Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh:

Sẽ tiếp tục
hỗ trợ giá nhà ở
cho công nhân

Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có những gói tín dụng ưu đãi liên quan tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đang được coi là một trong các công cụ hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (ảnh bên) chia sẻ:

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện phát triển nhà ở công nhân trong thời gian vừa qua?

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đó để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội, cụ thể như: Miễn tiền sử dụng đất; Được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp... Do công nhân khu công nghiệp thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở, nên ngoài các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp thì họ còn là nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2. Trong đó, đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp (được đầu tư xây dựng gần hoặc bên cạnh khu công nghiệp) đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu m2 sàn. Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành (đáp ứng khoảng hơn 340.000 người lao động) thì mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020, hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng với giá thành thuê nhà khoảng 2 đến 5 triệu đồng, đáp ứng từ 4-6 người ở, tuy nhiên chất lượng kém, không bảo đảm an ninh, an toàn, không đầy đủ tiện ích...

Vậy có giải pháp nào thiết thực hơn để tiếp tục hạ giá thành, giúp người lao động thu nhập thấp thật sự có thể tiếp cận các ngôi nhà giá rẻ của riêng mình, thưa Thứ trưởng?

Thực tế giai đoạn vừa qua đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với giá thành hợp lý như: Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở công nhân và dịch vụ khu công nghiệp Yên Phong do Công ty Kinh doanh Bất động sản Viglacera là chủ đầu tư (diện tích 30m2-60m2; giá bình quân khoảng 9 triệu đồng/m2); dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN Nhơn Trạch, do Công ty IDICO-URBIZ làm chủ đầu tư (diện tích từ 30-65m2, giá bán bình quân khoảng 5-8 triệu đồng/m2, giá thuê bình quân khoảng 1-2 triệu đồng/căn); dự án khu nhà ở an sinh xã hội Becamex tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (diện tích từ 30-60m2 giá bán khoảng 150-300 triệu đồng/1 căn hộ). Để tiếp tục hỗ trợ giảm giá thành nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phù hợp với mức thu nhập người lao động, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp như: Tập trung triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, theo đó đề nghị các địa phương khẩn trương hướng dẫn các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân có nhu cầu vay vốn, có đủ điều kiện đăng ký và tổng hợp danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gửi Bộ Xây dựng công bố để các Ngân hàng thương mại có cơ sở cho chủ đầu tư dự án vay vốn ưu đãi 2% lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Khi phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân phải có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Một số công nhân tại các khu công nghiệp chia sẻ, họ đã được tạo điều kiện mua nhà ở xã hội dành cho công nhân lao động. Tuy nhiên họ phải vay tiền từ các ngân hàng thương mại mà không thể tiếp cận với Ngân hàng chính sách xã hội do các khâu thủ tục quá phức tạp. Bộ Xây dựng và các bộ, ban, ngành liên quan có nắm được những phản ánh này và tìm cách gỡ rối, thay đổi?

Về việc tiếp cận vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách, đối với gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay thực hiện theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; một số vướng mắc, khó khăn nảy sinh khi cho vay trong giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về đối tượng, điều kiện, mức vay vốn và lãi suất vay tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021. Đối với khoản vay này, Bộ Xây dựng cũng thống nhất với Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ ưu tiên cho vay chủ yếu các đối tượng vay vốn với mục đích mua, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó có đối tượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong giai đoạn 2015-2020 Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được phân bổ 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng 24% nhu cầu vốn đến năm 2020) để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Tuy nhiên các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (bốn ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội dẫn đến người dân không được vay vốn hỗ trợ nhà ở xã hội từ nguồn này. Hiện nay Nghị quyết 11 của Chính phủ đã phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội 15 nghìn tỷ đồng để cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để thuê, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Như vậy nguồn vốn vay ưu đãi cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã cơ bản được giải quyết.

Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân Công ty Fuji (Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Trần Hải

Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân Công ty Fuji (Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Trần Hải

Theo Thứ trưởng, có cần thiết tách riêng nội dung nhà ở cho người lao động làm việc trong và ngoài khu công nghiệp với tư cách một đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội, cũng như tách đối tượng về nhà ở công nhân khỏi 10 đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội quy định tại điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 khi sửa đổi, bổ sung luật này?

Hiện nay Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 nhóm đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Các cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung như nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị, chỉ bổ sung cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp lo nhà ở cho công nhân thì được tính toán chi phí vào giá thành (nhưng thực tế thì ưu đãi này cũng không đi vào cuộc sống do ít có doanh nghiệp tham gia lo nhà ở cho công nhân). Mặc dù một số vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân khu công nghiệp đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung vướng mắc tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan, cũng như một số tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện đã nêu trên. Do vậy, trong thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp để khuyến khích, thúc đẩy loại hình này.

Những chính sách thiết thực đã có, nhưng làm cách nào nhanh chóng được thực thi trong cuộc sống, thực sự tiếp cận được các nhà đầu tư, những người lao động có nhu cầu, thưa ông?

Ngay sau khi có Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Xây dựng hiện đã có các văn bản đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; yêu cầu các địa phương khẩn trương báo cáo tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu vay vốn, các tồn tại, hạn chế và kiến nghị để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; Ban hành Quyết định số 66/QĐ-BXD ngày 17/2/2022 thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ với thành phần gồm Bộ Xây dựng và đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ công tác đã làm việc trực tiếp với một số địa phương (Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nam, Hưng Yên). Ngoài ra trong chương trình công tác, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã làm việc với tám địa phương trong đó có nội dung triển khai Nghị quyết số 11, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022, về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Thời gian tới Bộ tiếp tục tập trung đôn đốc các địa phương khẩn trương báo cáo và tổng hợp danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công bố bằng văn bản và trên cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cũng như làm việc với một số địa phương trọng điểm để đẩy mạnh triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, như tỉnh Vĩnh Phúc, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng...

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Hương Sen-Thanh Hà-Thái Sơn-Bình Hiền- Trịnh Quý
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, HS, nguồn internet