Sắp xếp đơn vị hành chính:
Mở không gian
phát huy hiệu quả nguồn lực

Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nổi bật là Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương triển khai quyết liệt. Công việc khó, nhạy cảm, phức tạp này tác động lớn đến nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, người lao động và cả tư tưởng, tâm lý, vấn đề khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán hình thành từ lâu đời của nhân dân mỗi địa phương.
Bên cạnh sự khẩn trương vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và dư luận xã hội là sự tính toán chuẩn bị kỹ lưỡng, thấu tình đạt lý, hài hòa lợi ích để mục tiêu đạt được không chỉ là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương mà ở tầm cao hơn, tạo không gian phát triển và phát huy hiệu quả nguồn lực để phù hợp hơn với thực tiễn đời sống trong tình hình mới.
Nhân Dân hằng tháng số tháng 8 sẽ góp tiếng nói kiến giải vấn đề này trên cơ sở ghi nhận thực tiễn, sự sáng tạo trong cách nghĩ cách làm, để mỗi địa phương đều thực hiện tốt nhiệm vụ trong tổng thể xây dựng phát triển chung của đất nước.
Nỗ lực về đích

Hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang tăng tốc, nhằm hoàn thành bảo đảm tiến độ và trình Chính phủ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trước ngày 30/9/2024; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thực hiện trong năm 2024.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sắp xếp ĐVHC không chỉ là việc nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số mà còn là quá trình thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới ĐVHC nhằm tăng quy mô, giảm số lượng ĐVHC, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đồng thời giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới ĐVHC, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong đó chỉ đạo khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp tinh gọn, phù hợp thực tiễn, kể cả các ĐVHC đã bảo đảm tiêu chuẩn. Tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, theo đó, việc sắp xếp chia thành 2 giai đoạn: 2023-2025 và 2026-2030, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có liên quan. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và các địa phương ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành kịp thời, đầy đủ, tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm kế hoạch và đáp ứng lộ trình đề ra. Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC các cấp từ trung ương đến địa phương được thành lập, chỉ đạo triển khai quyết liệt.
Qua rà soát của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2023-2025 dự kiến sắp xếp 49 ĐVHC cấp huyện và 1.247 ĐVHC cấp xã, trong đó một số địa phương giảm nhiều ĐVHC cấp xã sau sắp xếp như Hà Nội giảm 61, Hải Phòng giảm 50, Nghệ An giảm 48. TP Hồ Chí Minh giảm 39. Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã hoàn thành Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, được Bộ Nội vụ thẩm định và đang trình Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 tỉnh - gồm Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Tỉnh Nam Định được đánh giá cao về tinh thần quyết tâm, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá. Xác định sắp xếp ĐVHC là việc khó, phức tạp, ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo để thống nhất triển khai thực hiện. Nổi bật là các nghị quyết về quy định miễn thu một số phí, lệ phí đối với cá nhân, tổ chức bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính khi thực hiện sắp xếp ĐVHC; về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức (CBCC) và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC, trong đó bổ sung thêm chính sách so với quy định chung từ Trung ương…Tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, dễ trước, khó sau, chưa chắc chắn thì tiếp tục tuyên truyền, vận động để khi thực hiện nhất định phải thành công. Quá trình triển khai nhận được sự quan tâm đồng tình, ủng hộ, đa số các ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp, cử tri đều đồng thuận với tỷ lệ rất cao, hơn 95%. Kết quả lấy ý kiến cử tri về mở rộng địa giới thành phố Nam Định cho thấy, tỷ lệ đồng ý của thành phố đạt 99,73%, huyện Mỹ Lộc đạt 95,89%.
Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1104/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đối với tỉnh Nam Định, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp từ ngày 1/9/2024 đi vào hoạt động liên tục, bình thường, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp ĐVHC, các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao, nghiêm túc với nhiều cách làm sáng tạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, có đường găng tiến độ chi tiết, duy trì họp định kỳ và đột xuất nhằm đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách để các cơ quan, địa phương tích cực triển khai.
Tỉnh Hưng Yên thể chế hóa chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC bằng 141 văn bản; lấy kết quả triển khai là một trong những yếu tố đánh giá, xếp loại người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Tươi cho biết, Sở phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành tài liệu tuyên truyền như tờ rơi in màu bắt mắt, ngắn gọn nhưng súc tích, đầy đủ thông tin, quy định và phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, thành lập nhóm zalo để trao đổi, đốc thúc, giải đáp thắc mắc.
Một số địa phương trong cùng thời gian phải triển khai song song nhiều việc, đòi hỏi cường độ và áp lực công việc phải đáp ứng cao hơn. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đỗ Hồng Hà chia sẻ, thời gian qua, tỉnh Hà Nam vừa sắp xếp, vừa hoàn thiện thủ tục lên thị xã đối với huyện Kim Bảng vừa rà soát các tiêu chí đô thị đối với các phường thuộc thành phố Phủ Lý... tuy nhiên các nội dung, phương thức, cơ quan, tiến độ thực hiện được cụ thể hóa nên mọi việc diễn ra thuận lợi, không làm ảnh hưởng quá lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn.

Đoàn công tác liên ngành Trung ương làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên về quá trình triển khai thực hiện và xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Đoàn công tác liên ngành Trung ương làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên về quá trình triển khai thực hiện và xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.
Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ
Về cơ bản, các địa phương tiến hành sắp xếp ĐVHC với quan điểm tập trung giải quyết tình trạng manh mún, chia cắt về địa giới hành chính; mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện liên kết vùng, tập trung được các nguồn lực về đất đai, lao động, cơ sở hạ tầng để mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Đây cũng là cơ hội để thành lập mới các ĐVHC là đô thị, đáp ứng yêu cầu nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của địa phương trong thời gian tới.
Theo ông Ngô Xuân Trung, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân (Bắc Giang), xã ở cuối huyện Hiệp Hòa, diện tích nhỏ với hơn 4.000 nhân khẩu, không có nhiều hoạt động thương mại dịch vụ, nếu không sáp nhập thì rất khó phát triển. Cách đó không xa, xã Thái Sơn sáp nhập với xã Hùng Sơn thành một xã lớn, có điều kiện phát triển các vùng sản xuất, vùng chuyên canh quy mô, thu hút đầu tư thuận lợi, khắc phục khó khăn về quy hoạch manh mún, sau này huyện Hiệp Hòa được công nhận là thị xã thì xã mới lên phường, giá trị đất đai tăng, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư hơn.
Nhấn mạnh về hiệu quả sáp nhập 2 phường trước đây, Trưởng phòng Nội vụ quận Ngô Quyền (Hải Phòng) Nguyễn Chiến Vương khẳng định, sau sáp nhập có nhiều dư địa phát triển, số CBCC phường mới giảm, chi phí thường xuyên giảm, thu ngân sách tăng lên, dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh phục vụ người dân.
Theo chia sẻ của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, vẫn tồn tại một số địa phương triển khai sắp xếp ĐVHC có biểu hiện chần chừ, chưa thể hiện quyết tâm cao.

Các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 của thành phố.
Các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030 của thành phố.
Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy còn nhiều thách thức trong công tác bố trí, sắp xếp công việc mới hoặc giải quyết chế độ, chính sách đối với CBCC, viên chức dôi dư do sắp xếp, trong xử lý tài sản công dôi dư. Sau sắp xếp ĐVHC, dự kiến số CBCC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư khoảng 21.700 người, số lượng tài sản, trụ sở dôi dư khoảng 2.700, việc tiếp tục dùng trụ sở cũ chưa đáp ứng được về quy mô, diện tích sử dụng để hệ thống chính quyền mới đi vào hoạt động. Đặc biệt mở rộng trụ sở phường tại địa bàn thành phố khó khăn bởi phần lớn chật hẹp, có nhà dân bao quanh. Một số phương án được đề xuất là bố trí 1 phường làm trụ sở UBND, 1 phường làm trụ sở Đảng ủy. Bí thư ủy Đảng ủy xã Hoàng Thanh Trần Văn Cường cho biết, sau khi cân nhắc về cơ sở vật chất, khuôn viên, huyện Hiệp Hòa lựa chọn trụ sở UBND xã Hoàng Thanh làm trụ sở xã mới sau sáp nhập với xã Hoàng Lương bởi có 2 tòa nhà, không phải đầu tư nhiều kinh phí cải tạo, sửa chữa, tránh lãng phí. Căn cứ tình hình thực tế và nguồn kinh phí, nhiều địa phương cũng tính toán, dự kiến xây trụ sở xã mới ở vị trí trung tâm giữa các xã sáp nhập, bảo đảm phù hợp quy hoạch, thuận tiện nhất cho người dân.
Sáp nhập, mở rộng địa bàn khiến người dân ít nhiều bị xáo trộn, phải đi xa hơn mỗi khi cần giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi giấy tờ có liên quan từ ĐVHC cũ sang ĐVHC mới, đổi tên xã, phường đã gắn bó lâu đời cũng tác động tâm tư tình cảm; các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải điều chỉnh, đăng ký lại thông tin giao dịch. Ở khu vực nông thôn, sau sáp nhập ĐVHC trở thành đô thị khiến chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh tăng do điều chỉnh giá đất, thuế, phí, lệ phí. Ngoài ra bà con còn không ít băn khoăn về sự ổn định sau sáp nhập, quy mô dân số tăng lên, xã, phường rộng hơn, bộ máy quản lý có đáp ứng tốt không; an ninh trật tự có đảm bảo không; có duy trì được gắn kết để phát triển không…? Thực tế cho thấy, nỗi lo là có cơ sở, tuy nhiên, mọi khó khăn đều có thể giải quyết khi có sự đoàn kết và quyết tâm bảo đảm hài hòa lợi ích.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cần quan tâm khảo sát, nắm bắt tình hình đối với những địa phương thực hiện sắp xếp nhiều ĐVHC, “chậm nhưng chắc” để tạo sự đồng thuận cao; quan tâm sắp xếp, bố trí các chức danh chủ chốt để ổn định tổ chức bộ máy, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập ở ĐVHC hình thành sau sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, viên chức; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, CBCC để giải quyết khó khăn, vướng mắc…
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp, kỳ vọng công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 sẽ cán đích đúng hạn, với chất lượng cao, tạo đà để tiếp tục triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2026-2030.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Tùng Duy-Huệ Anh-Tuấn Anh-Phùng Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Duy Linh, nguồn internet