Nhà văn, dịch giả Phan Việt (tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Hường) được bạn đọc biết đến với loạt tác phẩm văn học từ khi 20 tuổi cho đến nay, từ  “Phù phiếm truyện”, “Tiếng người”… đến “Một mình ở châu Âu”, “Xuyên Mỹ”, “Về nhà”, “Trái tim không”. Chị cũng là Tiến sĩ hiếm hoi về ngành Công tác xã hội từ sau năm 1975 đến nay. Hiện PGS, TS Phan Việt giảng dạy và nghiên cứu tại Mỹ, tham gia rất nhiều hoạt động hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo về công tác xã hội. Đặc biệt, sau khi xuất gia, Phan Việt nỗ lực đóng góp tiếng nói của mình nhằm cùng cộng đồng trả lời câu hỏi “Sống thế nào để có hạnh phúc thật?” mà chị gọi là Sống Sáng.

Nhân dịp đầu năm mới, chị đã dành cho Báo Nhân Dân một cuộc trò chuyện nhiều suy ngẫm.

Chúng ta đều đang bày tỏ sự hiện diện của mình trong thế giới

Phóng viên: Cuốn sách mới “Sống Sáng” của chị khác với dòng sách văn học trước đây, từ “Phù phiếm truyện”, “Tiếng người”, “Một mình ở châu Âu”, “Xuyên Mỹ”, “Về nhà”. Vậy “Sống Sáng” có ý nghĩa thế nào trong hành trình sáng tác của chị với tư cách một người viết?

PGS, TS Phan Việt: Nếu nói về thể loại thì Sống Sáng có thể cùng lúc được xếp vào dòng sách self-help (sách tự lực), sách phát triển bản thân (personal growth), sách kỹ năng sống, hoặc tôn giáo-tâm linh, nhưng không phải sách văn học. Nhiều bài viết trong sách có yếu tố văn học nhưng về cơ bản thì không phải sách văn học. Tôi viết nó bắt đầu vì từ năm 2018 đến 2022, tôi sống trong chùa và nhận được nhiều câu hỏi mà lõi thì thực chất là một câu hỏi này: “Sống thế nào thì có hạnh phúc thật?” Cuốn Sống Sáng này tập hợp những gì tôi viết để trả lời câu hỏi trên trong những năm qua.

Tôi nghĩ là tất cả những gì tôi làm từ trước tới nay – dù viết văn, dịch sách, viết báo, dạy học, hay tu hành – đều là những bày tỏ. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều đang bày tỏ sự hiện diện của mình trong thế giới. Đang sống là đang viết một cuốn sách quan trọng - viết bằng chính cuộc đời mình. Thời kỳ trước đây, cuốn sách văn chương mà tôi viết và cuốn sách mà tôi sống là khác nhau. Bây giờ, chúng là một. Tôi chỉ đang cống hiến hết những gì tôi là, một cách trọn vẹn nhất có thể.

Phóng viên: Tôi vẫn nhớ một bài báo viết về chị với tít “Phan Việt-những tiếng nói một đời không bày tỏ hết”. “Sống Sáng” đã phải là bày tỏ hết hay chưa khi lựa chọn nội dung “cách sống”- một câu chuyện lớn đặc biệt là trong xã hội hiện đại quá nhiều biến động hiện nay?

PGS, TS Phan Việt: Sống Sáng chỉ là cuốn khởi đầu của dòng sách Sáng. Như tôi có viết trong lời giới thiệu sách: Sống Sáng là câu trả lời và lời mời của tôi trước câu hỏi “Sống thế nào?” dựa trên kinh nghiệm nhiều năm bôn ba thế giới, trong chùa và ngoài chùa. Lời mời thế này: Không phải sống kiểu Á Đông, kiểu Mỹ, kiểu Nhật, kiểu tu hành, kiểu khoa học, kiểu nghệ sĩ, hay kiểu gì khác… mà hãy là SỐNG kiểu SÁNG. Bởi vì sáng là đặc điểm xuyên suốt mọi tồn tại hạnh phúc. Sau cuốn Sống Sáng, tôi sẽ ra một loạt sách bổ trợ để giúp mọi người sống sáng ở trong các lĩnh vực cụ thể của đời sống hàng ngày: ăn uống sáng, mặc sáng, nhà ở sáng, dạy con sáng, học sáng, gia đình sáng, tu sáng.

Phóng viên: Lắng nghe câu chuyện của mỗi người, chị thấy điều cản trở con người đương đại sống sáng nhất là gì?

PGS, TS Phan Việt: Là thu nhận và tích tụ quá nhiều rác; cho đến lúc rác đó che hết ánh sáng chân thật, vốn có, của mình – tức sự tử tế, trong sáng, thông tuệ, yêu thương và hạnh phúc tự nhiên. Chúng ta thu nhận rác qua đường tai – tức những thứ mình nghe. Rác qua đường mắt – khi nhìn, đọc, xem quá hổ lốn. Rác qua đường miệng – ăn uống, nói năng. Rác trong các quan hệ. Rác trong học tập, công việc. Rác tư tưởng. Rác tự sinh trong nội tâm, vân vân… Vì thu nhận quá nhiều rác mà không làm sạch nên bên trong mỗi người tự bị ô nhiễm, đưa đến các bệnh của thân và khổ sở của tâm. Bên ngoài xã hội cũng nhiều rác, đưa đến các vấn nạn và bức xúc lẫn nhau. Tôi viết cuốn Sống Sáng là để giúp mỗi người dọn rác trong ngoài để được sạch, sáng, mát lành, hạnh phúc thật.

Phóng viên: Việc chia nhỏ thành hơn 200 câu chuyện để nói về “cách sống” qua rất nhiều tình huống cụ thể, như chị nói giúp độc giả tiếp cận từ bất cứ trang nào, chủ đề nào, câu chuyện nào, song liệu nó có làm “ngắt mạch” một lối viết nhẹ nhàng nhưng cũng rất quyết liệt và nhiều suy tưởng từng thấy qua nhiều tác phẩm của Phan Việt?

PGS, TS Phan Việt: Tôi không giới hạn vào một cách viết nào. Xuất phát của cuốn sách này là những câu hỏi và câu chuyện về người thật, việc thật, vấn đề thật, khổ đau thật trong các lĩnh vực đời sống. Cho nên có sao thì nói như vậy; có vấn đề gì thì giải quyết vào vấn đề đó. Cần mạnh thì mạnh, cần nhẹ thì nhẹ. Cần quyết liệt thì quyết liệt; không cần thì thôi. Cần nghĩ thì nghĩ; không cần nghĩ thì nghỉ sự suy nghĩ.

Tôi không làm gì để xây dựng một nhà văn Phan Việt nữa

Phóng viên: Vì sao chị quyết định dịch "Nhìn kỹ thấy rõ", quá trình dịch có những chuyển dịch quan trọng nào trong tâm tưởng của Phan Việt nhằm hướng đến viết  để "đánh thức" tâm sáng của người đọc?

PGS, TS Phan Việt: Tác giả cuốn “Nhìn kỹ, thấy rõ” là thiền sư Sihananda, một người thầy của tôi. Nếu ai tu thật mà gặp cụ thì sẽ hiểu cụ là một bậc thầy quý hiếm thế nào. Cụ xuất thân mồ côi, phải bươn chải kiếm sống lúc trẻ, rồi đi lính và có nhiều trải nghiệm đau đớn trên chiến trường. Chính điều này trở thành động lực cho cụ tu trong rừng núi nhiều năm với một sự dũng mãnh phi thường. Khi gặp cụ, tôi được dạy sự không sợ hãi và một tình thương rất mộc và thẳng, do đã đi qua lửa. Tôi yêu kính cụ và mong người khác cũng được tiếp xúc với cụ để được “động tâm”. Cho nên tôi dịch ba cuốn sách cụ viết lúc trẻ. Dịch sách của cụ luôn là thẳng tâm và để lời lẽ tự lưu lộ ra, chứ không dùng ý và các thiện xảo văn chương của cá nhân mình.

Dịch sách của cụ luôn là thẳng tâm và để lời lẽ tự lưu lộ ra, chứ không dùng ý và các thiện xảo văn chương của cá nhân mình.

Phóng viên: Từ dịch giới thiệu “Trái tim không”, “Nhìn kỹ thấy rõ” của Thiền sư Shihanada Shikkhu đến viết “Sống Sáng” có phải là dấu chỉ một sự chuyển hoá sâu sắc ngòi bút của nhà văn Phan Việt?  

PGS, TS Phan Việt: Tôi không làm gì để xây dựng một nhà văn Phan Việt nữa. Viết chỉ là một công cụ để tôi giúp cho đời sống mọi người được hạnh phúc chân thật thôi.

Phóng viên: Không chỉ nói về “Sống Sáng”, nhà văn Phan Việt cũng tiếp tục có những hoạt động thực tiễn liên quan ngành Công tác xã hội mà chị được đào tạo tại Mỹ. Hoạt động chăm sóc cộng đồng nào mà chị nhiều trăn trở nhất trong thời gian qua?

PGS, TS Phan Việt: Nói cho gọn thì chỉ có một việc: giúp mọi người hạnh phúc thật. Tôi tin là những con người sáng sẽ tạo ra các gia đình sáng, cộng đồng sáng, và xã hội sáng. Cho nên tôi muốn làm những gì mà giúp từng cá nhân sáng lên. Giáo viên sáng, học sinh sáng, cha mẹ sáng, bác sĩ sáng, nông dân sáng, nhà báo sáng… thì đưa đến cộng đồng sáng. Viết sách là cách giúp mọi người sáng lên. Các hoạt động giáo dục, tư vấn, trị liệu mà tôi sẽ làm cũng vậy. Tôi thành lập tổ chức phi lợi nhuận Sáng và ra dòng sách Sáng này để giới thiệu nền tảng cho một cách sống khác mà hạnh phúc thực. Đấy là mong muốn lớn nhất của tôi và tôi hướng mọi hoạt động về điều này.

Phóng viên: Liệu sắp tới Phan Việt có trở lại với tư cách một tác giả văn học chuyển tải những trải nghiệm "sống sáng" của chị?

PGS, TS Phan Việt: Có, sẽ có sách kể lại các trải nghiệm của tôi trong những năm qua. Có điều sách của tôi bây giờ thường tự viết chính nó chứ tôi không lên kế hoạch.

Viết chỉ là một công cụ để tôi giúp cho đời sống mọi người được hạnh phúc chân thật thôi.

Tôi sẽ xuất bản các sách lõi về nền tảng của một đời sống sáng

Phóng viên: Một vài dự định cho dòng sách Sáng cũng như hoạt động Công tác xã hội thời gian tới của chị ở Việt Nam?

PGS, TS Phan Việt: Trong năm 2025 và 2026, tôi sẽ xuất bản các sách lõi về nền tảng của một đời sống sáng; đặc biệt là sách về học tập sáng và dạy con sáng. Tôi sẽ sửa và tái bản lại bộ sách Bất hạnh là một tài sản trong Sáng Books. Tôi cũng sẽ ra thêm sách về các vị thầy của tôi.

Phóng viên: Những phản hồi của người đọc Phan Việt mà chị nhận được có mang lại cho chị lòng tin về con đường mình đang chọn?

PGS, TS Phan Việt: Nó là ngược lại. Tôi đã bắt đầu hành trình này ít nhất từ năm 2010, nhưng thực tế là hành trình cả đời. Nó là một hành trình tự thân, do tự thôi thúc. Mong muốn chia sẻ với mọi người chỉ đến sau khi tôi nếm được hạnh phúc mà tôi tự biết là có thật và đủ bền. Phản hồi tích cực của người đọc mang thêm động lực, nhưng phản hồi tiêu cực cũng là động lực. Sách của tôi từ xưa đến nay luôn là kiểu sách mà người đọc tiếp xúc trong im lặng.

Phản hồi tích cực của người đọc mang thêm động lực, nhưng phản hồi tiêu cực cũng là động lực.

Tôi cũng nghĩ là sách của tôi thường chạm đến những người đã có trải nghiệm đời sống rồi. Cho nên nhiều bạn đọc chia sẻ rằng họ không thấy ấn tượng khi đọc sách của tôi lúc trẻ; nhưng khi đã có trải nghiệm khổ đau và trả giá trong đời, họ đọc lại thì cảm nhận khác.

PHAN VIỆT, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy tại Việt Nam, hiện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành công tác xã hội tại Đại học Minnesota – đại học công lớn thứ 6 tại Hoa Kỳ. Chị được đào tạo cả trong nước và nước ngoài, với những mốc cơ bản sau:

-        2000: Cử nhân kinh tế ngoại thương, Đại học Ngoại thương Hà Nội.

-        2002: Thạc sĩ truyền thông, Đại học Nebraska, Mỹ.

-        2006: Thạc sĩ công tác xã hội, Đại học Chicago, Mỹ.

-        2010: Tiến sĩ công tác xã hội, Đại học Chicago, Mỹ.

-        2010 - nay: Phó Giáo sư, Đại học San Jose; Đại học South Carolina; Đại học Minnesota, Mỹ.

Phan Việt là người đầu tiên tại Việt Nam sau 1975 có bằng tiến sĩ ngành công tác xã hội. Chị từng được bằng khen của Bộ Lao động–Thương binh và xã hội cho các đóng góp để phát triển nghề công tác xã hội Việt Nam và giải thưởng “Người phụ nữ truyền cảm hứng” tại Mỹ. Chị sáng lập tổ chức phi lợi nhuận SÁNG nhằm giúp các cá nhân, gia đình, và cộng đồng có đời sống sáng, với hạnh phúc chân thật.

Ngày xuất bản: 29/1/2025
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: CAO HẢI GIANG
Trình bày: NGỌC DIỆP