SEA Games 31:

Ấn tượng đẹp về công tác tổ chức của Việt Nam

SEA Games 31 là sự kiện đánh dấu Việt Nam mở cửa hoàn toàn sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng của dịch Covid-19. Đã có rất nhiều thử thách đối với nước chủ nhà khi tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất khu vực trong bối cảnh đại dịch vừa được kiểm soát. Nhưng với nỗ lực khắc phục khó khăn, Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, từ cơ sở vật chất, tổ chức điều hành thi đấu, được các đoàn tham dự đánh giá cao.

Lần thứ hai đăng cai SEA Games của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến nước chủ nhà buộc phải lùi thời gian tổ chức SEA Games 31 từ tháng 11/2021 sang tháng 5/2022. Trong vòng vài tháng, thành phố Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố lân cận đã gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho thi đấu, nơi ăn nghỉ, tập luyện của các vận động viên; chuẩn bị chương trình lễ khai mạc, lễ bế mạc để lại nhiều ấn tượng.

Dành những gì tốt nhất cho SEA Games

Hà Nội – địa phương tập trung tổ chức lễ khai mạc, lễ bế mạc và nhiều môn thi đấu SEA Games 31, đã đối mặt với nhiều thách thức. Đến cuối tháng 2/2022, các nhà thi đấu từng được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19, mới được bàn giao mặt bằng cho đơn vị chức năng để tu bổ, nâng cấp phục vụ SEA Games.

Chỉ trong vòng hai tháng, đến cuối tháng 4/2022, thành phố đã hoàn thiện toàn bộ công tác tu bổ, nâng cấp, trang trí, thực hiện bàn giao cho Ban Tổ chức để chuẩn bị thi đấu.
- Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng -

Diễn tập phòng, chống khủng bố bảo đảm an ninh SEA Games 31.

Diễn tập phòng, chống khủng bố bảo đảm an ninh SEA Games 31.

Dịp này, Thủ đô Hà Nội đón 10 nghìn lượt khách, gồm khoảng 7.800 vận động viên và hàng nghìn huấn luyện viên, quan khách, trọng tài, phóng viên quốc tế…, trong đó có nhiều vị khách đến từ những nền văn hóa, phong tục tập quán khác biệt. Là “chủ nhà”, Hà Nội quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất để làm hài lòng các vị khách. Một số địa phương đã bố trí thêm không gian để vận động viên, quan khách thể thao theo đạo Hồi thực hiện các nghi lễ tâm linh. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết: “Quận đã hoàn thành dự án cải tạo sửa chữa Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao quận theo đúng tiến độ, trong đó, thiết kế phòng cầu nguyện để phục vụ các vận động viên theo đạo Hồi”.

Sân Mỹ Đình được chuẩn bị kỹ lưỡng cho Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Sân khấu hoành tráng với khối giàn giáo khổng lồ được liên kết với nhau, các thiết bị công nghệ hiện đại cũng được triển khai. (Ảnh: Thành Đạt)

Hàng trăm công nhân gấp rút hoàn thiện những hạng mục trên sân vận động Mỹ Đình để chuẩn bị cho Lễ khai mạc SEA Games 31 vào ngày 12/5. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngọn đuốc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Băng rôn, khẩu hiệu chào đón SEA Games 31 phía bên ngoài Sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: Thành Đạt)

Sân Mỹ Đình được chuẩn bị kỹ lưỡng cho Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Sân khấu hoành tráng với khối giàn giáo khổng lồ được liên kết với nhau, các thiết bị công nghệ hiện đại cũng được triển khai. (Ảnh: Thành Đạt)

Hàng trăm công nhân gấp rút hoàn thiện những hạng mục trên sân vận động Mỹ Đình để chuẩn bị cho Lễ khai mạc SEA Games 31 vào ngày 12/5. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngọn đuốc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Băng rôn, khẩu hiệu chào đón SEA Games 31 phía bên ngoài Sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: Thành Đạt)

Tại Quảng Ninh, 7 môn thi đấu của SEA Games 31 được tổ chức tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh nên tỉnh đã xây dựng kịch bản chi tiết với các phương án tổ chức đưa, đón các đoàn vận động viên, huấn luyện viên và trọng tài, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn và thời gian tổ chức các môn thi đấu.

Đặc biệt, sân vận động Cẩm Phả được đầu tư nâng cấp với tổng kinh phí hơn 240 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý nhất là hạng mục cải tạo mặt sân bằng việc đào sâu sân 60cm, làm lại toàn bộ hệ thống thoát nước theo quy chuẩn, đổ lớp đất phủ mới và trồng cỏ bermuda lá kim theo tiêu chuẩn bóng đá thế giới, hoàn thiện 17 phòng chức năng theo đúng yêu cầu của Ban Tổ chức SEA Games 31.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), ông Đinh Ngọc Chiến cho biết: “Để chuẩn bị sẵn sàng cho môn bóng đá nữ diễn ra trên địa bàn, thành phố đã gấp rút thi công cơ sở vật chất và các hạng mục về mặt sân thi đấu, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước, chỗ ngồi bảo đảm các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế”.

Ông Brian See, Trưởng Ban điều hành giải của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) rất ấn tượng về sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh Quảng Ninh, nhất việc đầu tư nâng cấp sân vận động Cẩm Phả. Ông gửi lời cảm ơn tới người dân Quảng Ninh đã nỗ lực tạo mọi điều kiện để môn bóng đá nữ được tổ chức tại thành phố Cẩm Phả.

Sân vận động Cẩm Phả được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn tổ chức các giải bóng đá quốc gia và quốc tế. (Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh).

Sân vận động Cẩm Phả được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn tổ chức các giải bóng đá quốc gia và quốc tế. (Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh).

Thành phố Hải Phòng là nơi tổ chức môn đua thuyền Rowing và Canoeing/Kayak tại Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia trên sông Giá thuộc địa bàn huyện Thuỷ Nguyên. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, ông Lê Khắc Nam cho biết, thành phố đã bố trí nguồn lực đầu tư, thực hiện cải tạo, nâng cấp Trung tâm huấn luyện đua thuyền tại huyện Thủy Nguyên hoàn thiện kịp phục vụ giải đấu.

Trong đó, các hạng mục tu sửa, nạo vét đường đua trên sông Giá và đường dẫn vào khu vực thi đấu; khu nhà ở của các vận động viên; trang, thiết bị thi đấu và các điều kiện, cơ sở vật chất khác như: bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm… bảo đảm phục vụ tốt nhất việc luyện tập và tổ chức thi đấu.

Tổng Thư ký Liên đoàn đua thuyền Việt Nam Nguyễn Hải Đường cho hay, các quan chức thể thao châu Á và thế giới đến với Trung tâm huấn luyện đua thuyền quốc gia tại sông Giá đánh giá, ít nơi nào có một khúc sông tự nhiên, bình yên đẹp đến vậy để tổ chức đua thuyền.

Các trận đấu vòng loại môn Đua thuyền Rowing tại Khu huấn luyện đua thuyền thành phố Hải Phòng sáng 9/5. (Ảnh: Ngô Quang Dũng)

Các trận đấu vòng loại môn Đua thuyền Rowing tại Khu huấn luyện đua thuyền thành phố Hải Phòng sáng 9/5. (Ảnh: Ngô Quang Dũng)

Trong khi đó, được lựa chọn làm địa điểm thi đấu của bảng A môn bóng đá nam, nhưng Phú Thọ là một tỉnh nghèo, phong trào thể thao, nhất là bộ môn bóng đá chưa phát triển.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ, ngay sau khi có quyết định, tỉnh đã nỗ lực nâng cấp cơ sở vật chất luyện tập, thi đấu, đáp ứng được hoàn toàn các yêu cầu của Ban Tổ chức đề ra.

Hơn 44 tỷ đồng đã được đầu tư cho việc sửa chữa, nâng cấp mặt sân thi đấu và hệ thống 3 sân tập để phục vụ các đội tuyển. Các khu vực chức năng như trung tâm báo chí, phòng làm việc của Ban Tổ chức, phòng giám sát an ninh, phòng thử doping, phòng giám sát trọng tài, giám sát trận đấu… đều được lắp đặt đầy đủ các trang, thiết bị theo yêu cầu của công tác tổ chức.

Làm việc với 200% khả năng

Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy nên ngay cả khi xảy ra các tình huống bất ngờ, mọi công việc vẫn diễn ra trôi chảy. Chiều 12/5, ít giờ trước lễ khai mạc SEA Games, một cơn mưa lớn như trút nước xuống Hà Nội khiến mọi người lo lắng, bởi sân vận động Mỹ Đình - nơi diễn ra lễ khai mạc không có mái che, mưa lớn, sân ướt sẽ ảnh hưởng tới những màn biểu diễn, diễu hành ngoài trời được chuẩn bị công phu.

Cơn mưa đã dừng đúng lúc. Song, toàn bộ mặt sân Mỹ Đình và khu vực khán đài không có mái che, đã bị ướt sũng. Hàng trăm tình nguyện viên đã xuống sân dùng cây gạt nước lau khô sân khấu biểu diễn chính. Sau khi gạt nước, các bạn trẻ còn dùng khăn, thảm thấm nước.

Tình nguyện viên lau khô sàn biểu diễn trước giờ khai mạc SEA Games 31 tại Sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: Chí Dũng)

Tình nguyện viên lau khô sàn biểu diễn trước giờ khai mạc SEA Games 31 tại Sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: Chí Dũng)

Cùng lúc ấy, trên các khán đài, tình nguyện viên và các nhân viên sân vận động cùng nhau lau khô từng chiếc ghế ngồi để sẵn sàng đón khách. Đặng Bảo Long, tình nguyện viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Dù vất vả nhưng em rất vui, mỗi người đóng góp một việc nhỏ giúp chương trình diễn ra thuận lợi hơn”.

Sau những âu lo, mong chờ, màn biểu diễn nghệ thuật hoành tráng đã diễn ra. Một chương trình hết sức quy mô, huy động sự tham gia của hàng nghìn diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, do một đơn vị nghệ thuật của Hà Nội là Nhà hát Múa rối Thăng Long dàn dựng, NSƯT Trần Ly Ly là Tổng đạo diễn.

Nghi lễ chào cờ tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Trần Hải)

Tiết mục nghệ thuật Việt Nam xin chào tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Duy Linh)

Tiết mục Hồn Sen Việt tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngọn đuốc SEA Games 31. (Ảnh: Trần Hải)

Nghi lễ chào cờ tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Trần Hải)

Tiết mục nghệ thuật Việt Nam xin chào tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Duy Linh)

Tiết mục Hồn Sen Việt tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngọn đuốc SEA Games 31. (Ảnh: Trần Hải)

Bình thường những chương trình lớn như vậy thường có vài tháng chuẩn bị. Nhưng toàn bộ ê-kíp chỉ có 45 ngày luyện tập, chưa kể phải phối hợp với các màn trình diễn bằng công nghệ phức tạp trong lễ khai mạc.

NSƯT Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Toàn bộ ê-kíp thực hiện các màn trình diễn của lễ khai mạc đã phải làm việc với 200% khả năng để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài việc tổ chức tập luyện, nhiều hôm, các anh chị em thức xuyên đêm để lắp đặt các thiết bị công nghệ phức tạp cho một sân khấu khổng lồ rộng 8.000m2. Lễ khai mạc được truyền thông trong nước và quốc tế đánh giá cao là điều chúng tôi hết sức hạnh phúc”.

Tình nguyện viên dọn dẹp khán đài sau khi kết thúc Lễ khai mạc SEA Games 31tại sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: Chí Dũng)

Tình nguyện viên dọn dẹp khán đài sau khi kết thúc Lễ khai mạc SEA Games 31tại sân vận động Mỹ Đình. (Ảnh: Chí Dũng)

Lễ khai mạc kết thúc, khán giả ra về cũng là lúc những bóng áo xanh tình nguyện viên miệt mài làm việc. Các em thu gom rác, dọn dẹp khán đài và sân khấu biểu diễn để ngày hôm sau, sân vận động quốc gia Mỹ Đình sẵn sàng cho những cuộc thi đấu đầy kịch tính.

Tạo ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè quốc tế

Bên lề buổi lễ bế mạc, đại diện Đoàn thể thao một số nước đã dành những lời đánh giá cao công tác tổ chức, cũng như tinh thần của nước chủ nhà Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, GS, TS Supitr Samahito, Phó Đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan cho biết: “Tôi rất thích tinh thần con người Việt Nam, đặc biệt là tình yêu mãnh liệt với bóng đá. SEA Games 31 đã để lại nhiều cảm xúc cho riêng tôi, cũng như Đoàn Thể thao Thái Lan nói chung. Chúc mừng Việt Nam đã tổ chức một kỳ Đại hội thành công”.

Từng tham dự kỳ SEA Games đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2003 và trở lại sau 19 năm, bà Samahito cảm nhận rõ nét sự thay đổi của thể thao Việt Nam, cũng như công tác tổ chức của nước chủ nhà.

Thể thao Việt Nam đã trưởng thành vượt trội. Không chỉ tốt về công tác chuyên môn, tổ chức bài bản các trận đấu, trình độ các vận động viên rất tiến bộ.
- GS, TS Supitr Samahito, Phó Đoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan -

Đặc biệt, bà rất ấn tượng khi SEA Games 31 được tổ chức tại 12 tỉnh và thành phố của Việt Nam. Bà Samahiho chia sẻ: “Tôi có cơ hội đến thăm gần như tất cả các địa điểm thi đấu. Cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn, các sân vận động, nhà thi đấu hiện đại nên chúng tôi rất hài lòng”. Phó Đoàn thể thao Thái Lan ủng hộ mạnh mẽ quyết định tổ chức thi đấu ở nhiều tỉnh, thành phố của Ban Tổ chức. Bà nhìn nhận, qua đó tinh thần thể thao sẽ được lan tỏa rộng khắp đất nước Việt Nam.

Các tỉnh, thành phố tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31. (Infographic: Bông Mai)

Các tỉnh, thành phố tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31. (Infographic: Bông Mai)

Ngoài ra, dưới góc độ một nhà nghiên cứu, bà còn nhận ra một điều thú vị, đó là rất nhiều cha mẹ đã đưa con mình tới xem SEA Games. Bà thấy họ giải thích cho con mình ý nghĩa của quốc kỳ, của quốc ca. GS, TS Samahito cho rằng, đây là một cách hiệu quả để truyền tải lòng yêu nước từ sớm, cũng như thúc đẩy niềm yêu thích thể thao cho trẻ nhỏ”.

Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Timor-Lester, ông Laurentino Guterres cho biết: “Đoàn Timor-Leste tuy có ít thành viên nhưng chúng tôi đã di chuyển tới rất nhiều địa điểm thi đấu. Qua đó, chúng tôi có dịp trải nghiệm văn hóa, tham quan và du lịch. Tôi rất ấn tượng với một số bảo tàng ở Hà Nội, các bạn đã lưu giữ rất tốt những giá trị lịch sử”.

Các phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Các phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại SEA Games 31. (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Laurentino Guterres đánh giá chung các Đoàn thể thao đã được đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình bởi nước chủ nhà Việt Nam. Từ đó, các vận động viên có tinh thần thoải mái, háo hức và thích thú với mỗi cuộc cạnh tranh, thi đấu tại kỳ SEA Games 31 lần này.

Ngày xuất bản: 1/6/2022
Tổ chức thực hiện: KIỀU HƯƠNG - VIỆT ANH
Nội dung: CHÍ DŨNG, QUANG THỌ, NGÔ QUANG DŨNG, NGỌC LONG, PHAN THẠCH
Trình bày: HẢI NAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT, DUY LINH, TRẦN HẢI