Trong cuộc trao đổi với Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại, có thể thấy những bước tiến của “một nửa thế giới” tại Việt Nam và Australia ngày càng tích cực và rõ nét.
Sự bình đẳng cần được xây dựng dựa trên sự thấu hiểu, hòa quyện giữa cho và nhận.
PV: Bà có thể chia sẻ về hành trình sự nghiệp của mình?
Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper: Tôi vô cùng may mắn khi là thế hệ thứ hai khi bước chân vào ngành ngoại giao. Mẹ tôi và những người ở thế hệ của bà là những người đi trước. Khi đó, mọi người đã phải đối mặt với những thử thách lớn như đặt nền móng cho công việc, tạo sự kết nối và duy trì hoạt động. Vì vậy, nếu nói về những khó khăn thì hầu hết họ đã gánh vác để chúng tôi có thể tiếp nối.
Thế hệ phụ nữ tiên phong đã luôn hỗ trợ tôi trước những khó khăn, không chỉ trong công việc mà còn ở góc độ cá nhân và xã hội. Tôi đã có thể tìm ra con đường cũng như tận dụng tối đa những cơ hội mình được trao.
Với tôi, kết nối và đồng hành cùng nhau giữa các thế hệ là rất hữu ích. Những kiến thức, kinh nghiệm và sự cố vấn đến từ các lãnh đạo thực sự có giá trị để giúp tôi trở nên chuyên nghiệp. Nhân đây, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thế hệ đi trước đã đặt nền móng cho những lớp phụ nữ nối tiếp.
Sarah Hooper là một nhà ngoại giao và quan chức chính sách đối ngoại của Australia. Bà từng làm việc tại Bộ Ngoại giao và Thương mại, Phòng Quốc tế của Bộ Thủ tướng và Nội các, Văn phòng Đánh giá Quốc gia.
Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper từng đại diện cho Chính phủ Australia đảm nhiệm các vị trí ở Indonesia và Ấn Độ và trước đó đã làm việc trong Chính phủ Brunei trong một chương trình trao đổi chính thức. Bà cũng từng đứng đầu Ban Chính trị và Kinh tế của Cao ủy Australia tại New Delhi, Ấn Độ từ năm 2009-2012.
PV: Người phụ nữ có vị trí trong xã hội đồng nghĩa với việc các tiêu chuẩn “đặt” lên họ cũng tăng theo. Theo bà có cần phải thay đổi điều này?
Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper: Vâng, đó là một câu hỏi hay. Tôi nghĩ rằng phụ nữ thường phải tuân theo không chỉ một mà gồm nhiều những tiêu chuẩn khác nữa.
Điều này xuất phát từ việc mọi người ngày càng quen thuộc hơn với góc độ người phụ nữ tham gia vào các hoạt động nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp, thậm chí là trong vai trò lãnh đạo tại nhiều lĩnh vực. Việc này khiến các tiêu chuẩn đặt lên người phụ nữ không chỉ dừng lại ở góc độ cá nhân mà còn ở tầm gia đình và đến cả quy mô xã hội.
Ở Việt Nam, quan niệm về việc nam giới làm chủ gia đình và vẫn có khá nhiều sự kỳ vọng vào việc người phụ nữ sẽ chăm sóc gia đình. Điều đó cũng sẽ khiến người phụ nữ “vất vả” hơn để có thể làm tốt tất cả những mong muốn này.
Để giảm “gánh nặng” này, ở Australia, chúng tôi sẽ “cho” nam giới quyền tham gia vào những lĩnh vực mà trước giờ quen thuộc với nữ giới hơn. Ở chiều ngược lại, phụ nữ cũng sẽ tham gia vào những lĩnh vực mà nam giới vốn đã hoạt động từ lâu. Khi đó cả hai bên sẽ có sự thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn.
“Cho” nam giới quyền tham gia vào những lĩnh vực quen thuộc với nữ giới. Ở chiều ngược lại, phụ nữ cũng sẽ tham gia vào những lĩnh vực mà nam giới vốn đã hoạt động từ lâu.
Khi nói về sự bình đẳng, chúng ta cần đảm bảo rằng với tư cách là phụ nữ, chúng ta trao quyền và không gian cho nam giới để có thể làm việc trong những lĩnh vực mà vốn là thế mạnh của phụ nữ. Ngược lại, nữ giới yêu cầu được làm việc trong những không gian mà trước đây là lợi thế của nam giới.
Tôi nghĩ đó là cách mà chúng ta có thể thực hiện để thay đổi một số chuẩn mực xã hội, giống như một sự “đảo chiều” vậy.
PV: Tại Australia cũng như Việt Nam, phụ nữ ở những vùng sâu, vùng xa là những nhóm luôn phải chịu nhiều thiệt thòi. Đánh giá của bà về những khó khăn mà người phụ nữ phải đối mặt ở góc độ như cơ hội giáo dục, nghề nghiệp, phát triển bản thân…?
Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper: Điều này rất chính xác khi chỉ ra rằng phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa và phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số hoặc cộng đồng bản địa thường phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Để người phụ nữ có thể bước ra khỏi các chuẩn mực vốn có để tham gia vào những lĩnh vực, công việc mới thì chung quanh cần có những sự hỗ trợ nhất định. Ví dụ như để người mẹ có thể yên tâm đi làm thì cần có hệ thống chăm sóc trẻ em. Nhưng những điều cần thiết đó lại không dễ để tiếp cận ở các vùng sâu, vùng xa tại Australia cũng như Việt Nam.
Việt Nam-Australia đều có những thách thức chung và khá tương đồng ở lĩnh vực này. Điều đó mang đến cho chúng ta cơ hội hợp tác và làm việc cùng nhau.
Chính phủ Australia có rất nhiều chương trình xoay quanh vấn đề bình đẳng. Trong đó, những mối quan tâm chung của chính phủ hai nước đã và đang được chúng tôi cùng triển khai thực hiện bằng nhiều chương trình trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tổ chức nhiều chương trình khuyến khích các nữ sinh trong trường học đóng góp những sáng kiến trong cuộc sống, giúp các em phát triển tinh thần dám nghĩ, dám làm.
PV: Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, có những cá nhân nào để lại ấn tượng lớn với bà?
Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper: Tôi có thể nhắc đến rất nhiều người phụ nữ Việt Nam để lại dấu ấn với tôi, như Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, hay những nữ doanh nhân Việt Nam đang làm được những điều tuyệt vời mà tôi có cơ hội được biết như bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn TTC và Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT của PNJ, họ đều là những tấm gương điển hình về những nữ doanh nhân Việt Nam đang làm được những điều tuyệt vời.
Để nói về thế hệ phụ nữ trẻ của Việt Nam, có một người thực sự nổi bật đối với tôi, đó là Đặng Thị Hương, hiện đang theo học tại Đại học Columbia với tư cách là nghiên cứu sinh với Chương trình Học giả Quỹ Obama ở Đại học Columbia tại New York. Chúng tôi rất tự hào vì chặng đường phát triển của cô ấy có mối liên hệ chặt chẽ với Australia.
Nhà sáng lập, CEO Doanh nghiệp Xã hội Hope Box Đặng Thị Hương từng rời vùng quê Vĩnh Phúc lên Hà Nội để trông trẻ từ khi…13 tuổi do gia đình khó khăn.
Cô gái nhỏ với ý chí kiên cường, quyết định đi học bổ túc văn hóa, ban ngày bán xôi, tối đến lớp.
Hương giành được học bổng Quản trị kinh doanh quốc tế của trường Box Hill Institute, Melbourne, Australia và nối tiếp là thạc sĩ kinh doanh tại Đại học Công nghệ Swinburne.
Đặng Thị Hương được lựa chọn là một trong 10 người trẻ Việt Nam tham gia Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam - Australia năm 2017. Tại diễn đàn này, Đặng Thị Hương đã mang đến ý tưởng xây dựng dự án giúp phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực gia đình có được công việc ổn định và thay đổi cuộc sống.
PV: Việt Nam có khí hậu khác so với Australia, khi tới đây, có loại hoa nào mà bà yêu thích không?
Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper: Cá nhân tôi rất thích hoa sen. Tôi nói điều này không chỉ vì tôi ở Việt Nam đâu mà thực sự tôi rất yêu hoa sen Việt Nam. Tôi nghĩ rằng loài hoa này cũng đẹp giống như người phụ nữ vậy.
PV: Ở Việt Nam, người phụ nữ cũng thường được so sánh với hoa sen vì sự thanh nhã nhưng lại cũng rất mạnh mẽ, “rũ bùn đứng lên”. Nhân đây, bà có lời khuyên nào cho quá trình “bung nở” của thế hệ nữ giới trong thời đại mới tiếp tục được mạnh mẽ như những đóa hoa này?
Đại biện Lâm thời Australia - Sarah Hooper: Tôi không nghĩ là mình sẽ có lời khuyên nào tới phụ nữ Việt Nam đâu. Theo kinh nghiệm của tôi thì người phụ nữ ở Việt Nam vốn rất có năng lực, mạnh mẽ và có khả năng rất lớn trong những lĩnh vực mà tôi có cơ hội tiếp xúc.
Qua thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi thực sự ấn tượng bởi sự năng động và tinh thần lạc quan, thể hiện qua những người phụ nữ mà tôi làm việc cùng hay những đối tác mà tôi tiếp xúc.
Đồng hành cùng phụ nữ Việt Nam là cơ hội tuyệt vời đối với tôi khi có mặt tại đây.
PV: Xin cảm ơn bà