Các làng chài tại Hạ Long không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống của ngư dân mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử đầy sống động của vùng đất này. Trong hành trình bảo vệ di sản, khi được tạo sinh kế bền vững, người dân nơi đây là người vừa bảo tồn di sản, vừa thực hành di sản và phát huy di sản.

Lối rẽ đổi đời của người dân làng chài

Sinh ra và lớn lên ở làng chài, Nguyễn Thị Hằng có cả tuổi thơ gắn bó với nhà nổi, lênh đênh trên biển với những chiếc bè đơn sơ nuôi cá của gia đình. “Chỉ được học xóa mù chữ, không có nhà ở đất liền, mình cứ sống như cây cỏ tự lớn, nghĩ rồi vẫn sẽ gắn bó với nghề chài lưới như bố mẹ”, chị Hằng kể.

Sống ở làng chài Vung Viêng, gia đình Hằng cũng như người dân làng chài này chỉ quan tâm tới bữa no, bữa đói. Ngoài đánh bắt gần bờ, mỗi nhà có vài lồng bè nhỏ, nuôi cá theo bản năng, kinh nghiệm cha ông truyền lại, không biết gì tới việc bảo vệ thiên nhiên, chứ chưa nói tới những cái gọi là sinh kế bền vững.

Chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ Trung tâm Văn hóa làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ Trung tâm Văn hóa làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ở làng chài Cửa Vạn, Du Văn Nhặt cũng lớn lên với những buổi chèo đò xa nhà để đi lấy con chữ. Học cho xóa mù, chứ Nhặt nào dám mơ rồi đây mình sẽ trở thành một người có học thức, làm cán bộ Nhà nước.

Hồi ấy, chung quanh những bè nuôi cá ở Cửa Vạn, thùng nhựa, thùng xốp, rác thải trôi nổi. Nhặt và bọn con trai làng chài, thi thoảng chèo múng, đi vớt được vài đồ nhựa bán đồng nát, có thêm tí tiền. Ông nội và bố mẹ, cứ ra biển đánh bắt, tận thu được mẻ nào là nhà vui ngày ấy. Cá nhỏ, mẹ Nhặt làm bữa cơm tươi, cá nhỉnh hơn chút, được thả xuống bè tự chế nuôi cho lớn để bán.

Có bao nhiêu đứa trẻ, lớn lên hồn nhiên ở làng chài như Nhặt, như Hằng… Nhà trên bờ không có, không bằng cấp, kiến thức, không bám làng chài, biết gì mà sống. Có nghe tuyên truyền về bảo vệ di sản, nhưng nghe để đó, chứ nay đủ ăn, mai đói, thiết tha gì nghĩ tới bảo tồn.

Nhưng rồi những bước ngoặt, đã làm cho Nhặt và Hằng có được sự đổi đời, như hàng trăm những người cùng trang lứa.

Anh Du Văn Nhặt, cán bộ Trung tâm Văn hóa làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Anh Du Văn Nhặt, cán bộ Trung tâm Văn hóa làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ngồi bên Trung tâm Văn hóa làng chài Cửa Vạn, chỉ ra phía làng chài kế bên đã được quy hoạch gọn gàng, Hằng chậm rãi kể: Năm 2003, Hằng được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tuyển chọn trở thành một thành viên được tham gia Dự án Bảo tàng Cửa Vạn do Chính phủ Na Uy tài trợ. Sau thời gian ngắn đào tạo, Hằng trở thành thuyết minh viên tại điểm Bảo tàng Cửa Vạn. Công việc hằng ngày của Hằng và các đồng nghiệp là giới thiệu cho khách tham quan những câu chuyện về cuộc sống, phong tục tập quán của người dân làng chài sống trong vùng lõi di sản.

Sau khi trở thành thành viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, nhận thức trở thành chủ thể bảo vệ di sản, quay trở lại với bà con ở làng chài, Hằng và Nhặt đều trở thành những thành viên tích cực trong tuyên truyền, vận động bà con thay đổi ý thức để tạo sinh kế bền vững.

Tháng 3/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Dự án tái định cư cho người dân làng chài, với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ dân làng chài di chuyển lên bờ, xây dựng Khu tái định cư Cái Xà Cong ở phường Hà Phong (thành phố Hạ Long).

Một góc Trung tâm Văn hóa làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Một góc Trung tâm Văn hóa làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đến nay, gần 330 hộ dân làng chài với khoảng 3.000 nhân khẩu thuộc bảy làng chài nằm trong vùng lõi của Vịnh Hạ Long đã được lên bờ nhận nhà và ổn định cuộc sống. Tại nơi ở mới, ngư dân làng chài cũ được chính quyền địa phương tạo điều kiện giải quyết việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn để các hộ đóng mới và sửa chữa tàu, thuyền... Nhiều ngư dân tiếp tục bám biển làm nghề đánh bắt cá hoặc tham gia trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Giờ đây, gia đình Hằng và Nhặt đã có nhà trên bờ nhờ chính sách an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh đối với bà con làng chài. Cha mẹ của Nhặt, của Hằng cũng về bờ, chỉ thi thoảng ra khơi đánh cá. Nhiều bà con làng chài được an cư, được tạo công ăn, việc làm, cùng chung tay bảo vệ di sản.

Ổn định cuộc sống, có công việc bền vững, với lợi thế là người sinh và lớn lên từ vùng lõi di sản, hiểu phong tục, văn hóa sống của bà con làng chài, Nhặt và Hằng lân la với bà con, vừa tuyên truyền, vừa động viên bà con có những hành động thiết thực bảo vệ di sản như chuyển đổi không sử dụng đồ nhựa, không xả rác bừa bãi, không phát sinh những nhà bè đơn lẻ nuôi hải sản làm ảnh hưởng tới môi trường, đánh bắt trái phép thủy hải sản... Bên cạnh đó, họ còn trao đổi kiến thức để bà con phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi trồng bền vững, phát triển du lịch cộng đồng.

Làng chài trong không gian Vịnh Hạ Long đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Làng chài trong không gian Vịnh Hạ Long đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Lấy người dân làm chủ thể cho bảo tồn và phát triển

Năm 2019, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp tục triển khai Dự án Bảo tồn, phát huy một số giá trị văn hóa tiêu biểu của làng chài trên Vịnh Hạ Long. Dự án bao gồm các nội dung chính: sửa chữa, di chuyển các nhà bè bảo tồn, lớp học, thư viện; sưu tầm, trưng bày, bảo quản hiện vật tại khu vực Cửa Vạn và khu tái định cư Cái Xà Cong; tái hiện mô hình lớp học nổi; truyền dạy, trình diễn hát giao duyên và tập huấn đan lờ, đan lưới…

Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 1,5 tỷ đồng, trích từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Mục tiêu là bảo tồn và phát huy bền vững, hiệu quả các giá trị văn hóa làng chài; biến thành những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút và kéo dài thời gian tham quan của khách du lịch trên Vịnh.

Đến nay, dự án đã hoàn thành sắp xếp 20 nhà bè bảo tồn, tái hiện mô hình lớp học nổi; biên tập, dàn dựng 2 kịch bản hát giao duyên và truyền dạy 23 thành viên là các thế hệ trẻ dân làng, hướng dẫn viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp chèo đò trên Vịnh Hạ Long.

Cùng với đó, thực hiện truyền dạy kỹ thuật đan, chế tạo hệ thống truyền thông cho 10 CBVC-LĐ của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long; xây dựng phim tài liệu "Văn hóa làng - Di sản giữa lòng sản xuất"; sưu tầm bổ sung trên 50 hiện vật, hàng trăm bức ảnh về đời sống sinh hoạt cộng đồng dân làng chơi trên Vịnh Hạ Long…

Không gian làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Không gian làng chài Cửa Vạn. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trong 7 tháng đầu năm, làng chài Vung Viêng đã đón 39.049 lượt khách, trong đó có đến 37.144 lượt khách quốc tế, chiếm hơn 95%. Vung Viêng còn được biết đến khi được nhiều tạp chí du lịch quốc tế bầu chọn là một trong những làng chài đẹp nhất thế giới.

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương mình, Hằng ánh lên niềm tự hào trong mắt: “Sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, đời sống của người dân làng chài đã có những thay đổi đáng kể. Những làng chài được thành lập, quy hoạch gọn vào một khu”.

Giờ đây, các làng chài Vung Viêng, Cửa Vạn, Ba Hang, trẻ con được học xóa mù chữ, những nhà bè kiên cố được xây dựng khiến bà con có chỗ tránh mưa, tránh nắng bền vững. Người dân quanh năm quen lênh đênh trên những con thuyền đã bắt đầu chuyển lên các nhà bè để ở. Du lịch cộng đồng trên Vịnh Hạ Long được định hình. Thuyền nan quy tụ về hợp tác xã, trở thành phương tiện phục vụ du khách tham quan làng chài.

Hằng khoe, làng chài Vung Viêng giờ được quy hoạch thành điểm tham quan, phần lớn các hộ được chuyển lên bờ hoặc vùng rìa vịnh. Ở nơi cư trú mới, người dân làng chài Vung Viêng lại tiếp tục nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản truyền thống. Một số hộ được quy hoạch nuôi trai lấy ngọc tại làng cũ Vung Viêng, phục vụ tham quan du lịch và bán sản phẩm.

Du khách khám phá làng chài Vung Viêng. (Ảnh: TTXVN)

Du khách khám phá làng chài Vung Viêng. (Ảnh: TTXVN)

Nhiều con em làng chài được đào tạo, tham gia công việc lái đò chở du khách tham quan "chốn cũ" của mình, bởi làng chài Vung Viêng nằm trong một khu vực khá biệt lập, thuyền máy không được phép tiếp cận để bảo vệ môi trường.

Không chỉ là người chuyên chở, vận chuyển khách, mỗi người lái đò ở Vung Viêng còn là một "pho truyện", là hướng dẫn viên kể về những điều thật đặc biệt ở làng chài nổi trên vịnh này. Sản phẩm du lịch độc đáo này tạo thành một điểm nhấn đặc biệt trong lòng di sản.

Hiện Vung Viêng có 7 nhà bè đang hoạt động dưới sự quản lý của hợp tác xã. Vung Viêng cũng là điểm đến được du khách yêu thích. Trên hành trình khám phá vịnh, họ có thể ghé vào các nhà bè, tự tay cho cá ăn và tìm hiểu cách nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Hạ Long. Một số nhà bè đã triển khai phòng nghỉ qua đêm để tăng thêm sự trải nghiệm cho du khách khi đến với làng chài.

Cách làm này vừa tạo sinh kế cho ngư dân, vừa khôi phục lại hồn cốt làng chài thông qua hoạt động sản xuất. Từ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện.

Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm như đời sống của người dân bản địa được khách quốc tế yêu thích và coi đây là một trải nghiệm văn hóa độc đáo.

Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: THANH TRÀ)

Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: THANH TRÀ)

“Tại làng chài Vung Viêng cũng có dự án nuôi thủy sản trên nhà bè, hiện tại ở đó có một số nhà bè nuôi thủy sản nhưng không có người sinh sống mà chỉ có người trông nhà bè. Đó là một cách để bảo vệ di sản”, bà Huyền Anh nói.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long chia sẻ, hiện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đang nhân rộng các hoạt động hát giao duyên, nâng cấp những khu vực lớp học, thư viện,... của con em làng chài khi xưa. Đây là nét văn hóa độc đáo của ngư dân vùng vịnh, rất cần bảo tồn, giữ gìn cho những thế hệ mai sau và trở thành sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long.

“Việc đa dạng hóa các dịch vụ, sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long bằng các hoạt động cộng đồng không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của di sản mà còn giúp chuyển đổi, tạo sinh kế bền vững cho người dân trên Vịnh Hạ Long”, ông Vũ Kiên Cường khẳng định.

Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tự hào nói thêm, điều mà tạo được sự thay đổi trong vùng lõi di sản, chính là sự thay đổi nhận thức và cùng hành đồng của bà con. Khi được tạo sinh kế bền vững, gia tăng giá trị lợi ích từ du lịch mang lại, họ càng có trách nhiệm bảo tồn di sản. Những hành cộng ra quân thu gom rác, làm sạch môi trường vịnh; tuyên truyền vận động người dân ở vùng lõi, vùng đệm cùng có ý thức vừa phát triển kinh tế, vừa tuân thủ pháp luật để bảo vệ giá trị di sản.

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. (Ảnh: VŨ KHÔI)

Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. (Ảnh: VŨ KHÔI)

Trong suốt 30 năm qua, từ năm 1994 đến hết tháng 9/2024, Vịnh Hạ Long đã đón tiếp hơn 56,3 triệu lượt khách (trong đó có 25,8 triệu lượt khách (trong nước) Việt Nam, 30,5 triệu khách nước ngoài), thu phí tham quan đạt hơn 8,472 tỷ đồng. 

Phát triển Vịnh Hạ Long thành trung tâm kinh tế biển bền vững

Bên cạnh mục tiêu giữ gìn nguyên trạng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng đầu tư các nguồn lực, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch-dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế.

Hiện nay, Quảng Ninh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển là 11,5-12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; doanh thu dịch vụ một trung cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng...

Để tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 với định hướng chú trọng phát triển các vùng nuôi biển tập trung công nghiệp.

Các làng chài tại Hạ Long không đơn thuần là nơi sinh sống của ngư dân mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử đầy sống động của vùng đất này. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Các làng chài tại Hạ Long không đơn thuần là nơi sinh sống của ngư dân mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa và lịch sử đầy sống động của vùng đất này. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại diện tích, đối tượng nuôi, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường. Dịch chuyển và giảm diện tích, mật độ nuôi ở vùng biển từ ba hải lý trở vào. Mở rộng diện tích nuôi phù hợp sức tải môi trường trong giới hạn từ ba đến sáu hải lý. Khuyến khích đầu tư nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt ở các địa phương: Vân Đồn, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà… Đến nay đã có 8/9 địa phương hoàn thành phê duyệt đề án, phương án chi tiết nuôi trồng thủy sản.

Để phát triển kinh tế nhưng không gây ra những tác động có hại với di sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin ý kiến phương án chi tiết nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn thành phố Hạ Long - vùng đệm của Vịnh Hạ Long.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, mục tiêu của việc nuôi trồng thủy sản tại những khu vực này nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa thiên nhiên thế giới theo đúng quy định của pháp luật; cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nuôi biển bền vững.

Việc này cũng sẽ tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân địa phương, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản bền vững, phát huy những mặt tích cực từ kinh nghiệm nuôi truyền thống với công nghệ hiện đại. Cùng đó, phát triển nuôi biển của Hạ Long thành sản phẩm du lịch mới, phù hợp với sự phát triển của du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường, tạo ấn tượng về một thành phố Hạ Long xanh, sạch, đẹp.

Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: VŨ KHÔI)

Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: VŨ KHÔI)

"Tỉnh Quảng Ninh hướng đến phát triển nghề nuôi biển theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, ưu tiên các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường phục vụ du lịch. Đồng thời, phát triển công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến và đa dạng hóa sản phẩm để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu", ông Hạnh cho hay.

Nhận thức được việc phát triển kinh tế biển thì phải đi đôi với bảo vệ môi trường, để đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện, hiệu chỉnh quy hoạch ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời hoàn thành Quy hoạch phương án, đề án nuôi trồng thủy sản

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Phan Thanh Nghị cho biết: Một trong những giải pháp mà Quảng Ninh quyết tâm thực hiện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững đó là xây dựng một ngư trường xanh với nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú, tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ ngư dân đang hàng ngày bám biển. Thêm nữa, cần đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý với việc bố trí, sắp xếp các vùng nuôi an toàn, khoa học, phù hợp với các quy hoạch nhằm thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: THANH TRÀ)

Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: THANH TRÀ)

Đồng thời, ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong chuỗi sản xuất thuỷ sản, cũng như các công nghệ nuôi sử dụng diện tích sản xuất ít nhất, chi phí thấp nhất, năng suất và bảo vệ môi trường tốt nhất.

Khuyến khích doanh nghiệp, người dân thiết kế mô hình mẫu nuôi biển có kiến trúc toàn diện, đạt chuẩn, có độ bền và tính thẩm mỹ cao bảo đảm tính hiệu quả, an toàn, hài hoà và thân thiện với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với từng đối tượng nuôi để thống nhất áp dụng trước tại vùng nuôi biển tập trung, các cơ sở nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm. Thông qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ven biển, hải đảo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quảng Ninh đang hướng tới nghề nuôi biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống luôn được địa phương quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp hiệu quả.

Chủ động bảo tồn hệ sinh thái và tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản, tỉnh cũng đã hình thành các khu bảo tồn biển, nhất là khu vực Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Bái Tử Long và Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; lập 13 khu bảo vệ nguồn lợi các loài thủy sản đặc hữu với diện tích trên 3.000ha.

Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, nâng cao giá trị sản xuất, đưa lĩnh vực thuỷ sản của Quảng Ninh ngày càng khởi sắc, phát triển bền vững và đạt giá trị cao, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững mà địa phương đã đề ra.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, vị trí nghiên cứu lập phương án chi tiết nuôi trồng thủy sản được tập trung trên địa bàn thành phố Hạ Long, nằm tại khu vực bảo vệ II (vùng đệm) của Di tích Quốc gia đặc biệt, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long gồm 2 khu vực, do thành phố Hạ Long làm chủ đầu tư. Tổng diện tích 260ha và được chia thành 2 khu vực.

Cụ thể, khu vực 1 (diện tích 210ha) có vị trí phía đông giáp tuyến luồng Tuần Châu - Cát Bà, phía tây giáp với khu vực giáp ranh giới xã Hoàng Tân, phía nam giáp luồng Ba Mom, phía bắc giáp đảo Tuần Châu.

Khu vực 2 có diện tích 50ha, phía đông giáp hòn Vụng Ba Cửa, phía tây giáp Hòn Bồ Hung, phía nam giáp Hòn Trà Hương và luồng Lạch Ngăn, phía bắc giáp luồn Ba Mon.

Các đối tượng được nuôi trong khu vực này là nhuyễn thể (tu hài, ngọc trai, ngao giá, ngao ô vuông, ngao hoa…), cá biển (cá chim vây vàng, cá vược, cá hồng mỹ, cá song…) và nuôi xen canh một số loài rong biển.

Đối với hệ thống lồng nuôi và nhà bè, sẽ sử dụng bằng vật liệu thân thiện với môi trường như HDFE, composite theo đúng quy chuẩn kỹ thuật của địa phương, đảm bảo an toàn, chắc chắn để phục vụ khách du lịch tham quan. Nuôi cá biển sẽ được triển khai ở quy mô vừa và nhỏ.

Theo phương án, các lồng bè nuôi thủy sản kết hợp du lịch sẽ được phân chia làm 2 khu là khu nuôi thương phẩm và khu nuôi trình diễn cho khách du lịch.

Ngày xuất bản: 11/12/2024
Thực hiện theo Hợp đồng hợp tác truyền thông số 04/2024/HĐHTTT/STTTT-BND