QUẢNG NINH


Nỗ lực phát triển du lịch xanh


Trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 khiến xu hướng du lịch thay đổi, du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng thích ứng và phục hồi ấn tượng, nỗ lực xanh hóa các hoạt động du lịch phát triển bền vững, đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
DU LỊCH BỀN VỮNG

Từ năm 2013, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch - ngành công nghiệp “không khói” phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Tại Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 diễn ra hồi tháng 3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương, phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch.

Định hướng phát triển du lịch của Quảng Ninh đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản-kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh xác định phát triển du lịch xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển.

Ngày 8/8/2023, Quyết định số 2256/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tái khẳng định mục tiêu “phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.

DU LỊCH GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thời gian gần đây, liên tiếp có thông tin, hình ảnh về sự xuất hiện của rùa biển, cá voi ở vùng biển huyện Cô Tô, Quảng Ninh. Trước đó, Ban quản lý Vịnh Hạ Long thông báo một số rạn san hô trong Vịnh Hạ Long đang dần phục hồi, có khu vực đạt độ che phủ cao. Đó là những tin tức tốt lành, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển ở các địa phương trong tỉnh đang ngày càng tốt hơn. Để có được kết quả đó là cả một quá trình phục hồi để trả lại môi trường trong lành với sự nỗ lực của chính quyền, người dân và cả du khách khi đến với Quảng Ninh.

Quảng Ninh hiện sở hữu đội tàu khách du lịch lớn, đồng bộ và hiện đại nhất cả nước, với trên 500 tàu du lịch (trong đó có gần 200 tàu lưu trú) với đầy đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch, trên 80 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, đa phần các công ty đều có kinh nghiệm hoạt động lâu năm. Mỗi năm có khoảng 100.000 lượt tàu xuất bến đưa khách đi tham quan Vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, các hoạt động tàu du lịch vẫn còn những bất cập, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của điểm đến như: Ô nhiễm bởi các hoạt động vận chuyển, neo đậu tàu, vệ sinh tàu, chất thải sinh hoạt của thủy thủ đoàn, hoạt động dịch vụ ăn uống, ngủ đêm trên tàu, dịch vụ vui chơi giải trí…

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Sở Du lịch Quảng Ninh đã xây dựng tiêu chí “Cánh buồm xanh” cho tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long. Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, trong giai đoạn thí điểm triển khai cấp nhãn và trao logo chứng nhận “Cánh buồm xanh” đã có 36 tàu thủy du lịch trên vịnh Hạ Long được cấp chứng nhận. Đây các tàu thủy đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, góp phần bảo vệ di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương để phát triển du lịch bền vững.

Quảng Ninh cũng xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh Vịnh Hạ Long... Bên cạnh đó, chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy... để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành tàu du lịch trên vịnh.

Từ năm 2019 đến nay, đã có 204 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết với Ban quản lý Vịnh Hạ Long không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh. Qua đó đã giảm được 90% rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên Vịnh.

Tham gia vào hành trình 2 ngày 1 đêm trên Vịnh Hạ Long, chị Sarah Watson (quốc tịch Australia), chia sẻ: “Tôi đã có 1 hành trình rất thú vị, đáng nhớ. Buổi sáng, thức dậy trong không gian vô cùng trong lành, tinh khiết và tôi đã có bài tập yoga ngay trên tàu để chào ngày mới. Tôi tiếc là đã không đặt tour dài ngày hơn. Chắc chắn lần sau tôi sẽ quay lại và chọn chuyến lưu trú dài ngày hơn trên Vịnh”.

Đàn cò trắng trên vịnh Bái Tử Long, chụp ngày 2/5/2023. (Ảnh: HẢI BÌNH)

Đàn cò trắng trên vịnh Bái Tử Long, chụp ngày 2/5/2023. (Ảnh: HẢI BÌNH)

Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho hay, để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, hiện 100% tàu du lịch trên địa bàn đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Không chỉ trên biển, phong trào, mô hình chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường được thực hiện rộng khắp, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như mô hình: Chi hội thu gom ve chai tại các phường: Hà Phong, Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu (TP Hạ Long); duy trì "Tuyến đường không rác thải nhựa" tại phường Tuần Châu; mô hình "Phụ nữ sử dụng túi sinh học tự phân hủy" của phụ nữ phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả); mô hình “5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên...

Cùng với Hạ Long, huyện đảo Cô Tô là điển hình trong phong trào xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững. Từ ngày 1/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo.

Cán bộ huyện Cô Tô giải thích, vận động du khách không sử dụng đồ dùng từ nhựa dùng 1 lần khi lên đảo. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Cán bộ huyện Cô Tô giải thích, vận động du khách không sử dụng đồ dùng từ nhựa dùng 1 lần khi lên đảo. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Sau 1 năm triển khai thí điểm hiệu quả, từ 15/9/2023, huyện áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần ra đảo. Ngoài ra, tất cả các cơ quan đơn vị hành chính, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn Cô Tô cũng không được sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.

Để triển khai quy định này, UBND huyện đã đề nghị Sở GTVT, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa tại Vân Đồn - Cô Tô phối hợp tuyên truyền tới các hãng tàu vận tải hành khách, hàng hóa đến Cô Tô; kiểm tra yêu cầu chủ các phương tiện, hành khách không mang túi nilon, chất thải nhựa dùng một lần lên đảo Cô Tô; xem xét chỉ cấp lệnh xuất bến khi các hãng tàu bảo quy đảm định trên.

Những nỗ lực bảo vệ môi trường bền bỉ đã đem lại kết quả đáng khích lệ. Theo người dân Cô Tô, gần 2 tháng nay, một đàn cá voi từ 4-5 con thường xuyên xuất hiện tại khu vực Hạ Mai đến Đầu Trâu thuộc huyện đảo Cô Tô.

Trong tháng 8/2023, người dân khu vực đảo Cô Tô con thuộc xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô đã phát hiện cá thể rùa biển quý hiếm xuất hiện ở khu vực.

Cá voi và rùa xuất hiện ở vùng biển đảo Cô Tô những tháng gần đây.

Cá voi và rùa xuất hiện ở vùng biển đảo Cô Tô những tháng gần đây.

Lãnh đạo huyện Cô Tô cho rằng do điều kiện khí hậu và môi trường biển của huyện Cô Tô trong lành nên thời gian gần đây, cá heo, cá voi, rùa biển… quý hiếm thường xuyên bơi vào và nổi lên mặt nước.

Theo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, từ ngày 22/6/2023 đến ngày 14/7/2023, Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện  khảo sát, đánh giá hiện trạng sinh thái rạn san hô tại 6 khu vực: Bù Xám, Cống Đỏ, Cọc Chèo, Tùng Ngón, Lưỡi Liềm, Soi Ván trên vịnh Hạ Long. Kết quả đánh giá sơ bộ, rạn san hô tại 6 khu vực đều phát triển tốt, đặc biệt các rạn san hô tại khu vực Bù Xám và Cọc chèo có sự phát triển tốt và độ phủ cao hơn những khu vực còn lại.

Các rạn san hô ở Vịnh Hạ Long đều có dấu hiệu khôi phục tốt (Ảnh: Ban quản lý Vịnh Hạ Long). 

Các rạn san hô ở Vịnh Hạ Long đều có dấu hiệu khôi phục tốt (Ảnh: Ban quản lý Vịnh Hạ Long). 

Đáng chú ý, có nhiều san hô cành phát triển khi đây vốn là nhóm rất nhạy cảm với môi trường và có nguy cơ bị xâm phạm cao… Trước đó, vào năm 2015, khảo sát cho thấy không còn rạn nào thuộc loại tốt, độ phủ của các rạn tốt nhất là dưới 50% và độ phủ bình quân trên toàn vịnh chỉ còn khoảng 20%.

Việc rùa biển, cá voi xuất hiện tại vùng biển Cô Tô, san hô phục hồi trong vùng lõi di sản là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển đang ngày càng tốt lên, đặc biệt từ khi tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc làm sạch môi trường biển, giảm thiểu rác thải nhựa.

NỖ LỰC XÂY DỰNG DU LỊCH BỀN VỮNG

Song song với việc phục hồi, bảo tồn môi trường biển để phát triển du lịch bền vững, các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân tại Quảng Ninh nhiều năm qua luôn nỗ lực chung tay, tạo dựng môi trường xanh cho hoạt động của ngành du lịch.

Ngành du lịch Quảng Ninh đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có về tự nhiên, văn hóa và con người để tạo ra sản phẩm du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Có thể điểm đến mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái; Hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan các làng chài, khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long); du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức (TX Đông Triều),…. mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Không những vậy, những mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái này đã góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch sinh thái ở Bình Liêu. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch sinh thái ở Bình Liêu. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Đối với các cơ sở lưu trú, từ năm 2019 Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng khung chương trình hành động về ứng dụng tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN và tập trung thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch trên toàn bộ địa bàn tỉnh.

Tiêu chuẩn này gồm 11 chỉ tiêu và yêu cầu cơ bản như chính sách và các biện pháp môi trường trong hoạt động khách sạn; việc sử dụng các sản phẩm xanh; hợp tác với các tổ chức cộng đồng ở địa phương; phát triển nguồn nhân lực; quản lý chất thải rắn; sử dụng năng lượng có hiệu quả; sử dụng nước có hiệu quả và chất lượng nước; quản lý chất lượng không khí; kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn; xử lý và quản lý chất thải; quản lý chất thải độc hại và hóa chất.

Cho đến nay, không chỉ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 4 sao, 5 sao mà cả các khách sạn 3 sao trở xuống, các nhà nghỉ đã áp dụng 1 số trong bộ tiêu chuẩn này. Điều này có thể thấy rõ bằng việc không khó để tìm được cơ sở lưu trú có gắn "huy hiệu bền vững" khi tìm chỗ nghỉ tại Quảng Ninh trên nền tảng Booking.com.

Tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long sử dụng cốc thủy tinh, ống hút giấy để giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh)

Tàu nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long sử dụng cốc thủy tinh, ống hút giấy để giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh)

Đặc biệt, hơn 10 năm qua, thành phố Hạ Long đã tích cực thực hiện chiến dịch “Xây dựng Hạ Long-Thành phố du lịch không khói thuốc”. Những tấm biển cấm hút thuốc lá bằng nhiều ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh và cả tiếng Trung Quốc được gắn tại các điểm thuận tiện với du khách ở các chợ, trung tâm thương mại, khách sạn, các cảng tàu khách quốc tế, các tàu du lịch và cả trong các hang động thuộc Vịnh Hạ Long,…..

Sau 10 năm thành phố Hạ Long triển khai đề án “Xây dựng Hạ Long - Thành phố du lịch không khói thuốc lá”. Theo khảo sát của Phòng Y tế thành phố, nếu như năm 2009, thành phố chỉ mới có 49,5% người dân hiểu và tự nguyện thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá, thì năm 2018 con số này đã tăng lên trên 80%.

Chiến dịch này đã tạo ấn tượng tốt với du khách trong nước và quốc tế khi tới Hạ Long. Chị Phạm Thúy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Những năm gần đây, năm nào nhà tôi cũng đi Quảng Ninh vì cảnh quan đẹp, nhiều điểm vui chơi và không khí biển rất trong lành. Thích nhất là khi vào các quán ăn, quán cà-phê không phải đi tìm chỗ không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc. Có thể do chỗ nào cũng gắn biển cấm hút thuốc nên khách vào quán đều có ý thức hơn”.

Năm 2018, thành phố Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh, cùng với thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam, vinh dự là 2 thành phố du lịch của Việt Nam được tôn vinh tại Hội nghị các nước khu vực ASEAN về xây dựng thành phố không thuốc lá (SCAN).

Là nơi địa đầu tổ quốc gắn với các sản phẩm du lịch biên giới, thành phố biên giới Móng Cái những năm qua đã nỗ lực để phát triển ngành “công nghiệp không khói” xanh, sạch và văn minh.

Đề án Phát triển du lịch Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã được UBND thành phố phê duyệt (Quyết định số 2255/QĐ-UBND ngày 7/4/2022). Trong đó xác định mục tiêu phấn đấu đưa Móng Cái trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, thông qua các biện pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Đến Móng Cái hiện nay, những địa điểm được du khách trong và ngoài nước yêu thích khám phá, trải nghiệm như bãi biển Trà Cổ, nhà thờ Trà Cổ, đền Xã Tắc, công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, phố đi bộ Trần Phú, chợ trung tâm đều gây ấn tượng với du khách bởi sự sạch đẹp, quy củ...

Móng Cái phấn đấu trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn. (Ảnh: HẢI BÌNH)

Móng Cái phấn đấu trở thành thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn. (Ảnh: HẢI BÌNH)

Tháng 3/2023, Móng Cái đã đưa vào phục vụ du khách sản phẩm du lịch sinh thái trải nghiệm Nhật Vượng (địa chỉ tại thôn 13, xã Hải Xuân). Nông trại gồm nhiều phân khu như: Phân khu động vật, vườn cây ăn quả hữu cơ, phân khu trải nghiệm team building, câu cá, chèo thuyền, trải nghiệm thực tế nhặt trứng, hái quả…

Bắt nhịp xu hướng du lịch bền vững, du lịch gắn với văn hóa, du lịch sinh thái sau Covid-19, ngày 21/6/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch Thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025.

Kế hoạch nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của một dân tộc thiểu số (Tày/ Dao/ Sán Dìu/ Sán Chỉ) gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới tiên tiến,…

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số tại 3 địa phương: Bình Liêu, Vân Đồn và Móng Cái gồm:
1. Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái
2. Làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu
3. Làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn
4. Làng người Sán Chỉ (Sán Chay) thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

Sở Du lịch Quảng Ninh nhận định, dù đạt được những kết quả đầy khích lệ, song việc xây dựng một nền du lịch xanh bền vững là cả một quá trình bền bỉ. Xác định được điều này, ngành du lịch Quảng Ninh đã và đang nỗ lực không ngừng từ các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để tạo dựng môi trường du lịch xanh bằng những hành động thật thiết thực, xuất phát từ những hành vi nhỏ nhất. Toàn tỉnh cũng đang ứng dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng; thực hiện các hoạt động du lịch có trách nhiệm với môi trường...

Ngày xuất bản: 23/10/2023
Thực hiện theo Hợp đồng số 04/2023/HĐHTTT/STTTT-BND