Sẵn sàng
đối diện nguy nan
Nhật Hương

Boali, Cộng hoà Trung Phi, ngày 18/03/2022. Dứt khoảnh khắc đếm ngược là một tiếng nổ dữ dội, cùng một cột khói cao ngút xuất hiện ngay sau quầng lửa rực sáng. Cho dù đứng ở một khoảng cách an toàn, tôi vẫn phải nín thở, mím môi, tay giữ chặt máy quay để ghi lại những thước phim và hình ảnh chân thực nhất. Buổi xử lý vật liệu nổ diễn ra an toàn, thành công, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Tôi là Vũ Nhật Hương, từng là Sĩ quan Truyền thông, Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA, nhiệm kỳ 2021-2022).
1. Trước đó sáu giờ đồng hồ, khi có tin báo phát hiện ba vật thể nghi là vật liệu nổ tại Boali, Phân khu Trung tâm, cách Thủ đô Bangui 60km, tôi nhận được câu hỏi của Trưởng phòng Truyền thông: “Sẽ là một thử thách lớn đấy, bạn có muốn tham gia không?”. “Sẵn sàng!”, câu trả lời bật ra trong tích tắc.
Và thế là chúng tôi lên đường. Tốc độ của đoàn bị hạn chế rất nhiều do chất lượng đường sá, cũng như để bảo đảm an toàn. Là thành viên nữ duy nhất trong đội hình 30 người, nhiệm vụ của tôi là ghi lại những hình ảnh xử lý chất nổ tại hiện trường.
Tôi xung phong được theo sát hành trình, trong sự ngỡ ngàng của đội nam Công binh Indonesia. Tuy nhiên, tôi phải ở một khoảng cách an toàn, chỉ đủ để quan sát thật kỹ sự nguy hiểm của vật liệu nổ.
Về đến Việt Nam rồi, những chuyến di chuyển bằng máy bay lên thẳng không đóng cửa (để thành viên tổ bay có đủ tầm nhìn quan sát an ninh) cũng là trải nghiệm mà tôi vẫn luôn “nhung nhớ”. Dù được đeo đến hai chiếc đai bảo hiểm, những lần tăng giảm độ cao vẫn khiến cơ thể hẫng hụt, chới với.

Trở về từ một chuyến bay đầy trải nghiệm.
Trở về từ một chuyến bay đầy trải nghiệm.
2.Tuy nhiên, tôi vẫn… ghen tị, với những nữ đồng đội của mình. Đơn cử, Trung tá Vũ Thị Oanh, từng đảm nhiệm vị trí Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS), người sở hữu cả “một kho” ký ức.
“Chuyến tuần tra ngày 30/12/2021 trên tuyến biên giới bang Trung Xích đạo, Nam Sudan bắt đầu từ 9 giờ sáng. Quãng đường chỉ 25km, nhưng phải qua bốn chốt kiểm soát. Thường, cứ trình SOI (giấy chứng nhận) rồi thương lượng mấy câu là được qua”, chị Oanh hồi tưởng.
“Tuy nhiên, đường về, cách nơi đóng quân quãng chừng 5-7km, đoàn xe tuần tra bị chặn lại. Là một Quan sát viên quân sự, như thường lệ, tôi xuống xe, cùng với chỉ huy và một số thành viên đoàn hộ tống tiến lên phía trước để vào chốt kiểm soát, nhưng phải khựng lại trước một hàng họng súng. “Chỉ một mình cô kia (chỉ vào tôi) vào, còn tất cả dừng lại, chờ ở đây!”. Sau một vài phút, tôi quyết định làm theo yêu cầu của họ.
Đoạn đường từ chỗ đoàn xe đỗ vào tới lán chỉ huy khoảng gần một km. Vừa đi, tôi vừa nghĩ ra rất nhiều tình huống xấu: “Không đem theo đồ phòng vệ, không vũ khí, không điện thoại…, đang đi bị họ bắt cóc thì sao, đội hộ tống có súng lại đứng cách xa thế làm sao liên lạc được, vào gặp chỉ huy của họ sẽ như thế nào...?”.
Tôi tìm cách trấn tĩnh bằng việc gặp nhóm lính nào trên đường đi cũng chào hỏi vui vẻ. Thấy có nhóm lính đang chơi trò chơi kiểu như "ô ăn quan" của Việt Nam mình, tôi đứng lại giao lưu.
Nhóm lính rất vui khi thấy tôi biết tên gọi trò chơi này của họ là "Mugo"- kinh nghiệm có được từ một chuyến tuần tra trước đó. Đi sâu vào trong, có một cái lán khoảng gần 20 lính khác đang chơi bài. Cảm giác lo lắng ban đầu đã chuyển sang hoảng sợ.
Chỉ huy của họ đã ngồi chờ sẵn ở đó. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để chào hỏi vui vẻ, và đương nhiên tôi cố tình nhấn mạnh mình là người Việt Nam.

Và không phải lúc nào cũng có đồng đội bên cạnh, như thế này.
Và không phải lúc nào cũng có đồng đội bên cạnh, như thế này.
Kinh nghiệm qua nhiều chuyến tuần tra cho thấy hầu hết người dân Nam Sudan ngưỡng mộ và đánh giá cao bề dày truyền thống lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, và họ có thiện cảm với người Việt Nam. Tuy nhiên, mặt viên chỉ huy vẫn lạnh như tiền.
Anh ta hỏi: “Sáng nay Đoàn tuần tra đi qua tại sao không vào trình SOI?”. Tôi chợt nhớ ra, sáng nay, đoàn đã lưỡng lự nhưng không thấy có dây chắn đường, không có lính gác nên cứ thế đi.
Tôi nhận lỗi trước, rồi giải thích: “Tôi là người mới đến thực hiện nhiệm vụ, lần đầu tiên đi tuần tra trên tuyến này, chỉ huy của đoàn hộ tống cũng là người mới...”. Thấy vậy, viên chỉ huy chấp thuận. Ra đến chỗ đoàn xe đang đứng chờ mà vẫn còn run. Những hàng lính tay vẫn lăm lăm súng, đạn đã lên nòng”.
Rồi “Chuyến đi tuần ngày 9/11, tới Wunuliet, ngôi làng cách Thủ đô Juba 35km, nơi có vị trí đóng quân của quân đội phe đối lập (SPLA-IO). Đội bảo vệ phải đứng ngoài cách sở chỉ huy chừng 500m. Còn lại tám người được phép vào trong. Trên đường vào, chúng tôi phải qua hai hàng lính vũ trang dữ dằn. Tôi chào xã giao. Họ không đáp lại, mặt vẫn lạnh như những bức tượng đồng đen.

Cuộc gặp kéo dài hai giờ đồng hồ, liên quan các vấn đề chính trị, xã hội, các quan điểm nhạy cảm giữa các phe phái của Nam Sudan. Do đó, trên cương vị Quan sát viên quân sự, tôi đã phải nghiên cứu kỹ trước tình hình để luôn thể hiện vị trí trung lập, không nghiêng về phe nào.
Các Quan sát viên quân sự cũng cần phải hết sức thận trọng trong việc quan sát, phân tích và đánh giá tình hình, đúng với chức năng là “đôi tai và con mắt của phái bộ”. Một tia lửa thôi, cũng có thể tạo nên đám cháy”.
Bên cạnh chị Oanh, còn những người đồng đội khác của tôi, cả nam lẫn nữ, cũng luôn sẵn sàng đối diện với những nguy nan như thế. Đến độ, hầu như ai cũng có những khoảng thời gian dài phải chuẩn bị sẵn một chiếc túi xách để ở góc lều dã chiến, trong đó đã có đầy đủ những vật dụng cần thiết. Bởi, “khi còi báo động ngày nào cũng hú, mình luôn phải sẵn sàng, để có lệnh là lại lập tức lên đường - Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh (phái bộ MINUSCA).

Tỉnh táo và thận trọng luôn là những yêu cầu thiết yếu đối với các Quan sát viên quân sự.
Tỉnh táo và thận trọng luôn là những yêu cầu thiết yếu đối với các Quan sát viên quân sự.
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai bốn lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và một đội công binh tại Phái bộ ở Abyei, khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Nam Sudan kiêm Trưởng Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan (UNMISS) Nicholas Haysom đánh giá rất cao đóng góp tích cực, hiệu quả, sự sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, ý thức kỷ luật cao của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam tại UNMISS.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định: “Những nỗ lực cũng như sự sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam tại Nam Sudan, nhất là trong việc chăm lo cho đời sống, an toàn và sức khỏe của người dân sở tại, đã củng cố và tăng cường sự gắn kết, lòng tin của người dân với lực lượng Mũ nồi xanh”.

3. “Biết rằng tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, mà mình còn là phụ nữ “chân yếu tay mềm”, vậy tại sao chị vẫn quyết tâm xung phong?”, tôi hỏi chị Oanh, khi chợt nhớ đến chuyện Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh kể rằng ngày lên đường, chị đã bật khóc nức nở “đến không ai dỗ nổi” vì thương các con ở nhà.

Chỉ địa hình xấu thôi cũng đã là thách thức rất lớn, nhất là đối với các nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng Mũ nồi xanh Liên hợp quốc.
Chỉ địa hình xấu thôi cũng đã là thách thức rất lớn, nhất là đối với các nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng Mũ nồi xanh Liên hợp quốc.
Lý do trước tiên là tôi muốn thay đổi môi trường làm việc và cuộc sống thường nhật, để đến một nơi xa xôi chưa từng ghé. Nơi mà chỉ mới xem trên TV, thấy người ta nghèo khổ, lại xung đột liên miên, mình cũng muốn làm gì đó. Tới nhiều nơi trên đất nước Nam Sudan, tôi càng thấu hiểu và thấm thía giá trị của độc lập và hòa bình. Và tôi tự hào về đất nước mình biết bao.

“Tôi mong mỏi hòa bình sớm đến với đất nước Nam Sudan”, Trung tá Vũ Thị Oanh thổ lộ.
“Tôi mong mỏi hòa bình sớm đến với đất nước Nam Sudan”, Trung tá Vũ Thị Oanh thổ lộ.
Câu hỏi này, tôi cũng tự hỏi tôi. Nhưng tôi biết, nếu được chọn lại, tôi chắc sẽ còn xung phong lên đường từ sớm hơn, nhiều năm về trước.
Ba mươi tuổi là độ tuổi mà nhiều phụ nữ bắt đầu dành mối bận tâm cho cuộc sống gia đình riêng. Còn tuổi 30 của tôi lại dành trọn cho cơ hội được thử thách bản thân.
Hơn hết, tôi cũng muốn thông qua vị trí được tin tưởng lựa chọn, để làm đẹp thêm hình ảnh người “bộ đội Cụ Hồ” trong mắt bạn bè quốc tế.

Mỗi quân nhân khi được triển khai tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đều mang trong mình sứ mệnh đầu tiên là hoàn thành các công việc được đảm nhiệm, tiếp đến là làm đẹp hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế và người dân bản địa, thông qua cách phối hợp công việc, các chương trình giao lưu văn hoá cũng như tham gia các hoạt động thiện nguyện trong vai trò là một sĩ quan Liên hợp quốc. Từ đó, họ biết đến Việt Nam là một đất nước hoà bình, nhân ái.

Dư luận thế giới đánh giá cao đóng góp của các quân nhân Mũ nồi xanh Việt Nam.
Dư luận thế giới đánh giá cao đóng góp của các quân nhân Mũ nồi xanh Việt Nam.
Một người đồng nghiệp của tôi từng chia sẻ: “Khoảnh khắc đáng tự hào nhất là khi người dân bản địa, trẻ em thi nhau chạm tay vào lá cờ Tổ quốc mà chúng tôi mang theo trên đường hành quân, là khi các em nhỏ tập phát âm và hô to hai tiếng “Việt Nam!”, hay là khi nhận được những lời động viên vô giá từ quê nhà”.
Những trái tim Việt rực lửa sưởi ấm Lục địa Đen
Nguyễn Thế Đại Dương
Từ quê lúa Thái Bình đến bản làng Angola
Trong suy nghĩ của nhiều người, châu Phi là mảnh đất khô cằn với khí hậu khắc nghiệt. Vậy nên, cộng đồng mạng Việt Nam không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những cánh đồng ngô xanh tốt tại Angola trên kênh YouTube “Đông PauLo Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi”.
Đó là thành quả của anh Nguyễn Đông (quê Thái Bình) và những thành viên trong “Team châu Phi” gặt hái được sau khoảng thời gian “lăn lộn” cùng người dân bản địa.
Tại Bailundo - nơi anh Đông sinh sống, trình độ nông nghiệp của người dân rất hạn chế, năng suất cây trồng thấp. Anh và những người bạn áp dụng kỹ thuật canh tác của người Việt để cải tạo đất, hướng dẫn người dân gieo trồng đúng cách. Những giống rau ngắn ngày như dưa leo, cà chua, cải giống Việt Nam đã mang lại một sức sống mới cho những mảnh đất hoang.
Nguyễn Đông không được đào tạo bài bản về nông nghiệp. Nhưng vốn xuất phát từ “quê lúa”, lại quen việc đồng áng từ nhỏ, anh không gặp nhiều khó khăn khi canh tác. Anh cũng “nhân tiện” giới thiệu ẩm thực Việt Nam với người dân Angola, thông qua những món ăn từ chính các sản phẩm nông nghiệp của đội.
“Tôi là con nhà nông, quen với việc chăn trâu cắt cỏ nên có nhiều kinh nghiệm được học hỏi từ bố mẹ. Tôi trồng những loại cây đã biết. Những gì không biết thì tìm hiểu qua internet để áp dụng cho người dân. Nhờ Google, chúng tôi đã làm những “bóng điện mặt trời” từ chai nước để thắp sáng nhà cửa, phòng học”, anh Đông chia sẻ.
Anh Đông còn huy động trí tuệ của nhiều người Việt Nam thông qua kênh YouTube cá nhân. Từ những bình luận đóng góp kiến thức của khán giả, anh ghi nhận lại để cải tiến cách thức canh tác. Bố Đông cũng nhiều lần gọi sang Angola góp ý khi thấy con trai làm sai kỹ thuật.
Hành trình “ươm mầm xanh”, nhờ đó, có sự đồng hành và góp sức từ chính những người Việt Nam ở quê nhà. Những kiến thức nông nghiệp tưởng chừng như rất bình thường, cũng mang đến sự thay đổi cho vùng đất bạn.
Anh Đông tâm sự: Các bậc “trưởng lão” ở Angola thường là những người xúc động nhất trước sự giúp đỡ của người Việt Nam. Bởi lẽ, họ đã trải qua hàng chục năm “sa lầy” trong cảnh thiếu thốn, qua đó càng trân trọng tình cảm từ dải đất hình chữ S. Và ánh mắt tròn xoe, ngây ngô của những đứa trẻ châu Phi như xóa nhoà mọi ranh giới ngôn ngữ, chủng tộc, chỉ còn tình đồng loại đơn thuần nhất.



Những người hùng thầm lặng
Nhưng Angola không chỉ có “Team châu Phi”, “Quang Linh Vlogs” hay Đông Paulo. Còn có rất nhiều người Việt Nam vẫn đang âm thầm giúp đỡ người dân đất nước nằm ở phía nam châu Phi này.
Như anh Nguyễn Văn Hòa, một doanh nhân ở tỉnh Huambo, đã bỏ tiền túi xây trường học, xây nhà tình thương cho 64 trẻ mồ côi và ủng hộ thức ăn, quần áo, đồ dùng thiết yếu cho những nơi gặp khó khăn ở Angola.
Năm 2021, công ty của anh Hòa được vinh danh là doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho xã hội ở Angola.
Tuy nhiên, anh không muốn bản thân xuất hiện trên truyền thông vì từ thiện là “từ tâm”, xuất phát từ tình cảm gắn bó, muốn tri ân vùng đất mà anh đã làm ăn và sinh sống hơn 20 năm.

Hay như câu chuyện về bác sĩ N.T.N.T -người công tác tại Angola hơn 15 năm và đã giúp rất nhiều thai phụ, thai nhi qua cơn hiểm nghèo. Có lần, cô phải vượt hàng chục km giữa vùng núi hoang sơ hẻo lánh vào giữa đêm, để cứu người tài xế bị rơi xuống vực.
Điều từng khiến bác sĩ N.T.N.T phải trăn trở đến mức ám ảnh là câu chuyện của một người phụ nữ Angola tên Yonetta. Nhiều năm trước, nữ bác sĩ và các đồng nghiệp đã cứu thành công cho con gái của Yonetta, dù cơ hội sống sót chỉ là 0,01%. Đó là lần mang thai thứ tám của Yonetta và cũng là lần thứ ba sản phụ 26 tuổi này phải trải qua phẫu thuật lấy thai.
Nando - con gái của Yonetta - sống sót là một kỳ tích. Thế nhưng, gánh nặng cơm áo cho năm đứa con khác khiến Yonetta không thể lo cho con gái út bé nhỏ. Cô bé lớn lên trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng, không biết nói. Bác sĩ N.T.N.T nhiều lần gửi tặng thuốc men, sữa, bột, giới thiệu Yonetta làm việc ở nông trại nhưng vẫn không thể giúp cô thoát cảnh “rày đây, mai đó”.

Bác sĩ N.T.N.T cùng các “bệnh nhân nhí” của mình.
Bác sĩ N.T.N.T cùng các “bệnh nhân nhí” của mình.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Một thời gian sau, bác sĩ N.T.N.T gặp lại Yonetta ở tuổi 30, với gương mặt nhăn nheo như một bà già. Cô và năm đứa con gầy còm ngồi quanh một nấm mộ nhỏ vừa mới đắp. Hình hài Nando - cô bé “0,01% kỳ tích” năm ấy - đã nằm yên trong lòng đất, sau một cơn co giật đau đớn.
"Những thiên thần mang áo blouse trắng" đến từ Việt Nam được ví như vị cứu tinh của người dân địa phương. Nhưng bác sĩ N.T.N rất khiêm tốn khi nói về bản thân, đề nghị người viết giấu tên, vì cô luôn tâm niệm mình chỉ góp phần nhỏ bé theo đúng trách nhiệm của người làm nghề y.
Lan tỏa giá trị Việt Nam
Trên kênh YouTube của anh Nguyễn Đông, không hiếm những bình luận trong và ngoài nước bày tỏ sự ngưỡng mộ hành động nhân ái và tinh thần quốc tế của chàng trai quê Thái Bình.
Anh Đông, cũng như nhiều anh em khác, đều có xuất phát điểm là những người thanh niên quê yêu lao động. Nhưng vì sao con người bình dị ấy có thể truyền tải một hình ảnh Việt Nam thân thiện, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế?
Đơn giản, điều này xuất phát từ phẩm giá con người Việt Nam. Truyền thống nhân ái của dân tộc đã gieo vào mỗi công dân một “hạt giống” về sự tử tế, về trách nhiệm với cộng đồng. Để rồi những “hạt giống” ấy “đơm hoa kết trái”, cho dù ở những nơi rất xa Việt Nam, với cả những con người không cùng dòng máu.

Lòng nhân ái không phân biệt quốc tịch, màu da, tín ngưỡng…
Lòng nhân ái không phân biệt quốc tịch, màu da, tín ngưỡng…
Nhìn từ quá khứ dân tộc Việt Nam, việc xả thân gánh vác những trách nhiệm và đóng góp vào lợi ích chung đã là dòng chảy xuyên suốt trong tư tưởng. Và giờ đây, khi vận nước đang lên, thế và lực đã mạnh, chúng ta càng có thêm điều kiện để lan tỏa những giá trị tốt đẹp ra với cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại, nhất là tại những khu vực khó khăn trên thế giới- những nơi cần các bàn tay giúp đỡ chìa ra nhất.
Trên hành trình ấy, mỗi công dân ở nước ngoài cũng chính là một đại sứ hình ảnh của Tổ quốc thân yêu.

Ngày xuất bản: 13/3/2023
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, VÕ HOÀNG, ĐINH TRƯỜNG, MINH PHÚ, NGUYỄN HÀ
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG