
Tự hào là “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”, bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào các dân tộc Việt Bắc lại làm hết sức mình, xây dựng quê hương thành căn cứ địa kháng chiến, nhanh chóng củng cố chính quyền, xây dựng thế trận và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, góp sức cùng cả nước lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, góp phần vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Sang năm 1953, nhằm cứu vãn tình thế trên chiến trường, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava nhằm tăng cường lực lượng, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định khu vực Nam Đông Dương. Phán đoán được ý đồ của địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở “Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954” với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố tiên quyết là sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, trong đó, có đóng góp xứng đáng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc.


Bộ đội cùng đồng bào xẻ núi, làm đường vào trận địa.( Ảnh: TTXVN)
Bộ đội cùng đồng bào xẻ núi, làm đường vào trận địa.( Ảnh: TTXVN)
Với vai trò là hậu phương của Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Bắc ngày đêm chiến đấu trên các tuyến giao thông huyết mạch tiếp vận cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Liên khu, các địa phương huy động với nỗ lực cao nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ giao thông. Ban đường sá từ cấp Khu đến các xã ven đường chiến lược nối từ Việt Bắc tới Điện Biên Phủ được thành lập, với đủ đại diện của các ngành Quân - Dân - Chính - Đảng. Quân và dân Thái Nguyên, Bắc Kạn đã san lấp hàng vạn mét khối đất đá trên tuyến vận tải từ Quán Vuông, Định Hóa ra mặt trận. Quân và dân Bắc Giang phối hợp cùng công binh của Bộ và thanh niên xung phong mở 87km đường mới nối thông Đường 13 với Đường 41, hình thành tuyến giao thông chủ yếu từ Việt Bắc lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch. Lực lượng bảo đảm các bến phà, các ngầm vượt sông ngày đêm không quản ngại hy sinh gian khổ, bám phà, bám bến, đánh trả máy bay địch, tăng vòng, tăng chuyến đưa hàng vượt sông ra mặt trận an toàn.


Đoàn xe đạp thồ trên đường vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Đoàn xe đạp thồ trên đường vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh hoạt động tác chiến, Liên khu Việt Bắc đã tích cực xây dựng huấn luyện lực lượng tại chỗ, bổ sung cho chủ lực của Bộ số quân tương đương 3 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn phòng không và 1 đại đội trợ chiến. Đồng thời, Liên khu xây dựng 1 trung đoàn chủ lực và 4 đại đội súng máy phòng không ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn để bảo vệ vùng tự do và hệ thống đường giao thông huyết mạch tiếp vận cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Việt Bắc đã động viên mạnh mẽ sức người, sức của cho tiền tuyến. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã huy động đến mức cao nhất nhân tài, vật lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Toàn Liên khu đã có 35.000 lượt người đi dân công hỏa tuyến. Nhiều gia đình cả ba thế hệ cùng ra trận. Hàng nghìn thanh niên nam-nữ từ vùng địch tạm chiếm đã tìm mọi cách vượt qua đồn bốt địch để ra vùng tự do tham gia phục vụ chiến dịch. Trên khắp các nẻo đường từ Việt Bắc lên Điện Biên, các đoàn dân công ngày đêm liên tục gồng gánh, dắt ngựa thồ, đẩy xe đạp thồ đi ra mặt trận. Đồng bào các dân tộc đã tự nguyện quyên góp tiền mua hơn 6.000 chiếc xe đạp để làm xe thồ cho mặt trận. Nhiều sáng kiến vận chuyển được áp dụng nâng năng suất thồ từ vài chục kilôgam lên trung bình 2,5 tạ/chuyến, có kiện tướng Ma Văn Thắng thồ đạt 3,6 tạ/chuyến liên tục trong mấy tháng liền. Hướng về tiền tuyến, tất cả để cho chiến thắng, nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã huy động được 5.229 tấn gạo trong tổng số 25.056 tấn gạo, 454 tấn thịt trong tổng số 907 tấn thịt và hàng trăm tấn các loại lương thực, thực phẩm khác phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ 1.

Trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em các dân tộc Việt Bắc đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, nêu những tấm gương sáng chói về tinh thần xả thân cho thắng lợi cuối cùng của chiến dịch như Bế Văn Đàn, Phùng Văn Khầu... Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Liên khu Việt Bắc có 12 đồng chí đã được Đảng, Quốc hội và Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Việt Bắc đã đóng góp một phần không nhỏ sức người, sức của và tinh thần hy sinh xương máu cho độc lập và tự do của Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Trong tác chiến Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang Việt Bắc đã tham gia đánh 754 trận đánh lớn nhỏ, diệt 9.763 tên địch, làm bị thương 2.500 tên, bắt và gọi hàng 2.095 tên; bắn rơi 9 máy bay, bắn cháy 41 xe tăng, xe bọc thép, 292 xe quân sự, đánh chìm 15 canô và xà lan, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; làm tan rã nhiều tổ chức phản động, gọi hàng hàng ngàn tên phỉ và biệt kích địch…, phá tan âm mưu hậu chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Điện Biên phủ diễn ra và giành thắng lợi2.
Việt Bắc là nơi diễn ra những trận quyết đấu đầu tiên của cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp. Cũng từ đây, Quân đội ta từng bước trưởng thành và phát triển toàn diện cả về số lượng và nghệ thuật tác chiến. Từ Việt Bắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, một chặng đường dài đầy gian khổ, trường kỳ và anh dũng suốt chín năm của dân tộc ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của Pháp. Nhân dân các dân tộc Việt Bắc mãi tự hào về quê hương - Thủ đô kháng chiến, che chở, bảo vệ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy đứng chân an toàn để lãnh đạo kháng chiến, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công, thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Việt Bắc - Quân khu 1 hôm nay không ngừng đổi mới, cùng nhân dân cả nước vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Việt Bắc nguyện đoàn kết một lòng xung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, hăng hái phấn đấu trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, xây dựng Việt Bắc trở thành một vùng kinh tế giàu đẹp, có văn hóa phát triển, mạnh về quốc phòng - an ninh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước.

Thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ: Tổ chức xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý. Ngày nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của chúng ta có sự phát triển về nhiều mặt với yêu cầu cao hơn, song những bài học kinh nghiệm về tổ chức xây dựng lực lượng, tổ chức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của Căn cứ địa Việt Bắc vẫn còn nguyên giá trị.
Vận dụng bài học kinh nghiệm quý báu đó vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, lực lượng vũ trang Quân khu 1 và các địa phương trên địa bàn đã tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc; tăng cường quán triệt, vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ.
Theo đó, lực lượng vũ trang Quân khu 1 và các địa phương trên địa bàn đã thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần của vùng Căn cứ địa Việt Bắc. Trong đó, các địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng, mục tiêu, lý tưởng của Đảng cho nhân dân các dân tộc; xây dựng, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng được khối đoàn kết toàn dân “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở để xây dựng Căn cứ Việt Bắc vững mạnh trong tình hình mới. Trong đó, các địa phương đã tập trung xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, nhất là chất lượng sinh hoạt đảng, tính chiến đấu của từng tổ chức đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng chính quyền các cấp thực sự của dân, do dân, vì dân. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ dân tộc thiểu số được chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt, làm cơ sở nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.

Quân khu 1 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. (Ảnh: UBND tỉnh Thái Nguyên)
Quân khu 1 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. (Ảnh: UBND tỉnh Thái Nguyên)
Cùng với đó, các địa phương còn chăm lo xây dựng tiềm lực kinh tế, phát triển văn hóa, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng Căn cứ địa Việt Bắc. Những năm qua, mặc dù kinh tế của vùng Căn cứ địa Việt Bắc còn nhiều khó khăn, song việc xây dựng tiềm lực kinh tế của khu vực phòng thủ các huyện đã đạt nhiều kết quả quan trọng; tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đều được gắn với quy hoạch, kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện theo tư tưởng chỉ đạo “mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng”. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương đã tập trung phát huy nội lực, tăng cường mở rộng liên doanh, liên kết để phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng trên địa bàn, nhất là đường giao thông, điện, trường học, trạm y tế được xây dựng, củng cố, vừa phát huy hiệu quả trong sản xuất và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dân sinh, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi cần thiết.
Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, các địa phương đã từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận thông tin đại chúng, hiểu rõ tình hình của đất nước, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tích cực đổi mới các hình thức và nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; tăng cường giáo dục truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, giúp đồng bào nâng cao cảnh giác cách mạng, ý thức đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của quê hương, của dân tộc, của nhân dân Việt Bắc cách mạng, thủy chung, ân nghĩa “Quê hương cách mạng dựng lên cộng hòa”; đồng thời, nhận rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương và lực lượng vũ trang Quân khu còn đẩy mạnh tuyên truyền vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, không để các lực lượng xấu kích động, xúi giục đi theo các tôn giáo phản động; đặc biệt, quan tâm đầu tư thích đáng cho giáo dục, xây dựng trường lớp khang trang, nâng cao đời sống giáo viên, không để trẻ em thất học, hoàn thành phổ cập tiểu học...; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, v.v...

Lãnh đạo Quân khu 1 kiểm tra công tác vật chất, trang bị các thành phần tham gia diễn tập. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Lãnh đạo Quân khu 1 kiểm tra công tác vật chất, trang bị các thành phần tham gia diễn tập. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Hiện nay, Quân khu đang tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục, huấn luyện, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu,… bảo đảm đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Từ kinh nghiệm xây dựng Căn cứ Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang Quân khu còn thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ của “đội quân công tác”, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, như: “xóa đói giảm nghèo”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,… góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày thêm vững chắc. Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh của các địa phương trên các lĩnh vực, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Từ thắng lợi của Điện Biên Phủ cách đây 65 năm, chúng ta càng thấy rõ tầm nhìn chiến lược, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo dựng mọi điều kiện để Việt Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng và đưa công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi huy hoàng. Việc tổ chức, xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, cần phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trung tướng Dương Đình Thông - Chính ủy Quân khu 1
Tham luận tại Hội thảo Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (7/5/1954 – 7/5/2019)
Trình bày: Phương Trang
