SEA Games 31:
Chiến thắng của tình đoàn kết, hữu nghị
Một tuần sau Lễ bế mạc SEA Games 31, anh bạn nhà báo người Lào nhắn tin cho chúng tôi. Anh bảo, anh rất nhớ những ngày sôi động ở Việt Nam, nhớ không khí cuồng nhiệt trên chảo lửa Thiên Trường... Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 là minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa 11 quốc gia trong khu vực, ở đó, chiến thắng cuối cùng là tinh thần thể thao thượng võ...
Chiều 17/5, sân vận động quốc gia Mỹ Đình rộn lên những tiếng reo hò cổ vũ từ các góc khán đài khi Nguyễn Văn Lai – chân chạy “không biết mỏi” của Tuyển điền kinh Việt Nam bắt đầu tăng tốc, thực hiện những cú nước rút cuối cùng trên đường đua 10.000m.
Chân chạy kì cựu duy trì tốc độ (pace) khoảng 3 phút 15 giây mỗi 1.000m trong khoảng 22 vòng đầu. Thế nhưng, điều khiến mọi người chú ý nhiều hơn là trên quãng đường này, Lai thường xuyên dùng chính thân mình để “chắn gió” cho vận động viên Lê Văn Thao ở phía sau. Bước vào vòng cuối, Lê Văn Thao bị tụt lại, nhưng với sự “che chắn” trước đó của đàn anh, vận động viên này vẫn kịp về đích thứ ba với thành tích 32 phút 37 giây 66, đoạt tấm Huy chương Đồng quý giá. Trong khi đó, Nguyễn Văn Lai về nhất sau 32 phút 17 giây 34, đạt pace trung bình 3 phút 14 giây, nhanh hơn người về nhì gần 7 giây.
"Trước cuộc thi, Ban huấn luyện lên chiến thuật để cả hai chúng tôi đều đoạt huy chương. Và tôi đã thực hiện đúng kế hoạch, hỗ trợ Văn Thao để cả hai cùng có mặt trong nhóm tranh huy chương. Tôi rất vui khi hoàn thành nhiệm vụ", Văn Lai cho hay.
Hai tấm Huy chương Vàng và Đồng tại nội dung 10.000m chiều 17/5 là minh chứng cho tình đoàn kết, sẻ chia của các vận động viên – đúng theo tinh thần thể thao cao thượng mà SEA Games 31 hướng tới.
5 ngày sau cú đúp của điền kinh, tối 22/5, cũng tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, một hình ảnh đẹp nữa lại khiến hàng triệu người hâm mộ cả nước rung động. Trước khi bước vào trận chung kết bóng đá nam với Thái Lan, các cầu thủ U23 Việt Nam đã giơ chiếc áo số 2 để tri ân Lê Văn Xuân – hậu vệ cánh đã gặp chấn thương nặng tại trận bán kết trước đó.
Ngay lập tức, hơn 40.000 khán giả có mặt tại Mỹ Đình đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay. Hành trình hướng tới tấm Huy chương Vàng là hành trình đã được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những vết đau hữu hình trên đôi chân của những chàng trai áo đỏ.
Những nỗ lực, hy sinh ấy cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi các đồng đội đã giúp Xuân giành tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên sau chiến thắng 1-0 đầy kịch tính.
Chống nạng bước lên bục nhận huy chương, trong khi các đồng đội reo hò, phấn khích, cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội chỉ đứng bên cạnh, nở nụ cười tươi.
Chia sẻ sau trận đấu, Xuân cho biết: "Tôi tiếc nuối vì không thể đá trận chung kết, nhưng quan trọng U23 Việt Nam đã giành Huy chương Vàng. Tôi đá hay không, không quan trọng vì đồng đội đã thi đấu thay phần của tôi rồi”.
Đằng sau mỗi tấm Huy chương là mồ hôi, nước mắt. Chiến thắng cuối là chiến thắng của lòng quả cảm, sự hy sinh và tinh thần đồng đội trong suốt một hành trình dài.
Tối 23/5, tại Gala Bế mạc SEA Games 31, khi được phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn, người hùng Timor-Leste Felisberto De Deus đã bật khóc. Felis – như cách anh bảo chúng tôi gọi, chính là người hùng đã mang về 2 tấm Huy chương Bạc điền kinh đầy cảm xúc cho Tổ quốc mình.
Chiều 17/5, sau khi giành Huy chương Bạc, Felis đứng ở vạch đích cùng Nguyễn Văn Lai và Lê Văn Thao. Trong khi Lai và Thao mỗi người đều đã có lá cờ Tổ quốc trên tay thì Felix vẫn chưa có gì. Gương mặt Felis bỗng bần thần, phần vì mệt, phần vì hụt hẫng. Anh muốn nhiều người biết đến Timor-Leste hơn với lá cờ Tổ quốc trên vai.
Khoảng 10 phút sau, từ phía khán đài, Hà Thị Thanh Thúy – cô tình nguyện viên bé nhỏ người Việt Nam đã chạy tới, đưa quốc kỳ Timor-Leste cho Felis. Lúc này, trên gương mặt chàng trai đại diện cho quốc gia 1,2 triệu dân mới bừng nở nụ cười. Anh khẽ quàng lá cờ lên vai, tự tin sải bước quanh sân vận động Mỹ Đình trong tiếng hò reo, cổ vũ của tất cả các cổ động viên Việt Nam đang có mặt.
“Tôi đã không nghĩ mình lại nhận được nhiều tình cảm và sự ủng hộ của các bạn Việt Nam đến thế. Đã 5 lần tôi tham dự SEA Games, nhưng tới đây, tôi cảm nhận rõ nhất tinh thần đoàn kết và sự yêu thương của tất cả dành cho nhau”, Felis nói, mắt đã ngấn nước và đỏ hoe.
Đặc biệt, ở lễ trao giải, cả Nguyễn Văn Lai và Lê Văn Thao đều nhường cho người bạn mới của mình chụp ảnh trước như thể hiện sự trân trọng dành cho những cố gắng, nỗ lực của Felisberto De Deus. Nhiều khán giả Việt Nam đã nán lại, xin được chụp ảnh cùng vận động viên người Timor Leste.
Niềm hạnh phúc của anh càng thêm ý nghĩa, khi đã nắm tay hai vận động viên Việt Nam là Nguyễn Văn Lai (người đoạt Huy chương Vàng) và Nguyễn Văn Thao (người đoạt Huy chương Đồng) chạy dọc sân Mỹ Đình trong tiếng hò reo của người hâm mộ.
"Nguyễn Văn Lai đã từng đoạt Huy chương Vàng tại SEA Games 29. Khi xem anh ấy thi đấu trên ti vi, tôi đã mong một ngày nào đó, tôi sẽ được thi đấu với người đàn ông này. Chính sự cổ vũ nhiệt tình và fair-play của khán giả Việt Nam đã giúp tôi có thêm động lực vượt qua sự mệt mỏi trên đường chạy 10.000m", Felisberto tiết lộ.
Nhiều người Việt đã gọi khoảnh khắc của Felisberto tại Mỹ Đình buổi chiều 17/5 là khoảnh khắc của lịch sử, khi thông điệp Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Trong hành trang anh mang về nước, ngoài hai tấm Huy chương Bạc quý giá còn có cả những chiếc nón lá, mũ cối, bánh đậu xanh… mà người dân Việt Nam đã mang tới tận khách sạn gửi cho Felis. Thế nhưng, có lẽ đối với Felis, món quà đặc biệt nhất là tấm lòng và tình yêu của người hâm mộ Việt Nam đã dành cho anh suốt kỳ Đại hội. “Cám ơn Việt Nam. Cám ơn SEA Games 31 đã cho tôi thêm những người bạn mới”, cầm hai lá cờ Việt Nam và Timor-Leste trên tay, chàng vận động viên xúc động nói.
Ông Laurentino Guterres – Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Timor-Lester nhận định: “Kết thúc SEA Games 31, chúng tôi khá hài lòng khi mang về 5 tấm Huy chương. Nhưng điều chúng tôi cảm động nhất chính là đã được gặp, làm quen với những người bạn Việt Nam thân thiện và hiếu khách. Với riêng Felis, anh ấy đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ truyền thông và người hâm mộ. Điều này chứng minh tinh thần đoàn kết chung của cả khối Đông Nam Á cũng như tinh thần thể thao cao thượng nói chung”.
Khác với Felis, câu chuyện của Efren Reyes – tay cơ huyền thoại người Philippines lại khác. Vốn đã nổi danh toàn cầu từ trước, nhưng vận động viên lớn tuổi nhất SEA Games 31 cũng không thể tưởng tượng nổi sự cuồng nhiệt của hàng nghìn khán giả Việt Nam khi ông có mặt tại nhà thi đấu Hà Đông (Hà Nội). “Hiệu ứng” Efren khiến bộ môn billards tại kỳ Đại hội lần này trở nên nóng hơn bao giờ hết. Bản thân ông, trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với Báo Nhân Dân cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã phải thốt lên ‘Wow’ khi chứng kiến tình cảm này. Với tôi, tận hưởng từng trận đấu – đó đã là tấm Huy chương Vàng quý giá nhất”.
“Bảng đấu này không có đội tuyển U23 Việt Nam, sao khán giả nước bạn đến sân đông thế?” – một phóng viên Malaysia không giấu được sự bất ngờ và choáng ngợp trước những khán đài chật kín, vang dội tiếng hò reo của sân Thiên Trường (Nam Định). Suốt thời gian diễn ra các trận bảng B và trận bán kết môn bóng đá nam SEA Games 31, sân đấu này luôn đón hàng chục nghìn cổ động viên đến cổ vũ những cuộc so tài. Để đáp ứng nhu cầu xem, cổ vũ bóng đá của khán giả Thành Nam, tỉnh Nam Định đã quyết định không phát hành vé, tạo điều kiện cho người dân vào sân miễn phí.
Chưa bao giờ trong lịch sử SEA Games, một trận đấu trên sân trung lập, không có đội chủ nhà lại có sự chứng kiến của gần 30 nghìn cổ động viên như sân Thiên Trường. Những làn sóng người ào ạt, những ánh flash lung linh cùng âm thanh cổ động hừng hực khắp các khán đài, đã tạo nên sân khấu lớn cho các pha bóng đẹp, và trở thành một trong những điểm sáng đáng nhớ của SEA Games 31. Sự ủng hộ tuyệt vời của người dân Nam Định với các trận đấu làm chính thành viên các đội bóng phải bất ngờ. Huấn luyện viên đội tuyển U23 Lào Michael Weiss chia sẻ: “Thi đấu xa nhà chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhưng sự ủng hộ của các khán giả khiến chúng tôi rất hạnh phúc, giúp chúng tôi có thêm động lực khi bước ra sân”.
Trưởng đoàn của đội tuyển U23 Thái Lan, bà Nualphan Lamsam (còn được gọi là Madam Pang) cho biết: “Tôi đã có 16 năm trong môi trường bóng đá, nhưng thật sự bị ấn tượng bởi không khí cuồng nhiệt ở sân Thiên Trường”. Sau mỗi trận đấu, bà thường cùng các cầu thủ cúi chào để cảm ơn tình cảm của khán giả chủ nhà. Đội tuyển U23 Thái Lan còn có nghĩa cử đẹp khi ủng hộ Quỹ Vì người nghèo tỉnh Nam Định số tiền 20 triệu đồng.
Nói về khán giả Thành Nam, phải nhắc đến Hội Cổ động viên bóng đá Nam Định, hạt nhân của “chảo lửa” Thiên Trường. Ngay từ trước ngày diễn ra lượt trận đầu, qua mạng xã hội, các thành viên chủ chốt của hội đã kêu gọi người dân trong và ngoài tỉnh tới sân cổ vũ, thể hiện sự thân thiện, mến khách với các đoàn thể thao quốc tế. Đáp lại lời kêu gọi này, hàng nghìn cổ động viên từ các huyện trong tỉnh Nam Định, thậm chí ngoài tỉnh đã hội tụ về Thiên Trường. Các đội kèn, đội trống tổ chức tập luyện, đặt may quốc kỳ và tổ chức diễu hành “hâm nóng” bầu không khí trước các trận quan trọng của SEA Games 31.
Những người yêu bóng đá ở Thành Nam không ai không biết ông Nguyễn Văn Quân. Đã 20 năm nay, người đàn ông gầy gò, đen sạm ấy “giữ lửa” trên sân Thiên Trường. Ông đi khắp các khán đài, gập người bắt nhịp cho những tiếng hô đồng thanh vang rền. Mồ hôi ướt đầm lưng áo, nhưng gương mặt ông rạng ngời. “Có tuyệt vời không khi đá tại Nam Định, nhưng các cầu thủ Thái Lan, Lào, Indonesia, Malaysia hay Singapore được nghe hô vang tên đất nước họ? Ở SEA Games, chúng tôi không chỉ có trách nhiệm của những cổ động viên bóng đá, mà còn mang trách nhiệm công dân, làm đẹp cho kỳ Đại hội tổ chức trên đất nước mình” – ông Quân chia sẻ.
Ông nói vui bằng giọng khàn đặc, mỗi lượt trận, các đội bóng thi đấu 90 phút, nhưng những cổ động viên như ông “thi đấu” đến… hơn 180 phút. Mệt thật, nhưng “sướng cả người”. Suốt thời gian diễn ra SEA Games ở Nam Định, vật bất ly thân của ông là chai mật ong ngâm chanh đào, để “lại giọng” bắt nhịp cổ vũ cho trận tiếp theo. Nhiệt huyết của các khán giả Nam Định đã được đền đáp bằng sự yêu mến, trân trọng của cổ động viên quốc tế. Trên khán đài, họ chụp ảnh lưu niệm, tặng nhau những chiếc khăn, lá cờ, cùng hoà vào không khí sôi động của từng trận đấu. Đó thật sự là vẻ đẹp mang ý nghĩa thể thao gắn kết mọi người, “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Tại Hòa Bình, những ngày diễn ra bộ môn đua xe đạp là những ngày đáng nhớ của những người dân nơi xứ Mường. Tất cả các nội dung đua xe đạp luôn có hàng nghìn người dân từ trẻ đến già cổ vũ. Môn xe đạp địa hình băng đồng diễn ra vào những ngày nắng nóng, nhưng bà con vẫn “đội nắng” leo lên những quả đồi để cổ vũ cho các tay đua. Tiếng hò reo ầm ĩ, tiếng trống, tiếng chiêng Mường ngân nga vang vọng khắp núi rừng mỗi khi các tay đua rượt đuổi nhau, làm sôi động cả thành phố Hòa Bình.
Bà Nguyễn Thị Hiền ở tổ 4, phường Dân Chủ, thành phố Hoà Bình xúc động nói: “Đội Chiêng Mường rất tự hào khi được ra đánh chiêng để cổ vũ cho các vận động viên. Chúng tôi tin, nhờ những tiếng Chiêng ngân vang mà các vận động viên như được tiếp thêm sức mạnh trên các chặng đường đua”.
Trong suốt những ngày diễn ra giải đua thuyền Rowing, Canoeing/Kayak, hàng nghìn người dân Hải Phòng và du khách luôn có mặt cổ vũ, tiếp sức các vận động viên, tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng của ngày hội thể thao. Tay chèo Phạm Thị Huệ của đội tuyển Rowing Việt Nam chia sẻ, chị và các đồng đội rất vui sướng khi được thi đấu trên đường đua Hải Phòng. Chưa bao giờ đội đua thuyền của Huệ được thi đấu dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của đông đảo khán giả như thế. Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đua thuyền Rowing Việt Nam Lê Văn Quang cho biết, sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả Hải Phòng dành cho đua thuyền là một trong những yếu tố làm nên kết quả tuyệt vời của đội tuyển Việt Nam khi giành nhất toàn đoàn môn thể thao này.
Những ngày SEA Games 31 tại Hải Phòng cũng đúng vào dịp thành phố Cảng kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2022). Nhiều đoàn khách nước ngoài, các đoàn ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản… đã đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và mở mang đầu tư, phát triển tại Hải Phòng. Không khí tưng bừng của SEA Games 31 cộng hưởng với các hoạt động tại Lễ hội Hoa phượng đỏ truyền thống và hàng loạt các lễ hội mở đầu cho mùa du lịch biển hè 2022 tại Đồ Sơn, Cát Bà đã góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp, sống động về một Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung đang tràn đầy sức sống, phát triển vươn lên mạnh mẽ, luôn thân thiện, chào đón và là điểm đến thành công của bạn bè năm châu.
Tận hưởng từng trận đấu trong tinh thần thể thao thượng võ, công bằng – đó cũng là cách SEA Games 31 đã vận hành và thành công tới phút chót. Chúng ta sẽ không thể quên hình ảnh tay cơ số 3 thế giới Trần Quyết Chiến khiêm tốn cúi đầu chào Reyes khi thắng huyền thoại này ở vòng tứ kết nội dung Carom 3 băng. Chúng ta cũng không được quên khoảnh khắc Madam Pang – trưởng đoàn quyền lực của bóng đá Thái Lan chắp tay cám ơn khán giả Việt Nam vì đã đồng hành cùng họ trên chảo lửa Thiên Trường suốt hành trình vòng bảng. Tại nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang, các vận động viên người Thái Lan, Indonesia cũng luôn có hành động cúi chào và cám ơn tương tự suốt những ngày thi đấu. Đó là những thước phim quý giá chứng minh cho sự thành công của SEA Games 31.
Trong bài phát biểu tại lễ bế mạc SEA Games 31, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh:
“Chúng ta hội tụ về đây để lan tỏa tinh thần đoàn kết-hữu nghị, giao lưu của 11 nền văn hóa, 11 quốc gia trong khu vực. Đó là sự thống nhất trong đa dạng của một Đông Nam Á đa sắc màu văn hóa.
Chúng ta hội tụ về đây để cùng ngân vang khúc ca chiến thắng. Hơn 10.000 vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên là hơn 10.000 câu chuyện về sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh vượt qua khó khăn, thách thức để vô tư, trong sáng tham gia ngày hội thể thao của khu vực chúng ta. Có những nụ cười, niềm vui hân hoan chiến thắng. Và có cả những giọt nước mắt, nỗi buồn tiếc nuối khi chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Nhưng trên hết, tất cả các vận động viên đã nỗ lực hết sức, thi đấu hết mình, được giao lưu, được học hỏi, được tìm hiểu về những nền văn hóa khác nhau, được sự cổ vũ, động viên của người hâm mộ. Đó là chiến thắng của tất cả chúng ta; chiến thắng của tinh thần thể thao trung thực, vô tư, trong sáng, cao thượng; chiến thắng chính mình, chiến thắng của tình đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc”.
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 thật sự là ngày hội lớn của tình đoàn kết, sự sẻ chia – nơi tinh thần thể thao thượng võ tỏa sáng.
Chào tạm biệt và hẹn gặp lại ở Campuchia vào năm 2023!
Ngày xuất bản: 31/5/2022
Tổ chức thực hiện: KIỀU HƯƠNG - VIỆT ANH
Nội dung:TRẦN KHÁNH - SƠN BÁCH - TRẦN HẢO - PHAN THẠCH - NGÔ QUANG DŨNG
Trình bày: PHI NGUYEN
Ảnh: TRẦN HẢI, THÀNH ĐẠT, TTXVN