Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, thuật ngữ “trí thức” bắt nguồn từ “интеллигенция” trong tiếng Nga thế kỷ XIX. Theo đó, trí thức được xem là những người có nền tảng giáo dục bài bản, mang tinh thần phê phán hiện thực và nêu cao giá trị đạo đức xã hội[1]. Đến nay, khái niệm “trí thức” (интеллигенция) trong tiếng Nga vẫn được định nghĩa là một nhóm người lao động trí óc trong xã hội, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực sáng tạo có tính chất phức tạp; phát triển và phổ biến giáo dục, văn hóa và có sự khác biệt về những khát vọng tinh thần, đạo đức, nghĩa vụ và danh dự[2].

Một số ý kiến khác cho rằng, thuật ngữ “trí thức” bắt nguồn từ “intellectuel” - xuất hiện lần đầu tiên trong tiếng Pháp năm 1898 tại một bản kháng án đòi minh oan, phục hồi danh dự cho một quân nhân Pháp. Cho đến năm 1906, Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là Clemenceua đã ký ban hành một văn bản gọi là “Tuyên ngôn của trí thức” (Manifeste Des Intellectuels)[1]; và từ đây, thuật ngữ “trí thức” dần được đưa vào sử dụng chính thức trong các từ điển tiếng Pháp, là thuật ngữ dùng để chỉ những thứ thuộc về đời sống tinh thần, trí tuệ và lao động trí óc hoặc dùng để chỉ tầng lớp có văn hóa, biết bảo vệ lương tri và công lý xã hội.

Trí thức ra đời là hệ quả của lịch sử phân công lao động xã hội. Trí thức xuất hiện khi trong xã hội có sự phân công lao động sâu sắc giữa lao động chân tay và lao động trí óc.
C. Mác và Ph. Ăng-ghen

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã sớm nhận thấy trí thức là vấn đề lớn, phức tạp, cần được nghiên cứu sâu sắc. Theo C. Mác và Ph. Ăng-ghen, trí thức ra đời là hệ quả của lịch sử phân công lao động xã hội. Trí thức xuất hiện khi trong xã hội có sự phân công lao động sâu sắc giữa lao động chân tay và lao động trí óc. C. Mác nhận định: “Phân công lao động chỉ trở thành sự phân công lao động thực sự từ khi xuất hiện sự phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần”[2].

Trong xã hội tư bản, C. Mác gọi những người lao động trí óc là “kẻ lao động làm thuê”; khi họ giác ngộ lập trường của giai cấp công nhân thì Ph. Ăng-ghen gọi đó là “giai cấp vô sản lao động trí óc” - tầng lớp trí thức mới của giai cấp công nhân. Theo V.I. Lê-nin, trí thức là “tầng lớp đặc biệt”, “bao hàm tất cả mọi người có học thức,... các đại biểu của lao động trí óc”[3].

Có thể thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đều nhìn nhận trí thức là một tầng lớp xã hội trung gian, gắn bó mật thiết với các giai tầng khác, thường phụng sự giai cấp thống trị và có đặc trưng cơ bản là có học thức và thường xuyên lao động trí óc, là lực lượng không thể thiếu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. (Ảnh tư liệu)

Ở Việt Nam, kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về trí thức, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất, đặc trưng của trí thức. Người chỉ rõ: “Trí thức là hiểu biết... Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song... công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế[4].

Điều đó có nghĩa là, ngoài việc có học thức, người trí thức phải có năng lực thực hành và ứng dụng, vận dụng hiểu biết của mình để phục vụ trực tiếp cho xã hội.

Trí thức là hiểu biết... Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức MỘT NỬA. Trí thức của y là trí thức HỌC SÁCH, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào THỰC TẾ.
-------------------------
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa X, Đảng ta lần đầu tiên đưa ra quan niệm có tính chất định nghĩa về trí thức: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội[5].

Như vậy, trên thế giới đã xuất hiện nhiều cách định nghĩa khác nhau về “trí thức”; tuy nhiên, mỗi định nghĩa chỉ thể hiện được một phương diện nhận thức nhất định, nhằm trừu tượng hóa, khái quát hóa nhóm đặc điểm, tính chất nào đó của đối tượng, không thể bao gồm hết nội hàm phức tạp của đối tượng. Mặc dù vậy, chúng ta cũng có thể tìm thấy một số nội hàm có những thuộc tính chung được đề cập trong các quan niệm về trí thức là:

Thứ nhất, trong xã hội có đối kháng giai cấp, trí thức là một tầng lớp xã hội trung gian đặc biệt. Sở dĩ như vậy là do trong lao động xã hội, trí thức không có quan hệ riêng và trực tiếp với tư liệu sản xuất chủ yếu, không đại diện cho một phương thức sản xuất nào; trí thức thường gắn liền và phụng sự lợi ích của giai cấp thống trị. Trí thức cũng không có hệ tư tưởng riêng, mà thường đi theo hệ tư tưởng của giai cấp thống trị, đứng trên lập trường của giai cấp thống trị. Trí thức có xuất thân không thuần nhất, có mối liên hệ về kinh tế với các giai cấp khác nhau. Chính vì thế, khi đặt trong cơ cấu giai tầng của xã hội, người ta gọi trí thức là một tầng lớp; nhưng xét về phương diện nguồn lực cho sự phát triển xã hội, trí thức được gọi là một đội ngũ[6].

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức ngày 24/3/2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức ngày 24/3/2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

Thứ hai, dù ở đâu, trong thời kỳ nào, trí thức đều được xác định là những người có trình độ học vấn cao, trình độ chuyên môn sâu và có phông kiến thức phong phú. Trình độ học vấn và chuyên môn của người trí thức được thể hiện không chỉ ở bằng cấp, học hàm, học vị, mà còn ở năng lực sáng tạo, những kinh nghiệm, tri thức quý báu mang tính phổ quát, có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội do họ tự tích lũy, đúc rút được từ quá trình lao động trí óc, tư duy khoa học, với năng lực tư duy độc lập, khả năng sáng tạo. Hơn thế nữa, lao động trí óc của người trí thức là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có tính chuyên nghiệp, có sự ứng dụng tri thức để phát kiến, phát minh ra những sản phẩm (bao gồm cả vật chất và tinh thần). Trong đó, sản phẩm tinh thần do trí thức tạo ra rất khó “định giá”, nhưng thường tác động mạnh mẽ đến sự phát triển mọi mặt trong đời sống xã hội.

Thứ ba, ngoài năng lực tư duy, lao động trí óc, người trí thức đích thực còn có đời sống tư tưởng, tinh thần tích cực, có phẩm chất đạo đức, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm về cộng đồng, luôn cống hiến vì sự phát triển, tiến bộ của con người và xã hội, có lương tri và sẵn sàng bảo vệ công lý. Sản phẩm do họ tạo ra có giá trị dẫn dắt, gợi mở, hướng xã hội đi đến những giá trị chân - thiện - mỹ, vì con người, cho con người, lấy con người làm trung tâm. Nếu người nào có trình độ học vấn cao mà không có những yếu tố về nhân cách, đạo đức và lý tưởng này thì chưa phải là trí thức theo nghĩa tích cực.

(Còn nữa)

[1] Xu Jilin: “Trí thức có chết không?” (tiếng Trung), Tlđd.
[2] C. Mác - Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 45.
[3] V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 8, tr. 372.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 275.
[5] Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008,của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, in trong: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 67, tr. 792 - 793.
[6] Xem: Nguyễn Viết Thông - Lê Thị Sự: Trí thức và vai trò của trí thức trong quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 14 - 15.

Tổ chức thực hiện: PHƯƠNG QUYÊN
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN