Mùa đông năm 1981, Tổng Giám đốc UNESCO ông Amadou - Mahtar M’Bow trong lần đầu tiên ghé thăm Huế trong sứ mệnh cứu nguy các di sản quý giá đang bị lãng quên và hủy hoại nặng nề, đã để lại câu nói nổi tiếng: “Khám phá Huế là khám phá bất tận, chính vì thế Huế luôn luôn mới”. “Hue - is always renewed” - Huế luôn đổi mới và cho đến giờ đây vẫn được xem là một trong những slogan hay nhất về Huế.

Một cái nhìn đầy tiên tri, bởi thời điểm đó mọi thứ ở Việt Nam chúng ta còn thiếu thốn, nghèo nàn tạm bợ, đất nước lại đang bị bao vây, cấm vận... Tôi sống ở Huế cùng thập niên ấy, nên biết. Những mùa lạnh, mùa mưa xứ Huế mịt mù thăm thẳm. Phủ mờ lên bóng những cung điện, miếu đền, chùa chiền, lăng tẩm xạm mốc, xo xụi. Khác chi Nguyễn Bính xưa ngó cảnh Giậu đổ dây leo suồng sã quá, để Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên. Nhưng vô tình, cảnh trí ấy lại hòa phối với dòng sông chảy mê man bên cạnh, với bóng núi mờ ảo và cỏ cây hoa lá sững sờ giăng mắc khắp chốn, khiến Huế trở nên quá đẹp, vẻ đẹp u hoài có thể bóp chết những trái tim thi sĩ...

Tôi có những người bạn văn, họa sĩ sống một đời ở Huế góp phần thăng hoa xứ Huế như Nguyễn Xuân Hoàng, Võ Xuân Huy, đều đã ra đi khá sớm khi tuổi tác chưa qua được nửa đường đời, mà bất giác một lúc nào đó tôi chợt nghĩ rằng họ ra đi như vậy có lẽ bởi Huế... đẹp quá! Cái Đẹp trở thành một Gánh Nặng, nếu chỉ có rêu phong thời gian miên viễn trầm, chậm, đọng. Như những màn mưa, màn sương mà thời tuổi trẻ tôi đã tìm cách vượt ra để khỏi bị thôi miên, khỏi bị dắt về một nơi chốn mơ hồ nào đó.

Nhưng càng về sau này mỗi lần quay lại với Huế tôi lại thấy bước chân mình bớt dần cảm giác đơn độc hun hút sâu. Vẫn kinh thành ấy, cung điện ấy nhưng đã bừng sáng. Vẫn những con đường ấy nhưng đã rộng mở, đã đầm ấm đông đúc, rộn ràng màu sắc, âm thanh hơn. Huế đã mới...

Tôi nhận ra đặc thù của Huế là dù có phát triển đến đâu cũng vẫn không bung mở ra hết cỡ. Lịch sử, văn hóa, truyền thống, cốt cách, nhân sinh quan... của đất và người xứ này là vậy. Luôn biết “giữ chút gì rất Huế”. Tôi có câu thơ “Chiếc lá tối rất ấy”, vừa đọc lên anh bạn xứ này phát hiện ra ngay cái trật tự câu, bởi “ấy” trở thành một hư từ riêng kiểu Huế. Để thấy người Huế có những thứ không cần nói ra hết lời, nói cho cạn ý, mà luôn chừa một khoảng mở, cho ý cho tứ.

Cầu Trường Tiền bên nhành phượng vĩ, sáng mùa hè 2007. Ảnh: Wikipedia

Cầu Trường Tiền bên nhành phượng vĩ, sáng mùa hè 2007. Ảnh: Wikipedia

Khám phá Huế là khám phá bất tận, chính vì thế Huế luôn luôn mới. "Hue - is always renewed” - Huế luôn đổi mới.

Tổng Giám đốc UNESCO ông Amadou - Mahtar M’Bow

Ngay từ khi Huế mở con đường đi dạo dọc trên sông Hương lát bằng gỗ lim hồi mấy năm trước, gây tranh cãi, tôi lại không hề thấy bất ngờ. Huế là vậy, mới nhưng vẫn “rất Huế”, “rất mệ”. Phải là gỗ lim, có hư thì sửa, chứ không thể là bê-tông, nhựa đường. Lối đi ấy phục vụ dân bản địa hay người muôn phương đến du lịch, chiêm ngắm thì vẫn phải mang chất vườn Ngự, mà nơi khác, sông khác nếu bắt chước sẽ “lố” ngay. Cây cầu Nguyễn Hoàng đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng bắc từ Thuận Hóa bên này sang Kim Long-Phú Xuân bên kia vừa thông xe hôm 26/3, đúng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Huế. Cầu hiện đại, kết cấu vòm thép, mặt cầu rộng 6 làn xe cùng hai làn đi bộ rộng rãi. Nhưng độc đáo nhất chính là 64 chiếc lọng vàng cung đình bằng thép cao từ 4,6m đến hơn 14m được dựng dọc đôi bên hai đầu cầu, vừa trang trí, vừa làm đèn chiếu sáng. Để ban đêm khi cây cầu bừng sáng, ta sẽ bắt gặp bóng dáng một Hoàng Hạc khổng lồ đang chầu về Thiên Mụ. Cảnh sắc vừa kinh kỳ xưa cũ vừa mới mẻ lạ lùng ấy nơi khác làm sao bắt chước được?

Hương giang giờ đã bớt nỗi u hoài của dương liễu, của đáy nước, nội cỏ thơm, nắng vàng khói biếc như Hoàng Phủ Ngọc Tường thuở nào từng tự hỏi: Ai đã đặt tên cho dòng sông. Hương giang vừa bùng vỡ với đại tiệc âm nhạc, ánh sáng kết hợp những màn thực cảnh lộng lẫy trên bến dưới thuyền chưa từng thấy tại đêm khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2015 do Huế đăng cai. Lần đầu tiên đất Thần kinh xuất hiện một sân khấu khổng lồ mang biểu tượng chiếc khánh vàng triều Nguyễn rộng tới 500m2 nổi lên ngay trên mặt sông, cùng khán đài ngoài trời 3.000m2 bên thảm cỏ. Đặc biệt, sau mỗi sự kiện sân khấu này có thể xếp lại, trả mặt nước lại cho tự nhiên.

Thừa Thiên Huế định hướng phát triển đô thị có bản sắc riêng. Ảnh HOÀNG HẢI

Thừa Thiên Huế định hướng phát triển đô thị có bản sắc riêng. Ảnh HOÀNG HẢI

Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”, song hành với “Festival 4 mùa Huế”. Nếu như trước kia Festival Huế “dồn hết món ngon” là hàng trăm chương trình văn hóa, nghệ thuật đẳng cấp quốc tế vào vỏn vẹn có một tuần, thì nay đã trải ra thành một chuỗi hội hè miên man suốt 4 mùa với hơn 170 sự kiện. Với những cái tên thật gợi: Xuân cố đô, Kinh thành tỏa sáng, Huế vào Thu, Mùa Đông xứ Huế. Tất nhiên vẫn giữ một điểm nhấn đã quen thuộc suốt hơn 20 năm qua, là Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế. Thật tình cờ, bên kia đèo Hải Vân, Đà Nẵng cũng khôn ngoan “rải” Lễ hội pháo hoa quốc tế ra suốt hai tháng mùa hè, thay vì khiến người thưởng ngoạn phải “bội thực pháo hoa” chỉ trong có hai đêm như trước.

Nhân nói về hội hè xứ này, cánh thi sĩ tứ xứ như bọn tôi năm xưa cũng từng được Ban tổ chức mời ngồi vào cái nhà bát giác còn gọi là Nhà Kèn bên cạnh cầu Trường Tiền để... thay nhau đọc thơ, vừa đọc vừa trình diễn hội họa. Ai đọc cứ đọc, ai nghe cứ nghe, ai đi cứ đi... mà vui. Rồi lại nhớ hơn 10 năm trước Huế từng nghĩ cách “đem Festival đến mọi nhà”: Mang các chương trình nghệ thuật quốc tế đến tất cả 9 huyện, thị xã trong tỉnh, từ núi xuống biển. Khó quên cảnh buổi trưa ấy nhóm nhạc The Amigos của Mỹ kéo về Bệnh viện Trung ương Huế biểu diễn tưng bừng trước sự hào hứng của hàng nghìn bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ...

Một màn biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế.

Một màn biểu diễn nghệ thuật tại Festival Huế.

Hai chữ “rất Huế” ngọt lịm là trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Huỳnh Văn Dung được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thành ca khúc nổi tiếng. Giữ chút gì rất Huế đi em/ Nét duyên là trời đất giao hòa... Dẫu em rất Huế tự bao giờ/ Đừng để lòng như cung điện xưa... Mới đây tôi trong Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 về Đại học Huế trò chuyện về cuộc thi với các em sinh viên. Nhớ hôm ấy Tiến sĩ Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế tự hào về những nữ sinh viên xinh đẹp, duyên dáng, tài năng của mình, đã từng ghi nhiều dấu ấn tại các đấu trường nhan sắc lớn. Cô cho biết các em rất hào hứng tham gia cuộc thi sắc đẹp để “Khám phá bản thân, mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn và chinh phục những thử thách mới”. Trò chuyện, tôi nhận ra các em vẫn đều “rất Huế”, nhưng cũng đầy năng động, hiện đại. Đại sân khấu bán thực cảnh trên sông Hương vào mùa hè này sẽ lại mở ra với Đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Cố đô xưa. Giữa chốn Hoàng cung, giai nhân Huế và khắp mọi miền sẽ chan hòa vào mọi mặt hoạt động, đời sống văn hóa Huế.

Rồi cũng bất ngờ khi Ngày hội Tinh hoa Võ Việt lần I - Huế 2025, một hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2025 vừa diễn ra rất thành công, hứa hẹn Huế sẽ là điểm đến của cộng đồng võ thuật trong nước và quốc tế. Khi mà xưa nay ai cũng nghĩ Huế chỉ là xứ sở của văn chương, thi ca, dẫu xưa kia từng nổi danh với Võ Thánh miếu, Xiển Võ từ. Bởi Huế giàu có quá, về lịch sử, văn hóa, di sản, đụng vào đâu cũng “nên chuyện”. Là địa phương duy nhất có tới 8 di sản văn hóa thế giới về vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu. Tổng số 3.000 món ăn Việt Nam được ghi trong Hội điển của nhà Nguyễn, thì Huế có đến 1.700 món ăn thuộc về dân gian, cung đình và ẩm thực chay...

Diện mạo mới của đô thị Huế hai bên bờ sông Hương. Ảnh LÊ HOÀNG

Diện mạo mới của đô thị Huế hai bên bờ sông Hương. Ảnh LÊ HOÀNG

Giàu có như thế, nên dù tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, tôi biết Huế sẽ “không dại gì” mà phát triển văn hóa một cách công nghiệp. Để chạy theo những thứ đồ sộ tân thời, hào nhoáng, hời hợt ăn liền. Mà luôn dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống để làm mới, làm giàu. Huế đã và đang hướng tới cái mới trong sự hòa giải và hóa giải khôn ngoan, chân thành giữa quá khứ với hiện đại.

Nhìn Huế, tôi bỗng thấy mình cũng giống như Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nhìn sông Hương và nhận ra rằng “dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình...”.

Biến di sản thành nguồn lực, thành lợi thế phát triển, nói như TS Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia - Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố Huế: “Nếu Huế luôn biết cách làm mới mình, thì sự phát triển của vùng đất này là vô tận, rất riêng, rất đặc biệt. Cái cách “làm mới” của Huế như nhìn nhận của UNESCO được hiểu đó là phương thức tiếp cận, sự sáng tạo, đưa di sản tiếp cận với cộng đồng và luôn có sức hấp dẫn, mới mẻ với mọi người. Từ đó, di sản văn hóa tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư.

Nội dung: Trần Tuấn
Trình bày: Nam Đông - Phùng Trang
Ảnh: Báo Nhân Dân; TTXVN