Lặng lẽ

Séo Mý Tỷ

A Trơ H’Mông Vlog – trang bản sắc dân tộc của một chàng trai Mông “nói” cho tôi biết Séo Mý Tỷ theo tiếng Mông có nghĩa là vùng đất của cây dương xỉ. Một thôn xa xôi nằm gọn trong vùng lõi của vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có hồ thủy điện cao nhất cả nước. Những ngày này, Séo Mý Tỷ như bình yên hơn giữa một Sa Pa không có bóng Covid-19, du khách lẻ tẻ đến từ những “vùng xanh”…

1.
________

Từ  khu Eco Palms đẹp đẽ của vợ chồng anh Khánh nằm tại thôn Lao Chải, chúng tôi bỏ lại bốn bánh để lên đường vào Séo Mý Tỷ. 3 xe máy, 2 đôi, lẻ ra tôi phải ghép với anh xe ôm tên Tráng, người Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc lên Sa Pa lập nghiệp được 7 năm, thông thạo đường núi, không lạ gì vùng xa Séo Mý Tỷ. 

“Đường vào thôn em” từ trung tâm thị xã Sa Pa chừng hơn 20 km nhưng ngoằn ngoèo, chỗ bê tông, chỗ đường đất, chỗ đá dăm lạo xạo trôi bánh xe... Thung lũng Mường Hoa lùi xa theo tay lái của anh Tráng. Nhưng gần đến nơi thì gặp đoạn đang đổ bê-tông, không đi được. Tả Van đang mùa lúa chín, bà con từ dưới ruộng bậc thang tươi cười nhìn lên chỉ cho đoàn theo đường “tiểu ngạch”. Đường mà không phải là đường, vừa một bánh xe, ổ gà, ổ voi, các loại ổ... Đang đi thì phải “tranh chấp” với một bầy trâu đầm bên cái vũng. Anh Tráng thận trọng suỵt suỵt đuổi trâu.

- Nó mà ùm một cái thì ướt hết...

Xe anh Tráng nảy lên từng chặp, chân dép lê liên tục đạp vào đá cuội. Lúc ngược dốc trôi xe. Lúc lao xuống trơn tuột. Xe giật lên một cái, anh lại “ối” một cái, khách ngồi sau cứ như đang tham gia truyền hình thực tế trò chơi mạo hiểm. Nhưng bù lại, đường vùng cao mang lại cho chúng tôi những vạt lúa nối nhau, xếp bậc thang như vươn lên mãi. Thi thoảng bắt gặp một căn nhà nằm giữa những nấc thang vàng rực. Trước sân nhà có một cái cây vẽ những đường khẳng khiu trên nền trời, có lẽ là sơn tra, hệt một bức tranh kỳ diệu của thiên nhiên miền sơn cước. Và nữa, mùi lúa chín thơm như thể những chõ xôi của ruộng đồng đang được dỡ ra…

Hàng rào đá trên đường vào Séo Mý Tỷ.

Hàng rào đá trên đường vào Séo Mý Tỷ

Lên được đến vùng đất của những cây dương xỉ là vào được vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Sóng điện thoại chập chờn giữa vùng cao mênh mông, núi, hồ, cây rừng này. Cảm giác không kết nối, chính xác là kết nối có thời điểm khiến tôi nhớ đến anh Cal Newport viết cuốn "Deep work", trong đó có hẳn một chương về những cách ngắt kết nối mạng để làm việc sâu.

Thành phố của giãn cách xã hội ở đâu đó xa xôi. Không khí vùng cao là một chiếc cửa sổ khổng lồ đầy nắng, gió, đẩy đi mọi virus. Người vùng cao không đeo khẩu trang, không ngồi một chỗ trong nhà. Bà con ra đồng, phóng xe máy vù vù, lên nương, ra hồ, làm nhà, uống rượu mừng lúa mới.   

Hồ Séo Mý Tỷ là hồ nhân tạo hình thành do xây dựng đập ngăn cho công trình thủy điện Séo Chong Hô. Hồ rộng 60 ha nằm ở thôn xa xôi Séo Mý Tỷ, trên độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển thuộc xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Những năm gần đây, khu vực này bắt đầu được dân du lịch khám phá với một số hoạt động tham quan, cắm trại…

2.
___________

Đến Tasua homestay - nơi nghỉ duy nhất ở thôn Séo Mý Tỷ, nhận ra ông Giàng A Khoa, vẫn màu áo xanh trong video của dân phượt giới thiệu về homestay duy nhất ở đây. Ông bảo đây là áo đồng phục bảo vệ của thủy điện Séo Chong Hô.

Cổng nhà ông Giàng A Khoa.

Cổng nhà ông Giàng A Khoa.

Nhà ông Khoa là 3 gian nhà gỗ của người Mông khá giả, nên nom cao ráo, chắc chắn, thêm 2 gian bếp rộng rãi. Giàng A Quả, con trai ông làm được 3 phòng nghỉ bằng gỗ chừng chục m2 nhìn ra hồ làm homestay. Đến nay vẫn là homestay duy nhất ở hồ Séo Mý Tỷ.  

Ông Khoa sinh năm 1954, học dở cấp 1 thì phải về lo việc nhà thay anh đi bộ đội. Sau đó dần dần được đi học thêm. Học xong ông làm ở nhiều nơi, trong đó có Trưởng thôn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tả Van. Vợ ông cũng làm Hội phụ nữ thôn.

Buổi sớm hai ông bà mặc áo phao lên thuyền kayak (nghe nói anh con trai Giàng A Quả mua 5 triệu, loại thường, còn loại tốt phải 15-20 triệu) ra hồ thủy điện Séo Mý Tỷ để đánh cá.  

Hồ lăn tăn sóng, lấp lánh nắng buổi sớm, phẳng lặng, yên bình. Kayak như 1 miếng cam bổ 6 trôi đi trên tấm bạc dát mỏng. Tiếc là mấy khối hình chữ nhật màu xanh nổi giữa hồ làm khung cảnh bớt tự nhiên hơn. Nhưng đấy lại là nguồn sống của nhiều người dân ở Séo Mý Tỷ - lồng nuôi cá hồi, cá tầm.

Buổi trưa hai ông bà về, lưới có 2 con cá chép vừa vừa. Nghe nói ông từng đánh được con cá chục cân, nhưng bán rồi. Ở bể thì có con khác vài cân thôi. 

Ngồi bên bếp lửa ngôi nhà người Mông trò chuyện với ông:

-  Ngày chưa có thủy điện thì suối Séo Chong Hô còn loài cá hoa quý lắm, giờ còn không bác?

- À, cá hoa vẫn còn nhưng không nhiều như trước. Con cá hoa mình dài, vảy nhỏ, một con có thể cả chục cân, ăn ngon lắm.

Theo tài liệu của một nhà báo ở Lào Cai, thì cá hoa thuộc họ cá chép, là loài cá bản địa Sa Pa, có dải đen vàng chạy dọc lưng, vảy ánh lên nhiều màu. Nghe nói cũng có người nuôi thử để giữ giống cá quý nhưng cũng chưa phổ biến lắm.

Tôi quay lại câu chuyện với ông Giàng A Khoa.

- Hình như bác lên tivi nhiều rồi thì phải?

- Bác lên tivi cũng nhiều rồi đấy, người ta đến quay làm du lịch.

- Trước khi nghỉ hưu thì bác làm gì?

- Bác làm Hội đồng nhân dân xã. Chủ tịch. Ôi dồi, hồi bác làm ở xã thì khổ quá, làm gì có đường, sáng đi tối về. 


Quả vừa cười vừa chen vào:

- Ngày xưa bố em vất vả quá, đi 2 tiếng tầm 9 -10 giờ đêm về đến nhà. Sáng hôm sau 4 rưỡi, 5 giờ lại xuất phát. 

- Cũng phải cố gắng thôi. Trách nhiệm thì phải cố gắng! -Ông Khoa thủng thẳng.


Tôi tiếp tục câu chuyện dở với ông:

- Bác có đi bộ đội không?

- Không, bác không đi bộ đội. Bác làm ở xã thôi, được đào tạo ở xã. 18 tuổi làm kế toán.

- Thế bác học kế toán ở đâu?

- Bác học qua công việc ở thôn. Xong thì họ lại bố trí cho đi học ở xã. Học 1 năm 5 lớp. Không thể nào học được. Có học được đâu. Chẳng khác nào đổ nước vào con vịt thôi. 

Nói rồi ông cười khà khà, cười chảy nước mắt.

Giàng A Quả con trai nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tả Van Giàng A Khoa có dáng người nhỏ, cao gầy, loằng ngoằng như cái rễ cây pơ mu hay làm hàng rào ở các homestay. Quả có đôi mắt sáng, thông minh. Con trai được 2 tuổi, Quả mới vào đại học, mà vào hẳn trường Đại học Giao thông vận tải, khoa công trình gì đó như Quả nói có mấy môn kinh hoàng kiểu “sức bền vật liệu” thi mấy lần mới đỗ. Quả ra làm đúng nghề ở thị xã Sa Pa.

Anh Quả đi làm mà chả có tiền, lại cứ đi suốt…

Rồi Quả bỏ thị xã về nhà làm homestay đầu tiên ở Séo Mý Tỷ, Tả Van.

- Ôi là cái hồi đi học thì em tưởng không tốt nghiệp được. Mình thì làm lớp trưởng, bao nhiêu việc ở lớp, lại còn học khó, còn việc ở nhà phải giải quyết. Đến lúc đi làm, tiền chả có, ở cơ quan thì mệt, về nhà cũng mệt. Ôi em tưởng nổ tung đầu.
Quảng rổn rảng.

Giàng A Pao 7 tuổi, con trai Giàng A Quả, cháu nội ông Giàng A Khoa đang bẽn lẽn ngồi cạnh mẹ. Ông bà cậu bé bảo bố mẹ cậu phải dạy cậu tiếng Mông, bởi cậu học tiếng Kinh ở trường rồi lớn lên nếu không dạy thì sẽ quên tiếng Mông. Thế nên về nhà Pao nói hai thứ tiếng.

Pao mặc quần áo như các cậu bé dưới xuôi, dáng dong dỏng giống bố, cười rất hiền. Pao ăn cơm mới lạ, không ăn thịt, không ăn cá, chỉ chan nước sôi và hết veo 2 bát. Mẹ gắp cho miếng cá tầm vào bát thì lại gắp ra. Buổi sớm Pao ngủ dậy đi ra bếp ngồi xuống chiếc ghế gỗ vặn vẹo người một lúc. Bố mẹ Pao đang tách hạt ngô cho vịt ăn.

Tôi gọi Pao ngồi xuống tách cùng.

- Pao học trường nào?

- Em không biết?

- Mấy cái răng đi đâu rồi?


Lan, mẹ Pao nói chen vào

- Đấy, gãy răng mà mãi chưa mọc lại. Bố nó bảo: Mày già rồi, như ông bà ấy, răng không mọc lại được nữa đâu. Thế là nó cứ khóc mãi.


Hai cô cháu lại nói chuyện:

- Ngô tiếng Mông là gì?

- Pò cử, hì hì.

Pao hay cười. Tính dễ gần. Buổi chiều thơ thẩn chơi, ôm hộp sữa vinamilk và cái bánh trứng nướng. Thế là ăn uống rất thành phố rồi. Pao cũng không thò lò mũi xanh, không nghịch đất cát, chỉ quanh quanh ngoài sân, trong bếp.   

*****

Ban ngày ở Séo Mý Tỷ trời nắng. Bà vợ Mông của ông Giàng A Khoa ra phơi vải nhuộm chàm. Những mảnh dài như khăn giăng trên dây. Một loại dày khá nuột và một loại mỏng, thô hơn. Bà cụ Mông bảo: loại này dày, mịn này là mua ở chợ về nhuộm, còn loại kia mỏng hơn là dệt từ cây lanh. Mùi chàm ngai ngái từng ám ảnh mình hồi mười tám, đôi mươi, mỗi dịp lên Sa Pa ra chơi chợ, giờ tan trong gió, cũng đỡ hơn. 

Cuộc sống ở Séo Mý Tỷ trong một gia đình người Mông làm homsetay cứ trôi đi như thế! Ban ngày bà mẹ Mông vẫn ra đồng làm ruộng giúp cô con gái, tối về bà gội đầu, hong tóc bên bếp lửa rồi mới vào mâm.

Căn bếp của một gia đình người Mông rộng rãi mà ấp áp. Lửa nhảy nhót. Phía trên là gác tre đen màu bồ hóng, nơi quen thuộc dùng để trữ và bảo quản lương thực. Đẹp nhất là 2 xâu ớt dài đã khô mà vẫn đỏ rực trên vách gỗ ám khói. 1 cái thang bằng 1 thân cây gỗ, số bậc chẵn, đã lên màu thời gian. Lan nói mấy vị khách nước ngoài cứ hỏi mua mãi mà em không bán.

Đấy là gian có bếp lửa để đun canh, đun nước, sưởi ấm. Phía trong nữa, nhà Quả dựng một gian khác có nền xi-măng, có bếp ga, có giá đựng bát đũa… để phục vụ việc nấu nướng của homestay. Trên một cái giá gỗ, sáp ong dỡ đầy một chậu nhựa. Tôi bẻ một miếng thử. Ngọt dịu-thứ mật ong nguyên chất vùng núi lần đầu tiên thưởng thức trong đời. Lan bảo, nhà có một ít để cho ông bà ăn nên em không bán. 

Nấu nướng xong xuôi thì gian có bếp lửa là nơi kê bàn ăn tối.

Lan khép cửa cho khỏi lạnh, cả gian bếp chìm vào ấm áp. Nồi lẩu cá tầm bốc hơi. Một cảm giác thật thanh bình. Nhưng đấy là với du khách. Đang dở bữa, Quả đã khoác áo phao ra hồ, nghe nói chở đồ gì đó giúp anh em, làng xóm…

Nhìn Quả từ căn bếp ấm và chiếc bàn có nồi lẩu thơm đẩy cửa không ngại ngần bước ra ngoài gió rét, giấc mơ của tôi về một cuộc sống yên bình ở vùng cao có hơi hướng lung lay. Sống ở miền núi tức là sống với trọn vẹn nhịp điệu và hơi thở vùng cao. Những con người của vùng cao dữ dội, hoang vắng, sương giá và cũng đầy trong trẻo, đẹp đẽ đã sống hết mình với vùng đất của họ và cũng đã không ngừng vươn lên cho một tương lai bớt bất trắc hơn.

____________

Ngoài kia, đêm xuống, cái lạnh vùng cao trở mặt một cách chả liên quan gì đến ánh nắng chói chang ban ngày. Đắp chiếc chăn bông dày vẫn còn run…

Chả biết Quả và mọi người ở trên hồ đến mấy giờ mới về. Nhưng sáng sớm đã thấy cậu trở dậy, tất tả dặn vợ ở nhà chuẩn bị cơm đón khách rồi vào thị xã họp phụ huynh cho cô con gái lớp 6 đang học nội trú.

____________ 

Đến trưa, một đoàn khách mới lên, khá đông, đều là người ở Sa Pa. Nhà Quả lại bận rộn. Bữa ăn được dọn ra lán ven hồ. Gió lộng, trời xanh, hồ phẳng lặng. Món cá bống hồ nhỏ như đầu đũa, chao mỡ, ngọt, thơm, tưởng có thể ăn mãi không chán. Vịt luộc-loại vịt nhỏ như vịt trời, thịt mềm, ngọt, chặt miếng xếp trên tàu lá…  

Quả tiếp khách nhiệt tình, nghe nói có thầy giáo cũ của vợ và anh em bạn bè. Quả say đi không nổi, cậu em phải dìu lên nhà. Hai chân thả loẹt quẹt trên nền đất, nhưng Quả vẫn cố chào:  “Em xi..in lỗi các anh… Em… em say quá”.

Đến bếp, bà mẹ Mông nhìn Quả khẽ mấp máy môi, ánh nhìn như nói: “Gớm chửa, lại say!”. Có lẽ với bà, chuyện này không mới…  

Cảnh đẹp ở Séo Mý Tỷ, Tả Van, Sa Pa.

Cảnh đẹp ở Séo Mý Tỷ, Tả Van, Sa Pa.

Mái gỗ xanh rêu che cối giã gạo.

Mái gỗ xanh rêu che cối giã gạo..

Một góc nếp nhà của ông Giàng A Khoa.

Một góc nếp nhà của ông Giàng A Khoa.

Nếp nhà ở người Mông dọc đường vào Séo Mý Tỷ.

Nếp nhà ở người Mông dọc đường vào Séo Mý Tỷ.

Item 1 of 4

Cảnh đẹp ở Séo Mý Tỷ, Tả Van, Sa Pa.

Cảnh đẹp ở Séo Mý Tỷ, Tả Van, Sa Pa.

Mái gỗ xanh rêu che cối giã gạo.

Mái gỗ xanh rêu che cối giã gạo..

Một góc nếp nhà của ông Giàng A Khoa.

Một góc nếp nhà của ông Giàng A Khoa.

Nếp nhà ở người Mông dọc đường vào Séo Mý Tỷ.

Nếp nhà ở người Mông dọc đường vào Séo Mý Tỷ.

3.
___________

Đến một vùng đất về cơ bản còn xa lạ, có lẽ điều dễ quan tâm đầu tiên là những phong tục, tập quán, sinh hoạt của người bản địa. Còn sâu hơn có tiếng nói, chữ viết - thứ chở theo cả lịch sử và nhất là mã văn hóa của dân tộc đó qua những chặng dài sinh tồn và phát triển.

Tiếng Mông cũng vậy nhưng lại có những trắc trở riêng. Truyền thuyết của dân tộc này còn nhắc nhở về một ngôn ngữ xa xưa đã mất đi nay chỉ còn được lưu lại trên hoa văn váy áo đồng bào, trên tấm giấy bản tráng kim ở nơi thờ cúng.

Bù đắp vào sự thiếu vắng đó, chữ Mông Việt Nam được xây dựng trên bộ vần chữ quốc ngữ từ những năm 1960 nhưng đến nay vẫn chưa phổ biến. Người Mông nhiều nơi dường như quen và ưa sử dụng chữ Mông quốc tế (do các nhà truyền giáo tạo nên trên hệ chữ Latinh) vì sự thuận tiện.

Báo Đại biểu nhân dân ngày 15/12/2014 có bài: “Tại sao nhiều người Mông học chữ Mông quốc tế?” đặt ra vấn đề thực tế sử dụng chữ Mông ở nước ta hiện nay. Trang web của Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn cũng viết: “Vấn đề sử dụng và phổ biến chữ Mông hiện nay nhìn từ thực tiễn tại 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên” chỉ ra những hạn chế của chữ Mông Việt Nam và đề xuất có cái nhìn khách quan để sử dụng thống nhất chữ Mông quốc tế, hướng tới mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông cũng như xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Gia đình ông Giàng A Khoa là gia đình người Mông nằm trong số hơn 1 triệu đồng bào Mông ở nhiều vùng trên cả nước ta (theo Tổng điều tra dân số năm 2009).

Lan, vợ Quả nói rằng: Bây giờ người Mông học chữ quốc ngữ hoặc chữ Mông quốc tế vì nó phổ biến và dễ học. Tôi cố gắng học nói một vài câu tiếng Mông trong sinh hoạt hằng ngày và nhận ra, tiếng Mông không quá khó. Đặc biệt, khi ta gọi được “ngôi nhà, cái cây, con ngựa…” của đồng bào Mông bằng tiếng nói của họ, ta trở nên hòa nhập hơn, thấu hiểu hơn vùng đất mình đang hiện diện, dù cho chỉ là trong một chuyến đi vội vã.

Bên gốc sơn tra và chiếc cổng mái gỗ xám, xanh rêu rất đặc trưng của ngôi nhà người Mông, văng vẳng trong tôi những câu dân ca như một áng văn đẹp của đồng bào:

Hỡi người ơi! Mùa đông trôi qua, mùa xuân nằm phơi mình trên làn nắng ấm. Ta ao ước có đủ cơm no, áo mặc thì không phải là ta cứ an thân ở phận… Ta nên bắt tay vào cấy cày để có mùa lúa đua nhau từng cành tươi tốt, đến lúc lúa chín vàng thì ta được hưởng cuộc sống ấm no…

Séo Mý Tỷ, mong cho những ngày bình yên cứ thế trôi đi trên vùng đất của những cây dương xỉ.


Bài và ảnh: CAO NGUYÊN
Trình bày: MINH THU, PHAN ANH