 2 giờ sáng 18/3/1947, quân ta nổ súng tấn công vào các vị trí của địch, trận đánh kéo dài tới tối 19/3/1947 mới kết thúc, ta tiêu diệt 48 tên giặc, làm bị thương 40 tên, phá hủy 1 khẩu 12 ly 7 và đốt cháy 1 xe Jeep của địch. Mặc dù không thực hiện được ý định, song trận đánh đã gây tiếng vang trong nhân dân, làm cho địch lúng túng.

Từ sau ngày địch chiếm đóng, thị xã Hà Đông trở thành một trong những vùng tạm chiếm đầu tiên của tỉnh. Thị ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính thị xã rút về Thanh Oai. Để thuận lợi cho công tác chỉ đạo kháng chiến, Khu ủy khu XI quyết định giải thể địa bàn thị xã, một số xã do huyện Hoài Đức, Thanh Oai quản lý. (1) Cán bộ lãnh đạo thị xã được điều động đi công tác nơi khác, lực lượng vũ trang thị xã được hợp nhất với huyện đội Thanh Oai. Lúc này, hình thái chiến trường ở tỉnh Hà Đông đã chia thành hai vùng. Từ đường 70 trở lên là vùng địch tạm thời kiểm soát, từ đường 70 trở xuống là vùng tự do.

Thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh", thu-đông năm 1947, giặc Pháp tập trung lực lượng ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan kháng chiến đầu não của ta với tham vọng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến xâm lược.

Để phối hợp với Việt Bắc, lực lượng vũ trang và bán vũ trang khu vực thị xã đẩy mạnh hoạt động quân sự khắp nơi nhằm đánh mạnh vào hậu phương của địch. Lực lượng vũ trang Vạn Phúc cùng một lúc tiến hành các hoạt động phá hoại ở hai đồn Cầu Am và Đại Mỗ, cắt hơn 4.000m dây điện thoại của địch từ Hà Đông đến Tây Mỗ, Thanh Quang (Hoài Đức).

Bị thất bại thảm hại trong chiến dịch thu-đông 1947, chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh" hoàn toàn bị phá sản, thực dân Pháp quay về đồng bằng, củng cố và mở rộng vùng chiếm đóng, chuyển sang chiến lược “Vết dầu loang" thực hiện chính sách "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Với chiến lược mới này khu vực thị xã Hà Đông trở thành vùng trọng điểm bình định của địch. Do vậy, thời gian này, địch đẩy mạnh các hoạt động nhằm bao vây triệt phá cơ sở lực lượng của ta, củng cố vùng chiếm đóng để phục vụ nhu cầu chiến tranh...

Thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh", thu-đông năm 1947, giặc Pháp tập trung lực lượng ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan kháng chiến đầu não của ta với tham vọng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến xâm lược.

Để phối hợp với Việt Bắc, lực lượng vũ trang và bán vũ trang khu vực thị xã đẩy mạnh hoạt động quân sự khắp nơi nhằm đánh mạnh vào hậu phương của địch. Lực lượng vũ trang Vạn Phúc cùng một lúc tiến hành các hoạt động phá hoại ở hai đồn Cầu Am và Đại Mỗ, cắt hơn 4.000m dây điện thoại của địch từ Hà Đông đến Tây Mỗ, Thanh Quang (Hoài Đức).

Bị thất bại thảm hại trong chiến dịch thu-đông 1947, chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh" hoàn toàn bị phá sản, thực dân Pháp quay về đồng bằng, củng cố và mở rộng vùng chiếm đóng, chuyển sang chiến lược “Vết dầu loang" thực hiện chính sách "Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Với chiến lược mới này khu vực thị xã Hà Đông trở thành vùng trọng điểm bình định của địch. Do vậy, thời gian này, địch đẩy mạnh các hoạt động nhằm bao vây triệt phá cơ sở lực lượng của ta, củng cố vùng chiếm đóng để phục vụ nhu cầu chiến tranh...

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị tái lập địa bàn thị xã, hội nghị Tỉnh ủy ngày 1/5/1949 đã quyết định tái lập địa bàn thị xã, quy định địa bàn thị xã bao gồm nội thị và các xã ngoại thị: Tân Triều, Cương Kiên, Kiến Hưng, Văn Khê, đồng thời thành lập Đảng bộ và chính quyền thị xã, chỉ định Ban Thị ủy gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Huy làm Bí thư.

Thực hiện quyết định của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Thị ủy đã chính thức hoạt động và họp phiên đầu tiên vào tối 12/5/1949 tại thôn Quế Sơn, xã Tân Ước (Thanh Oai)(2), Hội nghị đã bàn và giải quyết các công việc cấp bách: phân công các đồng chí trong Ban Thị ủy phụ trách các mặt công tác, bố trí đội ngũ cán bộ và bàn phương hướng, kế hoạch đưa bộ máy lãnh đạo, đưa cán bộ, đảng viên về bám đất, bám dân xây dựng cơ sở, củng cố phong trào..., trên cơ sở đó đẩy mạnh các hoạt động, đấu tranh theo tinh thần gấp rút chuẩn bị điều kiện cần thiết cho chiến trường địch hậu để tích cực sửa soạn tổng phản công do cấp trên đề ra.

Trong không khí sôi nổi chuẩn bị tổng phản công, Tỉnh ủy nêu khẩu hiệu: “Tất cả cho quân sự, tất cả cho chiến thắng" và chủ trương đẩy mạnh phong trào kháng chiến trong tỉnh một cách toàn diện với các kế hoạch “quân sự hóa toàn Đảng, toàn dân", "tự túc về ăn mặc", "phương án chuẩn bị chiến trường".

Căn cứ vào tình hình thực tế. Thị ủy đã đề ra kế hoạch “Tự túc nuôi quân", Ủy ban kháng chiến hành chính thị xã đã phát động những đợt vận động “Mùa đông binh sĩ", "Công phiếu kháng nhiên, "Quỹ tình thương”... nhân dân thị xã với nhiệt tình cách mạng đã hăng hái quyên góp hàng hóa, tiền của, quần áo, thóc gạo, thuốc chữa bệnh vào quỹ nuôi quân. Nhiều chiến dịch quyên tiền được phát động, quần chúng nhiệt tình tham gia và ủng hộ, nhất là ở Vạn Phúc, Tân Triều, các phố nội thị.

Các đoàn thể như: thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nông dân được phát triển khá rộng, nhất là ở các thôn: Yên Xá, Triều Khúc, xóm lẻ Mỗ Lao, La Khê, Vạn Phúc. Ở các thôn, xã đều có hội đi chợ, hội cắt cỏ, bắt cua là những tổ chức công khai tập hợp quần chúng rộng rãi.

Công tác địch vận cũng được chú ý, ngoài lực lượng chuyên trách, cán bộ các đoàn thể đều tích cực làm công tác địch vận như: vận động hương dũng bốt La Khê đấu tranh trả súng địch về nhà làm ăn, vận động một trung đội ngụy binh thuộc binh đoàn số 1 đóng ở Mậu Lương mang súng trả về cách mạng... Nhờ đó, cơ sở Đảng, bộ máy chính quyền được đẩy mạnh.

Cuối năm 1950, số lượng đảng viên của Đảng bộ thị xã có 75 đồng chí (có 5 đảng viên nữ). Mỗi xã có một chi bộ, mỗi chi bộ có 10 đến 15 đảng viên(3). Phong trào kháng chiến của thị xã đến cuối năm 1950 đã có bước phát triển ở nhiều mặt, các hoạt động đấu tranh được đẩy lên một bước. Tình hình đó cũng gây cho cán bộ đảng viên tư tưởng chủ quan dẫn đến có một số hoạt động mang tính phô trương, bộc lộ lực lượng... Đây chính là kẽ hở dẫn đến những đợt khủng bố của địch.

Sau thất bại ở chiến dịch Biên giới, địch quay về tập trung đánh phá, bình định các vành đai sào huyệt của chúng như địa bàn Liên Bắc, Liên Nam, thị xã Hà Đông tuyến sông Đáy, đường 6. Nằm trong kế hoạch đó, cuối tháng 2/1951, chiến dịch khủng bố của địch bắt đầu từ Vạn Phúc nơi có phong trào mạnh, tiếp đó là ở Tân Triều, La Khê, Xa La, Kiến Hưng... Do đó, lực lượng kháng chiến bị tổn thất. Trong đợt khủng bố đã có 32 cán bộ, đảng viên hy sinh, hầu như toàn bộ hầm bí mật bị đào bới, quần chúng bị khủng bố, cơ sở bị xáo trộn... Phong trào kháng chiến ở thị xã từ sau đợt khủng bố của địch gặp nhiều khó khăn.

Tháng 6/1951, Ban Thường vụ Thị ủy triệu tập hội nghị cán bộ thị xã, nhằm đánh giá phong trào kháng chiến trong những năm 1949-1951 và rút ra những bài học trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Hội nghị cũng nêu rõ nhiệm vụ của thị xã trong giai đoạn này là: Xây dựng cơ sở, tích trữ lực lượng, chuẩn bị thời cơ chống những khuynh hướng hoạt động quân sự thuần túy, chủ quan bộc lộ lực lượng, tư tưởng lưu vong xa rời quần chúng nhân dân... Do đó, chỉ trong vòng gần một năm, Đảng bộ đã kết nạp thêm được 15 đảng viên mới. Đến cuối năm 1951, Đảng bộ đã có 5 chi bộ với trên 60 đảng viên.

Từ cuối năm 1951 đầu năm 1952, bị thất bại trong chiến dịch Hòa Bình, các lực lượng quân sự của Pháp co cụm lại ở khu vực thị xã với mục đích biến địa bàn này thành căn cứ quân sự, nơi dự trữ lực lượng, nơi củng cố và xuất phát của nhiều binh đoàn cơ động. Vượt qua vô vàn khó khăn thử thách, cán bộ hoạt động trên địa bàn vẫn quyết tâm bám sát cơ sở và được quần chúng hết lòng bảo vệ nên phong trào đấu tranh, cơ sở kháng chiến từng bước được gây dựng lại và phát triển, trong đó làng Hà Trì là một cơ sở vững vàng. Mặc dù địch đóng quân dày đặc, tề vũ trang ngày đêm lùng sục nhưng hầu hết các hầm bí mật trong các thôn đều nuôi giấu và bảo vệ cán bộ an toàn. Các nhà sư yêu nước ở chùa Hà Trì, chùa Ngọc Trục, Yên Xá trở thành những cơ sở bảo vệ cán bộ, điểm liên lạc tin cậy.

Bước vào thu-đông năm 1952, quân cơ động của địch bị hút lên đối phó với hoạt động mạnh quân dân ta ở Tây Bắc. Phối hợp với chiến trường chung, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Đông chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt một phần sinh lực địch, mở rộng khu du kích, căn cứ du kích; đồng thời tích cực phát triển lực lượng trong vùng địch tạm chiếm, đẩy mạnh đấu tranh kinh tế chính trị chống địch áp bức bóc lột, chống bắt lính, đẩy mạnh công tác địch vận.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, lực lượng vũ trang địa phương tích cực, chủ động đánh địch, mở rộng phạm vi hoạt động sâu vào vùng địch tạm chiếm. Trên địa bàn tỉnh Hà Đông, đêm 8/1/1953 bộ đội của ta đánh trận tập kích vào vị trí Tó, hậu cứ của binh đoàn số 1 nằm ở ven đường 70, cách thị xã Hà Đông 4km và cách Hà Nội gần 10km, tiêu diệt hoàn toàn 3 trung đội địch, đốt cháy trên 10.000 lít xăng, thu nhiều vũ khí, đạn dược.

Chiến thắng Tó là một đòn hiểm, đánh sâu vào vùng an toàn của địch, gây chấn động mạnh đối với ngụy quân ngụy quyền ở thị xã Hà Đông. Trong chiến công này, nhân dân vùng tạm chiếm, nhân thị xã Hà Đông hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện để bộ đội luồn sâu đánh thắng, rút lui an toàn.(4)

Những tháng đầu năm 1953, thực dân Pháp ra sức tăng cường phòng thủ và đẩy mạnh các hoạt động đánh phá, càn quét. Chúng củng cố hệ thống phòng thủ bằng cách xây thêm bốt bảo an, tăng thêm lực lượng cho các chốt đóng quân và cắm đại đội com-măng-đô 51 ở địa bàn thị xã-bọn này cùng với bọn bảo chính đoàn và hương dũng thay phiên nhau phục kích đánh phá phong trào ở các xã. Nhiều đơn vị quân cơ động vẫn đóng ở đây nhưng thường xuyên đi càn quét, đánh phá theo các kế hoạch hành quân lớn của giặc.

Trong tình hình đó, Ban Thị ủy chỉ đạo chi bộ đảng cơ sở lãnh đạo đấu tranh trên mặt trận kinh tế. Tại chợ Hà Đông, địch vơ vét bằng nhiều thứ thuế: thuế lều, thuế đất, thuế môn bài và giao cho một tên chủ thầu đứng ra thu. Hội tề làng La Khê định làm lễ thành trì nghề dệt, bắt mỗi gia đình phải nộp 50 đồng, mỗi khung dệt 30 đồng; tổ chức cái gọi là “thi tiểu thủ công nghệ”, bắt nhân dân các nơi có nghề tiểu thủ công phải mang vật phẩm về dự thi... nhưng bị chi bộ Đảng của ta tổ chức nhân dân vạch trần các thủ đoạn nên các hoạt động đều không thực hiện được.

Khi ta mở chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, phong trào kháng chiến vẫn gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều nơi, ban ngày cán bộ không thể trụ được ở trong làng mà phải bật ra nằm hầm bí mật ngoài đồng, đêm tối mới trở về hoạt động, nhưng cán bộ vẫn quyết tâm bám cơ sở, quần chúng vẫn hết lòng bảo vệ cán bộ, ủng hộ kháng chiến.

Đến cuối năm 1953, trong nội thị, cơ sở cũng phát triển tương đối rộng trong các tầng lớp nhân dân, kể cả trong viên chức binh lính ngụy. Liên hiệp công đoàn tỉnh đã đưa một số cán bộ vào sống hợp pháp trong nội thị, xây dựng cơ sở trong công nhân, thợ thủ công như xưởng làm khuy chai, Sở Lục lộ... Công nhân Sở Lục lộ đã đình công đòi ngụy quyền phải tăng lương thắng lợi. Nhân dân xóm lẻ Mỗ Lao chống việc địch đuổi dân, càn nhà khá quyết liệt. Chống bắt lính, bảo vệ thanh niên trở thành một phong trào đấu tranh thường xuyên và sâu rộng với nhiều hình thức phong phú. Khi địch bắt thanh niên ở các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Liên Nam để đưa ra Hà Đông và trại lính Ngọc Hà, nhân dân ở Hà Đông, Hà Nội đã phối hợp kiên quyết đấu tranh và giúp đỡ tận tình bà con kéo ra trại lính Ngọc Hà đấu tranh, giúp đỡ thanh niên trốn trại. Cuối cùng địch phải trả tự do cho tất cả số thanh niên bị bắt.

Bước vào đông xuân 1953-1954, thực dân Pháp được đế quốc Mỹ tiếp sức, dồn mọi nỗ lực vào việc thực hiện kế hoạch Nava hòng giành thế chủ động và kết thúc chiến tranh trong vòng 18 tháng. Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân tỉnh Hà Đông đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở khắp các địa bàn từ các khu du kích đến vùng tạm bị chiếm sâu, làm cho thế chiếm đóng của chúng không ổn định, bị co hẹp. Những chiến thắng liên tiếp của ta khiến cho địch mất đất phải chuyển quân từ nhiều nơi trong tỉnh về đóng co cụm ở thị xã, tư tưởng địch hết sức hoang mang dao động.

Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mở đầu cuộc tiến công chiến lược.

Trong 2 ngày 13-14/3/1954, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và quyết định: Nhân đà thắng lợi, tận dụng sơ hở và suy yếu của địch, để phối hợp với chiến trường chính, cần đẩy mạnh hoạt động quân sự vào sâu trong lòng địch, đánh mạnh vào hệ thống chiếm đóng của chúng... Đồng thời phát động phong trào tiến công mạnh mẽ vào tinh thần binh lính địch, mở chiến dịch địch vận, đòi chồng con trở về.

Để tăng cường sức tiến công địch ở hướng ngoại vi Tây Nam thành phố Hà Nội thực hiện chủ trương của Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu đã tăng cường cho tỉnh Hà Đông 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 254 và một tiểu đoàn của tỉnh Hòa Bình, thành lập Ban Chỉ huy mặt trận Tây Nam Hà Nội do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm chỉ huy trưởng.

Trước tình hình đó, Thị ủy đã chỉ đạo các cấp, các tổ chức quần chúng đẩy mạnh công tác địch vận và thu được nhiều kết quả. Được sự chỉ đạo của Thị ủy, nhân dân Vạn Phúc đã vận động được 345 sĩ quan, binh lính địch ra hàng, đem theo một xe Jeep, 248 khẩu súng(5). Cuộc vận động ủng hộ kháng chiến và ủng hộ đồng bào khu trắng Hoàng Long, Ái Quốc góp phần đấu tranh chống địch gom dân vào “Đại xã Đồng Quan” thu được kết quả lớn, nhân dân thị xã đã ủng hộ 13.000 đồng, 20 tạ thóc.

Quang cảnh chung khu đồi Độc lập, lá cờ quyết chiến quyết thắng, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được các chiến sĩ xung kích phất cao trên nóc hầm chỉ huy địch sau khi ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí này ngày 14/3/1954. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh chung khu đồi Độc lập, lá cờ quyết chiến quyết thắng, phần thưởng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được các chiến sĩ xung kích phất cao trên nóc hầm chỉ huy địch sau khi ta tiêu diệt hoàn toàn vị trí này ngày 14/3/1954. Ảnh: TTXVN

Ngày 14/4/1954, ta tấn công 1 vị trí ở phía bắc sân bay Mường Thanh và tiêu diệt 1 đại đội địch đóng giữ ở đây. Ảnh: TTXVN

Ngày 14/4/1954, ta tấn công 1 vị trí ở phía bắc sân bay Mường Thanh và tiêu diệt 1 đại đội địch đóng giữ ở đây. Ảnh: TTXVN

Toàn bộ bọn giặc Pháp còn sống sót ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng lũ lượt ra hàng. Ảnh: TTXVN

Toàn bộ bọn giặc Pháp còn sống sót ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng lũ lượt ra hàng. Ảnh: TTXVN

Đêm 20 rạng sáng 21/7/1954, Hiệp định đình chiến được ký kết tại Geneve. Cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ nhưng oanh liệt của quân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn. Theo hiệp định, thị xã Hà Đông chưa được giải phóng vì còn nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp.

Để chuẩn bị cho ngày tiếp quản, Hội nghị của Tỉnh ủy Hà Đông từ ngày 10 đến ngày 15/8/1954 quán triệt 8 công tác mới trong toàn tỉnh nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ trung tâm: Xây dựng và bảo vệ vùng tự do, nhất là khu vực mới giải phóng, đấu tranh chống âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ-Pháp, chuẩn bị cho việc tiếp quản thị xã Hà Đông. Được tăng cường cán bộ, nhiều cơ sở trong thị xã đã tiến hành điều tra nắm vững tình hình địch, kết hợp với lực lượng công an, thị đội làm tốt công tác bảo vệ trị an, chuẩn bị công tác hậu cần cho lực lượng vào tiếp quản, chống phá hoại, di chuyển tài sản của các cơ quan, công trình công cộng, tiếp tục đẩy mạnh ngụy vận...

Được sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ, dựa vào pháp lý của Hiệp định Geneve, nhân dân thị xã đấu tranh kiên quyết, khéo léo, lôi cuốn được cả một số công chức, binh lính tham gia. Một số cơ sở trong các cơ quan công sở, đơn vị địch đã kịp thời cung cấp tin tức, âm mưu, kế hoạch phá hoại, di chuyển tài sản công cộng của địch giúp cho việc chỉ đạo, tổ chức đấu tranh kịp thời có kết quả. Ta đã chuyển ra vùng tự do được một số tài sản như tầu cuốc, xe tải, máy chữ, một số tài liệu của địch... Về cơ bản đã bảo vệ được nhà cửa, tài sản ở các công sở, công trình điện, nước, bệnh viện... tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp quản.

Tháng 9/1954, Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông đã được thành lập, chuẩn bị sẵn kế hoạch, lực lượng tiếp quản từng cơ quan, công sở.

Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tiếp quản thị xã Hà Đông (ngày 6/10/1954). Nguồn: Ảnh tư liệu của Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông

Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 tiếp quản thị xã Hà Đông (ngày 6/10/1954). Nguồn: Ảnh tư liệu của Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông

Đúng 12 giờ ngày 6/10/1954, thị xã Hà Đông hoàn toàn giải phóng.

Ngày 6/10/1954, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, những tên xâm lược cuối cùng rời khỏi thị xã Hà Đông. Quân Pháp rút đến đâu, bộ đội và cán bộ ta từ nhiều ngả tiến vào tiếp quản tới đó. Nhân dân phấn khởi cầm cờ, hoa, khẩu hiệu đón chào. Đúng 12 giờ, thị xã Hà Đông hoàn toàn giải phóng, một cuộc mít-tinh lớn chào mừng thắng lợi được tổ chức tại sân vận động với sự tham dự của hơn 2.000 nhân dân.

Cả thị xã tưng bừng phấn khởi chuẩn bị chào đón các cánh quân của ta tiến vào tiếp vào quản Thủ đô. Ngày 9/10/1954, trung đoàn 57 được chọn thực hiện nhiệm vụ quan trọng “tiếp quản Thủ đô". Từ Chúc Sơn, trung đoàn với đội ngũ chỉnh tề hành quân vào tiếp quản thị xã Hà Đông giữa rừng người tưng bừng cờ hoa chào đón... Ngày 14/10/1954, trong niềm hân hoan phấn khởi, tự hào nhân dân thị xã tham dự cuộc mít-tinh do tỉnh tổ chức, nhằm biểu dương lực lượng, mừng kháng chiến thắng lợi, chào mừng Ủy ban quân chính tỉnh Hà Đông ra mắt đồng bào.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn thị xã Hà Đông đã góp phần vào thắng lợi chung của Đảng bộ và quân dân thủ đô Hà Nội nhằm đánh bại âm mưu trở lại thống trị đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn thị xã Hà Đông đã góp phần vào thắng lợi chung của Đảng bộ và quân dân thủ đô Hà Nội nhằm đánh bại âm mưu trở lại thống trị đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Thắng lợi này cổ vũ và tăng thêm lòng tin tưởng tuyệt đối của toàn Đảng bộ và nhân dân thị xã vào sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc kháng chiến, tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất, lòng yêu nước, trung thành với Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng với phẩm chất cách mạng kiên cường của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân thị xã;... sự đoàn kết, sáng tạo của Ban Thị ủy trong vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng cho phù hợp với đặc điểm thị xã trong từng thời điểm là những nguyên nhân cơ bản trực tiếp quyết định mọi thắng lợi của phong trào kháng chiến thị xã.

Từ đây Đảng bộ và nhân dân thị xã bước vào thời kỳ cách mạng mới, đó là thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cánh quân phía nam, thuộc hai Trung đoàn 88 và 36 của Đại đoàn 308 tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế… vào tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đoàn quân giải phóng trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Đoàn quân giải phóng trên đường Đinh Tiên Hoàng, ngày 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ 'Quyết chiến, quyết thắng' của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Người dân hân hoan hướng về lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội trong ngày Thủ đô được giải phóng, ngày 10/10/1954. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chú thích:

(1) Thị ủy Hà Đông, Lịch sử Đảng bộ thị xã Hà Đông 1936-1954, H.2004; tr. 134.

(2) Thời gian này, Ban Thị ủy Hà Đông đứng chân trên địa bàn huyện Thanh Oai.

(3) Thị ủy Hà Đông, Lịch sử Đảng bộ thị xã Hà Đông 1936-1954, H.2004; tr. 164.

(4) Tỉnh ủy Hà Tây, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tây, tập II (1945-1954), xuất bản năm 1994, tr. 270.

(5) Tỉnh ủy Hà Tây, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tây, tập II (1945-1954), xuất bản năm 1994; tr. 282, 284, 285.

Ảnh: TTXVN

Trình bày: Bảo Minh