Quyết sách

cho du lịch bứt phá

Du khách quốc tế hào hứng khám phá vẻ đẹp Thủ đô Hà Nội sau những ngày dài nghỉ dịch Covid-19. Ảnh: Đăng Khoa

Du khách quốc tế hào hứng khám phá vẻ đẹp Thủ đô Hà Nội sau những ngày dài nghỉ dịch Covid-19. Ảnh: Đăng Khoa

Thời điểm hiện nay, Việt Nam đã mở cửa du lịch ở mọi hình thức, tại tất cả cửa khẩu, cũng như không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào đối với khách nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh, lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao trong hai tháng đầu năm chính là sự khẳng định cho việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Mở cửa du lịch, mở cửa nền kinh tế đang đòi hỏi những quyết sách mang tính bứt phá.

Thay đổi chiến lược Marketing từ bây giờ

Lê Quốc Vinh
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê

Phố cổ Hội An rực rỡ sắc mầu Lễ hội Khinh khí cầu. Ảnh: Tấn Nguyên

Phố cổ Hội An rực rỡ sắc mầu Lễ hội Khinh khí cầu. Ảnh: Tấn Nguyên

Những quy định kiểm soát cởi mở hơn với khách du lịch quốc tế, cùng với quyết định nối lại chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho 13 quốc gia đã thật sự tạo một luồng gió phấn khích đối với các công ty lữ hành Việt Nam. Đã lâu lắm tôi mới thấy sự hồ hởi trong cộng đồng những người làm du lịch inbound, sau hơn hai năm ngừng trệ vì Covid-19. Đây đó, có người còn hối thúc ngành du lịch nắm bắt lấy cơ hội vàng mở cửa du lịch quốc tế. Nhưng, thực tế chưa phải như chúng ta kỳ vọng.

Trong bảng xếp hạng Destination Insights with Google hồi đầu tuần trước, Việt Nam đứng thứ 43 về lượng tìm kiếm điểm đến trong tháng 3/2022 (giảm 10 - 25%). Nhưng nếu chỉ chọn du lịch quốc tế thì Việt Nam biến mất khỏi top 50 điểm đến hàng đầu, trong khi, ở khu vực Đông Nam Á, năm đối thủ hàng đầu đều có mặt trong top 10, bao gồm Indonesia (thứ 1), Thái Lan (3), Singapore (4), Philippines (6), Malaysia (8).

Thành thực mà nói, lượng tìm kiếm khách sạn trên Google, mặc dù chỉ là một trong những biểu hiện xu hướng, nhưng nó khá quan trọng đối với ngành du lịch. Nó cho thấy mức độ quan tâm của khách du lịch ở một thời điểm tức thời. Nhưng nếu quan sát rộng hơn, chúng ta cũng thấy các hoạt động xúc tiến du lịch đang hoặc sắp diễn ra đều không đặt kỳ vọng thu hút du khách nước ngoài như những năm trước đây.

Cuối tháng này, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - Vietnam International Travel Mart (VITM) sẽ diễn ra, và trong tháng 6/2022 sẽ là Festival Huế. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Du lịch, cũng nhận định, mục tiêu thu hút 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 là một chỉ tiêu tương đối “tham vọng”. Mở cửa chính thức không có nghĩa là khách quốc tế sẽ ồ ạt đến, vì độ trễ chính sách có thể từ 6 đến 12 tháng.

Vì sao?

Dĩ nhiên, nguyên nhân chính của thực trạng khách du lịch quốc tế chưa mặn mà chọn đến Việt Nam là bởi vì chính sách kiểm soát Covid-19 khá cứng rắn của chúng ta trong suốt một thời gian dài, có thể nói là thuộc hàng những quốc gia khắt khe nhất. Chúng ta cũng là một trong những nước mở cửa chậm nhất trong khu vực. Ở thời điểm này, những chuyến bay VTL (vaccinated travel lane) dành cho người tiêm đủ vaccine đã bay đến Singapore,... Những động thái mở cửa của các nước láng giềng đưa ra trong thời gian Việt Nam còn lúng túng với số lượng các ca nhiễm chủng Omicron tăng phi mã đã giúp họ tiến xa hơn chúng ta một bước.

Ngay trong thời gian các nước đều đóng cửa, hạn chế những chuyến bay quốc tế, thì nhiều nước Đông Nam Á không ngừng quảng bá cho du lịch inbound (khách nước ngoài đến du lịch). Ít nhất, dù không thể mở bán tour du lịch, họ vẫn bền bỉ truyền đi thông điệp luôn sẵn sàng đón du khách trở lại, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực khởi động lại du lịch ngay khi có thể.

Có thể nói, nguyên nhân sâu xa hơn nữa là ở chiến lược thu hút khách du lịch của chúng ta chưa thích hợp như các nước trong khu vực. Còn nhớ, Singapore từng có sáng kiến tạo hành lang an toàn cho khách kinh doanh kết nối với đối tác trong nước với các điều kiện kiểm soát hạn chế. Hay như Thái Lan đã từng lay động cảm xúc toàn cầu với chiến dịch “Better Together” truyền đi thông điệp tinh thần giữa mùa dịch cao điểm.

Việt Nam sẵn sàng mở rộng cửa đón khách. Ảnh: Huyền Nguyễn

Việt Nam sẵn sàng mở rộng cửa đón khách. Ảnh: Huyền Nguyễn

Những chiến dịch này không đơn thuần là quảng bá đất nước, con người bản địa, mà họ thể hiện sự thấu cảm với từng con người, chia sẻ trăn trở, nỗi đau và nhu cầu đi lại của con người. Nói một cách khác, họ làm quảng bá du lịch theo kiểu kiến tạo, nuôi dưỡng và phát triển quan hệ cá nhân với du khách tiềm năng - một xu hướng marketing hiện đại, phù hợp với giai đoạn bất ổn và nhiều xáo trộn trên toàn cầu.

Việt Nam đã chuyển dịch chậm hơn các nước trong khu vực trong cuộc đua phục hồi và phát triển du lịch “hậu Covid-19”. Phải nói là, mặc dù có những chiến dịch truyền thông nhất định, và một vài hoạt động có dấu ấn, thí dụ như tham gia World Expo ở Dubai, nhưng thời gian vừa qua chúng ta không làm được nhiều.

Trong khi đó, ngay từ tháng 1 vừa qua, Thái Lan đã kịp tung ra một chiến dịch mang tên “Amazing Thailand New Chapter”, khởi động tiến trình phục hồi kinh tế qua du lịch. Họ thu thêm 9 USD trên mỗi khách du lịch quốc tế, tính vào vé máy bay, để đầu tư cho các sản phẩm du lịch và bảo hiểm cho du khách, một phần trong mục tiêu thu 800 tỷ baht từ du lịch quốc tế. Đó là một gợi ý rất hay cho Việt Nam.

Khách du lịch trải nghiệm kỹ thuật in khắc chữ mộc bản. Ảnh: THU CÚC

Khách du lịch trải nghiệm kỹ thuật in khắc chữ mộc bản. Ảnh: THU CÚC

Làm thế nào?

Có ba mảng hành động chính chúng ta cần làm để đẩy nhanh mục tiêu phục hồi du lịch quốc tế. Đầu tiên phải là một chiến lược marketing kiểu mới, chuyển dịch mạnh mẽ từ phương thức quảng bá đồng loạt sang chiến lược truyền thông tương tác, tùy biến theo từng phân khúc khách hàng mục tiêu, nhằm vào từng thị trường trọng điểm. Chiến lược truyền thông này đòi hỏi tích hợp đa nền tảng truyền thông, sử dụng công nghệ số và giao tiếp trực tiếp với khách hàng mục tiêu.

Thứ hai, nghiên cứu đổi mới sản phẩm du lịch. Trải nghiệm của khách du lịch đang thay đổi. Ngày nay, khách du lịch quốc tế đòi hỏi dịch vụ cá nhân hóa và linh hoạt thay đổi theo nhu cầu phát sinh thường xuyên. Mô hình dịch vụ theo chương trình cố định đã không còn phù hợp. Các doanh nghiệp, từ lữ hành đến khách sạn và dịch vụ hỗ trợ, cần thiết kế những dịch vụ, sản phẩm mới hơn, linh hoạt hơn, ngày càng nhân bản hơn, trong đó, cần bảo đảm sự an toàn, đề cao giá trị, tính riêng tư cũng như trải nghiệm đặc biệt. Phải làm sao tạo được ấn tượng sâu đậm cho khách du lịch.

Sa Pa (Lào Cai) địa chỉ được nhiều du khách quốc tế biết đến. Ảnh: Ville De Mont Mountain Resort

Sa Pa (Lào Cai) địa chỉ được nhiều du khách quốc tế biết đến. Ảnh: Ville De Mont Mountain Resort

Thứ ba, cần có chiến lược gia tăng nguồn đầu tư cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và đầu tư cho các mô hình sản phẩm dịch vụ hiện đại. Biện pháp thu một khoản nhỏ trên đầu khách du lịch, tính vào giá vé máy bay hay hóa đơn dịch vụ đã được Thái Lan và nhiều nước áp dụng, có thể nên được nghiên cứu. Bên cạnh đó, có các chính sách thực tiễn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh tay hơn cho các sản phẩm du lịch hiện đại, đặc biệt là các chương trình giải trí tầm cỡ, có tính văn hoá cao.

Du lịch là ngành bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19, nhưng lại là ngành mũi nhọn của kinh tế Việt Nam trước đây và trong tương lai. Phục hồi và nhanh chóng nối lại đà tăng trưởng du lịch quốc tế chính là cú huých chung cho nền kinh tế.

Thực tế chúng ta đã để mất đi cơ hội vàng khi không tận dụng được thời gian tạm “nghỉ đông” để hoạch định một chiến lược mới, sáng tạo, thay đổi phương thức marketing cho điểm đến Việt Nam.

Những bước đi tự tin sau mở cửa…

Đội tiếp viên hàng không Vietnam Airlines sẵn sàng cho các chuyến bay. Ảnh: NGỌC MAI

Đội tiếp viên hàng không Vietnam Airlines sẵn sàng cho các chuyến bay. Ảnh: NGỌC MAI

Mặc dù Việt Nam đã chính thức “mở cửa” du lịch từ ngày 15/3 với những chính sách cởi mở, lượng tìm kiếm về điểm đến Việt Nam cũng tăng cao, nhưng điều này không có nghĩa khách nước ngoài sẽ ngay lập tức đến Việt Nam ồ ạt.

Từ quan điểm của một người làm nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch của Việt Nam và các quốc gia, PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích, thông thường thời vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 3 năm sau, trong đó cao điểm nhất là vào tháng 11 và 12.

Việc du lịch Việt Nam mở cửa từ ngày 15/3 đã bắt đầu vào mùa thấp điểm của du khách quốc tế. Thêm nữa, khách du lịch quốc tế đi theo đoàn thường có xu hướng đặt dịch vụ từ rất sớm và rất lâu trước thời điểm đi du lịch nên sẽ không có tình trạng quá tải về việc đón khách quốc tế trong thời gian vừa mới mở cửa.

Nếu như trước đây, chúng ta có thể hướng tới thị trường khách du lịch Đông Á để bù lấp ở mùa thấp điểm thì hiện nay thị trường Trung Quốc còn đang đóng cửa, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, mới dần phục hồi.
PGS, TS Phạm Hồng Long
Cần phải xác định rõ, khách du lịch quốc tế phải 3-6 tháng nữa mới vào Việt Nam nhưng nếu không có việc mở cửa 15/3 vừa rồi thì có thể sang năm khách mới tới và chúng ta sẽ lại đi sau các nước.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh
Việc mở lại toàn bộ du lịch quốc tế và nội địa lần này sẽ là dấu ấn lịch sử, không chỉ tạo động lực để du lịch phục hồi mà còn thể hiện sức mạnh của Du lịch Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì chúng ta sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Sau hai năm dịch bệnh, gần như toàn bộ các doanh nghiệp du lịch hiện nay gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn nên cần có các gói tín dụng vay bổ sung vốn lưu động cho công ty lữ hành, du lịch, khách sạn,... Tuy nhiên, theo kiến nghị của doanh nghiệp, chính những hỗ trợ về chính sách của Nhà nước mới là yếu tố quyết định sự hồi phục cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp không khói.

Lúc này, thay vì ngồi yên chờ đợi sự hỗ trợ, bản thân các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực lấy lại khoảng thời gian đã mất vì ảnh hưởng dịch bệnh. Hiện nay, mặc dù đã mở cửa toàn bộ du lịch, cả inbound (khách quốc tế vào Việt Nam), outbound (khách Việt Nam ra nước ngoài) và nội địa nhưng việc đón khách quốc tế tới Việt Nam cũng cần phải có thời gian dài, thường phải mất từ sáu tháng tới cả năm để khách chọn lựa, đặt tour.

Du khách trên Cáp treo Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Havi

Một số doanh nghiệp du lịch đã năng động, kịp thời thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Sa Pa Jade Hill

Nhiều địa điểm du lịch nghỉ dưỡng cũng đã sẵn sàng đón khách. Trong ảnh: Tà Xùa Clouds Homestay (Bắc Yên, Sơn La). Ảnh: Trần Thùy Linh

Du khách trên Cáp treo Hòn Thơm (Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Havi

Một số doanh nghiệp du lịch đã năng động, kịp thời thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Sa Pa Jade Hill

Nhiều địa điểm du lịch nghỉ dưỡng cũng đã sẵn sàng đón khách. Trong ảnh: Tà Xùa Clouds Homestay (Bắc Yên, Sơn La). Ảnh: Trần Thùy Linh

Trong bối cảnh ấy, các doanh nghiệp một mặt marketing, quảng bá tới khách quốc tế, mặt khác tập trung vào thị trường nội địa. Đối với các đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng), doanh nghiệp cũng đang khẩn trương quảng bá những điểm đến được yêu thích cho mùa khách MICE cuối năm và tổ chức ngay các đoàn khách đi vào tháng 3, tháng 4 do đã bị hoãn hủy từ năm trước.

Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam, Giám đốc Vplus cho rằng, với xu hướng mới và tình hình dịch bệnh như hiện nay, cần phải có những thay đổi về sản phẩm, thị trường, cách thức marketing, xúc tiến, quảng bá, nguồn nhân lực,... để phù hợp tình hình mới, phục hồi hiệu quả du lịch. Trong đó, về sản phẩm, cần chọn lọc sản phẩm mang lại trải nghiệm cao cho khách hàng, các sản phẩm về du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng, golf và các môn thể thao khác.

Khai thác thị trường trọng tâm thuộc phân khúc mạnh của mỗi công ty, tránh tốn kém về chi phí khai thác khách và tăng cường phối hợp với các công ty khác để cùng khai thác. Tăng cường sử dụng công nghệ số để marketing và xúc tiến quảng bá. Sự liên kết, hợp tác cũng cần điều chỉnh để đi vào thực chất, chiều sâu chứ không phải chỉ là những ký kết trên giấy tờ và ký xong không cần biết kết quả thực hiện thế nào.

Yêu cầu khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng khai báo y tế (PC-Covid)... cũng khó thực hiện vì app chỉ có tiếng Việt và phải dùng mạng di động của Việt Nam. Việc mua bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu chỉ nên khuyến khích vì phần lớn khách nước ngoài đều có nhưng lại khó kiểm soát đối với khách tự đi. Bên cạnh đó, phương án mở cửa chỉ có bản tiếng Việt, không có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, có xác nhận của các cơ quan chức năng khiến cho việc giới thiệu, quảng bá chính sách mới của Việt Nam gặp khó khăn.

Việc yêu cầu khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh,... và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận cần được xem xét điều chỉnh, vì tất cả khách đã được tiêm đủ liều vaccine, khách cũng tự lo cho mình nên nếu mắc dịch họ sẽ không đi.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (TP Hồ Chí Minh)

Ở tầm quốc gia, các doanh nghiệp mong mỏi Chính phủ, Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu, xem xét các biện pháp nới lỏng chính sách về visa như tăng số lượng thị trường được miễn thị thực đơn phương, thêm các thị trường làm visa online; tăng thời gian hiệu lực của visa, cho phép gia hạn visa ngay trong nước dễ dàng mà không cần xuất cảnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và địa phương kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư cho marketing truyền thông điểm đến, nâng cao thương hiệu quốc gia. Đề nghị ở các thị trường trọng điểm cần có văn phòng xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam. Thời gian đầu, ít nhất mỗi châu lục cần có một văn phòng này để đón bắt thời cơ thu hút khách quốc tế tới Việt Nam, để khách không quên Việt Nam.

Đến ngày 17/3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia. Và, đến ngày 21/3, Việt Nam tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vaccine của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Để mỗi điểm đến an toàn

Người dân và khách du lịch vui chơi tại khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn

Người dân và khách du lịch vui chơi tại khu vực phố đi bộ quanh Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Anh Sơn

Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành Văn bản số 1265/BYT-DP về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, các địa phương đã sẵn sàng đón khách trở lại với quyết tâm mở cửa không có nghĩa là buông lỏng mà có kiểm soát, quản lý hiệu quả.

Và để việc mở cửa sao cho an toàn, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, việc mở cửa cho du khách quốc tế thì cần mở cửa các hoạt động một cách đồng bộ, tránh mỗi nơi một kiểu, gây bối rối cho du khách. Cùng với đó là dự phòng đồng bộ, các nhà hàng, quán ăn, phố đi bộ phải bảo đảm các nguyên tắc phòng dịch như: khử khuẩn, đeo khẩu trang..., nếu không dịch sẽ có thể bùng lên.

Ở các nhà hàng có thể không đeo khẩu trang nhưng khử khuẩn, bố trí các nhóm khách khác nhau ngồi ở các bàn có khoảng cách. Chúng ta cần thông thái trong thực hiện 5K tối đa có thể. Điều quan trọng nhất, ngành du lịch cần xây dựng phương án theo từng đặc thù của các loại hình du lịch.
PGS,TS Trần Đắc Phu

Thực hành nghiệp vụ khách sạn gắn với quy trình 5K và biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nguồn: TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

Thực hành nghiệp vụ khách sạn gắn với quy trình 5K và biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nguồn: TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

Nhiều chuyên gia kiến nghị, lúc này cần rà soát thực trạng nguồn nhân lực du lịch, đánh giá hiện trạng chuyển đổi công việc trong bối cảnh Covid-19. Từ đó, lập kế hoạch tuyển dụng, đào tạo; các doanh nghiệp du lịch, các địa phương có các tiêu chí riêng cần chủ động đặt hàng với các cơ sở đào tạo du lịch theo chương trình đào tạo; quan tâm đến việc đào tạo nghề du lịch cho học sinh trung học phổ thông, học sinh ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dân tộc nội trú để có nguồn tuyển dụng ổn định; cần chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho những lao động có tay nghề cao, giảng viên vì họ sẽ là những “máy cái” trong việc đào tạo.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm, ngành du lịch cần thêm gần 40 nghìn lao động nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm. Trong đó, chỉ hơn 12% số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Đặc điểm chung của các kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế là tính linh hoạt cao, nhằm thích ứng nhanh chóng với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tại Thái Lan, chỉ trong chưa đầy một tháng (từ ngày 1/2 đến 23/2) các quy định đối với khách nhập cảnh theo chương trình Test & Go (Xét nghiệm & Lên đường) đã có nhiều điều chỉnh.

Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 Thái Lan (CCSA) cho biết, đã quyết định bỏ yêu cầu xét nghiệm Covid-19 lần thứ hai bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ năm sau khi nhập cảnh từ ngày 1/3, thay vào đó là xét nghiệm kháng nguyên nhanh (ATK) đối với du khách đã tiêm chủng đầy đủ đến Thái Lan theo chương trình nói trên. Du khách nước ngoài sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm ATK và báo cáo kết quả thông qua Mor Chana, một ứng dụng mà du khách được yêu cầu tải về và sử dụng ngay khi nhập cảnh.

Nhiều nước châu Âu xây dựng bản đồ với các mã mầu để thể hiện tình hình dịch bệnh mới nhất của từng quốc gia cùng các biện pháp hạn chế tương ứng. Bảng mầu sẽ được cập nhật thường xuyên, du khách hoặc chính quyền chỉ cần đối chiếu vào đó để đưa ra quyết định. Các thông tin, hướng dẫn cụ thể cũng được đưa đầy đủ trên trang web giúp du khách có sự chuẩn bị tốt nhất trước chuyến đi.

Đoàn doanh nghiệp du lịch Việt Nam đi khảo sát xây dựng tuyến điểm tại Sri Lanka ngay trong thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn. Ảnh: Huyền Huyền

Đoàn doanh nghiệp du lịch Việt Nam đi khảo sát xây dựng tuyến điểm tại Sri Lanka ngay trong thời điểm Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn. Ảnh: Huyền Huyền

Các bong bóng du lịch cũng được nhiều nước xây dựng với tính linh hoạt cao, dễ điều chỉnh và giảm áp lực hơn việc mở cửa toàn bộ. Một số hành lang du lịch đã được triển khai như Palau-Đài Loan (Trung Quốc), Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)- Israel,… Bên cạnh đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh, các chương trình khuyến mãi, ý tưởng tham quan độc đáo cũng được các nước đẩy mạnh triển khai. Công nghệ số được tận dụng để quảng bá hình ảnh hoặc tạo ra các tour du lịch ảo, giúp điểm đến duy trì thương hiệu và cập nhật thông tin tới du khách. Ngày 12/3 vừa qua, Việt Nam cũng gia nhập Metaverse (Vũ trụ ảo) với Hội An Metaverse.

Thức thời hơn, nhiều nước dùng vaccine Covid-19 để thu hút khách, như San Marino có dịch vụ tiêm vaccine cho du khách nước ngoài. Maldives cũng có kế hoạch tương tự. Một số khách sạn tại Singapore tuyên bố chi trả toàn bộ chi phí chữa trị nếu khách mắc Covid-19 trong quá trình lưu trú. Rất nhiều quốc gia như Mexico, Malta... đa dạng chương trình kích cầu như trợ giá, tặng tiền, tặng phòng nghỉ, tặng dịch vụ gia tăng để khuyến khích du khách quay trở lại.

Kỳ vọng vào Năm Du lịch quốc gia

Trong gần tháng qua, trước lễ khai mạc (diễn ra tối 26/3 tại Đảo Ký ức Hội An (TP Hội An), tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã rộn rã nhiều hoạt động văn hóa hướng đến Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề: “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, đang tạo ra sức hấp dẫn với du khách sau đại dịch.

Trong những ngày cuối tháng 3 này, trở lại Hội An, chúng tôi cảm nhận không khí chuẩn bị đón khách của người dân đã bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên sau hai năm dài im lìm do dịch bệnh. Nắng cuối xuân đang trải vàng trên mái phố rêu phong, cổ kính. Các quầy buôn bán trên các tuyến đường trong khu phố cổ đều đã mở cửa trở lại, bày bán nhiều mặt hàng phục vụ cho du khách.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Tấn Phan

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Tấn Phan

Chị Nguyễn Thanh Thủy (phường Minh An, Hội An) chia sẻ, sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, từ sau Tết đến nay, cũng như nhiều hộ trong khu phố cổ, chị đã bố trí lại quầy bán, bổ sung  hàng hóa, nhất là quà lưu niệm để phục vụ du khách. Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, những ngày qua, Thành phố đang gấp rút hoàn thành các công việc còn lại để sẵn sàng chào đón khách đến dự đêm khai mạc và các sự kiện diễn ra trên địa bàn trong Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. “Chúng tôi hy vọng thời gian tới, sẽ có đông du khách trong nước và quốc tế đến Quảng Nam và dừng chân ở đây”, ông Sơn kỳ vọng.

Năm Du lịch quốc gia 2022 sẽ diễn ra hơn 200 sự kiện, hoạt động. Trong đó, 10 hoạt động tầm quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức; 64 sự kiện, hoạt động do tỉnh Quảng Nam chủ trì tổ chức và 140 sự kiện khác do các địa phương trong cả nước phối hợp tổ chức trong suốt năm 2022.

Vẫn biết, để Hội An nói riêng và các điểm đến trên cả nước nhộn nhịp trở lại còn là vấn đề thời gian. Song, với những chính sách “mở cửa” thích ứng linh hoạt, an toàn đã và đang được triển khai, chúng ta có quyền đặt nhiều hy vọng. Thời gian gần đây, nhiều điểm du lịch và các khách sạn, khu lưu trú tại các địa phương như: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành,… đã bắt đầu mở cửa đón khách trở lại.

Chương trình chào đón các du khách quốc tế đầu tiên tới thăm phố cổ Hội An sau gần hai năm gián đoạn vì Covid-19. Ảnh: Duy Hậu

Chương trình chào đón các du khách quốc tế đầu tiên tới thăm phố cổ Hội An sau gần hai năm gián đoạn vì Covid-19. Ảnh: Duy Hậu

Đặc biệt, để hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã nhanh chóng “kích hoạt” lại hệ thống, xốc lại đội ngũ nhân viên và nhất là nỗ lực làm mới mình bằng những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong bối cảnh dịch bệnh.

Quảng Nam nằm ở trung điểm của Vùng trọng điểm kinh tế miền trung, với một hệ thống hạ tầng lý tưởng như: sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ cùng với hệ thống hạ tầng du lịch được đầu tư trải dài ven biển và đang tiếp tục mở rộng lên các huyện miền núi phía tây.

Hiện toàn tỉnh có hơn 840 cơ sở lưu trú, với gần 17 nghìn phòng, trong đó có 52 khách sạn từ 3 đến 5 sao (với 7.400 phòng) và 80 đơn vị lữ hành… Đây là tiềm năng, thế mạnh để Quảng Nam tiếp tục đầu tư, khai thác và phát triển du lịch xanh; tạo ra những sản phẩm du lịch mới có giá trị để thu hút, níu chân du khách.

Ngày xuất bản: 28/3/2022
Tổ chức sản xuất: Vũ Mai Hoàng
Nội dung: Lưu Hương Giang, Ngô Phương Thảo, Hồng Thiện, Nam Khánh, Văn Học, Nguyễn Hà, Tấn Nguyên, Nguyễn Anh
Trình bày: Phan Anh, Duy Long