Những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam góp phần thúc đẩy hợp tác APEC như thế nào?

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trong nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý rác thải đại dương, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị…

Sau khi đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC năm 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam chủ động đề xuất nhiều ý tưởng phù hợp với quan tâm chung nhằm tiếp tục đề cao vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, kết nối tiểu vùng, cải cách cơ cấu, kết nối con người, hợp tác kỹ thuật… Các ý tưởng và đề xuất của Việt Nam đã được lồng ghép trong văn kiện Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động hợp tác của APEC, Việt Nam vẫn chủ động tham gia, đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Việt Nam là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vaccine ngừa Covid-19, bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Trong năm 2022, Việt Nam tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Thái Lan, các thành viên APEC chủ chốt và các nước ASEAN trong APEC nhằm duy trì nguyên tắc thương mại-đầu tư tự do và mở của Diễn đàn; thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn và đóng góp bảo đảm thành công của Năm APEC 2022. Việt Nam nỗ lực đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC năm 2022, thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN trong hợp tác khu vực.

Việt Nam tham gia, đóng góp vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, đóng vai trò tích cực trong triển khai Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và tiếp tục phát huy các kết quả quan trọng của Năm APEC 2017.