Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam ra đời. 80 năm qua (1944 - 2024), những chiến công oanh liệt trong quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được nhiều nước trên khắp năm châu hết lòng ca ngợi. Song, sẽ thiếu khách quan, khoa học nếu chúng ta không đề cập đến những nhận xét, đánh giá của chính các thế lực đã đối đầu với Quân đội nhân dân Việt Nam - một đối thủ mà chính các tướng lĩnh, chính khách của Pháp, Mỹ sau hàng chục năm, khi chiến tranh đã kết thúc vẫn chưa lý giải nổi vì sao, quân đội của họ - với tiềm lực quân sự mạnh, trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại, tối tân hơn Quân đội nhân dân Việt Nam gấp bội mà không thắng nổi. Phạm vi bài viết xin đề cập một số nhận định, đánh giá của các tướng lĩnh, chỉ huy quân đội Pháp, Mỹ về Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có nhiều ý nghĩa đặc biệt. Là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản và quyết định để buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ chuẩn bị diễn ra, cũng do tin tưởng vào sức mạnh của quân Pháp, Chính phủ Pháp cho rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam không có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm như Điện Biên Phủ vì không có những phương tiện tiến công tương ứng, không có không quân để yểm trợ trên không, để oanh tạc sân bay, để vận chuyển lương thực, đạn dược từ hậu phương xa đến chiến trường.
Đồng thời, không có cả xe bọc thép làm lực lượng đột kích chủ yếu khi công phá các cứ điểm, các cụm cứ điểm dẫn bộ binh đánh chiếm lần lượt các cứ điểm và đánh lực lượng đối phương phản kích. Ông Pôn Râynô - Phó Chủ tịch Ủy ban phụ trách các vấn đề Đông Dương đã không ngần ngại hỏi tướng Nava rằng: Với sự tăng viện mà ông đòi hỏi, có thể giúp ông đánh bại kẻ thù vào thời điểm tháng giêng năm 1954 không? Nava đã trả lời chắc chắn rằng: Tôi đang nghĩ như vậy vì kẻ thù đang khốn đốn, hậu phương của họ bị nghiền nát và chúng đã yếu đi[1].
Cùng chung nhận định đó, các chiến lược gia của Pháp cho rằng: Quân đội nhân dân Việt Nam không thể tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nếu Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương tiến công tập đoàn này theo nghệ thuật tiến công thông thường, nghệ thuật tiến công mà các học viện quân sự nổi tiếng ở châu Âu và Bắc Mỹ đã nghiên cứu, giảng dạy từ lâu.
Đối phương có những nhận định, đánh giá như vậy, nhưng khi diễn ra chiến dịch, mặc dù bị địch đánh phá ác liệt nhằm ngăn chặn các tuyến đường nhưng chúng vẫn không ngăn được con đường tiếp tế cho mặt trận Điện Biên Phủ. 10 năm sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Giuyn Roa, cựu Đại tá không quân Pháp phải thừa nhận về tinh thần và ý chí của quân và dân Việt Nam, trong cuốn Trận Điện Biên Phủ: “Mặc dù nhiều tấn bom đã trút xuống các trục lộ giao thông nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt… Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”[2].
Còn đối với các nhà sử học Pháp, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, họ nghiên cứu và đưa ra những lập luận toàn diện hơn về Quân đội nhân dân Việt Nam. Ăngđơrê Tơlie, nhà sử học người Pháp trong cuốn Chiến tranh Việt Nam 1945 - 1975 cho rằng: “Việt Minh sử dụng chiến lược đánh vào tinh thần đối phương”, “chiến lược chiến tranh nhân dân và chiến tranh lâu dài để thắng địch”.
“Chiến lược phòng thủ của Việt Minh dựa vào các chiến khu, căn cứ và tổ chức quấy rối rộng khắp, vì thế đã tỏ ra rất có lợi. Còn chiến lược tiến công thì bao giờ họ cũng tìm cách đạt được tối đa khả năng di động để điều quân và tiến công đối phương”. Khi đúc kết chiến thuật mà Việt Minh thường vận dụng là “hành quân ngắn và hành quân ban đêm vì nó giúp đạt được nhân tố chủ yếu trong trận đánh, tức là sự bất ngờ”, ông viết: “Việt Minh được công nhận là bậc thầy trong loại chiến đấu này”[3], và rồi ông kết luận: “Như vậy chiến thuật quân sự của Việt Minh trước hết là một chiến thuật ban đêm. Đây là bài học chủ yếu phải ghi nhớ đối với loại chiến tranh này”[4].
Tướng Raoul Salan - người trực tiếp cầm quân chỉ huy trên chiến trường Việt Nam, khi nói về nghệ thuật quân sự cũng không giấu diếm sự khâm phục: “Quân đội Việt Minh là một lực lượng bộ binh xuất sắc… Lính bộ binh chính quy Việt Minh theo quan niệm của tôi, là địch thủ ghê gớm nhất mà Pháp đã gặp phải từ sau trận Vécđoong (Verdun). Lính bộ binh Việt Nam còn mạnh hơn người lính Đức vì với chất lượng đã có lại cộng thêm sức mạnh tập thể…”.[5]
Và trong cuốn Đông Dương đỏ, ông ta cũng nhận xét rằng: “Sau 30 năm chiến tranh, vừa kết hợp được khả năng chiến đấu của mình, với lòng cuồng nhiệt và hăng say của quần chúng, người lính Việt Minh quả thực là một địch thủ đáng sợ trong thời đại ngày nay”[6] và “Quân đội của họ (Việt Minh) - quân đội giỏi nhất trên thế giới hiện nay, đã chiến đấu kể từ 1945. Được trưởng thành trong khói lửa, quân đội nay đã đạt tới đỉnh cao. Đó là một bộ máy chiến tranh không gì sánh kịp”[7].
Khi nhận xét về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong cuốn Hồi ký “Chuyện một nền hòa bình bị bỏ lỡ”, ông Xanhtơni, Thiếu tá tình báo, là Ủy viên Cộng hòa Pháp, đại diện của chính phủ Pháp trong cuộc đàm phán Pháp - Việt và ngày 6 tháng 3 năm 1946 đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên vào bản Hiệp định Sơ bộ, đã viết: “Quả thật đáng tiếc nước Pháp đã không đánh giá đúng tầm cỡ ông Hồ Chí Minh, không hiểu nổi vai trò của ông và sức mạnh mà ông có trong tay”[8].
Nhận định về đội ngũ của các tướng lĩnh cầm quân trên chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tá Gabriel Bonnetk, Viện hàn lâm quân sự Pháp, trong cuốn “Chiến tranh cách mạng Việt Nam” lại đánh giá: “Những nhà chỉ huy quân sự cao cấp của Việt Minh có đầy đủ các đức tính làm tự hào cho quân đội cách mạng: trung thành và đức tin chính trị, sự hiểu biết và sự thông minh tổng hợp, tính cương nghị và dũng cảm trước bất cứ thử thách nào.
Là những chiến binh dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh Đông Dương, họ đã từng tuần tự vượt qua tất cả các cấp bậc… Họ bao quát được không những nghệ thuật quân sự mà còn hiểu biết cả những vấn đề chính trị, kinh tế và đạo đức [...]. Khoa học, khéo léo, mềm dẻo, tài năng đặc biệt của họ cho phép họ hoàn thành tất cả mọi nhiệm vụ, giải quyết những vấn đề quân sự rất phức tạp”[9].
Tìm hiểu, nghiên cứu về nguyên nhân thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam, đối phương cũng đưa ra nhận xét xác đáng khi nói về mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Jules Roy, một ký giả người Pháp có mặt tại Điện Biên Phủ năm 1954 đã so sánh rằng: “Hỏi xem có được mấy vị Tư lệnh binh đoàn, sư đoàn và trung đoàn của quân đội ta (Pháp) biết chịu đựng cùng binh sĩ, cùng sống như họ, chịu đi bộ, lặng lẽ, không ầm ỹ, nhưng rất đáng sợ như đối phương của ta đang ở quanh ta…”[10].
Một trong những trường đoạn của bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Điện Biên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Một trong những trường đoạn của bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Điện Biên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Một trong những trường đoạn của bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Điện Biên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Một trong những trường đoạn của bức tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" tại Điện Biên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) vô cùng khốc liệt suốt 21 năm, không ít chiến dịch lớn đã diễn ra và được các nhà quân sự, chính trị, chính khách tại Mỹ nghiên cứu, mổ xẻ, bình luận. Đánh giá về sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nây Sihân trong cuốn Sự lừa dối hào nhoáng nhận xét rằng: “Quân chủ lực có giác ngộ chính trị và kỹ năng chiến đấu cao nhất và được trang bị bằng những vũ khí tốt nhất lấy được của đối phương” và bộ đội địa phương thì “nhiều đơn vị tiểu đoàn độc lập của tỉnh đạt trình độ chiến đấu gần ngang với những đơn vị chủ lực”[11].
Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, quân Mỹ và đồng minh Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, tương quan lực lượng có nhiều thay đổi có lợi cho Quân giải phóng miền Nam. Sau thất bại ở Thượng Đức (8.1974), nhiều bài báo, tạp chí đã chỉ trích Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ca ngợi trình độ tác chiến, tinh thần chiến đấu kiên cường, bền bỉ của Quân đội giải phóng miền Nam.
Tờ tin Mỹ và Thế giới cũng vạch rõ thất bại nặng nề và khẳng định sức mạnh của Quân giải phóng đã làm cho đối phương không thể chống đỡ nổi: “Tất cả các công sự phòng thủ cũng như hệ thống giao thông hào đều sụp đổ dưới những đợt pháo kích liên tục của quân Cộng sản Bắc Việt. Thất bại đối với Mỹ và quân đội Sài gòn là không thể tránh khỏi[12]”.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến thất bại của đối phương ở chiến dịch Thượng Đức được các nhà quân sự khẳng định chính là, dù đã được Mỹ trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại, xây dựng căn cứ kiên cố và tập trung lực lượng lớn quân chủ lực, song, khả năng và tinh thần chiến đấu của quân đội ngụy ngày càng giảm sút; bởi vậy, lực lượng của đối phương luôn bị căng ra, phân tán và bộc lộ nhiều điểm yếu, nên thất bại là tất yếu.
Về diễn biến chiến tranh ở miền Nam Việt Nam từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, tờ Pacific Stripe (tờ báo của quân đội Mỹ) xuất bản tại Sài Gòn số ra ngày 24 tháng 3 năm 1975 đã đăng Tuyên bố của Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ - Tướng Uây-en: “Không thể chần chừ được nữa, Cộng quân mạnh hơn rất nhiều, không còn thời gian nữa, buộc chúng ta phải đưa ra các quyết sách chiến lược…”. Tạp chí Lục quân Mỹ (Armed Forcer Journal), số tháng 6 năm 1975 thì khẳng định: “Có thể thấy sự bi thảm trong toàn bộ Quân đội Sài Gòn ở giờ phút cuối cùng này…. sự thật chúng ta nhận thấy sức mạnh vượt bậc của quân Cộng sản trên mọi mặt”…
Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, chủ động, sáng tạo và phương châm “thần tốc, táo bạo”, quân và dân ta đã tiến hành Chiến dịch Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giành toàn thắng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối.
Đánh giá vai trò, vị trí của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ mấy chục năm qua và cho đến hôm nay, đã, đang và chắc chắn sẽ còn là chủ đề thu hút sự chú ý của giới chính trị, quân sự, sử học cả ở Pháp và Mỹ.
Một số tác giả đã khảo sát khá công phu để đưa ra những nhận định, đánh giá và ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam trên các mặt: Bản chất chính trị, chiến thuật, chiến lược … qua đó, giúp chúng ta có thêm những hiểu biết về quan điểm của các tác giả nước ngoài, đặc biệt là phía đối phương về Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là điều cần thiết để chúng ta khách quan hơn khi nhận thức về vai trò, vị trí của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hành trình 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành./
Luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Huấn luyện thường xuyên tại đơn vị pháo binh.
Huấn luyện thường xuyên tại đơn vị pháo binh.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”
Ngày xuất bản: 21/12/2024
Trình bày: DUY LONG
Ảnh: Báo QĐND, TTXVN, Báo Nhân Dân