Sông Bến Hải

chảy về phía tương lai

Bến Hải, tên gọi có từ 70 năm nay của dòng sông nổi tiếng nằm ở tỉnh Quảng Trị. Biết bao người đã anh dũng ngã xuống vì dòng sông này để giáo gươm dẹp lại, hòa bình được "nở hoa". Chia lìa, đau thương, thống nhất, phát triển, trang sử nào của dòng sông cũng chất chứa hùng tâm của người đi xây dựng đất nước.

Thôn Bến Hải, xã Trung Sơn (huyện Gio Linh) nằm bên bờ nam thơ mộng của sông Bến Hải, gần Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, cảnh vật soi bóng xuống dòng sông lịch sử. Vùng đất thôn Bến Hải trước thuộc xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), phía bờ bắc.

Tháng 7/1954, Hiệp định Geneva ký kết lập lại hòa bình cho Việt Nam, giới tuyến quân sự tạm thời được phân định tại Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải, đất nước tạm chia cắt thành hai miền chờ hai năm sau tổng tuyển cử thống nhất. Nhưng cũng từ đó định mệnh của lịch sử không chỉ chia cắt đất nước, chia cắt tỉnh Quảng Trị, mà còn chia cắt xã Vĩnh Sơn thành hai nửa, một phần của nửa về phía nam là vùng đất thôn Bến Hải bây giờ.

Sông

ôm tận lòng sâu

Đôi bờ Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Đôi bờ Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Bà Trần Thị Bồng, 80 tuổi, ở thôn Bến Hải, nhớ những năm đất nước chia cắt, hằng ngày, bà gánh sắn và củi ra chợ bán, phía dưới thúng đựng sắn và trong bó củi luôn kèm theo mấy quả lựu đạn, mìn muỗi. Người đến mua hàng trả giá cao bao nhiêu cũng không chịu, chỉ đợi cơ sở của mình đến mua "mới bán".

Bà Trần Thị Bồng, 80 tuổi, ở thôn Bến Hải kể lại chuyện xưa cho con cháu nghe.

Bà Trần Thị Bồng, 80 tuổi, ở thôn Bến Hải kể lại chuyện xưa cho con cháu nghe.

Những chuyến đi chợ của bà Bồng thật ra là những lần vận chuyển vũ khí cho cách mạng ngay trong lòng chế độ miền nam cũ. Một buổi sáng đi chợ trở về, bà nhận được tin hai người anh trai Trần Văn Phan và Trần Văn Nga tối hôm trước đã bơi sang bờ bắc sông Bến Hải, ra với miền bắc, công khai hoạt động cách mạng.

Bờ bắc sông Bến Hải, đoạn qua thôn Huỳnh Xá Hạ của xã Vĩnh Sơn hôm nay đẹp như tranh. Con đường nhựa đi qua thôn như một nét vẽ tạo ra không gian quy hoạch của vùng này rất khoa học, với phong cách chủ đạo bên ngoài thấp, bên trong cao.

Bờ bắc sông Bến Hải đoạn qua xã Vĩnh Sơn đẹp thơ mộng.

Bờ bắc sông Bến Hải đoạn qua xã Vĩnh Sơn đẹp thơ mộng.

Phía trong của đường là khu dân cư với nhà cửa không liền kề để đón gió và ánh sáng từ sông thổi vào; cùng những bãi ngô, vườn đậu xanh tốt mượt mà. Phía ngoài là bãi cỏ dài phẳng lỳ, thấp dần, mềm mại, là công viên cho người dân hòa mình vào thiên nhiên, rồi đến bờ sông.

Trên sông, ngay đoạn bến đò Ba Bến xưa có những chiếc rớ khá lớn thả xuống để bắt cá tôm. Một khung cảnh yên bình đến khó tả. Điểm cuối của thôn Huỳnh Xá Hạ cách Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải khoảng hơn 200m.

Ông Trần Văn Quý, người dân của thôn Huỳnh Xá Hạ, đang kiểm tra rớ được thả xuống sông Bến Hải hồi đêm. Lúc này, mặt trời dát lên sông thứ ánh sáng lung linh, mặt sông phẳng lặng, yên tĩnh, nhìn kỹ xuống sông thấy đàn cá tung tăng.

"Đến hôm nay đã 70 năm dòng sông chính thức được mang tên Bến Hải. Chúng ta có thể đếm được thời gian, nhưng làm sao đong đếm được biết bao giọt nước mắt đã rơi của những người mẹ, người chị, những gia đình ở hai bên bờ sông trong suốt thời gian đất nước chia cắt", ông Quý mở đầu câu chuyện về dòng sông luôn ôm tận lòng sâu lịch sử của đất nước.

Bến đò Ba Bến xưa ở thôn Huỳnh Xá Hạ.

Bến đò Ba Bến xưa ở thôn Huỳnh Xá Hạ.

Từ bến đò Ba Bến ở thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn nhìn sang bờ nam, sông Bến Hải-Vĩ tuyến 17 có chiều ngang khoảng hơn 100m. Cách nhau chỉ chừng ấy thôi mà cả dân tộc Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đến gần 21 năm với bao nhiêu hy sinh, mất mát, người dân đôi bờ mới được hạnh phúc, cùng cả nước sống trong hòa bình, thống nhất.

Có lẽ do bến đò nằm ở ngã ba sông, đoạn hợp lưu của nguồn phụ Sa Lung và nguồn chính Bến Hải để tạo thành dòng Bến Hải cho nên còn gọi là Ba Bến.

Song hình ảnh cụ thể nhất khiến tên gọi Ba Bến luôn sống trong tâm thức của người dân đôi bờ là mỗi ngày những chuyến đò ngang xuất phát từ Ba Bến chở người dân qua lại ba vị trí là đến cập bến tại thôn Hiền Lương, sau đó quay sang bờ nam cập bến, cuối cùng mới quay về Ba Bến ở bờ bắc, của thôn Huỳnh Xá Hạ. Giai đoạn đất nước chia cắt thì những chuyến đò xuất phát từ Ba Bến không qua được bờ nam, khiến người dân đôi bờ quay quắt nhớ thương nhau.

Ông Trần Văn Quý nhớ như in vợ chồng ông bà lão Nguyễn Hải Nam và Nguyễn Thị Sính là hai người cuối cùng làm công việc chèo đò ở Ba Bến. Câu chuyện tình yêu của ông bà chèo đò như một thiên tình sử của dòng sông. Họ yêu nhau trên sông nước Bến Hải khi cùng cha mẹ của mình chèo đò đưa những người tham gia chống Pháp qua lại dòng sông này.

Năm 1954, ông Nam và bà Sính cưới nhau rồi những tưởng sẽ được sống trong những ngày hòa bình, thống nhất của đất nước và họ sẽ lên bờ định cư. Có ngờ đâu con sông Bến Hải lại là chứng nhân cho nỗi đau chia cắt đất nước, vì vậy cuộc sống của họ cũng mang thân phận của dòng sông.

Hai người lại tiếp tục chèo đò phục vụ nhân dân và đất nước trong giai đoạn mới. Họ sinh ra ba người con trai đều được đặt những cái tên rất khí khái như thể quyết tâm chèo con đò ngang cho đến ngày đất nước được thống nhất: Cương, Quyết, Tâm.

Ông Trần Văn Quý ( bên phải) đang trò chuyện với anh em ông Quyết, Tâm bên bờ sông Bên Hải.

Ông Trần Văn Quý ( bên phải) đang trò chuyện với anh em ông Quyết, Tâm bên bờ sông Bên Hải.

Sau khi đất nước thống nhất, hai người con trai Quyết và Tâm cùng cha mẹ của mình tiếp tục sứ mệnh chèo đò ngang một thời gian dài nữa cho đến khi đường giao thông nối lại nhiều nơi, họ mới lên bờ nghỉ ngơi.

Hai ông Quyết và Tâm nay sinh sống tại quê nhà Huỳnh Xá Hạ, thi thoảng ra bến sông xưa, nhớ về những tháng ngày gian nan, vất vả mà vinh dự của bố mẹ mình.

Hai ông Quyết và Tâm nay sinh sống tại quê nhà Huỳnh Xá Hạ, thi thoảng ra bến sông xưa, nhớ về những tháng ngày gian nan, vất vả mà vinh dự của bố mẹ mình.

Điều thú vị, trong những chuyến đò sau khi sông Bến Hải được nối lại đôi bờ, vợ chồng ông bà lão chèo đò Nguyễn Hải Nam và Nguyễn Thị Sính đã đưa đón biết bao nhiêu thanh niên qua lại tìm hiểu nhau.

Vợ chồng ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa năm nay đều 80 tuổi ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, hạnh phúc cùng con cháu của mình.  Ông bà là đôi uyên ương đầu tiên được rước dâu qua cầu Hiền Lương sau 1973.

Vợ chồng ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa năm nay đều 80 tuổi ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, hạnh phúc cùng con cháu của mình.  Ông bà là đôi uyên ương đầu tiên được rước dâu qua cầu Hiền Lương sau 1973.

Chỉ một năm sau Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973, có gần 20 đôi thanh niên nam nữ ở hai bờ bắc nam tổ chức lễ cưới, mà nam là người bờ bắc, nữ là người bờ nam và ngược lại, rước dâu qua cầu Hiền Lương lịch sử, qua sông Bến Hải trong niềm hạnh phúc trào dâng của những đôi vợ chồng trẻ, gia đình nội ngoại và người dân đôi bờ.

Họ trở thành những đôi uyên ương mang khát vọng hạnh phúc lớn lao, góp sức xây dựng quê hương, cùng người dân đôi bờ tạo nên cuộc sống ấm no, ý nghĩa.

Mơ về một ngày đêm

ở đôi bờ sông tuyến

Trồng rừng FCS ở bờ nam sông Bến Hải

Trồng rừng FCS ở bờ nam sông Bến Hải

Các làng quê ở các xã bờ nam Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn, Gio An; ở bờ bắc là thị trấn Cửa Tùng, các xã Vĩnh Giang, Hiền Thành, Vĩnh Sơn luôn năng động, đi đầu, sáng tạo mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

Thôn Bến Hải, xã Trung Sơn ở bờ nam trù phú với những vườn cao su bạt ngàn, những khu rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản trị rừng FSC.

Ông Lê Văn Cường, trưởng nhóm hộ trồng rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững ở thôn Bến Hải tự hào, đây là một trong hai nhóm hộ trồng rừng đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ này. Trồng rừng được cấp chứng chỉ mang lại thu nhập cao, đóng góp tích cực bảo vệ môi trường.

Rừng trồng bình thường, đến khi được 5 năm tuổi, khai thác chỉ bán được giá dưới 100 triệu đồng/ha. Rừng nhóm hộ của ông Cường đến thời gian 7 năm tuổi, bán mỗi héc-ta hơn 250 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, thu về phần lãi rất lớn. Xã Trung Sơn hiện có đến 1.500 ha rừng trồng các loại và cao su, nhờ đó người dân có thu nhập rất cao.

Sông Bến Hải uốn lượn mềm mại đoạn chảy qua các xã đồng bằng trù phú. 

Sông Bến Hải uốn lượn mềm mại đoạn chảy qua các xã đồng bằng trù phú. 

Dọc bờ bắc, xã Vĩnh Sơn, nơi có mô hình nuôi tôm nổi tiếng của tỉnh Quảng Trị.

Năm 2000, lãnh đạo xã Vĩnh Sơn đi học hỏi cách làm ăn khắp nơi, phát hiện điều kiện tự nhiên của xã phù hợp nuôi trồng thủy sản.

Từ ba héc-ta ruộng lúa ở thôn Huỳnh Xá Hạ thí điểm chuyển sang mô hình nuôi tôm sú, sau hai vụ thử nghiệm cho kết quả ngoài mong đợi. Tiếng tăm Vĩnh Sơn làm kinh tế giỏi lan xa.

Từ đây phong trào nuôi tôm ở Quảng Trị phát triển mạnh mẽ. Diện tích nuôi tôm của Vĩnh Sơn hiện có hơn 160ha, chiếm hơn 80% diện tích nuôi tôm toàn huyện Vĩnh Linh.

Một góc thị trấn Cửa Tùng, đoạn cuối dòng Bến Hải.

Một góc thị trấn Cửa Tùng, đoạn cuối dòng Bến Hải.

Từ bến đò Ba Bến ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, sông Bến Hải chảy thêm khoảng 10km nữa để về đến Cửa Tùng rồi đổ ra Biển Đông.

Những ngày đất nước chia cắt ấy, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã vào Cửa Tùng, viết lên ca khúc "Xa khơi" bất hủ qua lời thể hiện của người con gái bờ nam sông Bến Hải, huyện Gio Linh, Trương Tân Nhân.

Cùng chia sẻ nỗi buồn thương và khát khao đất nước sớm thống nhất, đoàn tụ, sau nhiều lần trò chuyện với người gác đèn biển Cửa Tùng, ông Phan Văn Đồng, quê ở bờ nam sông Bến Hải, nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Đằng Giao đã viết nên những ngôn từ xúc động, nhớ thương da diết trong bản tình ca nổi tiếng "Câu hò bên bờ Hiền Lương", lời bài hát ngấm sâu vào máu thịt và đến hôm nay vẫn được nhiều người đang hát.

Khởi nguồn của sông Bến Hải từ các khe suối giữa Trường Sơn thuộc khu vực tây bắc tỉnh Quảng Trị, sông có chiều dài khoảng 65km. Trước đó sông mang tên Rào Thanh, Minh Lương, đến 1885 đổi tên thành Hiền Lương.

Đầu thế kỷ 20 người Pháp gọi con sông này là Bến Hải, xuất phát từ địa danh Bến Hai, nằm ngay trên sông, thuộc địa phận xã Vĩnh Sơn.

Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 chính thức gọi sông này là Bến Hải. Nội dung Hiệp định Geneva có đoạn: "Giới tuyến quân sự tạm thời quy định từ đông sang tây như sau: Cửa sông Bến Hải (Cửa Tùng) và dòng sông đó, trong vùng rừng núi, sông này gọi là Rào Thanh".

Từ đó, các văn bản hành chính của hai phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Việt Nam cộng hòa đều gọi sông này là sông Bến Hải.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải trong ngày hội Thống nhất non sông.

Ông Trần Văn Quý tự hào lịch sử của sông Bến Hải-cầu Hiền Lương-Vĩ tuyến 17 là độc nhất vô nhị trên thế giới chứ không riêng tại Việt Nam. Gắn với sông Bến Hải và đôi bờ một đoạn dài khoảng hơn 20km từ Cửa Tùng lên đến cầu treo Bến Tắt với biết bao nhiêu di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và quốc gia đặc biệt: Bến đò B Cửa Tùng; Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh và các di tích thành phần cầu treo Bến Tắt bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Bao nhiêu ký ức về giai đoạn đau thương của đất nước đều in đậm trên mỗi di tích, là tài nguyên vô giá.

Di tích quốc gia Bến đò B ở xã Vĩnh Giang.

Di tích quốc gia Bến đò B ở xã Vĩnh Giang.

Song ông Trần Văn Quý băn khoăn so với sự phát triển của vùng và các tỉnh, thành phố khác thì sông Bến Hải cần được nâng tầm về cả tính biểu tượng, sức thu hút. Tôi mang cái băn khoăn của ông Quý trao đổi với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thì được sáng tỏ. Tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải cũng như cảnh quan đôi bờ sông Bến Hải với diện tích hơn 100ha. Đây là một kế hoạch tổng thể dành cho con sông và đồng bộ cả đôi bờ.

Đoạn sông Bến Hải chảy qua khu di tích này là trục chính của mọi ý tưởng kiến tạo, quy hoạch. Ngoài khu vực 1 là bảo vệ nghiêm ngặt với những yếu tố gốc như hiện có, khu vực 2 là các công trình phụ trợ bao quanh khu vực 1, nội dung công chúng mong đợi nhất là khu vực phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch cộng đồng, là khu vực cảnh quan thích hợp đón khách trải nghiệm sản phẩm du lịch độc đáo một ngày đêm ở đôi bờ sông tuyến.

Khu này được đề xuất tập trung phát triển theo hướng công viên nông nghiệp, giải trí, sinh thái và sản phẩm thủ công truyền thống các làng nghề để thu hút du khách; xây dựng các resort, các mô hình homestay theo hướng nhìn ra sông Bến Hải để du khách được ngắm sông và đón gió, thưởng thức sản vật của dòng sông, cánh đồng hữu cơ ở đôi bờ.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải được quy hoạch tổng thể để phát triển tương xứng.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải được quy hoạch tổng thể để phát triển tương xứng.

Đoạn sông Bến Hải chảy qua khu di tích này là trục chính của mọi ý tưởng kiến tạo, quy hoạch. Ngoài khu vực 1 là bảo vệ nghiêm ngặt với những yếu tố gốc như hiện có, khu vực 2 là các công trình phụ trợ bao quanh khu vực 1, nội dung công chúng mong đợi nhất là khu vực phát huy giá trị di tích để phát triển du lịch cộng đồng, là khu vực cảnh quan thích hợp đón khách trải nghiệm sản phẩm du lịch độc đáo một ngày đêm ở đôi bờ sông tuyến.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải được quy hoạch tổng thể để phát triển tương xứng.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải được quy hoạch tổng thể để phát triển tương xứng.

Tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Trung ương quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng Cung đường hòa bình có chiều dài khoảng 11 km theo tuyến Quốc lộ 1A. Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải nằm ở trung tâm cung đường, chiều dài mỗi bên của cung đường 5,5km. Tại đây sẽ được trồng thật nhiều cây xanh và hoa tươi, xây dựng một số cụm biểu tượng mang đặc trưng văn hóa các vùng đất của Tổ quốc.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, tỉnh đang quyết tâm đưa dòng sông Bến Hải tương xứng với biểu tượng của mình, không chỉ khai thác phát triển về kinh tế, mà phải kiến tạo, quy hoạch dòng sông thành không gian văn hóa ấn tượng, giữ được nét truyền thống; nơi trải nghiệm độc đáo cho du khách với những câu chuyện thấm đẫm tình người. Câu chuyện về dòng sông Bến Hải luôn day dứt trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam. Chia lìa, đau thương, thống nhất, phát triển, trang sử nào của dòng sông cũng chất chứa hùng tâm của người đi xây dựng đất nước. Để dòng sông Bến Hải luôn chảy về phía rực rỡ tương lai.

Ngày xuất bản: 11/8/2024
Nội dung: LÂM QUANG HUY
Ảnh: LÂM QUANG HUY, THÀNH ĐẠT, TRUNG THÀNH
Trình bày: BẢO MINH