Với những thắng lợi liên tiếp trong các chiến dịch Biên Giới (Thu Đông 1950), Hòa Bình (Đông Xuân 1951-1952), Thượng Lào (4/1953), quyền chủ động chiến lược của cuộc kháng chiến ngày càng được củng cố. Trước thế tiến công và phản công mạnh mẽ của ta, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động và bế tắc, buộc phải tính đến việc tìm lối thoát “danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Tháng 5/1953, được sự giúp sức của Mỹ, chính phủ Pháp cử Tướng Nava làm Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau một thời gian nghiên cứu, thị sát tình hình chiến trường, Nava cho ra đời một kế hoạch hoàn chỉnh cả về chính trị và quân sự, trong đó kế hoạch quân sự có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ Thu Đông năm 1953 đến Xuân Hè năm 1954, giữ thế phòng ngự, tránh quyết chiến với chủ lực ta, tiến hành bình định miền Nam và vùng tự do Liên khu 5; tập trung xây dựng khối chủ lực cơ động ở miền Bắc. Giai đoạn 2: Từ Thu Đông năm 1954, sau khi bình định được miền Nam và xây dựng xong khối cơ động chiến lược, tập trung quyết chiến với chủ lực Việt Minh trên chiến trường miền Bắc, nhằm tạo nên một cục diện quân sự có lợi cho thực dân Pháp khi xúc tiến giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh.

Tâm điểm của Kế hoạch Nava là dựa vào viện trợ của Mỹ, bòn vét quân từ chính quốc và các nước thuộc địa ở châu Phi, kết hợp với ra sức xây dựng ngụy quân, rút bỏ những đồn bốt không cần thiết để xây dựng một khối chủ lực cơ động mạnh hòng “nghiền nát” chủ lực Việt Minh, giành thắng lợi trên chiến trường. Kế hoạch Nava là nỗ lực cao nhất và cũng là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

Thực hiện bước 1 của Kế hoạch Nava, tháng 1/1954, quân Pháp tiến hành cuộc hành quân Átlăng trên địa bàn Liên khu 5, do Đờ Bôpho, Tư lệnh Quân khu Tây Nguyên trực tiếp chỉ huy.

Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh nghiên cứu và xây dựng phương án tác chiến thích hợp. Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng phương án tác chiến mới là đẩy mạnh chiến tranh du kích để giam chân, tiêu hao địch; đồng thời mở một số chiến dịch tiến công trên các địa bàn chiến lược nhưng địch sơ hở, buộc chúng phải điều lực lượng cơ động đến đối phó; sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn nếu địch tiến công ra vùng tự do của ta.

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1953, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 được thông qua tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng. Bộ Chính trị kết luận: “Kế hoạch Nava tuy có gây cho chúng ta những khó khăn mới, nhưng bản thân nó chứa đựng nhiều mâu thuẫn và có nhiều nhược điểm lớn. Vấn đề đặt ra cho ta là phải biết khoét sâu những mâu thuẫn của địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng, tạo thời cơ để ta tiêu diệt sinh lực chúng. Ta vừa phải tác chiến trên chiến trường chính diện, vừa đẩy mạnh hoạt động trong các chiến trường sau lưng địch, phối hợp các chiến trường Đông Dương, buộc địch phải bị động đối phó trên tất cả các chiến trường1. Liên khu ủy 5 đề ra chủ trương hoạt động trong Đông Xuân năm 1953 - 1954: “Nhiệm vụ củng cố, xây dựng căn cứ địa bảo vệ vùng tự do là quan trọng và chính hơn hết2. Sau đó, trước những diễn biến mới của tình hình chiến trường, tháng 11/1953, Tổng Quân ủy xác định phương hướng chiến lược của Liên khu 5 và đã được Bộ Chính trị thông qua: “Tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là ở phía Bắc3. Về phía địch, tháng 12/1953, để chuẩn bị cho cuộc hành quân Átlăng, quân Pháp tập trung 40 tiểu đoàn ở chiến trường Liên khu 5 (thuộc các binh đoàn cơ động số: 10, 100, 11, 21, 41, 42).

Lúc này, nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên khu 5 là tiến công Bắc Tây Nguyên; củng cố vùng tự do Nam-Ngãi-Bình-Phú là nhiệm vụ quan trọng thứ hai. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và căn cứ vào tình hình thực tiễn của chiến trường Liên khu 5, tháng 12/1953, Bộ Tư lệnh Liên khu quyết định mở chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, nhằm mở rộng vùng giải phóng, phân tán lực lượng địch (tập trung cho cuộc hành quân Átlăng), phá vỡ thế trận của chúng, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Đảng ủy và Ban Chỉ huy Chiến dịch được thành lập. Đồng chí Nguyễn Chánh, Bí thư Liên khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu, trực tiếp làm Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Các trung đoàn 108, 803, 120, cùng một số tiểu đoàn, đại đội độc lập của Liên khu và các lực lượng địa phương. Các đơn vị tiến công địch trên hai hướng: hướng chính là Bắc Kon Tum (các Trung đoàn 108, 803, một số đơn vị khác), hướng phụ là Đường 19-An Khê (gồm: Trung đoàn 120 và một số đơn vị khác).

Liên khu huy động toàn bộ lực lượng vận tải để phục vụ chiến dịch. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên huy động hơn 10.000 dân công vận chuyển gạo, muối lên dự trữ ở những nơi tiếp giáp chiến trường; hơn 1.000 tấn gạo, 100 tấn muối và thực phẩm đã được vận chuyển tới các kho. Vũ khí, đạn dược cũng được vận chuyển đến vị trí quy định. Ngoài vũ khí trang bị hiện có trong biên chế, bộ đội còn được trang bị thêm súng ĐKZ 57mm4.

Nhằm nghi binh lừa địch, Bộ Tư lệnh Liên khu đã chỉ đạo các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức lực lượng vũ trang và nhân dân hoạt động rầm rộ, tiến công các cứ điểm địch trên địa bàn, diệt tề trừ gian, làm cho địch không phán đoán được chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên của ta.

Ngày 20/1/1954, quân Pháp mở đầu cuộc hành binh Átlăng bằng cuộc càn vào tỉnh Phú Yên.  Quân và dân Phú Yên được lệnh kiên quyết chặn đánh địch. Trước tình hình đó, ngày 21/1, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Bắc Tây Nguyên nhận định: Phần lớn lực lượng cơ động của địch đã tập trung ở Phú Yên, nếu đòn tiến công của ta lên Tây Nguyên không đủ sức uy hiếp mạnh thì không buộc được địch điều lực lượng lên đối phó. Từ nhận định trên, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm khẩn trương tiêu diệt 3 cứ điểm của địch: Măng Đen, Măng Bút và Kon Rẫy, đập tan cụm phòng ngự Đông Bắc Kon Tum.

Ngày 26/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng điện Liên khu ủy 5: “Kiên quyết tập trung lực lượng thực hiện kế hoạch đã định; đó là cách tốt nhất phá âm mưu của địch và bảo vệ vùng tự do, hiện nay Liên khu V phải nắm vững việc đánh giặc là nhiệm vụ trung tâm thứ nhất. Tất cả các công tác khác phải phục vụ việc đánh giặc5.

Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Vâng lệnh Hồ Chủ Tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện các chỉ thị và mệnh lệnh trên, đêm 26/1, các đơn vị trên hướng Đường 19 - An Khê nổ súng tiêu diệt địch, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên bắt đầu. Đêm 27/1, ta đồng loạt tiến công 3 cứ điểm Măng Đen, Măng Bút và Kon Rẫy. Ngày 28/1, ta làm chủ toàn bộ 3 cứ điểm. Cụm phòng ngự then chốt của quân Pháp ở Bắc Tây Nguyên bị đập tan chỉ trong 1 đêm.

Phát huy chiến quả, Trung đoàn 108 tiến công giải phóng Bắc Kon Tum; Trung đoàn 803 áp sát, uy hiếp địch ở thị xã Kon Tum, cắt Đường 14 đoạn Pleiku - Kon Tum; Trung đoàn 120 phát triển lên phía Tây đèo Mang Giang. Để tránh bị tiêu diệt, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp lệnh cho Đờ Bôpho rút lực lượng khỏi thị xã Kon Tum, co cụm về Pleiku, tạm dừng cuộc hành quân Átlăng ở Phú Yên; đưa phần lớn lực lượng lên phòng ngự Tây Nguyên. Địch bố trí lại Binh đoàn số 100 giữ Pleiku, Binh đoàn số 11 và 21 giữ Đường 19 - An Khê, Binh đoàn số 41 và 42 giữ Nam Tây Nguyên, đồng thời làm lực lượng dự bị cho các hướng; ở đồng bằng, Binh đoàn số 10 giữ thị xã Tuy Hòa; có 6 tiểu đoàn địch ở Ninh Hòa, Nha Trang (Khánh Hòa) làm lực lượng dự bị.

Về ta, bộ đội chủ lực Liên khu cùng các lực lượng địa phương đã tiến công các đồn bót còn lại của địch, giải phóng toàn tỉnh Kon Tum vào ngày 7/2/1954.

Đầu tháng 2/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định sử dụng các trung đoàn 108 và 803 phát triển tiến công về hướng Pleiku; đồng thời, nhanh chóng ổn định vùng mới giải phóng, củng cố phát triển lực lượng ta. Trong đợt này, ta tiêu diệt được cứ điểm Đắk Đoa (17/2/1954), thọc sâu vào trung tâm thị xã Pleiku, chặn đánh các đoàn xe tiếp tế của quân Pháp trên Đường 19. Ngày 17/2/1954, Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên kết thúc. Trải qua 20 ngày đêm chiến đấu liên tục (26/1/1954 - 17/2/1954), ta đã diệt hơn 2.000 quân địch, bắt 310 tên6, giải phóng tỉnh Kon Tum, buộc quân Pháp phải tạm dừng cuộc hành quân Átlăng, góp phần phân tán lực lượng cơ động chiến lược của địch. Đây là thắng lợi lớn của quân và dân Liên khu 5 trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954. Với thắng lợi này, vùng giải phóng đã mở rộng liên hoàn từ Quảng Nam - Quảng Ngãi lên Kon Tum sang Hạ Lào. Chiến trường Đông Dương đối với địch đã bị cắt đôi, thế trận phòng ngự của địch bị phá vỡ. Ta dồn địch vào thế phòng ngự bị động.

Tuy bị thiệt hại nặng, buộc phải bị động chống đỡ, nhưng quân Pháp vẫn tiếp tục thực hiện bước 2 của cuộc hành quân Átlăng. Địch chủ quan cho rằng lực lượng vũ trang Liên khu 5 đã đuối sức, hết khả năng đánh lớn sau khi tiến công cứ điểm Đắk Đoa và thọc sâu vào Pleiku. Theo đó, ngày 10/3/1954, quân Pháp ở Bắc Phú Yên theo đường bộ tiến ra Bình Định. Ngày 12/3/1954, quân Pháp đổ bộ đường biển vào Quy Nhơn. 

Một ngày sau khi quân Pháp đổ bộ vào Quy Nhơn, trên chiến trường Bắc Bộ, quân ta tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (13/3/1954). Trên chiến trường Tây Nguyên, sau chiến thắng Đắk Đoa (17/2/1954), Trung đoàn 803 tiến xuống Nam Đường 19. Đờ Bôpho lệnh cho Binh đoàn số 100 hành quân càn quét. Chiều 20/3/1954, một bộ phận lực lượng của Binh đoàn số 100 đến Plei Ring. Rạng sáng ngày 21/3, Trung đoàn 803 tiến công địch ở Plei Ring. Sau hơn 2 giờ chiến đấu, diệt và làm bị thương hơn 600 lính Âu Phi, phá hủy hàng chục xe, pháo, đánh thiệt hại nặng binh đoàn cơ động 1007. Thắng lợi của trận đánh góp phần làm đảo lộn bước 2 cuộc hành quân Átlăng, buộc Binh đoàn số 100 phải rút về Pleiku để củng cố và tăng cường bảo vệ khu vực ngã ba Đường số 7, Đường số 14.

Cánh quân Pháp đang trên Đường 19 tiến xuống Bình Định phải dừng lại ở Thượng An-Đầu Đèo. Lực lượng địch gồm: Tiểu đoàn số 17, 1 đại đội pháo binh, 1 đại đội công binh. Ngày 30/3/1954, Trung đoàn 108 tiến công tiêu diệt gọn quân địch. Đây là trận đánh đạt hiệu suất cao, ta đánh bại chiến thuật co cụm của tiểu đoàn địch.

Trong tháng 4/1954, Trung đoàn 803 cùng các lực lượng địa phương tiến công phá vỡ từng mảng phòng ngự của địch ở Nam Tây Nguyên. Pháp buộc phải rút Binh đoàn số 42 đang ở Bình Định quay về phòng ngự Đường 7; Binh đoàn số 41 ở Bình Định cũng phải rút về phòng ngự thị xã Tuy Hoà. Đến cuối tháng 4/1954, Nava rút Binh đoàn số 11 và 21 cùng một số tiểu đoàn ngụy đi ứng cứu các chiến trường khác. Quân Pháp ở địa bàn Liên khu 5 co cụm vào các thị xã, thị trấn để phòng ngự. Tình hình địch ngày càng rệu rã. Quyền chủ động tiến công trên toàn chiến trường thuộc về lực lượng vũ trang Liên khu 5. Cuộc hành quân Átlăng của thực dân Pháp bị thất bại.  

 

Cùng với cả nước, quân và dân Liên khu 5 không những đã giành và giữ được thế chủ động tiến công, mà còn giáng cho địch những đòn đánh táo bạo, quyết liệt, làm cho địch bị tổn thất nặng nề, làm thế trận của chúng bị phá vỡ. Quân Pháp từ thế chủ động mở cuộc hành quân Átlăng vào Phú Yên, Bình Định, sau đó buộc phải rút lực lượng về co cụm phòng ngự, bị động chống đỡ những đòn tiến công của ta ở Tây Nguyên, buộc phải đánh theo cách đánh của ta; âm mưu bình định vùng tự do Nam-Ngãi-Bình-Phú, xây dựng lực lượng cơ động mạnh của Nava bị thất bại. Đánh bại cuộc hành quân Átlăng quân và dân Liên khu 5 đã góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, cùng cả nước kết thúc thắng lợi 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Trung tướng Nguyễn Long Cáng - Tư lệnh Quân khu 5
Tham luận tại Hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 – 7/5/2019)