LỮ MAI

Trong thời đại công nghệ số, các bảo tàng lịch sử không còn là những không gian tĩnh lặng, đơn thuần chức năng lưu giữ những hiện vật, mà đã trở thành những “kho tàng sống động” đầy sáng tạo, hấp dẫn. Không ít bảo tàng ứng dụng công nghệ hiện đại để tái hiện quá khứ một cách sinh động; cũng có những bảo tàng làm đậm tính đặc thù, giúp người xem hiểu sâu hơn về lịch sử, cảm nhận được sự gần gũi của các giá trị di sản qua lăng kính thời đại.

Bắt nhịp với công nghệ hiện đại

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, cả nước có 188 bảo tàng, bao gồm 128 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đang lưu giữ hơn 4 triệu hiện vật, trong đó có nhiều bảo vật quốc gia, hiện vật quý giá về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý. Ngay từ năm 1997, đơn vị đã triển khai phần mềm quản lý và năm 2013 tiếp tục xây dựng Bảo tàng 3D với hệ thống thuyết minh tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nhờ đó, khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu thông tin các chương trình, hiện vật trước khi đến bảo tàng, thông qua website, fanpage...

Chiếc "Én bạc" MiG-21 mang số hiệu 4324 được treo trên các sợi cáp gắn với mái tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: BÙI GIANG)

Chiếc "Én bạc" MiG-21 mang số hiệu 4324 được treo trên các sợi cáp gắn với mái tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: BÙI GIANG)

Hiện nay, bảo tàng đã mang đến cách thức trải nghiệm đa dạng hơn cho công chúng, như: tour du lịch ảo, mở các lớp học lịch sử online, chương trình trải nghiệm với hình ảnh 3D, video âm nhạc, trưng bày ảo… tạo nên một “hệ sinh thái” tham quan trực tuyến với đối tượng tiềm năng là du khách nước ngoài và học sinh, sinh viên chưa có dịp đến bảo tàng.

Nối tiếp nhịp đổi mới, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã có những bước chuyển đầy mạnh mẽ để trở thành một biểu tượng về văn hóa, lịch sử của đất nước. Mở cửa đón khách tham quan từ đầu tháng 11/2024 tại địa chỉ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bảo tàng đã đón khoảng 1,5 triệu lượt khách.

Tọa lạc trên diện tích 386.600m2, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam hiện lưu giữ hơn 150.000 hiện vật quý giá, trong đó có 4 Bảo vật Quốc gia, gồm: 2 máy bay MIG- 21 số hiệu 4324 và 5121; xe tăng T54B số hiệu 843; Bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Các hiện vật là chứng nhân sống động của các thời kỳ oanh liệt và gian khổ trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào tháng 10/2012. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Chiếc xe tăng T54B mang số hiệu 843 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào tháng 10/2012. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Trong rất nhiều câu chuyện xúc động về hiện vật, Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhớ lại: Khi hoàn thiện hệ thống trưng bày ngoài trời của bảo tàng tại vị trí mới, ngoài những hiện vật đã có, còn thêm 20 hiện vật khối lớn, trong đó đặc biệt là máy bay C-130. Đây là một trong những hiện vật có kích thước lớn nhất, quãng đường vận chuyển xa nhất. Bảo tàng đã phải triển khai nhiều nội dung: tháo dỡ đúng kỹ thuật, lắp dựng lại, bảo đảm mỹ thuật trưng bày cho hiện vật...

Công nghệ hiện đại là một điểm nhấn tạo nên sức hút của bảo tàng. Việc áp dụng công nghệ vào công tác trưng bày đã mang đến một không gian hiện đại, dễ tiếp cận cho mọi đối tượng. Hệ thống thuyết minh tự động và mã QR giúp khách tham quan có thể tự khám phá thông tin về các hiện vật mà không cần hướng dẫn viên.

Các em học sinh thích thú trải nghiệm sa bàn Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Các em học sinh thích thú trải nghiệm sa bàn Chiến dịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: SƠN TÙNG)

Bên cạnh đó, các video clip, hình ảnh minh họa cùng công nghệ 3D đã tái hiện sinh động các chiến dịch, trận đánh lịch sử và các nhân vật huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam, tạo nên những trải nghiệm đầy cảm xúc.

Ngoài hệ thống trưng bày, bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động tương tác giúp người tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể tham gia vào từng câu chuyện lịch sử một cách sống động, cảm nhận được không khí chiến trường, qua đó thấm nhuần tình yêu đất nước, tự hào về những chiến công mà cha ông đã cống hiến suốt chiều dài lịch sử. Có thể kể tới chuỗi trải nghiệm: Mùa đông binh sĩ, vận chuyển xe đạp thồ, kéo pháo vào trận địa, lắp và bắn nỏ Liên Châu…

Làm mới dựa theo nét đặc thù

Không có kiến trúc đẹp, tiêu biểu cho văn hóa truyền thống dân tộc, Di tích Nhà tù Hỏa Lò (phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từng được nhận định là không có lợi thế, diện tích chỉ còn lại 2.434m2, bằng 1/5 tổng diện tích cũ.

Tuy nhiên, hiện nay, di tích này đã trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất của Thủ đô, đặc biệt thu hút đông đảo giới trẻ. Bước ngoặt ấy nhờ vào sự nhận thức giá trị của di tích ở lịch sử đấu tranh Cách mạng, giải phóng dân tộc. Nhận thức này xuyên suốt các hoạt động, từ việc xác định nét đặc thù để xây dựng tour du lịch, chuyên đề, cách thức trưng bày, quảng bá…

Chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân". (Ảnh: TTXVN)

Chương trình trải nghiệm “Đêm thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân". (Ảnh: TTXVN)

Nếu trước đây, cứ hết giờ hành chính di tích đóng cửa, thì những năm gần đây lúc nào cũng sôi động, nhất là tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Hiện di tích đang vận hành các tour trải nghiệm đêm với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3 - Sống như những đóa hoa” và “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”.

Không gian buổi tối kết hợp âm thanh, ánh sáng cùng những câu chuyện kể chân thực về cuộc sống đọa đày nơi tù ngục. Mỗi câu chuyện được sân khấu hóa bằng các hoạt cảnh, đưa du khách ngược thời gian, cảm nhận lịch sử như đang diễn ra ngay trước mắt.

Bằng cách bố trí hợp lý, có chủ đích, chương trình tác động đến mọi giác quan, mang đến cho du khách nhiều cảm xúc ấn tượng. Hành trình tham quan còn được lồng ghép các trải nghiệm, như: Chạm vào gông cùm, nhập vai người tù để cảm nhận không gian phòng giam tăm tối, chật hẹp; trải nghiệm chui cống ngầm… giúp khách tham quan hiểu rõ hơn gian nan, hiểm nguy mà các chiến sĩ cách mạng đã trải qua.

Tái hiện cảnh lao tù của các chiến sĩ Cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò.

Tái hiện cảnh lao tù của các chiến sĩ Cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò.

Ngoài việc bảo tồn kiến trúc gốc, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn chú trọng đến việc đổi mới các hoạt động trải nghiệm, khuyến khích sự tham gia của công chúng. Thí dụ nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ tháng 7/2024, khu di tích trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng”, khách tham quan được trải nghiệm trong các gian xà lim tử hình tối tăm, ngột ngạt (mô hình phục dựng lại) và lắng đọng cảm xúc khi xem biểu diễn hoạt cảnh cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Văn Mẫn và vợ của mình là đồng chí Mai Ngọc Thuyết cùng con gái trong Nhà tù Hỏa Lò, trước khi bị đày đi Nhà tù Côn Đảo vào năm 1933.

Trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Trưng bày chuyên đề “Thắp ngọn lửa hồng” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Khách tham quan từ cao tuổi đến nhỏ tuổi đều không cầm được nước mắt vì xúc động. Có những chi tiết nhỏ, tưởng chừng khó khai thác vẫn được đầu tư để đưa vào hoạt động như câu chuyện về những cây bàng trong di tích gắn với đời sống những chiến sĩ cách mạng.

Bám sát tính đặc thù, Di tích lịch sử Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) được quản lý, chăm sóc chủ yếu bởi bà con nhân dân. Tổ quản lý di tích được bầu công khai ở từng khu dân cư, có sự chứng kiến của đại diện chính quyền.

Thấu hiểu lịch sử, văn hóa vùng đất, các thành viên tổ quản lý di tích thường bắt đầu ngày làm việc từ lúc 5 giờ sáng cho tới khuya. Biết du khách thường tranh thủ buổi sáng trời mát tham quan sớm, người dân huyện đảo luôn lặng lẽ, tận tụy chăm sóc các khuôn viên di tích sạch sẽ, tươm tất, chỉn chu từ việc thu gom chân nhang trong các lư hương. Khi khách hỏi về lịch sử di tích, bằng chất giọng mộc mạc và ánh mắt rưng rưng, người dân kể rành mạch từng câu chuyện, chi tiết, lễ giỗ...

Du khách đến thăm Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), huyện Côn Đảo. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Du khách đến thăm Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), huyện Côn Đảo. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Khu di tích cũng tổ chức nhiều hoạt động, như: thi viết thư pháp, trưng bày giới thiệu quà tặng, hội thi bánh dân gian, chương trình nghệthuật đờn ca tài tử, thi cắm hoa, thi bày mâm ngũ quả… Người dân kiêm quản lý, hướng dẫn viên cũng đã hào hứng nhập cuộc vào chuyển đổi số. Họ nhiệt tình chỉ dẫn cho du khách thao tác nhấn chuột đơn giản trên máy tính hoặc nhấn chạm trên màn hình điện thoại thông minh để có thể “dạo bước” trong không gian số của di tích.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, các bảo tàng có chức năng lưu giữ, lan tỏa giá trị lịch sử dân tộc đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và quan trọng hơn là tô đậm nét đặc thù. Di sản ký ức phải được truyền từ đời này sang đời khác, đó là thông điệp xuyên suốt của các bảo tàng, là kim chỉ nam giúp nhiều đơn vị vượt qua thử thách để hiện vật mang dấu ấn ký ức, gắn với từng câu chuyện về lịch sử thiêng liêng… được lan tỏa sâu rộng hơn, để từ đó càng thêm ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đáng tự hào của dân tộc.

Ngày đăng: 30/4/2025
Trình bày: PHƯƠNG NAM