QUAN HỆ QUỐC TẾ PHẢI ĐƯỢC CÔNG BẰNG

Tháng 7 năm 1997

Đồng chí Nguyễn Văn Linh trong lần về thăm Trường Phổ thông trung học Ngô Quyền. 

Đồng chí Nguyễn Văn Linh trong lần về thăm Trường Phổ thông trung học Ngô Quyền. 

Người viết bài này, từ Đại hội VI đã cùng với một số cán bộ khác chủ trương: Việt Nam không nên chỉ có quan hệ quốc tế với Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (cũ) mà nên có quan hệ làm ăn kinh tế, v.v. với các nước tư bản chủ nghĩa, kể cả với tư bản Mỹ.

Trên mười năm qua, chủ trương ấy đã lần lần được thực hiện. Sang thế kỷ XXI chủ trương trên sẽ không thay đổi.

Nhưng bên cạnh những mặt tốt cần tiếp tục làm tốt thêm để cùng nhau mưu cầu lợi ích chung, nên cần thành khẩn rút ra những gì còn chưa tốt để cùng sửa đổi.

Có rất nhiều điều cần sửa đổi mà phạm vi bài báo này chưa thể nêu ra hết được. Chỉ xin đặt một vấn đề đang nổi cộm là: quan hệ quốc tế giữa các nước lớn cũng như nhỏ trên thế giới phải được công bằng.

Dưới đây xin nêu một số vấn đề:

- Khi nhiều nước tư bản đã lần lượt đặt quan hệ làm ăn với Việt Nam, thì tư bản Mỹ viện ra nhiều lý do để tiếp tục cấm vận Việt Nam! Mãi đến mấy năm qua Mỹ mới bỏ cấm vận, nhưng lại lần lượt đặt ra nhiều vấn đề ép Việt Nam để có lợi cho họ. Nổi cộm là vấn đề truy tìm lính Mỹ mất tích và tìm hài cốt lính Mỹ chết ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong khi đó Mỹ không đả động gì đến lính úc, Nam Triều Tiên, Thái Lan, v.v.. Đặc biệt là với lý do không chính đáng Mỹ đã đem các đội quân tinh nhuệ, các võ khí giết người hàng loạt, kể cả chất độc da cam, chỉ trừ có bom nguyên tử, giết hại binh lính, thường dân Việt Nam ở cả miền Nam lẫn miền Bắc.

Trên đây là mấy điều bất công nổi cộm nhất mà đến ngay cả một số người Mỹ có lòng nhân đạo cũng bằng cách này hay cách khác, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nêu ra.

Chính phủ Việt Nam vì lòng nhân đạo, vì muốn có quan hệ tốt với Mỹ đã để cho máy bay Mỹ cùng với lính Việt Nam đi lùng sục khắp miền rừng núi có quân Mỹ đã đóng và chiến đấu với quân ta. Trong khi đó ở một số địa phương, các bạn chiến hữu Việt Nam phải góp sức lại, băng đồng lội rừng tìm hài cốt đồng đội đã hy sinh đem về chôn ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng Mỹ không đả động gì, không giúp đỡ gì, chỉ một mục kêu ca Việt Nam không đem hết sức giúp đỡ tìm hài cốt lính Mỹ. Và họ còn lớn tiếng kêu rằng việc này đã có ảnh hưởng không tốt đến cuộc hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.

Gần đây Chính phủ Việt Nam có đặt Mỹ phải giúp đỡ đồng bào các vùng trước đây Mỹ rải chất độc màu da cam, nhưng Mỹ chưa trả lời gì rõ ràng.

Sau mấy đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968, Mỹ họp hội nghị Pari, buộc lòng phải lần lượt rút quân khỏi Việt Nam, ra sức giúp quân ngụy đánh lại quân ta với chủ trương "đổi màu da của xác chết". Họ hứa sẽ trả ta hơn ba tỷ đôla (không phải để bồi thường chiến tranh). Nhưng đã hơn 20 năm qua, Mỹ đã không đưa cho ta một đồng xu nhỏ nào, mà trái lại còn đặt nhiều vấn đề như đòi Chính phủ Việt Nam phải trả nợ cả vốn lẫn lãi cả trăm triệu đôla mà Mỹ cho ngụy quân Sài Gòn vay để chống nhân dân ta.

- Về lĩnh vực kinh tế, tư bản Mỹ đem vốn và công nghệ vào làm ăn với ta thì ít, mà đem hàng tiêu dùng vào bán ở ta thì nhiều, thậm chí có những mặt hàng trong nước ta đã sản xuất được, chất lượng không thua kém gì của Mỹ, nhưng Mỹ vẫn đem vô bán, có nhiều món lậu thuế bán với giá rẻ cạnh tranh có lợi hơn hàng của ta. Họ làm quảng cáo rùm beng trên báo chí, trên đài, tivi trả công cao, còn hàng của ta không thể có tiền quảng cáo như của họ, nên trên thương trường bị thua thiệt.

Đặc biệt nhân dân ta tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng so với chục năm trước có khá hơn nên lại chạy theo sắm hàng ngoại. Ta không đặt vấn đề cấm nhập hàng ngoại, những hàng trong nước ta chưa sản xuất được, nhưng khi nhập phải đóng thuế đầy đủ. Đồng thời ta cũng giáo dục, tuyên truyền đồng bào dùng hàng hóa do nước ta sản xuất (chất lượng phải phấn đấu nâng lên bằng hàng ngoại) với tinh thần yêu nước, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, nhất là khi Đại hội VIII đã đặt chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để kết thúc, người viết bài này mong rằng tới đây Nhà nước Việt Nam ta phải tìm mọi biện pháp để làm cho quan hệ làm ăn trên thương trường quốc tế phải được công bằng.

Vấn đề đặt ra không phải là xin xỏ tư bản ngoại quốc mà là giải quyết việc quản lý và các chính sách ở trong nước ngày càng tốt, càng có lợi cho nền kinh tế nước nhà, cho đời sống nhân dân ta và nhất là tạo điều kiện cạnh tranh ngay với cả nước tư bản phát triển, nắm vững nguyên tắc hợp tác cùng có lợi. Có như thế thì quan hệ quốc tế mới được công bằng.

Bài đăng trên Báo Sài Gòn giải phóng, số 7199, ngày 26 tháng 7 năm 1997.
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN