SẴN SÀNG THU HÚT "ĐẠI BÀNG" CÔNG NGHỆ TRÊN THẾ GIỚI
Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/10, cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được khánh thành. Đây là nơi hội tụ của các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm và cũng là nơi thu hút các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc đến làm việc.
Và giờ đây, khi nhắc tới đổi mới sáng tạo mọi người nghĩ ngay tới NIC với vị thế là đầu mối quy tụ, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển và vươn tầm thế giới.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC về các nội dung được dư luận quan tâm trước thềm sự kiện quan trọng này.
Nơi hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo của Việt Nam
Phóng viên: Sự kiện khai trương trụ sở mới, hiện đại tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc là dấu mốc quan trọng trong việc hình thành, phát triển của NIC. Ông có thể khái quát những hoạt động của NIC kể từ khi được thành lập đến nay đã đem lại hiệu quả và tác động lan tỏa ra sao đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo?
Ông Vũ Quốc Huy: NIC được thành lập với chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Là trung tâm đổi mới sáng tạo, NIC đóng vai trò dẫn dắt trong các nhiệm vụ chính: Tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế đầu tư cho các dự án, hoạt động đổi mới sáng tạo;
Thu hút các nguồn lực, các quỹ đầu tư, nguồn nhân sự tài năng để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có thể huy động nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, và thương mại hóa sản phẩm;
Kiến tạo, kết nối xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở với trọng tâm là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước, bảo đảm sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế;
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại các nước nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong khu vực công và tư nhân.
Trong bốn năm kể từ khi thành lập đến nay, NIC đã tích cực triển khai một số hoạt động như hợp tác với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) nhằm triển khai Sáng kiến chung Việt - Nhật về đổi mới sáng tạo;
Hợp tác với Tập đoàn Meta tổ chức Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo Việt Nam hàng năm theo Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate Vietnam) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư khởi xướng;
Phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận VietChallenge tổ chức cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu VietChallenge tại Sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) năm 2022 để giới thiệu các startups Việt Nam nổi bật đến các nhà đầu tư quốc tế; ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với các đối tác trong và ngoài nước để thúc đẩy đổi mới sáng tạo xoay quanh 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các mục tiêu đổi mới sáng tạo trong dài hạn, NIC đã triển khai nhiều hoạt động như Sáng kiến đổi mới sáng tạo Mekong; Phối hợp với Tập đoàn Google triển khai Chương trình học bổng Phát triển Nhân tài số;
Phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai các hoạt động chuẩn bị Dự án Nguồn nhân lực số cho USAID; kết nối, mở rộng mạng lưới đổi mới sáng tạo với các trường đại học nhằm thúc đẩy việc tập huấn, đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia
Đơn cử, Chương trình Thách thức đổi mới sáng tạo vừa qua đã thu hút được 758 giải pháp đăng ký từ trong và ngoài nước, là các giải pháp đưa ra những cách tiếp cận mới, thiết thực và có tính ứng dụng cao.
Hay như tại Diễn đàn Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo 2022, số vốn cam kết đầu tư của 41 quỹ đầu tư trong 3 năm 2023-2035 cho khởi nghiệp sáng tạo là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD.
Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam từ 100 thành viên năm 2018, đến nay đã phát triển đến hàng nghìn thành viên tại gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là những con số thể hiện cả một quá trình nỗ lực của NIC.
Chúng tôi đã và đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối và hỗ trợ các thành tố trong hệ sinh thái để nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Cho đến nay, NIC đã quy tụ được nhiều startup tiêu biểu và hợp tác với tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Và giờ đây khi nhắc tới đổi mới sáng tạo mọi người nghĩ ngay tới NIC với vị thế là đầu mối, phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu.
Phóng viên: NIC đã chuẩn bị như thế nào để phát triển một số ngành mới, lĩnh vực mới như hydrogen, chip bán dẫn…?
Ông Vũ Quốc Huy: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nếu không làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi. Và NIC quyết tâm theo đuổi sự kết nối trong lĩnh vực này.
Đây là nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao và cũng là cơ hội của NIC vì hiện nay, xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á.
Nếu không làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi. Và NIC quyết tâm theo đuổi sự kết nối trong lĩnh vực này.
-- Ông Vũ Quốc Huy --
Việt Nam có lợi thế rất lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là lợi thế về mảng thiết kế (trong chuỗi giá trị bán dẫn: sản xuất, thiết kế và lắp ráp). Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới nguồn nhân lực của Việt Nam. Trong ngành bán dẫn, vấn đề cần nhất là nhân lực chứ không phải là câu chuyện về thiết bị.
Nắm bắt rõ điều này, ngoài việc làm việc với các trường đại học về công nghệ thông tin như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng một lộ trình đạo tạo nhân lực cho ngành bán dẫn, NIC đã ký kết được với một số tập đoàn lớn của thế giới như Synopsys, Cadence và Trường Đại học bang Arizona để thúc đẩy năng lực về thiết kế, phát triển chip bán dẫn và đào tạo nhân lực chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị bán dẫn thời gian tới.
Về năng lượng hydrogen, Chính phủ giao Bộ Công thương xây dựng chiến lược phát triển hydrogen xanh, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và NIC thực hiện hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho phát triển ngành hydrogen xanh tại Việt Nam.
Thời gian qua, NIC đã tích cực nâng cao nhận thức cộng đồng, giới thiệu tiềm năng phát triển ngành hydrogen xanh trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; xúc tiến, kết nối đầu tư hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước trong lĩnh vực hydrogen xanh; xúc tiến xây dựng trung tâm ươm tạo doanh nghiệp để nghiên cứu về hydrogen xanh, các trung tâm khởi nghiệp liên quan đến lĩnh vực hydrogen xanh;
Chúng tôi cũng tích cực kết nối viện trường, doanh nghiệp và các thành tố đổi mới sáng tạo trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm phát triển, đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực hydrogen xanh; tham mưu cơ chế thử nghiệm, sản xuất, phân phối và lưu trữ hydrogen xanh (Green Hydrogen regulatory sandbox).
Thể chế vượt trội để thực hiện sứ mệnh đặc biệt
Phóng viên: Đâu là những cơ chế chính sách cần xây dựng để thu hút, hội tụ trí tuệ và tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thưa ông?
Để xây dựng để thu hút, hội tụ trí tuệ; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các startup. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các startup công nghệ, tạo nên khả năng huy động vốn cho startup, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ.
Khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó cần có nhóm giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo thông qua thúc đẩy đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển, tập trung xây dựng các trường đại học đóng vai trò quan trọng vào việc khuyến khích sự sáng tạo, tinh thần học hỏi và khả năng phản biện của các sinh viên và có các chính sách thu hút nhân tài.
Với chức năng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự thảo, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ, đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo;
Kịp thời hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiềm năng, hình thành một môi trường đầu tư đổi mới sáng tạo thực chất và hiệu quả cũng như khuyến khích tạo ra các cộng đồng đổi mới sáng tạo có vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, để hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ, cần nghiên cứu đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo để huy động vốn từ nguồn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách.
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate Vietnam), giao NIC thực hiện mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 500 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu, dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam.
-- Ông Vũ Quốc Huy --
Đặc biệt, để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định rất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà đổi mới sáng tạo trên thế giới về NIC hoạt động. Cụ thể như tạo thuận lợi về chính sách visa, cơ chế ưu đãi về thuế và các ưu đãi về chương trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới tại NIC...
Phóng viên: Muốn đưa NIC trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo tầm cỡ trong khu vực, một trong những điều kiện tiên quyết là phải huy động, tiếp nhận được các nguồn lực lớn trong và ngoài nước để triển khai các chương trình hỗ trợ quy mô lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Xin ông chia sẻ NIC gặp thuận lợi, khó khăn gì trong vấn đề huy động các nguồn lực?
Điểm thuận lợi là NIC có mục tiêu và sứ mệnh rõ ràng: Là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Chúng tôi đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu uy tín, hợp tác với nhiều đối tác lớn: NIC chú trọng việc thu hút, tập hợp các nguồn lực, tạo nên một nền tảng kết nối nhằm khuyến khích các chủ thể trong hệ sinh thái tham gia hợp tác, hỗ trợ và cộng hưởng, hướng tới đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai; tích cực triển khai nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo với sự chung tay từ các tổ chức, đơn vị liên quan, từng bước tạo dựng được uy tín và chứng minh năng lực của NIC, mang lại giá trị thiết thực và bền vững cho cộng đồng.
NIC có tiềm năng phát triển lớn khi tập trung vào 8 lĩnh vực đổi mới sáng tạo trọng tâm, gồm: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghệ môi trường, công nghệ Y tế, công nghiệp bán dẫn và công nghệ hydrogen. Đây đều là những lĩnh vực chiến lược giúp kinh tế đất nước tăng trưởng và một số lĩnh vực NIC mới được giao là đầu mối thúc đẩy.
Nhưng khó khăn cũng rất lớn trong chặng đường phía trước, vì NIC mới đi vào hoạt động được bốn năm nên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tổ chức, nhân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển.
-- Ông Vũ Quốc Huy --
Chúng tôi đã có những kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch để phát triển các lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hydrogen xanh; tiếp tục mở rộng hệ thống các đối tác trong và ngoài nước; thúc đẩy và nâng cao chất lượng của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Kiến nghị các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng pháp luật, chính sách chung về đổi mới sáng tạo trên cả nước và quy định liên quan tới NIC, tạo cơ chế đủ mạnh để thử nghiệm và triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, sớm hoàn thiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, bố trí khu đất để NIC xây dựng khu dịch vụ cho chuyên gia.
Phóng viên: Cảm ơn ông!
Từ ngày 28/10 đến ngày 1/11, dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NIC phối hợp với các đối tác uy tín tổ chức Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 kết hợp Lễ Khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Sự kiện chính là nơi kết nối, trao đổi và mở rộng các cơ hội hợp tác, nghiên cứu, đầu tư. Với mục tiêu tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu, vinh danh những sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao thông qua việc giới thiệu, trưng bày và trải nghiệm sản phẩm, Triển lãm sẽ tạo sự tương tác và kết nối giữa các chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng và khám phá năng lực đổi mới, xu thế phát triển công nghệ, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới.
Trong khuôn khổ Triển lãm còn có Diễn đàn Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo (Vietnam Venture Summit-VVS). Đây là sự kiện thường niên do NIC và Quỹ Golden Gate Ventures đồng tổ chức giúp kêu gọi và khơi thông nguồn vốn cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam, hỗ trợ các startups Việt vượt qua khó khăn trong thời kỳ “mùa Đông gọi vốn”.
Ngày xuất bản: 26/10/2023
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Thực hiện: TÔ HÀ-KHÁNH GIANG
Trình bày: NGỌC DIỆP-BẢO KHANH
Ảnh: THẾ ĐẠI, LÊ TIÊN, MPI