Chiến lược tạo đà,
mở đường tăng trưởng của Singapore

Chuyên đề “Chiến lược tái mở cửa, phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19” cung cấp góc nhìn đa chiều, bài học kinh nghiệm của những quốc gia có chỉ số phục hồi kinh tế khả quan trên thế giới, mặc dù nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.

Bài toán chung cho hầu hết các quốc gia trong đại dịch Covid-19 là phải cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì sự phát triển kinh tế. Singapore đã giải bài toán khó này như thế nào?


Là một quốc gia nhỏ về diện tích lãnh thổ và quy mô dân số, có nền kinh tế mở và giao thương sâu rộng với bên ngoài, Singapore khó có thể đóng cửa lâu dài. Trong suốt 2 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đảo quốc này đã luôn nỗ lực để mở cửa đất nước theo từng bước.

Tháng 6/2020, khi Singapore đang trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng do số ca mắc Covid-19 tăng cao, Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận Covid-19 không chỉ là vấn đề về sức khỏe cộng đồng mà ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội và chính trị .

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, để bảo vệ người lao động, hộ gia đình và công ty, Chính phủ đã can thiệp một cách dứt khoát thông qua các gói hỗ trợ tương đương 20% GDP. Đây là sự can thiệp tài khóa lớn nhất trong lịch sử của nước này, tuy nhiên, Thủ tướng Singapore cũng cho rằng, những biện pháp này không thể che chắn đất nước khỏi những chuyển dịch kiến tạo đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu. Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đất nước này sẽ không sớm quay trở lại nền kinh tế toàn cầu mở và kết nối như đã có trước đây, các ngành phụ thuộc vào du lịch như hàng không, khách sạn và lữ hành, sẽ mất nhiều thời gian để đứng vững và có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn.

Tuy vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ tin tưởng đảo quốc này vẫn có thể đảm bảo một tương lai tươi sáng cho chính mình và đề ra ba trọng tâm trong chiến lược kinh tế mới nhằm đưa đất nước này không những vượt qua cuộc khủng hoảng mà còn tạo đà và mở đường cho vòng tăng trưởng tiếp theo.

Thứ nhất, Singapore có thế mạnh kinh tế và danh tiếng quốc tế được xây dựng trong nhiều thập kỷ, có mối liên hệ chặt chẽ với các luồng thương mại, đầu tư, vốn và con người trên toàn cầu. Thương mại và đầu tư quốc tế có thể thu hẹp, nhưng sẽ không biến mất hoàn toàn. Một số dòng chảy sẽ bị chuyển hướng hoặc cạn kiệt, nhưng các kênh mới khác sẽ mở ra. Vẫn sẽ có thị trường nước ngoài và cơ hội hợp tác quốc tế. Singapore có vị trí tốt để kết nối đất nước với các kênh và dòng chảy mới, đồng thời tạo ra các doanh nghiệp và việc làm mới để thay thế những công việc đã mất.

Thứ hai, Thủ tướng Singapore nhận định, đất nước đã có bước chuẩn bị nhất định cho nền kinh tế tương lai và đây chính là thời điểm để đảo quốc này theo đuổi Chiến lược Kinh tế Tương lai một cách mạnh mẽ hơn. Đất nước này sẽ khởi động lại nền kinh tế của mình một cách có hệ thống, xây dựng lại các liên kết giao thông và thương mại, linh hoạt chuỗi cung ứng hơn, nỗ lực để giữ chân và thu hút nhân tài cũng như các khoản đầu tư để góp phần vào sự phục hồi của đất nước.

Thứ ba, chính phủ Singapore có các chương trình và kế hoạch để đương đầu với những thách thức trước mắt. Ưu tiên lớn nhất của chính phủ Singapore là hỗ trợ người dân duy trì công việc của họ hoặc tìm kiếm những công việc mới, củng cố tổ chức xã hội và cải thiện mạng lưới an toàn xã hội với sự đoàn kết và kiên cường của người dân.

Theo thông tin của Tổ chức tiền tệ thế giới (IMF) các nhà chức trách Singapore đã công bố 5 gói hỗ trợ tài chính lên tới khoảng 92 tỷ đôla Singapore để giảm bớt tác động của đại dịch, bao gồm hỗ trợ cho các hộ gia đình, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động, hỗ trợ thêm cho các ngành kinh doanh tự do và hầu hết các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp (hàng không, du lịch, xây dựng, giao thông, văn hóa nghệ thuật). Các biện pháp phục hồi kinh tế khác bao gồm hỗ trợ cho đầu tư và nghiên cứu phát triển, dự trữ quốc gia về nguồn cung cấp y tế và chương trình về khả năng phục hồi lương thực.

Cũng theo IMF, ngân sách năm tài chính 2021 của Singapore có hiệu lực vào ngày 1/4/2021 chuyển từ cứu trợ khẩn cấp toàn diện sang hỗ trợ có mục tiêu hơn khi nền kinh tế phục hồi. Các hỗ trợ này bao gồm Gói phục hồi Covid-19 trị giá 11 tỷ đôla Singapore nhằm mở rộng một số biện pháp từ gói kích thích tài chính năm 2020 và hỗ trợ có mục tiêu cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như hàng không, du lịch, vận tải và giải trí.

Để giảm thiểu tác động kinh tế của việc trở lại giai đoạn Cảnh báo tăng cường, ngày 28/5/2021 chính phủ đã công bố một số biện pháp hỗ trợ tạm thời với tổng trị giá 800 triệu đôla Singapore nhằm hỗ trợ những người lao động, doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng. Gói này bao gồm hỗ trợ nâng cao theo Đề án hỗ trợ việc làm, trả thêm tiền mặt cho các cá nhân và công nhân đủ điều kiện và hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho những người thuê bất động sản thương mại.

Bộ Tài Chính Singapore ngày 11/2/2021 đánh giá 5 gói hỗ trợ chính phủ trong năm 2020 đã mang lại sự hỗ trợ đáng kể cho người lao động, gia đình và doanh nghiệp.

Điều quan trọng để chuyển mình trong đại dịch chính là tập trung tái thiết đất nước trở thành điểm nút kết nối toàn cầu với châu Á về công nghệ, đổi mới và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, gia tăng tính bền vững và khả năng tự cường của nền kinh tế.
THEO THỦ TƯỚNG SINGAPORE LÝ HIỂN LONG

Tuy nhiên, như Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhận định, các gói hỗ trợ không thể che chắn đất nước khỏi những chuyển dịch kiến tạo đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, mà điều quan trọng để chuyển mình trong đại dịch chính là tập trung tái thiết đất nước trở thành điểm nút kết nối toàn cầu với châu Á về công nghệ, đổi mới và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, gia tăng tính bền vững và khả năng tự cường của nền kinh tế. Trong hướng đi này, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng.

Từ năm 2014, Singapore đã đưa ra chiến lược Quốc gia thông minh và chính thức từ 2017, xây dựng chiến lược ngân sách hàng năm để thúc đẩy chiến lược này. Quá trình số hóa đã triển khai trước đó cũng giúp các cơ quan nhà nước Singapore trong bối cảnh đại dịch phát huy mạnh mẽ vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, giúp giảm thời gian đi lại, giảm tiếp xúc trực tiếp và giảm thanh toán tiền mặt thông qua các cổng giao dịch điện tử.

Covid-19 đã được Singapore tận dụng để tăng tốc chuyển đổi số nhằm một mặt kiểm soát, giảm thiểu hậu quả của đại dịch, mặt khác, nhằm nhanh chóng cán đích trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới.

Singapore đã đẩy mạnh hỗ trợ các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Một loạt ứng dụng điện tử đã được ra đời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực: đào tạo chuyển đổi, khởi nghiệp số, nâng quy mô doanh nghiệp ra thế giới, ứng dụng công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước, triển khai thương mại điện tử và thanh toán điện tử, nghiên cứu ứng dụng…Theo channelnewsasia.com từ giữa năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa Singapore thích ứng với chuyển đổi số, Singapore đã phân bổ hơn 500 triệu SGD (tương đương hơn 352 triệu USD) hỗ trợ chương trình thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử cũng như các công cụ số nâng cao.

Số ngân sách trên được hỗ trợ chuyển đổi số cho 3 nhóm chính: (1) chuyển đổi thanh toán điện tử cho các quán ăn tại trung tâm ăn uống, chợ, quán cà-phê, căng-tin tại các khu công nghiệp, số hóa và đơn giản hình thức thanh toán, hóa đơn chứng từ; (2) hỗ trợ các doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ thực hiện hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử; (3) hỗ trợ các doanh nghiệp đã có năng lực số cơ bản mở rộng năng lực chuyển đổi số với các công cụ số nâng cao để tăng khả năng hội nhập.

Theo nghiên cứu của Microsoft và IDC Châu Á Thái Bình Dương công bố tháng 9/2020, có tới 73% doanh nghiệp cả quy mô vừa và lớn tại Singapore đã đẩy nhanh tốc độ số hóa theo nhiều cách khác nhau để ứng phó với đại dịch, từ việc đưa ra các sản phẩm kỹ thuật số, thanh toán kỹ thuật số đến thương mại điện tử và tự động hóa.

Cùng với tham vọng làm chủ dữ liệu chuỗi cung ứng và cơ sở dữ liệu người bán / nhà sản xuất của các nước (ít nhất là các nước ASEAN), Singapore còn đẩy mạnh hỗ trợ các ngành hàng không để đảm bảo năng lực bay, sẵn sàng thiết lập bong bóng đi lại an toàn giữa các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và vận tải hàng hải nhằm tiếp tục giữ vững vị thế trung tâm vận chuyển hàng hóa của thế giới và từ đó, giữ vững vị thế trung tâm thanh toán, tài chính, kho vận logistics toàn cầu. Chính phủ Singapore đã có hỗ trợ nhằm thiết lập những sàn giao dịch thương mại điện tử và sàn đấu giá hàng hóa trong các lĩnh vực ngành hàng khác nhau, với tham vọng trở thành những sàn giao dịch B2B đầu tiên và uy tín kết nối nhà sản xuất và nhà nhập khẩu / mua buôn toàn cầu.

Singapore cũng cố gắng kết nối thế mạnh số và thế mạnh trung tâm cảng biển của mình qua DigitalPORT@SG. Đây là cơ chế một cửa điều tiết các giao dịch vận tải và hàng hải cho phép giảm thời gian tàu nằm đợi tại cảng và giảm khí phác thải. Trong năm 2020, Singapore đã có biên bản ghi nhớ với một số trung tâm cảng biển lớn của thế giới như Panama, Trung Quốc, Đan Mạch,… cam kết đảm bảo luồng trung chuyển cảng biển giữa đại dịch. Ngoài ra, Chính phủ Singapore tiếp tục dành nhiều khoản tài trợ để nghiên cứu các giải pháp xử lý các thách thức trong lĩnh vực vận tải hàng hải; tài trợ để đào tạo, nâng cao năng lực, tiếp cận số hóa cho công nhân cảng và nhân lực hàng hải.

Lễ ra mắt DigitalPORT@SG.

Lễ ra mắt DigitalPORT@SG.

Tại báo cáo thường niên của nhà cung cấp dữ liệu thị trường hàng hải toàn cầu Baltic Exchange công bố ngày 12/7/2021, với 97,2 điểm, Singapore đã có năm thứ 8 liên tiếp duy trì vị thế trung tâm vận tải biển hàng đầu thế giới bất chấp sự gián đoạn thương mại và kinh doanh toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra. Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng container qua Singapore đã tăng 4.6% so với 2020 và thậm chí tăng 3.9% so với 2019 (trước dịch).

Singapore cũng đẩy mạnh đưa vào hoạt động các ngân hàng điện tử để nhanh chóng khai thác đối tượng khách hàng mới là các doanh nghiệp thương mại điện tử vừa và nhỏ của các nước trong ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về hỗ trợ các start-up, Singapore hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thông qua chương trình Startup SG Founder programme nhằm chớp các cơ hội và xu thế mới mà bối cảnh dịch bệnh đã tạo ra. Các dự án khởi nghiệp được coi là nguồn xung lực mới, tiềm năng cho tăng trưởng của Singapore vì khả năng đi đầu trong sáng tạo và nhạy bén kinh doanh.

Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore ngày 27/6/2021 cho biết, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2020 tại đây có 63.480 doanh nghiệp mới được thành lập, nhiều hơn 1.907doanh nghiệp so với năm 2019. Năm 2021 cũng có một khởi đầu thuận lợi với 27.764 doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm, nhiều hơn 5.626 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin tưởng rằng sự thịnh vượng và mọi cơ hội của Singapore nằm ở chìa khóa năng lực kết nối đồng bộ, Singapore cũng tích cực tham gia hoặc đề xuất các sáng kiến thúc đẩy Vùng sản xuất ASEAN, Chuỗi cung ứng tích hợp ASEAN, Mạng lưới Logistics ASEAN, Mạng lưới vận chuyển ASEAN, ASEAN Connectivity...

Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN với dự án đầu tiên “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (SuperPort)” đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bấm nút khởi động ngày 14/11/2020.

Năm 2020 Singapore ký 2 Hiệp định đối tác thương mại số: Hiệp định Đối tác Thương mại số (DEPA) giữa Singapore, Chile và New Zealand và Hiệp định Thương mại số Singapore-Australia (SADEA). Ngày 21/6/2021 Việt Nam và Singapore cũng đã nhất trí thành lập nhóm công tác kỹ thuật chung về Đối tác kỹ thuật số, xem xét tiềm năng phát triển hiệp định thương mại số song phương.

Kỹ thuật số hoá cũng được ứng dụng để phục hồi ngành du lịch Singapore, điển hình là mô hình sự kiện hybrid (sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến), giúp mở rộng những biện pháp nhằm tăng năng lực và khả năng thích ứng cho doanh nghiệp MICE (Meetings, Incentives, Conventions and Exhibitions - hình thức du lịch kết hợp hội họp, khen thưởng, triển lãm, hội thảo). Chính phủ Singapore và Tổng cục Du lịch Singapore đã tổ chức hàng loạt sự kiện thành công, như sự kiện nhượng quyền và cấp phép dành cho doanh nghiệp (FLA) với hình thức trực tuyến, hay Triển lãm du lịch TravelRevive thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu từ khắp nơi trên thế giới. Để hỗ trợ các sự kiện hybrid, Singapore cũng trang bị thêm các công nghệ thiết lập không gian ảnh ba chiều và hỗ trợ phát sóng trực tiếp chất lượng cao để phát sóng sự kiện một cách sống động hơn. Các công nghệ này đã được áp dụng thành công tại trường quay của Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands Expo thuộc Marina Bay Sands (MBS).

Những nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế của Singapore cùng với hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã đem lại những tín hiệu kinh tế tích cực.

Ngày 11/8, Singapore thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore trong quý II/2021 tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 14,3% ước tính trước và đó là cơ sở để chính phủ nước này nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm lên khoảng 6-7% so với mức ước tính trước đó là 4-6% .

Các chỉ số chính của nền kinh tế Singapore theo Báo cáo Quý II/2021 của Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore ngày 11/8.

Các chỉ số chính của nền kinh tế Singapore theo Báo cáo Quý II/2021 của Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore ngày 11/8.

Theo lộ trình mở cửa nền kinh tế trở lại theo “4 giai đoạn”, đảo quốc này đang ở giai đoạn chuẩn bị với việc nới lỏng hạn chế cho nhóm người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Từ ngày 1/9/2021, sân bay Changi đã chính thức mở cửa nhà ga T1 và T3 để đón khách trở lại sau 3 tháng ngừng hoạt động vì dịch Covid-19. Được biết, các quầy làm thủ tục tự động tại Ga 1 và Ga 3 sẽ từng bước được nâng cấp với màn hình cảm ứng không tiếp xúc và cảm biến hồng ngoại để theo dõi chuyển động của ngón tay. Điều này giúp du khách có thể thực hiện các thao tác mà không cần chạm ngón tay trực tiếp vào màn hình, giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Chiều 8/9 chuyến bay chở khách đầu tiên từ Đức theo chương trình không phải cách ly đã hạ cánh tại sân bay Changi của Singapore. Hành khách đi theo chương trình Làn đi lại cho hành khách được tiêm vaccine đầy đủ (VTL) sẽ phải thực hiện 4 lần xét nghiệm PCR thay cho việc cách ly và phải tuân theo các điều kiện khác theo quy định. Chương trình này hiện chỉ áp dụng với những hành khách đến từ Brunei và Đức.

Bộ trưởng Công thương Singapore Gan Kim Yong cho rằng đại dịch Covid-19 đã tàn phá hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, song những nền kinh tế biết tận dụng cơ hội để thích nghi và chuyển đổi sẽ bứt lên mạnh mẽ hơn.

Có thể nói, Singapore đã biến cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra thành cơ hội để phát triển những lĩnh vực tăng trưởng mới và làm sâu sắc các mối liên kết với nền kinh tế toàn cầu. Singapore đã điều hành một cách thực tế và chủ động, hệ thống y tế không bị quá tải, độ phủ tiêm chủng toàn dân đã đạt trên 80%, Singapore đang chuẩn bị cho các bước mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Cho dù hiện tại biến thể Delta vẫn là một ẩn số khó lường, các kết quả Singapore đạt được chưa hẳn là hoàn hảo, nhưng rất đáng ghi nhận so với tình hình trên thế giới. Nhiệm vụ bây giờ của họ là: Vượt lên mạnh mẽ hơn !

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: DIỆU THU, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Ảnh: Reuters, changiaiport.com, STB
Nguồn tin và dữ liệu: website Bộ Y tế Singapore, website Chính phủ Singapore, Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore, Bộ Tài chính Singapore; IMF, Reuters, The Straits Times, TTXVN,...