THỰC HIỆN QUẢN TRỊ QUỐC GIA HIỆN ĐẠI, HIỆU QUẢ ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH
I. Sự cần thiết thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam được hiểu là quá trình Nhà nước với vai trò là trung tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên những nguyên tắc, chuẩn mực phổ quát của quản trị tốt, sử dụng các công cụ, phương tiện, phương thức phù hợp huy động mọi nguồn lực trong xã hội và sự tham gia của các chủ thể khác nhau để ban hành, tổ chức thực hiện các quyết sách, mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm đưa quốc gia phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Điều này khẳng định tầm nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam về tầm quan trọng của quản trị quốc gia đối với sự phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam đang quan tâm rất sâu sắc đến quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay xuất phát từ những lý do sau đây:
Một là, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá về công nghệ số đang tạo ra một cuộc cách mạng về năng suất, chất lượng, làm thay đổi về tư duy quản trị. Xã hội loài người đang bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những thay đổi tổng thể và toàn diện của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và quốc gia về cách sống, cách làm việc và phương thức lao động, sản xuất, giải quyết vấn đề thực tiễn dựa trên nền tảng số, công nghệ thông minh. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ với trọng tâm là chuyển đổi số, sự phát triển công cụ sản xuất trong nền kinh tế số tạo ra những biến đổi sâu sắc của lực lượng sản xuất, tạo ra những mâu thuẫn với quan hệ sản xuất hiện hữu, hình thành phương thức sản xuất mới, đòi hỏi thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất và quản lý xã hội. Điều đó cũng tất yếu đòi hỏi sự cần thiết phải có nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả đáp ứng với yêu cầu khách quan trong quá trình phát triển ở mỗi quốc gia trong thời đại kỷ nguyên số.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa giúp các quốc gia phát triển nhanh, rút ngắn thời gian trong việc đạt được các mục tiêu quan trọng nhờ áp dụng công nghệ, nhưng cũng có thể làm cho các quốc gia bị bỏ lại phía sau, thậm chí rất xa nếu không biết tận dụng tối đa thành tựu khoa học - công nghệ vào thực tiễn. Điều này đòi hỏi cần phải thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả với tầm nhìn xuất sắc, tư duy đột phá, tập trung nguồn lực và phương thức quản trị phù hợp.
Hai là, nhận thức và tư duy dịch chuyển từ “quản lý” sang “quản trị” ngày càng đầy đủ và đi vào chiều sâu
Tư duy “quản trị” bắt đầu từ khu vực tư, gắn với “quản trị doanh nghiệp”. Gắn liền với “quản trị” là “hiệu quả” quản trị. Hiệu quả là các kết quả, lợi ích đạt được khi đặt trong mối tương quan so sánh với nguồn lực bỏ ra và mục tiêu định trước. Các nguồn lực bỏ ra, như kinh phí, thời gian, công sức, nhân lực... Trên phương diện quản lý công, các kết quả, lợi ích đạt được cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, sự thỏa mãn của những bên liên quan... Hiện nay, không chỉ khu vực tư, khu vực công cũng đã và đang dịch chuyển về tư duy và trong thực tiễn ngày càng chú trọng đến “hiệu quả” trong hoạt động. Đây là điều kiện cần thiết để chuyển đổi theo hướng quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Ba là, khát vọng và mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy tinh thần, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn”. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nước ta trở thành nước đang phát triển, có mức thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Khơi dậy tinh thần, ý chí và khát vọng phát triển đất nước, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Để thực hiện được những mục đích, mục tiêu vô cùng quan trọng này thì không thể không chuyển đổi phương thức quản lý, quản trị. Nếu vẫn duy trì theo phương thức quản lý truyền thống với tư duy cũ thì không thể thực hiện được những mục đích, mục tiêu này. Thực sự cần đến “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”.
Bốn là, các nguồn lực truyền thống trong xã hội ngày càng hữu hạn
Các nguồn lực trong xã hội, như đất đai, tài nguyên... ngày càng hữu hạn. Còn trí tuệ con người, khoa học, công nghệ là vô hạn. Trong khi đó, nhu cầu của người dân và xã hội ngày càng cao, đa dạng, luôn phát triển, đặt ra yêu cầu và thách thức trong quản trị quốc gia vừa phải đáp ứng nhu cầu hiện tại, nhưng cách thức quản trị là làm sao không ảnh hưởng đến tương lai. Chẳng hạn: vừa thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, nhưng cần phát triển bền vững, bảo vệ được môi trường sinh thái... Đồng thời, quản trị quốc gia cũng gắn liền với bài toán “làm thế nào phát huy được tối đa trí tuệ nguồn nhân lực, nguồn lực quan trọng nhất”.
Năm là, môi trường xã hội biến động, phức tạp, không chắc chắn và mơ hồ
Khi xã hội càng phát triển, xu hướng ngày càng có những biến động, phức tạp, không chắc chắn và mơ hồ. Chẳng hạn: khủng hoảng kinh tế, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, cơn bão số 3 vừa xảy ra đối với Việt Nam và một số quốc gia, mạng xã hội với những thật giả không dễ để xác định... Với phương thức quản lý truyền thống sẽ rất khó thích ứng với những vấn đề đó. Điều này đòi hỏi quản trị phải linh hoạt, thích ứng hiệu quả, tức là cần thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
Quản trị quốc gia gắn liền với bài toán “làm thế nào phát huy được tối đa trí tuệ nguồn nhân lực, nguồn lực quan trọng nhất”
Sáu là, sự thành công của nhiều nước trên thế giới trong thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả
Nhiều quốc gia đã và đang thực hiện thành công quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, chẳng hạn như:
- Trung Quốc: để quản trị quốc gia hiện đại và hiệu quả, Trung Quốc tiến hành sửa đổi thể chế, cơ cấu quản trị; xác định lại cơ cấu lợi ích cơ bản, cơ cấu quyền lực và cơ cấu hành động trong hệ thống quản trị quốc gia, xác định địa vị, vai trò, quyền lực và trách nhiệm của chủ thể quản trị, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện quản trị.
- Singapore: nổi tiếng trên toàn thế giới về sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên vật chất và môi trường của mình để có một nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao. Sự thành công của Singapore bắt nguồn từ mô hình quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
- Hàn Quốc: Quản trị quốc gia dựa trên hiệu suất. Để hiện đại hóa nền quản trị quốc gia, Chính phủ Hàn Quốc đã sớm chuyển từ phương thức kiểm soát và quản lý mang tính thủ tục sang quản trị con người dựa trên hiệu quả, minh bạch và sự tham gia. Trong quá trình này, chức năng của chính phủ và vai trò của công dân trong xã hội đã thay đổi. Mối quan hệ giữa chính phủ và công dân từ chỗ cung cấp (Chính phủ đóng vai trò như nhà cung cấp - người dân đóng vai trò là người thụ hưởng) chuyển sang quan hệ đối tác, có nghĩa là chính phủ cùng với người dân điều phối chia sẻ nguồn lực.
II. Thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là giải pháp nền tảng để đất nước vươn mình
1. Luôn chú trọng tiêu chí tính hiện đại và tính hiệu quả trong quản trị quốc gia
Tính hiện đại và tính hiệu quả là những đặc tính và cũng là những tiêu chí quan trọng đối với quản trị quốc gia hiện nay. Hai tiêu chí này cần luôn được chú trọng, thể hiện xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các cá nhân cũng như cả quốc gia. Tính hiện đại được thể hiện như: đẩy mạnh chuyển đổi số, quan tâm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công việc cụ thể... Tính hiệu quả được thể hiện như: tổ chức bộ máy, nhân sự cần được tính kỹ về chi phí, kết quả đạt được; chú trọng phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
2. Thực hiện các giải pháp để đổi mới mạnh mẽ tư duy, luôn chú trọng xác định tầm nhìn, phù hợp với sự phát triển của thời đại
Chúng ta không thể chuyển đổi theo hướng quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả và đạt được mục đích phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, nhân dân hạnh phúc nếu vẫn duy trì tư duy của quá khứ và chỉ dừng lại tư duy của hiện tại. Cần phải có một sự thay đổi mạnh mẽ, triệt để về tư duy và về cách mà chúng ta tư duy. Tầm nhìn xa và tầm nhìn đúng sẽ đạt được nhiều thành công và thành công thường lớn hơn nhiều.
Cần phải có một sự thay đổi mạnh mẽ, triệt để về tư duy và về cách mà chúng ta tư duy.
Chuyển đổi số đòi hỏi phải có nhận thức mới, tư duy mới. Chuyển đổi nhận thức đóng vai trò tiên phong, đưa đến sự quyết tâm, tạo ra những điều kiện tốt để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Đổi mới tư duy và hành động để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi từ “quản lý” sang “quản trị” theo cơ chế mở, tức là chuyển từ các hệ thống đơn thuần theo thứ bậc sang các hệ thống mang tính ngang hàng, đồng cấp, làm cho việc tiếp cận thông tin, loại bỏ các rào cản tương tác nhiều hơn, thúc đẩy minh bạch thông tin, quy trình quản trị của Nhà nước, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành của Nhà nước phải cải cách mạnh mẽ thể chế và thủ tục hành chính.
Chuyển đổi số làm cho sự kết hợp giữa người và máy ngày càng phổ biến hơn, làm cho việc ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn dựa trên cơ sở dữ liệu, điều này đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, có đủ năng lực tư duy, xây dựng và ứng dụng cơ sở dữ liệu vào thực tiễn công việc.
Cần phải thường xuyên chú trọng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để đổi mới tư duy
Thực tiễn hiện nay, còn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức tư duy còn lạc hậu hoặc không theo kịp với sự chuyển đổi của thực tiễn. Vì vậy, cần phải thường xuyên chú trọng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng để đổi mới tư duy; đồng thời xây dựng môi trường làm việc và môi trường xã hội thúc đẩy tư duy đổi mới, trong đó vai trò của những nhà lãnh đạo, quản lý là đặc biệt quan trọng.
Sự chuyển đổi luôn đi cùng với những thách thức, thậm chí rủi ro và cả nỗi sợ trước cái mới, vượt quá khả năng và ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân nên càng cần phải sát sao để thực hiện các giải pháp cụ thể khác nhau làm cho mỗi cá nhân vượt qua nỗi sợ cái mới.
3. Đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Nếu không có nguồn nhân lực có chất lượng thì không có chủ thể tương xứng để thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Nguồn nhân lực có chất lượng, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thành công quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là đặc biệt quan trọng, được chia thành các nhóm:
- Những tinh hoa lãnh đạo, quản lý có tầm và tư duy chiến lược rất tốt.
- Những nhà khoa học, chuyên gia, chuyên viên giỏi.
- Một đội ngũ những người lãnh đạo doanh nghiệp có năng lực phát triển mạnh và có khả năng khẳng định thương hiệu toàn cầu.
- Một đội ngũ lao động chuyên nghiệp trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về các chủ thể thực hiện chức năng quản trị: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; Nhà nước là chủ thể trung tâm thực hiện chức năng quản trị; các tổ chức, cá nhân là chủ thể phối hợp, tham gia. Các chủ thể thực hiện chức năng quản trị cần phải đáp ứng được yêu cầu thực hiện quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trên các phương diện về tư duy, tầm nhìn, năng lực thực hiện, đáp ứng kịp thời sự thay đổi, phát triển.
4. Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước
Thể chế thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước là một giải pháp rất quan trọng, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội và sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Thể chế thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, bao gồm nhiều yếu tố, trong đó cần chú trọng thể chế về ứng dựng công nghệ, đầu tư cho phát triển công nghệ (bao gồm cả nhân lực công nghệ) và huy động tổng lực về nguồn lực và sự tham gia của các cá nhân, tổ chức đối với sự phát triển đất nước.
Thể chế thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước cần phải chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia thông qua việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ, các mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cho phù hợp với kỷ nguyên số có vai trò rất quan trọng, có đặc điểm là chủ động, chấp nhận những đổi mới, sáng tạo và những thử nghiệm mới. Thực sự thể chế cần phải đi trước một bước khi đã xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu và dự kiến chuẩn bị nguồn lực để triển khai.
Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam, phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số và xã hội số. Thể chế và hành lang pháp lý hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tiến trình chuyển đổi số, do chuyển đổi số đang đặt ra những thực tiễn mới, yêu cầu mới mà công tác quản lý, quản trị, cơ sở pháp lý, chính sách cần phải thay đổi cho phù hợp. Không thể đổi mới mô hình tăng trưởng khi những rào cản thể chế, chính sách chưa được giải quyết.
5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số quốc gia; đầu tư cho phát triển công nghệ (bao gồm cả nhân lực công nghệ)
Chuyển đổi số thực chất là cuộc cách mạng về tư duy, hướng đến một hình thái tổ chức xã hội mới dưới sự tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số đã phát triển đến một cấp độ cao, đòi hỏi xã hội và phương thức quản trị xã hội phải chuyển đổi để thích ứng với những điều kiện mới.
Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số theo hướng chủ động tham gia và làm chủ các nền tảng căn bản, chúng ta cần lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa học, công nghệ. Cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, triển khai, trong đó chú trọng nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa kết quả. Lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ cho một số ngành và lĩnh vực then chốt.
Chuyển đổi số đi liền với việc phát triển triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ trong nước để có thể khai thác các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa...
Cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực công nghệ. Vấn đề đầu tư và định hướng phát triển các công nghệ chủ đạo, trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, có nguồn nhân lực để thực hiện và cần sự phối hợp của các đơn vị, cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, phát triển trên diện rộng cùng với sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, cần quan tâm thị trường khoa học - công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ.
Việc xác định rõ các trọng điểm đầu tư, phát triển để tập trung đầu tư nguồn lực cho đúng và đủ mạnh. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là không thể thiếu được, là sự đầu tư dài hạn, mang tính chiến lược và cũng đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn.
6. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội và sự tham gia của nhiều chủ thể trong quản trị quốc gia
Sự dịch chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị kéo theo cách tiếp cận đa chủ thể trong quản trị nhà nước. Đồng thời, chú trọng huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Tức là cần có tư duy và cách làm theo hướng huy động “tổng lực” trong quản trị quốc gia. Điều đó càng khẳng định tiêu chí về tính hiệu quả của quản trị quốc gia.
7. Chú trọng chất lượng phát triển, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững
Sự phát triển đất nước cần chú trọng chất lượng phát triển, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững. Chất lượng phát triển dựa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, giá trị gia tăng cao từ sản phẩm, hàng hóa. Gắn liền với chất lượng phát triển hiện nay là xu thế cần phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn./.
PGS, TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia
Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 15/11/2024.
Trình bày: T. Lâm
Ảnh: TTXVN