Tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư nhà nước:

VỐN ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG

Tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đến năm 2025, việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được hoàn tất. Để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Quốc hội đã giao Chính phủ tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sớm trình dự thảo sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tài chính quan trọng, then chốt này.

PHÁT HUY THẾ MẠNH
TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Bộ Tài chính cho biết, trong những năm vừa qua, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 cơ bản đã được tái cơ cấu toàn diện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc trong các năm từ 2016-2022 cho thấy, số lượng doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có sự thay đổi giảm đáng kể từ 583 doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn 478 doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2022, tức là giảm được 105 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu vốn giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô doanh nghiệp và có đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn nhà nước vẫn tiếp tục đóng vai trò thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như: năng lượng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ viễn thông vẫn đang được các doanh nghiệp có vốn nhà nước phát huy thế mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Về mặt xã hội, doanh nghiệp có vốn nhà nước đã tạo việc làm cho gần một triệu người lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Thực trạng tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước trong giai đoạn 2015-2022 cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 827 doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 được tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và báo cáo tài chính riêng của các doanh nghiệp còn lại cho thấy tổng tài sản là 3.927.466 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021.

Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 31% tổng tài sản, trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con (tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con) có tổng tài sản là 3.553.091 tỷ đồng, chiếm 90% tổng tài sản của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu là 1.845.505 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con là 1.635.920 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021, chiếm 89% tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp.

Tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 827 doanh nghiệp là 1.720.837 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021 (doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.556.863 tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 163.974 tỷ đồng).

Tổng doanh thu đạt 2.752.607 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con là 2.504.988 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, chiếm 91% tổng doanh thu của các doanh nghiệp.

Lãi phát sinh trước thuế đạt 247.905 tỷ đồng, tăng 23% so với năm  2021. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con là 224.495 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp.

Tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 391.550 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021, chủ yếu thu từ hoạt động kinh doanh nội địa (chiếm 75% tổng số phát sinh phải nộp ngân sách Nhà nước). Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ-con là 337.903 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2021, chiếm 86% tổng số phát sinh phải nộp của các doanh nghiệp.

SẮP XẾP THEO HƯỚNG
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ

Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, có thể thấy, phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp trong thời gian qua đã thu hẹp, không còn dàn trải và được sắp xếp theo hướng tập trung đầu tư. Theo đó, nguồn vốn này được đưa vào 4 lĩnh vực: doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2016-2022, nhà nước đã đầu tư 200.824,79 tỷ đồng vào các doanh nghiệp, đồng thời với việc cơ cấu lại nguồn vốn để đạt được hiệu quả, hiệu lực cao. Theo đó, các chính sách về cổ phần hóa trong giai đoạn 2015-2022 được ban hành đồng bộ, thống nhất, kịp thời theo đúng chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Các chính sách này thường xuyên được tổng kết, sửa đổi để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trong đó, đặc biệt là các quy định về xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa được hoàn thiện theo hướng xác định đầy đủ và chính xác hơn, nhằm hạn chế tối đa khả năng thất thoát vốn và tài sản nhà nước; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức/cá nhân trong quá trình tổ chức triển khai cổ phần hóa; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào quá trình này; hướng dẫn rõ doanh nghiệp cổ phần hóa phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định trước khi tiến hành cổ phần.

Căn cứ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được duyệt theo quy định doanh nghiệp lập phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp và tiếp tục kế thừa sử dụng sau khi cổ phần hóa giúp doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp theo Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày xuất bản: 18/9/2024
CHỈ ĐẠO: KIM PHƯƠNG BÌNH
THỰC HIỆN: NHÓM PHÓNG VIÊN