Quyền lực
“tẩy chay”

Tẩy chay là thứ quyền năng tối thượng mà người hâm mộ tại nhiều quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển lựa chọn sử dụng, khi không còn tin tưởng, yêu mến cũng như trân trọng danh xưng của một nghệ sĩ nào đó. Thái độ quay lưng của khán giả có thể mang lại những hậu quả nặng nề cả về tinh thần lẫn vật chất, thậm chí có thể đánh dấu chấm hết đầy nghiệt ngã cho sự nghiệp mà người nghệ sĩ mất bao năm dày công xây dựng.
Từ “nhẹ tay, dễ dãi”...
Đặt trong thế đối trọng với những cường quốc công nghiệp giải trí (như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc...), nơi một vụ bê bối cũng có thể chôn vùi một tên tuổi, một hành vi ứng xử hoặc phát ngôn lệch chuẩn cũng có thể buộc một ngôi sao phải vĩnh viễn giải nghệ, chúng ta dễ có cảm giác dư luận trong nước còn quá nhẹ tay, dễ dãi với những nghệ sĩ vướng scandal. Chế tài xử phạt theo hướng cấm sóng, cấm diễn (có thời hạn hoặc vĩnh viễn) gần như chưa bao giờ được áp dụng. Đối mặt với cơn giận dữ của công chúng, những cái tên dính phốt thường chọn cách im lặng hoặc xin lỗi hời hợt, thiếu thái độ cầu thị và chân thành để chờ mọi chuyện qua đi rồi quay lại hoạt động nghệ thuật bình thường.
Cho tới nay, lịch sử showbiz Việt mới chỉ ghi nhận số ít trường hợp tự tuyên bố giải nghệ sau những ồn ào đời tư xấu xí, như một quyết định mang tính cá nhân chứ không phải chấp hành quyết định xử lý của cơ quan chức năng. Thí dụ như giọng ca Rocker Nguyễn tuyên bố “rời khỏi làng giải trí để ra nước ngoài sinh sống”, sau nghi án sử dụng chất gây nghiện. Hay quán quân Vietnam Idol 2012 Yasuy thông báo “dừng đi hát vì mất giọng”, sau vụ lùm xùm chối bỏ trách nhiệm làm cha khi có con với người hâm mộ. Có lẽ việc kiên quyết xóa sổ cái tên Minh Béo, sau vụ việc đáng lên án vì quấy rối tình dục trẻ em và rocker Phạm Anh Khoa, sau bê bối đáng xấu hổ với vũ công Phạm Lịch là cú ra đòn mạnh tay nhất của cư dân mạng, với những cái tên đã thực sự nhúng chàm.
Phân tích về hiện tượng này, TS Trần Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, thái độ dễ dãi kể trên là vấn đề cần được nhìn nhận một cách công tâm, thấu đáo bởi hoạt động nghệ thuật là một nghề nghiệp đặc thù, có ảnh hưởng xã hội. Dường như, trong môi trường showbiz, ứng xử của số đông với nghệ sĩ vướng scandal rất khó nắm bắt, chứ không hẳn là dễ dãi. Có khi là một chất xúc tác cho việc PR, cũng có khi là một chiêu trò với mục đích khác, đôi khi lại có sự vùi dập thái quá. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến cách bày tỏ quan điểm của cộng đồng mạng thời gian gần đây đang chạy sang cực đối lập, kiểu “phong sát” hoặc “truy sát” quá đà.

Nghi án tạo scandal “ phim giả tình thật” để “ PR bẩn đã khiến bộ phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con” bị khán giả tẩy chay khi ra rạp.
Nghi án tạo scandal “ phim giả tình thật” để “ PR bẩn đã khiến bộ phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con” bị khán giả tẩy chay khi ra rạp.
Đến “quyền sinh, quyền sát” của công luận
Vài ba năm trở lại đây, từ chỗ nương tay, dễ dãi với những biểu hiện lệch chuẩn phát tán và làm ô nhiễm môi trường showbiz, công chúng Việt đã dần nghiêm khắc hơn, đặt ra những quy chuẩn cao hơn cho giới nghệ sĩ.
Sau ồn ào về lối sống không lành mạnh cùng thái độ coi thường phụ nữ của nam ca sĩ trẻ Jack, người yêu mến Running Man Vietnam mùa 2 đã đồng loạt lên tiếng đòi loại gương mặt này khỏi chương trình, dù đã ghi hình được vài số. Việc chậm giải ngân khoản tiền từ thiện của danh hài Hoài Linh cũng khiến fanpage chính thức của Thách thức danh hài mùa 7 tràn ngập những lời kêu gọi tẩy chay gameshow này của lực lượng anti-fan. Áp lực quá lớn từ phía công luận đã buộc NSƯT Hoài Linh phải lên tiếng xin rút khỏi chiếc ghế giám khảo nhằm gỡ khó cho nhà sản xuất. Và đó cũng là kết cục mà Hoa hậu chuyển giới Hương Giang phải hứng chịu, khi những gameshow có cô góp mặt như Người ấy là ai, Quý ông đại chiến, Chị em chúng mình... đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Không dừng lại ở những cuộc tấn công nhằm vào từng cá nhân, những sản phẩm nghệ thuật “dính phốt” cũng liên tiếp trở thành mục tiêu. Phim Cậu Vàng bị tẩy chay vì “bình luận coi thường khán giả” của người quản trị fanpage. Chú ơi đừng lấy mẹ con - vì nghi án tạo scandal “phim giả tình thật” giữa hai diễn viên Kiều Minh Tuấn và An Nguy để “PR bẩn” mà hứng chịu thái độ quay lưng ngay khi vừa phát hành.
Sau làn sóng nổi giận của số đông, Jack bị gỡ hình ảnh khỏi Running Man Vietnam. Thách thức danh hài gặp khó khi mất đi thỏi nam châm tỏa ra sức hút khó cưỡng làm nên thành công những mùa trước. Người đẹp bị phê phán “hay nói đạo lý” Hương Giang phải lên tiếng xin lỗi, rút tên khỏi nhiều chương trình truyền hình thực tế và tạm dừng hoạt động nghệ thuật một thời gian để “kiểm điểm và lấy lại tinh thần”. Cậu Vàng cay đắng rời rạp với vỏn vẹn hai tỷ tiền vé. Chú ơi đừng lấy mẹ con khiến nhà sản xuất khóc ròng vì những phòng chiếu vắng hoe, dù chất lượng nghệ thuật được đánh giá tốt...
Có thể nói, dư luận đang nắm quyền sinh-sát với mỗi cá nhân nghệ sĩ, với mỗi sản phẩm văn hóa nghệ thuật ra đời. Được họ yêu mến thì lên như diều gặp gió, bị họ ghét bỏ thì thất bại thê thảm. Sau những giận dữ của đám đông, người làm nghề phải nghiêm túc sửa mình để tránh lặp lại sai lầm. Nói như đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh-người từng chịu trận vì chọn lầm diễn viên vướng scandal cho dự án Phượng Khấu, “tình thế hiện nay đã xoay chuyển, quyền lực của khán giả là có thật. Một diễn viên lọt mắt xanh của tôi giờ không chỉ hợp vai mà còn phải sạch về đạo đức lối sống”. Nhưng cũng cần tránh những biểu hiện tiêu cực, khi một bộ phận khán giả quá ảo tưởng dẫn đến lạm quyền.

Nam ca sĩ Jack.
Nam ca sĩ Jack.
Để quyền năng phát huy hiệu quả tích cực
Có thể nói, hoạt động sáng tạo cũng như hình ảnh cá nhân của người nghệ sĩ hiện đã có thêm một lưới lọc đặc biệt hiệu quả. Không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật, sự quản lý bằng văn bản quy định cũng như chế tài thưởng phạt của cơ quan hữu trách, người nghệ sĩ còn phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt của công chúng. Tuy không hiện diện hữu hình như hai yếu tố đầu nhưng sức mạnh tiềm ẩn trong công cụ vô hình cuối cùng được nhìn nhận có tác dụng răn đe nhất.
Nhìn ở góc độ tích cực, khi cộng đồng thể hiện quyền năng phán xét-thanh lọc môi trường giải trí của mình như những vị quan tòa công minh, nghệ sĩ ngày càng phải cẩn trọng hơn trong lối sống đạo đức và lời ăn tiếng nói, trong ứng xử và hoạt động hướng tới cộng đồng. Nghệ sĩ không sợ gì bằng bị khán giả quay lưng. Và thái độ kiên quyết nói không với những biểu hiện thiếu chuẩn mực, những bê bối xấu xí chính là cách thức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh một cách hiệu quả nhất. Nói như TS Trần Thị Phương Lan, “Đây là sự điều chỉnh tốt nhất, hữu hiệu nhất của xã hội, của người hâm mộ đối với nghệ sĩ. Khi luật chưa đủ nghiêm minh, chế tài chưa đủ mạnh, công chúng cần lên tiếng mạnh mẽ bằng sự quay lưng, tẩy chay một nghệ sĩ nào đó khi họ có những ứng xử, phát ngôn không chuẩn mực, thậm chí có hành vi đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức”. Bởi “tổn hại của những người này không chỉ đong đếm bằng vật chất mà còn mất đi sự tôn vinh, tôn trọng của công chúng. Không còn giữ được hình ảnh đẹp đẽ trong lòng khán giả, họ sẽ chẳng còn gì. Sự nghiệp theo đó cũng chịu ảnh hưởng lớn, không chỉ ở lĩnh vực biểu diễn mà còn ở những công việc khai thác hình ảnh bản thân. Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng có thể xem như mối quan hệ cộng sinh. Khi thiếu đi một vế thì vế kia trở nên vô nghĩa”.
Ít năm trở lại đây, “tẩy chay” đã được nâng lên một cấp độ mới nhờ sự trợ giúp nhiệt tình và hiệu ứng lan tỏa rộng khắp với tốc độ ánh sáng của các mạng xã hội. Văn hóa xóa sổ (cancel culture) hay còn được biết đến dưới một tên gọi khác - văn hóa phơi bày (call-out culture) là một công cụ tẩy chay hữu hiệu trong một xã hội mà chân lý thuộc về đám đông và mọi cơn thịnh nộ của cộng đồng mạng đểu có thể biến thành ác mộng kinh hoàng với đối tượng bị tấn công.
Từ vị thế được tung hô, được theo dõi và được yêu mến, ủng hộ hết lòng, người nổi tiếng có thể vĩnh viễn biến mất khỏi “màn hình radar” theo dõi của cả cộng đồng mà không bao giờ còn cơ hội sửa sai. Được hàng triệu người theo dõi cũng đồng nghĩa luôn có hàng triệu cặp mắt chực chờ một nước đi sai để nhảy vào phê phán, hoặc đáng sợ hơn là chối bỏ hoàn toàn.
Trong thời đại mà Youtube, Facebook, Twitter hay TikTok... thống trị, khái niệm tẩy chay trở nên thông dụng tới mức cuốn từ điển chuyên giải thích tiếng lóng Urban Dictionary đã bổ sung phần định nghĩa mới do người dùng đóng góp, rằng “cancel” trong văn hóa đại chúng là “khiến một người hoặc một thứ gì đó trở nên lạc lõng” hoặc “chối bỏ hoàn toàn một cá nhân hoặc một ý tưởng”.


Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hồ Cúc Phương - Đàm Bảo Ngọc - Thụy Phương - Trương Tuấn Nghĩa
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Nhân vật cung cấp, internet