Có những thành phố biết cách giữ người bằng ánh sáng. TP Hồ Chí Minh giữ người bằng nhịp. Suốt hai thập niên qua, thành phố này không chỉ là tâm điểm của mọi sân khấu, mà còn là nơi những người viết học cách sống sót giữa tiếng nhạc nền và sự im lặng sau hậu trường. Một thế hệ bắt đầu bằng báo in, đi qua truyền hình, rồi đứng sau những dòng thoại trên nền tảng số. Họ không thay đổi bản chất, chỉ thay đổi cách kể lại mình. Người ta viết không phải để nổi tiếng, mà để không bị nuốt chửng. Và nếu còn trụ lại được đến hôm nay, có lẽ họ đã học xong một điều: chữ nghĩa, khi đủ trung thực và im lặng, vẫn có thể sống sót trong một thành phố không bao giờ ngủ.

1. TP Hồ Chí Minh không gọi ai đến. Nó cứ đứng đó, mở sẵn đèn, cho người ta tự bước vào. Gần hai mươi năm trước, tôi cũng vào thành phố này như thế. Chỉ là mang theo vài bài viết, vài số báo cũ in tên mình và chiếc ba-lô nhỏ bắt đầu hành trình từ Hà Nội. TP Hồ Chí Minh thử gan người mới mỗi ngày. Bằng deadline, bằng thời tiết, bằng sự lặng im sau ánh đèn của một buổi talkshow kết thúc muộn.

Báo chí TP Hồ Chí Minh, đa số nhà báo sống bằng chữ, nhưng không mấy ai còn thì giờ để nâng niu nó. Muốn tồn tại, người viết phải học cách cắt bỏ phần thừa: bỏ rườm rà, bỏ lãng mạn, bỏ cả nhu cầu được nhớ tên. Viết, rồi đi tiếp. Nếu Hà Nội là nơi giữ chữ, thì TP Hồ Chí Minh là nơi mài chữ. Không êm ái. Nhưng thật.

Tôi từng nghĩ báo in sẽ chết. Nhưng rồi tôi nhận ra, không phải, mà là kiểu viết cũ không còn sức chống chọi. Người viết phải biết chuyển thể chính mình, như phim được dựng lại từ một tiểu thuyết đã phai bìa. Cốt lõi còn lại, là nhịp. Ai giữ được nhịp, người đó còn sống.

Các phóng viên tác nghiệp năm 2015 - thời điểm tạp chí và báo online có những giao thoa và đổi thay.

Các phóng viên tác nghiệp năm 2015 - thời điểm tạp chí và báo online có những giao thoa và đổi thay.

Họ đến thành phố này không phải để nổi tiếng. Mà để không phải bỏ nghề. Ở Hà Nội, chữ nghĩa đôi khi đòi một kiểu chậm: phải đằm, phải đủ lớp, phải đúng giọng. Ở TP Hồ Chí Minh, chữ phải chạy. Thành phố này dạy người ta viết như một nghề sinh tồn: viết để kịp giờ phát sóng, viết để dựng xong một bản tin, viết để đổi lấy nhuận bút cho tháng tới. Và trong cái nhịp sống luôn gấp hơn một nhịp ấy, vẫn có những người lặng lẽ lớn lên mà không cần ai phát hiện, cũng không cần được giới thiệu là “cây bút đến từ miền bắc”.

Không ai thật sự rời bỏ Hà Nội. Chỉ là khi đi, họ mang theo một kiểu khí lạnh của ký ức. Và để nó lắng lại, trong từng đoạn văn được viết ở miền nắng khác.

Nhiều người trong số họ sau này trở thành thư ký tòa soạn, biên tập cấp cao, giám đốc nội dung. Nhưng họ không quên những năm đầu sống bằng từng bài cộng tác, từng show ghi hình ca nhạc, từng dòng mở đầu kịch bản như thể đang nói hộ tiếng lòng người khác.

TP Hồ Chí Minh dùng thị trường để chọn lọc. Và những người viết, nếu còn đi được với nó tới hôm nay, tức là họ đã học xong cách im lặng để tồn tại, mà vẫn giữ được một giọng nói riêng.

Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm báo chí TP. HCM (05-05-2019).

Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm báo chí TP. HCM (05-05-2019).

2. Nếu ví báo chí như một cô gái đẹp, thì báo chí TP Hồ Chí Minh không mặc sơ-mi trắng. Nó mặc váy ngắn, son đậm và biết chụp hình ở góc đẹp nhất.

Từ đầu những năm 2000 và kéo dài tới gần hai thập kỷ, thành phố này chứng kiến một cuộc lên ngôi lặng lẽ của các tạp chí thời thượng: Đẹp, Elle, Bazaar, L’Officiel, Thời trang trẻ, Sành điệu... Những cái tên gợi nhắc đến ánh đèn phòng trang điểm, đến nước hoa trên cổ tay, đến chuyện người ta sống không chỉ để tồn tại, mà để kể lại mình theo một cách có thẩm mỹ. Phía sau những ấn phẩm ấy là các công ty tư nhân, như Sun Flower Media, Lê Media, Asia Cas, Luxuo Media... không đợi ngân sách nhà nước, chỉ cần biết cách đọc thị trường. Họ đưa tạp chí nhượng quyền về Việt Nam như đưa một chiếc váy couture về đường Đồng Khởi: không vừa với tất cả, nhưng khiến ai vừa được thì đổi đời.

Nếu báo chí Hà Nội là một căn phòng cũ với ánh đèn vàng ấm, thì báo chí TP Hồ Chí Minh là dãy showroom mở cửa tới nửa đêm. Mỗi ấn phẩm là một mặt tiền sáng bóng. Mỗi trang bìa là một lời chào thị dân. Không cần đi Paris hay Milan, chỉ cần bước ra sạp báo đầu hẻm, người ta cũng có thể chạm vào khái niệm gọi là “phong cách sống”. Người thành phố khi ấy không chỉ đọc báo để biết gì đang xảy ra, mà để biết mình nên sống như thế nào. Đọc để chọn mùi nước hoa. Đọc để hiểu ánh sáng nên rọi từ đâu khi chụp ảnh. Đọc để phân biệt được giữa beige và nude. Và đọc để biết, giữa đời thật và dàn dựng, ranh giới đôi khi chỉ là cách in chữ.

Các tạp chí nhượng quyền và phong cách sống thời ấy sống được không phải nhờ tin nóng, mà nhờ biết lạnh - lạnh trong bố cục, lạnh trong phông nền, lạnh trong ánh mắt của người mẫu đang nhìn thẳng vào bạn qua trang giấy. Và chính thứ lạnh đó, thứ xa cách sang trọng ấy, lại khiến người đọc muốn được chạm vào.

Các ấn phẩm báo chí TP.Hồ Chí Minh.

Các ấn phẩm báo chí TP.Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Minh Đức, từng là cây bút văn nghệ của Báo Tiền Phong trước khi lặng lẽ vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Không ai nhớ rõ anh đến đây từ lúc nào, chỉ biết bài của anh xuất hiện đều đặn ở những tờ báo văn hóa, những mục nhỏ cuối tuần, những chuyên mục mà người đọc dừng lại lâu hơn mức tưởng tượng.

Anh không phải kiểu viết để gây bão. Anh viết như người kéo màn cho một sân khấu sáng đèn: lui về sau nhưng không rời khỏi cuộc chơi. Sau này, anh làm truyền hình. Biết giật tít, biết lược bỏ, biết chấp nhận đoạn mình tâm đắc bị cắt. Nhưng vẫn giữ một nguyên tắc: viết mà mất nền tảng thì nhanh tới đâu cũng chỉ là tiếng gió thổi ngang qua màn hình. Trong điện thoại của anh có các app nghe nhạc, trong nhà là 1.500 đĩa phim gốc. Một người sống song song giữa hai thế giới và chính điều đó khiến anh không bao giờ lạc thời.

Lê Lan Anh, người đàn bà viết về đàn bà, không phải bằng sự thương cảm, mà bằng cái nhìn thẳng. Chị bước qua giai đoạn 2010-2020 như đi trong hành lang gió: một tay giữ báo in, tay kia dò đường với nội dung số. Viết tạp chí, làm truyền hình, đứng sau những chiến dịch tôn vinh phụ nữ, nhưng cũng là người đầu tiên thấy mỏi mệt với tiêu chuẩn kép: hiện đại nhưng vẫn phải đảm đang, mạnh mẽ nhưng không được quên vai trò trong bếp. Nhiều câu chuyện chị không thể kể trên báo, chị kể trong những hội thảo nhỏ. Nhỏ đến mức người ta không chụp ảnh check-in, nhưng vừa đủ để vài người phụ nữ rơi nước mắt khi rời khỏi. Chị từng nói, nếu phải gửi thư cho chính mình năm 2010, chị chỉ viết một chữ: Thương. Và có lẽ, trong chữ đó, đủ cả một quãng đời bền bỉ đi giữa gió ngược.

Lê Minh Hạ, phóng viên hậu trường bền bỉ nhất của báo chí văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhớ đêm nhạc Cho em một ngày của Thanh Lam tại sân khấu Lan Anh, năm 1997. Gần nửa đêm, tôi vừa phỏng vấn hậu trường xong thì chạy đi rửa phim, rồi về nhà viết tay trên giấy manh. Cảm giác lúc đó là: chỉ mình, người viết báo, được kể lại đêm ấy cho hàng nghìn người. Lê Minh Hạ không chọn đứng giữa sân khấu. Anh đi song hành, như người trên vỉa hè nhìn dòng người. “Làm nghề mà lẫn mình vào ánh sáng là dễ bị cuốn trôi. Làm báo, tôi chọn ở lề, để thấy rõ hơn”. Với anh, viết báo không phải để trông như nghệ sĩ, mà là để phục vụ công việc này, trong một thành phố luôn rực đèn và không bao giờ ngủ.

Cả ba người, ba giọng nói, là đại diện cho một thế hệ làm báo không chỉ viết bằng bàn phím, mà còn viết bằng trực giác xã hội.

4. Những ngày đầu sống ở TP Hồ Chí Minh, cái nghèo khiến tôi viết như thể không còn gì khác để bám vào: lời dẫn talkshow, phỏng vấn nghệ sĩ, đôi khi là kịch bản gameshow quay lúc 1 giờ sáng. Tới lúc tên mình dưới dòng “thư ký tòa soạn” của một tạp chí liên kết, tôi không mừng. Tôi mất ngủ. Không phải vì vui, mà vì không biết mai có trễ deadline khác không.

Cuộc sống chạy rất nhanh, như con tàu vào ga cuối. Người ta không còn đọc báo giấy, mà đọc dữ liệu trên điện thoại. Báo in từng là thói quen cùng cafe buổi sáng. Giờ, một cái reel 30 giây cũng có thể khiến người ta nhớ suốt cả ngày. TP Hồ Chí Minh không giữ nguyên công cụ. Thành phố chạy, nên mọi thứ thay đổi rất nhanh. VieOn, MCV, METUB, YEAH1... không làm báo theo cách cũ. Họ không có tòa soạn in, nhưng có phòng dựng. Không có bản bông, nhưng có chỉ số tương tác theo giờ. Một cú click đôi khi giá trị hơn cả nghìn chữ.

Người viết, giờ không chỉ là người viết. Họ là người dựng, người nói, người diễn giải lại thế giới, trong giới hạn của một caption, một voice over, một đoạn clip chưa đến một phút. Nhưng dù gõ trên máy chữ, phím cơ hay màn hình điện thoại, vẫn có một điều không thay đổi: ai còn giữ được sự trung thực và khả năng kể chuyện, người đó vẫn còn sống với nghề.

Tôi không biết mình đã đi qua bao nhiêu deadline trong đời, chỉ biết, phần lớn trong số đó rơi vào ban đêm. Làm báo ở đâu cũng thế, không phải để trở nên vĩ đại với cuộc đời. Mà chỉ là một cách để không đánh mất chính mình, khi thế giới thay đổi quá nhanh.

Nhà báo, nhà văn Dương Bình Nguyên, tên thật Dương Văn Toàn, sinh năm 1979 tại Thái Nguyên, đã xuất bản 5 tập truyện ngắn và đoạt một số giải thưởng. Tốt nghiệp Học viện An ninh năm 2001, Dương Bình Nguyên về công tác tại Báo Công an nhân dân. Trước khi trở về Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Chuyên đề, Truyền hình ANTV, anh là Trưởng cơ quan đại diện Cục Truyền thông CAND tại TP Hồ Chí Minh.

Nội dung: Dương Bình Nguyên
Trình bày: Dương Thịnh
Ảnh: Nhân Dân, thanhnien.vn